Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Đôi câu triết luận giữa đời

Đôi câu triết luận giữa đời

Đọc thơ Bùi Văn Duôi, bên cạnh những dòng lục bát trữ tình, mang mang hồn xứ sở, bắt gặp không ít những dòng triết luận mà cội rễ từ chính cuộc sống đời thường:
Cứ mỗi ngày khi mặt trời lên
Trẻ lớn thêm, ta già đi một ít
Trong hữu hạn đời người vài chuyện đời đi mất
Tháng ngày qua nhưng có cả cuộc đời
(Được mất)
Những dòng triết luận của nhà thơ mang giọng điệu tự nhiên, không gò ép, như chính phần triết luận đã nằm sâu, luôn có sẵn trong anh, dễ bật lên một cách nhịp nhàng tựa những vần lục bát cho em, cho thơ, cho hoa, cho bạn:
Buồn thì khóc, vui thì cười
Đói ăn khát uống lẽ đời xưa nay
Uống nhiều rượu ắt phải say
Đi đêm lắm ắt có ngày gặp ma
(Ngẫm lẽ đời)
Bao triết lý, bao điều nhà thơ nói không mới, cũng chẳng lạ, thậm chí có thể là những điều hiển nhiên. Nhưng trong cuộc sống, mấy ai dành lúc bình tâm ngẫm ngợi. Là người hay chiêm nghiệm, Bùi Văn Duôi thấy được ở những điều tưởng như hiển nhiên ấy những triết lý sâu sa anh tự rút cho mình, cho người: từ chuyện uống rượu (Rượu Lý Bạch, Rượu Chí), chơi hoa (Thật giả, Hoa cho mình) soi gương (Sự thật)… hay những câu anh tự vấn:
Ta từ đâu, ta về đâu
Tấm thân cát bụi muôn câu hỏi đời
(Tự hỏi)
"Cát bụi lại trở về cát bụi" - câu kinh thánh quen thuộc trở thành tứ thơ trăn trở. Cuộc sống hiện đại ngày càng cuốn con người vào guồng quay chóng mặt, đến độ ít người nhớ mình là ai hoặc giả rất ngại làm một cuộc cách mạng nhìn lại mình. Ở một năm mươi, Bùi Văn Duôi "tổng duyệt":
… Học hành ở chính trường đời
Biết mình biết ít hóa người vô tư…
… Công danh ở bậc làng nhàng
Không tranh đua, cũng chẳng màng ngôi cao
Vi vu đây đó đã nhiều
Khôn ra chưa thấy, thấy điều băn khoăn…
Ở hai năm mươi, có lẽ nhiều người chọn cho mình một lối thiên thai không chút bận tâm, thênh thênh, nhẹ nhàng. Một năm mươi, nhà thơ mong cái "vô tư" nhưng thật khó có thể tránh "điều băn khoăn". Đó là mâu thuẫn da diết, khốn khó ngàn đời trong lương tri con người. Bài thơ mang phong vị tự trào, riêng tư như một bức chân dung theo trường phái tả thực song cũng khiến không ít người tự soi mình. Điều đó cũng tựa việc nhà thơ soi vào Khổng Tử, Lão Tử, vào tiên sinh họ Lý, vào thơ:
Biết mình bệnh ấy là mình không bệnh
Lo cái không làm, biết lo cái không lo
Việc lớn luôn bắt đầu từ cái nhỏ
Nếu biết lo mọi sự sẽ thành
Họa lớn đến với người không biết đủ
Biết đủ dừng, chắc sẽ trường tồn.
Nếu biết người, mới là bậc trí
Tự biết mình, ấy chính bậc cao minh
(Nhân đọc Lão Tử)
Không phải ngẫu nhiên Bùi Văn Duôi đặt những dòng chiêm nghiệm từ sách vở thánh hiền lên đầu tập (tập thơ Nỗi niềm - Sở VHTT Hòa Bình 2003). Ngộ ra sự Biết không đơn giản, giống như việc nhiều người lên chùa luôn chắp tay khấn bái nhưng nào hiểu vô vi - sắc sắc - không không. Ở một số bài thơ khác - bài Số không, nhà thơ trực tiếp định nghĩa:
Số không là chẳng có gì
Nhưng quan trọng nhất, cũng vì số không
Thêm số không, chục thành trăm
Bớt "không" vạn biến thành ngàn như không
Chuyện hay "không" sẽ thành nền
Việc tối, "không" lại xếp trên cao vời
Số không quan trọng nhất đời
Nên thế gian, hiếm những người số không
Bùi Văn Duôi có tới hai bài thơ viết về bóng đá. Nhưng bằng con mắt nhà thơ và bằng tư duy triết luận, anh không "thưởng thức" môn thể thao vua này đơn giản được. Căng thẳng, sung sướng và đau đớn, người ngoài cuộc tựa người trong cuộc. Và từ những trận bóng, quả có nhiều điều đáng nói:
Trái bóng tròn
Có phép nhiệm màu.
Thu hút con người trên khắp địa cầu
Nhưng chia rẽ trái tim nhau.
(Trước chấm phạt đền)
Còn gì hạnh phúc hơn những người chiến thắng
Chẳng gì đau khổ hơn những người thua trận…
… Một trận đấu hết mình
Phút cuối cùng thua trận
Những cầu thủ quên mình
Phút chốc bị lãng quên"
(Trận bóng)
Lửa và nhiệt - một bài thơ dài mà nếu có thể, tác giả sẽ tiếp tục viết được thành trường ca khi sẵn có cảm hứng sục sôi, cuồn cuộn. Từ hai thể vật chất tồn tại muôn đời nay, bài thơ chuyển tải đến bạn đọc cặp phạm trù đầy tính triết luận:
Lửa biến cái không thể thành có thể
Có thành không, vật cứng nên mềm…
… Lửa và nhiệt trong tay người có thể tạo nên những bất
diệt, sự hồi sinh
Lửa trong tay người
Sự sống còn của cả hành tinh.  
Như đã nói ở trên, những dòng triết luận trong thơ Bùi Văn Duôi luôn là những chiêm nghiệm từ chính cuộc sống đời thường. Vấn đề lớn lao, lôi cuốn tâm trí con người như chuyện phân biệt thật - giả cũng được anh khơi hứng từ những sự vật quen thuộc, bình thường trong cuộc sống: đồng tiền giấy, chùm hoa giấy, rượu (Thật giả)… Như ngẫu nhiên, mọi sự vật đó đã đi vào thơ anh một cách nhuần nhị, tạo nên một giọng thơ triết luận dẫu dung lượng sáng tác không nhiều. Phải chăng bên cạnh cái thâm trầm, sâu sắc của cá tính, còn có sự "ảnh hưởng nghề nghiệp" và bao kiến thức triết học anh tích - luận từ những ngày học ở khoa luật trường đại học tổng hợp FRIEDRICH SCHILLER (CHLB Đức)…? Phải thế? Nên trong đêm thơ rằm tháng giêng 2005 vừa rồi tại Hòa Bình, đã có ý kiến nhìn nhận thơ anh chứa đầy vĩ mô và vi mô. Người viết bài này chỉ giản dị gói gọn những điều nhà thơ viết, những nhận xét của độc giả về thơ anh là đôi câu triết luận anh thả giữa dòng đời…
26/2/2006
Nguyễn Thị Thu Hiền
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...