Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Tiếng thơ bốn mùa

Tiếng thơ bốn mùa

Các nhà thơ Việt cổ điển thường làm thơ tả bốn mùa như các họa sĩ vẽ tranh tứ bình (mai, lan, cúc, trúc), nghĩa là chú trọng mô tả cảnh vật thiên nhiên hơn là tình người, như bài “Tứ Thời Thi“ của nữ sĩ Ngô Chi Lan, “Thu Điếu“ của Nguyễn Khuyến. Có chăng là “cảnh người” như bài “Ngày xuân ngẫu hứng” của Tú Xương:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Cuộc đô hộ của người Pháp làm thay đổi khá nhiều nếp sống của người Việt và sự hình thành chữ quốc ngữ đã đưa đến một nền văn học mới, chịu ảnh hưởng Âu Tây.
Riêng về thi ca, một phong trào được dấy lên với trường “thơ mới”, vào thập niên 1930-1940, đã để lại một kho tàng phong phú thường mệnh danh là thơ tiền chiến.
Các nhà thơ này có khuynh hướng lãng mạn, như “école romantique” ở Pháp vào thế kỷ thứ 19. Họ quan niệm tình yêu như là động lực chính để biểu hiện tình cảm của con người trong khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên. Do đó thi ca của họ có màu sắc trữ tình lãng mạn.
Thiên nhiên với bốn mùa, do thời tiết làm sinh động, hiện diện trong thơ họ đậm đà ý vị và đầy hình ảnh mượt mà, gợi nên từ những tâm tình yêu đương.
Một tiếng chim, một dáng trời trong với bóng người thiếu nữ ngồi hong tóc bên song cửa là cả một niềm xuân dậy lên trong lòng nhà thơ
Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca tiếng sáng rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương
(Hồ Dzếnh - Xuân Ý)
Mùa xuân, khởi từ ngày nguyên đán, tức là ngày đầu năm âm lịch, là mùa vui tươi nhất trong một năm. Vạn vật hồi sinh, cây đâm chồi nẩy lộc rồi hoa nở rực rỡ khắp trên cành, trong khóm lá. Nhà thơ Xuân Diệu có một cảm quan tinh vi khi thấy xuân chớm mùa, qua cỏ cây vừa sống dậy:
Lá bàng non ngon lành như ăn được
Trời mới tạnh mà lá mới ướt như mưa
Lá bàng thắm trên cành phô sắc biếc
Gió rào rào tốc mái lá còn thưa
Tôi đi giữa buổi đầu ngày giữa buổi
Đầu xuân đi giữa buổi đầu tiên
Thấy trước mắt cuộc đời vừa mới mở
Và ban đầu cây với gió cười duyên.
Với Nguyễn Bính, mùa xuân đượm vẻ tình tứ qua màu má, nét mắt của người con gái đang xuân:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong
(Xuân về)
Với Nguyễn Giang thì xuân phơ phất trong những tà áo nữ sinh, trong dáng người đẹp đi qua:
Gió xuân phơ phất thổi trong cành
Lớp lớp bên đường bóng lá xanh
Cây cỏ cười tươi hoa mũm mĩm
Học sinh qua lại áo phong phanh...
Bờ suối chờ ai chưa thấy lại
Nhìn cô áo đẹp bước đi nhanh
(Xuân)
Người ta thường nói mùa xuân xanh, xuân hồng, ít ai nói đến mùa xuân chín như Hàn Mặc tử, bởi vì khi nhà thơ thấy bóng xuân sang thì nhớ đến làng quê với cánh đồng lúa chín vàng với nàng thôn nữ gánh thóc duyên dáng:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
(Mùa xuân chín)
Mùa xuân trên đất Việt vẫn liên quan với cái Tết, mỗi lần xuân về, Tết đến thì con người qua một tuổi đời. Và người con trai, con gái dần lớn lên với tâm hồn yêu đương bồng bột như mùa xuân đang lên:
Muôn màu tươi sáng phấn hoa hương
Đời ngọt ngào như có vị đường
Tôi sống tôi say và mỗi Tết
Lòng tơ thêm đọng chút yêu đương
Khói pháo say người rượu ái ân
Cõi lòng thắm nở một vườn xuân
Nàng thơ năm ấy cười mê đắm
Trong mắt em Nhung hiện giữa trần
(Lan Sơn - Tết và người qua)
Đối với Xuân Diệu thì xuân không chỉ ở thiên nhiên, xuân còn ở trong lòng người:
Một ít nắng vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng
(Xuân không mùa)
Nhất là khi nhà thơ đang yêu:
Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi
(Nguyên Đán)
Và ngược lại, Xuân Diệu thấy mùa xuân ở nụ cười của thiếu nữ, cũng đang yêu:
Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người
Chưa từng hẹn đến - giữa xuân tươi
Cùng chàng trai trẻ xa xuôi ấy
Thiếu nữ làm duyên đứng mỉm cười
(Nụ cười xuân)
Và khi yêu, nhà thơ thấy đời ngắn ngủi, qua hình bóng mùa xuân đến, mùa xuân đi:
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất...
Cho nên người muốn tận hưởng hương vị của mùa xuân trong tuổi xuân:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
(Vội vàng)
Nhà thơ muốn “cắn xuân hồng” tức là muốn sống hết mình với tất cả tươi mát, thanh xuân của cuộc đời. Huy Cận thì cảm xuân như là một nguồn sống đem lại niềm vui, hy vọng và tình duyên cho con người:
Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc...
Hai hàng cây xanh
Đâm chồi hy vọng
Ôi duyên tốt lành...
