Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Giòng An Giang - Anh Việt Thu

Giòng An Giang - Anh Việt Thu

Con người ai cũng có một quê hương, đó là nơi ta đã sinh trưởng, nơi chôn nhau cắt rún, nơi ta đã cất tiếng khóc chào đời trước niềm vui của những người trong gia đình quyến thuộc. Đến tuổi trưởng thành, con người thường rời bỏ quê hương để tìm cuộc mưu sinh trên vạn nẻo đời, có người ở lại quê hương gắn bó với ruộng vườn ông bà để lại, có người bôn ba nơi chốn thị thành để tìm cuộc sống sung sướng với mộng công hầu khanh tướng, có người lại tha phương cầu thực bôn ba nơi xứ người để rồi:
"thôi con đừng khóc chi con,
"sống nhờ đất khách chết chôn xứ người".
Tuy nhiên, có một điểm tương đồng là tất cả những người Việt Nam dù sống bất cứ nơi đâu họ đều không quên được quê hương, nơi họ đã mở mắt chào đời với bao sự mừng rỡ của người thân ruột thịt hay hàng xóm láng giềng. Ký ức của họ luôn gắn liền một hình ảnh về quê hương nào đó để từ đó họ tìm lại tuổi thơ hồn nhiên của mình đã lặng lẽ trôi qua một góc xa khuất nào từ dĩ vãng.
Có người tìm lại quê hương bằng hình ảnh một dòng sông thơ ấu nào trong tiềm thức. Có người tìm lại nơi chôn nhau cắt rún bằng hình ảnh con đường làng quê có những ngôi mộ cổ, những ngôi miếu mạo vô danh nằm lẻ loi bên vệ đường, Có người tìm lại quê hương bằng ngôi đình, cây đa nằm đầu làng với những lễ hội cúng đình mẹ dắt đi xem hát bội tay nắm chặt tay mẹ không dám rời khi vào giữa đám đông.
Còn nữa, còn rất nhiều những hình ảnh gợi nhớ quê hương như một đêm trăng sáng trong làng, những tiếng chày giã gạo nữa đêm trăng hay những câu hát hò của những người dân quê, những thôn nữ trong mùa gặt trên cánh đồng lúa chín vàng ối.
Thời gian dần trôi qua, hết thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau sống và giữ gìn mảnh đất ông cha để lại, những biến động của thời cuộc đã làm mảnh đất vùng quê hương có những thay đổi bộ mặt nhưng có một điều là dù thay đổi như thế nào trong tâm tưởng mọi người quê hương vẫn là những hình ảnh cũ, đơn sơ, mộc mạc. Những nếp nhà tranh, nhà lá một gian hai chái, phía trước có giàn bí giàn bầu, vườn rau, cái lu nước uống tích lũy từ những mùa mưa để sẵn trước sân cho khách lỡ đường vào giải khát mà không cần xin hỏi chủ nhà.
Tôi sinh ra tại làng quê An Thái Đông thuộc Tỉnh Mỹ Tho cũ (trước năm 1975 gọi là tỉnh Định Tường, bây giờ gọi là tỉnh Tiền Giang), một vùng đất trù phú với những ruộng vườn cây trái sum xuê quanh năm. Người dân ở đây sống bằng nghề làm vườn, làm ruộng. Họ buôn bán cây trái suốt bốn mùa. Nhà này cách nhà kia khá xa bởi những vườn cây trái rậm rạp, người dân hiền hòa dễ mến, họ thường thăm viếng nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn, có những chút thu hoạch cây trái nào từ cây nhà lá vườn họ đều làm quà biếu nhau với tình làng nghĩa xóm gọi là "biếu ăn lấy thảo"
Thuở còn thơ bé, ấn tượng của tôi về vùng đất quê hương Mỹ Tho còn lại bây giờ là những câu hát ru quen thuộc mà mẹ tôi thường hát cho tôi nghe những đêm hè oi ả:
"Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ"
Phía trước quê tôi là một con sông hiền hòa, nước ngày hai buổi lớn ròng chậm rãi đưa những dãy lục bình hoa tím trôi đi lờ lững mà ngày thơ ấu tôi tưởng tượng đó là những chiếc tàu ma không người lang thang qua ngàn đại dương sóng vỗ. Khi nước lớn, tiếng chim bìm bịp báo tin để những chiếc xuồng, chiếc ghe chở đầy ắp trái cây tranh thủ ra chợ Cổ Cò bán. Sở dĩ có địa danh Cổ Cò vì dòng sông ở đây trước khi rẽ làm hai nhánh cắt ngang quốc lộ nên được xây dựng một chiếc cầu cao như cái cổ con cò, là con đường bộ huyết mạch dẫn về các tỉnh miền Tây sau khi băng qua con sông Mỹ Thuận.
