Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Xin gọi nhau là cố nhân - Song Ngọc

Xin gọi nhau là cố nhân - Song Ngọc

Để tạo ra một nét riêng, mỗi một người nghệ sĩ hay thường dành cho mình một nghệ danh. Thế nhưng, cũng có nhiều nhạc sĩ, với những lý do riêng, họ có rất nhiều bút danh/ nghệ danh. Chính vì vậy, mà không ít người nghe đã ngạc nhiên khi biết tác giả của một tác phẩm nổi tiếng này cũng chính là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng khác, với hai bút danh khác nhau.
Một trong những người đó, là nhạc sĩ Song Ngọc, hay được biết đến như nhạc sĩ Hàn Sinh của "Xin gọi nhau là cố nhân", hay Hoàng Ngọc Ân của "Định mệnh", cũng chính là Song Ngọc của "Tiễn đưa", người đầu tiên phổ thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, mọi thứ rồi sẽ trôi qua, chỉ có hai thứ cơ bản còn ở lại, đó là tri thức và kỷ niệm.
Mỗi khi gặp những người lớn tuổi, tôi thường được nghe câu nói này. Đây không phải là câu dạy dỗ, mà là lời chia sẻ tự đáy lòng. Và, càng ngẫm nghĩ, tôi thấy điều đó thật đúng.
Nhưng, trong bài viết này, điều tôi muốn nói hơn hết không phải là kiến thức mà là những kỷ niệm. Nói về sự học để trở thành một trí thức, tôi ấn tượng với câu nói của cố nhà thơ Chế Lan Viên: “Phải học. Học không phải để cho vui, mà để không ai giết được mình”. Tôi lại nhớ đến một câu khá nổi tiếng của nhà toán học Galilê: “Tôi tin rằng trên thế giới không có sự hận thù nào lớn hơn là hận thù của sự kém hiểu biết chống lại sự hiểu biết”. Tôi xin đặt hai câu này nằm kề nhau, để làm nổi bật lên một điều rằng: tri thức hay sự hiểu biết là vô cùng quan trọng. Trên trần gian này, dường như mọi sự nhầm lẫn dẫn đến ngộ nhận và bi kịch đều xuất phát từ sự kém hiểu biết. Và, do vậy, cũng cần phải hiểu sự học ở đây không chỉ nằm trong phạm vi sách vở, nhà trường. Học để “không ai giết được mình” là để sáng suốt mạnh mẽ hơn, là một việc bền bỉ, suốt đời.
Chúng ta sống trong đời này, nếu cần có thể quên luôn cả kiến thức, nhưng không thể nào quên được kỷ niệm.
Có những kỷ niệm đau buồn. Có những kỷ niệm ngọt ngào. Có những kỷ niệm mà khi nhớ lại khiến lòng ta dâng trào tiếc nuối lẫn ân hận, ta ước sao thời gian có thể quay trở lại để mình sửa chữa những lỗi lầm, để sống đẹp hơn. Có những kỷ niệm dẫn ta về một thời trong trẻo nhất, khiến chính ta cũng bất ngờ, thầm thốt lên: “Ồ, sao ngày ấy mình dễ thương quá vậy!”
Kỷ niệm, dẫu vui hay buồn, dẫu ngọt như viên kẹo hay cay như ly rượu, thì có còn hơn không. Không ai có thể sống mà không có một mẩu kỷ niệm nào. Cũng như không ai có thể sống mà không nhớ thương một người nào.
Tôi nghĩ tôi cũng như những người đàn ông đàn bà khác, thường nhớ về mối tình đầu của mình.
Đó là một cô gái học cùng lớp. Cô có gương mặt xinh xắn và tính nết ngoan hiền. Cô không tinh nghịch nhưng rất hay cười. Mỗi khi cô cười là gương mặt bừng sáng, phảng phất một cái lúm đồng tiền. Tóc cô để dài buông qua vai. Cô thường ôm chiếc cặp da trước ngực và bước đi với sự sống động của đôi bờ vai và đôi bàn chân thanh xuân khỏe khoắn.
Nhà cô với nhà tôi xa nhau lắm. Cái xa nhau lắm của ngày xưa là xa tới mức không thể đi bộ mà phải cưỡi xe đạp. Cho nên, mỗi ngày đến trường, tôi chỉ có thể lén trộm nhìn cô khi cô ôm chiếc cặp trước ngực bước trên khoảng sân trường. Còn khi cô ra tới bãi gửi xe, dắt chiếc xe đạp ra, rồi mất hút ngoài phía cổng trường là tôi rơi vào hụt hẫng. Đã nhiều lần tôi muốn phóng xe đạp theo cô, muốn song song với cô trên suốt chặng đường. Nhưng tôi nào có xe đạp. Không phải vì nhà tôi nghèo tới mức không sắm nổi xe đạp. Mà, tôi không có lý do gì để cưỡi xe đạp đi học khi nhà quá gần trường.
Nhưng rồi một ngày nọ tôi cũng được cưỡi xe đạp… theo sau nàng!
Thật ra thì tôi giả bộ muốn về nhà thằng bạn chơi, nhà nó ở gần nhà cô ấy. Nó nhiều lần kêu tôi về nhà nó, nhưng tôi không mấy hứng thú, bây giờ thì tôi giả bộ làm như thích thú. Nhưng dường như nó “đi guốc trong bụng” tôi, thay vì nó chở tôi thì bắt tôi chở nó. Khổ nổi nó to nặng như một con gấu, nên tôi phải còng lưng mà đạp, vừa đạp vừa thở phì phò. Tất nhiên là cô ấy bỏ rớt chúng tôi lại phía sau. Tôi chẳng thể song song với cô ấy một chặng đường làng, nhưng bù lại chuyến đi ấy tôi biết được ngõ nhà người mình thương.
Rồi một ngày, có lẽ là một ngày rồ dại của tuổi trẻ (mà bây giờ người ta hay gọi là…trẻ trâu) tôi phóng xe tới ngõ nhà cô. Đó là một buổi sáng chủ nhật. Tôi chẳng có lý do gì để đến. Tôi cũng chẳng bịa ra trước một lý do gì. Cứ nhớ đến cô rồi dắt xe ra rồi cắm đầu đạp. Cho đến khi dừng trước cổng nhà, nơi có một cây khế rợp bóng mát và một cái giếng nhỏ nằm ngay lối đi vào, thì tôi thấy mình như một thằng ngố. Lúc đó, trong đầu tôi thoáng ý nghĩ đạp xe qua nhà thằng bạn. Nhưng trong khi tôi đang chuẩn bị quành xe thì thấy một cái bóng từ ngoài lướt vào. Và, đó không ai khác chính là cô ấy.
Mở to đôi mắt, cô nhìn tôi. Tôi cũng mở to đôi mắt nhìn cô ấy. Không biết cô ấy thấy gì trên gương mặt tôi. Còn tôi thì thấy đôi má cô ửng hồng. Và, đây là điều mà cô ấy chắc cũng không hề biết, chiếc quần dài vải hoa mà cô ấy mặc ở nhà có một vết rách như cái móng tay ngay chỗ đùi. Lúc ấy, rất vô tình ánh nắng rọi vào, ánh mắt tôi rọi vào, và tim tôi như ngừng đập. Đó có lẽ là cú… va chạm sex đầu tiên trong đời khiến tôi choáng váng!
Tôi giả bộ hỏi đường sang nhà thằng bạn, cô ấy chỉ xong rồi chạy ù vào nhà.
Vậy rồi thời gian cứ thấm thoát trôi qua. Tôi vào Quy Nhơn học. Trong những giấc mơ tôi vẫn mơ về cô ấy. Nhưng, đó chỉ như một thứ tàng thức. Cuộc sống nhiều thay đổi. Tôi cũng thay đổi. Và, mối tình đầu tự nhiên tan như sương khói. Giờ chỉ còn lại nỗi nhớ. Giờ đôi khi tôi tự hỏi, có bao giờ cô ấy nhớ tới mình không? Có nhớ một chút nào không?
Tôi đã xa quê lâu năm, với rất nhiều nỗi nhớ. Nỗi nhớ mối tình đầu là nỗi nhớ rất thật. Nỗi nhớ được khởi sinh và nuôi dưỡng trên khung cảnh làng quê. Tôi tiếc những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ mình phải sống tha hương, lạc loài nơi phố xá. Và, tôi biết mình vĩnh viễn mất những gì đẹp đẽ nhất dù có trăm ngàn lần quay trở lại.
"Ra đi là mất quê hương
Nửa đời ngoái lại con đường vời xa
Bạn bè dăm đứa bôn ba
Cuối năm ngồi rót quê nhà vào ly"
Bây giờ đã là những ngày cuối năm. Lại một cuối năm nữa rồi. Bạn bè giờ gặp nhau thường gọi đùa là… bạn già, dù chưa già lắm, dù chỉ mới… sồn sồn. Gọi đùa thế thôi, nhưng có lẽ ai cũng cảm nhận mình không còn trẻ nữa. Trong mênh mang kỷ niệm, tôi lại nhớ một kỷ niệm tuổi học trò. Ngày ấy ở Quy Nhơn, mỗi khi vào quán uống nước, mỗi chúng tôi đều chừa một cái ghế trống bên cạnh. Ai là vị khách sẽ đến? Không ai cả. Mỗi một chiếc ghế trống ấy là tượng trưng cho chỗ ngồi một… cố nhân, một mối tình đầu sương khói. Cái kiểu chúng tôi ngày ấy, bây giờ bọn trẻ có làm không? Hay chúng sẽ nghĩ rằng đó là kiểu… thần kinh. Riêng tôi thì thấy sao mà dễ thương quá.
Vậy mà những ngày dễ thương ấy đã chìm khuất phía chân trời, đã trôi vào một miền dĩ vãng mịt mùng. Giờ, nếu có còn gặp lại, có ngồi bên nhau thì cũng không còn cảm xúc bùng cháy như ngày xưa nữa. Thỉnh thoảng gặp nhau, tưng bừng bia rượu, kéo nhau vào quán karaoke, các “bạn già” lại giành micro mà hát những bản bolero thần sầu. Tôi không biết hát, nhưng thích nghe bài “Xin gọi nhau là cố nhân”. Và, mỗi khi nghe ai hát bài này thì trái tim tôi lại thức dậy nỗi nhớ. Có một lần về quê vào những ngày giáp tết, bạn bè lại rủ hát hò. Sau khi nghe một “bạn già” ca bản này, tôi đã lén rời khỏi phòng karaoke, bước ra khoảng sân tối mờ lạnh, đứng một mình mà tự nhiên nước mắt ràn rụa.
"Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?
(Trần Nhã Thụy)
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay
Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu
Điệp khúc:
Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?
Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
Ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...