Dòng sông quê tôi đêm ngày trôi lặng lẽ như một cô thôn nữ vùng quê âm thầm cần cù với mảnh vườn rau luống cải. Hai bên bờ sông là con đường đất thường lầy lội vào mùa mưa và khô nứt nẻ vào mùa nắng gắt. Dưới hàng cây râm mát, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều đều có tiếng chim kêu ríu rít, những con chim đủ loại nhiều mầu sắc từng đôi bay lượn, đùa nghịch trên những nhánh cây làm những chiếc lá cây so đũa tàn héo chưa kịp rụng bay lả tả. Nhiều nhất là chim sẻ, chúng rất đông từng đàn tới cả trăm con thường đáp xuống những khoảng sân rộng đang phơi lúa thóc của những gia đình nông dân khiến họ rất vất vả xua đuổi chúng.
Hai bên bờ sông là những hàng dừa cong mình như muốn soi bóng xuống dòng sông, những cây bần, cây mù u nghiêng ngả như chực đổ xuống dòng nước đang chảy êm đềm lặng lẽ. Trên dòng sông đó, ngày cũng như đêm những chiếc xuồng câu, thả lưới, những chiếc xuồng tam bản nặng trĩu cây trái thường xuôi ngược theo con nước để kịp phiên chợ đầu ngày
Đó là những hình ảnh trong ký ức của tôi về dòng sông quê ngoại khi nghe lại bài nhạc Giòng An Giang của nhạc sĩ Anh Việt Thu, một người cậu họ cùng chung xứ sở. Giòng An Giang thực ra là dòng sông đi qua vùng An Thái Đông làng quê tôi, con sông có cái tên không thơ mộng chút nào là Cái Cối, nhưng vì nó nằm trong làng An Thái Đông nên nhạc sĩ Anh Việt Thu đã chọn cái tên Giòng An Giang cho nó thơ mộng theo tiếng nhạc và những hình ảnh thơ mộng trong bài hát như đêm trăng các cô thôn nữ ra bờ sông giặt yếm, múc ánh trăng vàng đổ đi hay buổi chiều đàn cò bay hình chữ V trên trời cao trên đồng ruộng bát ngát. vùng quê Nam Bộ. Tại sao các cô thôn nữ giặt yếm vào ban đêm mà không giặt vào ban ngày; tôi nghĩ tác giả muốn nói lên cái cá tính e thẹn, hiền hòa của những cô gái vùng quê, yếm là một loại áo ngực của phụ nữ nên các cô sợ giặt ban ngày có chàng lãng tử nào đi qua lỡ nhìn thấy thì "mắc cở" ế chồng.
Trong lời bài nhạc Giòng An Giang, tác giả đã chọn những hình ảnh đặc thù của một vùng quê Nam Bộ như đàn trâu lang thang trên đồng ruộng sau một ngày vất vả cày cấy, những chú mục đồng say sưa thổi sáo trên đường về thôn làng lúc hoàng hôn . Hay những chiếc cầu tre in bóng dưới những con rạch cắt ngang đường làng có những cô thôn nữ gò má đỏ hây hây vì say nắng.
Với một số trường canh chuẩn của thể loại nhịp 3/4 trong điệu Valse, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã chọn những nốt nhạc cách nhau ở quãng 3 như hòa quyện vào nhau, dàn trải âm thanh như những nét vẽ cọ quẹt phác họa một bức tranh làng quê tổng thể tuyệt vời.
(Huy Thanh)
Giòng An Giang sông sâu nước biếc,
Giòng An Giang cây xanh lá thắm,
lả lướt về qua Thất Sơn,
Châu đốc giòng sông uốn quanh,
soi bóng Tiền Giang Cửu Long.
Giòng An Giang xanh xanh khóm trúc,
Giòng An Giang tung tăng múa hát,
đêm đến giòng sông thở than
bên mấy hàng cây hắt hiu
đã mấy mùa xuân thanh bình.
Giòng An Giang đáy nước in sâu,
Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa,
nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô,
nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng, ngây thơ.
Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông,
tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu.
Giòng An Giang ai qua vẫn nhớ,
Giòng An Giang lơ thơ bến nước,
đâu những thuyền ai lắc lơ
đôi mái chèo trăng lướt qua
lơ lửng vầng trăng vỡ tan.
Giòng An Giang đáy nước in sâu,
Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa,
nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô,
nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng ngây thơ.
Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông,
tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu.
Giòng An Giang ai qua vẫn nhớ,
Giòng An Giang lơ thơ bến nước,
đâu những thuyền ai lắc lơ
đôi mái chèo trăng lướt qua
lơ lửng vầng trăng vỡ tan.
Giòng An Giang sông sâu nước biếc,
Giòng An Giang cây xanh lá thắm,
đây những người thôn nữ xinh
duyên dáng chuyền tay dắt nhau
múc mấy vầng trăng đổ đi.
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có hay không, việc hai vua Trần đóng đại bản doanh ở Thiên Long uyển xã Yên Đức, Đông Triều, để chỉ huy trận đánh Bạch Đằng năm 1288? Tô...