Chiều xuân tươi mạnh
Gió bay vào hồn...
Người cô yểu điệu
Nghe mình nao nao
(Chiều xuân)
Trong khi Xuân Diệu và Huy Cận ham sống với tuổi xuân tươi trẻ, thì Nguyễn Bính nâng chén rượu xuân cay nồng chia tay với người tình:
Cao tay nâng chén rượu hồng
Mừng em: em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi! Em uống cho say
Để trong mơ sống những ngày xuân qua
(Rượu Xuân)
Người tình của thi nhân có lẽ có một số phận như công chúa Huyền Trân ngày xưa, nghĩa là bị ép uổng tình duyên:
Hôm nay là xuân mai còn xuân
Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân
Phận gái ví theo lề ép uổng
Đã về Chiêm quốc như Huyền Trân
Cho nên xuân về, Tết đến người đóng cửa lòng lại, dù bên ngoài hoa xuân nở rộ:
Huyền Trân ơi
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Duy có tình ta khép lại thôi!
(Nhạc Xuân)
Cho dù đường tình lận đận, người ta cũng không có thái độ phũ phàng đối với mùa xuân, như Chế Lan Viên:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Xuân)
Nhà thơ đau khổ vì một nguyên nhân nào đó. Tình phụ chăng? Không. Thật ra, người chỉ thích mùa thu:
Ô hay, tôi lại nhớ thu rồi...
Mùa thu rớm máu rơi từng chút
Trong lá bàng thu đỏ ngập trời
Đường về thu trước xa lăm lắm
Mà kẻ đi về chỉ một tôi!
Thi sĩ yêu mùa thu mà không ưa mùa xuân:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang
(Xuân)
Nhưng không phải chỉ có Chế Lan Viên yêu mùa thu. Mùa thu không rực rỡ, tươi thắm như mùa xuân, nhưng có sương tỏa, trăng mờ, có lá rụng, có “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt - Nguyễn Khuyến”, cảnh vật nhuốm vẻ thơ mộng, gợi hứng cho nhiều thi nhân...
Cũng chính Xuân Diệu cho ta cái cảm giác lạ về mùa thu, có cái gì mơ màng, bâng khuâng, man mác ở quanh ta:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Phương xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồng trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò...
(Đây mùa thu tới)
Hay:
Nõn nà sương ngọc quanh thêm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi
Gió thầm mây lặng dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua
(Thu)
Bích Khê mô tả mùa thu với biển lá vàng rơi:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông!
Mùa thu với lá rụng hoa tàn thường gây nỗi buồn man mác trong lòng người:
Những chút hồn buồn trong lá rụng
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân
Bông hoa rứt cánh rơi không tiếng
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần
(Xuân Diệu - Thu)
Nhất là khi người ta sống trong cô đơn hiu quạnh:
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây
Quạnh hiu như tấm thân này
Lại âm thầm sống những ngày gió mưa
(Nguyễn Bính - Cây bàng cuối thu)
Chẳng khác gì Verlaine ở phương Tây thuở trước:
Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
Decà delà
Pareil à une feuille morte.
(Và tôi ra đi
Trong gió hắt hiu
Cuốn tôi theo nó
Vật vờ đây đó
Như là
Lá khô)
Nhưng mùa thu vẫn là mùa thu của thơ mộng khi nhà thơ tưởng nhớ đến cảnh rừng thu mà người có dịp chiêm ngưỡng:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Lưu Trọng Lư - Tiếng thu)
Mùa thu buồn nhưng vẫn là một mùa đẹp trong năm. Sương mờ, mây bàng bạc gió hắt hiu, lá rơi rụng... gây niềm bâng khuâng cho con người trước khung cảnh êm đềm, trầm lặng của thiên nhiên.
Khác với thu, mùa đông đến với trời mây ảm đạm, gió lê thê lạnh buốt khiến hồn người ủ rũ, buồn chán.
Hẳn không ai quên bài “Mưa dầm gió bấc” trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư” được học từ thuở nhỏ:
“Về mùa đông, gặp khi mưa dầm gió bấc thì phong cảnh thật tiêu điều buồn bã...”, với hình vẽ một người mang tơi đội nón đi trong mưa dầm.
Có lẽ vì vậy mà ít nhà thơ mô tả cảnh mùa đông. Trong tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân chỉ thấy dẫn một bài của Nam Trân, nhà thơ đất Quảng, làm việc ở Huế, tả cảnh mùa đông, một trong những cảnh ở cố đô mà thi nhân sáng tác, trong tập “Huế đẹp và thơ”:
Lá bàng
Như lá vàng
Rụng.
Ôi! đìu hiu
Cảnh chiều
Đông!
Ruộng ngập: mênh mông
Nước phẳng.
Cò bay, yên lặng,
Quanh đồng.
Thi tứ viển vông:
Thần tưởng tưởng
Như đàn cò đói lượn
Đồng không.
(Mùa Đông)
Cảnh mùa đông buồn áo não mà tình trong mùa đông cũng buồn vời vợi khi đôi lứa phải cách xa:
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi và chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi
Qua rồi mùa ân ái
Đàn sếu đã sang sông...
(Lưu Trọng Lư - Một mùa đông)
Dù sao, người ta cũng thích mùa hè hơn, dù với thời tiết oi ả, nóng bức:
Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê...
(Thơ cổ)
Nhưng cuộc sống của con người vẫn náo nức, hoạt động hơn là cái chết lặng của mùa đông.
Cũng nhà thơ Nam Trân say mê cảnh đẹp và thơ của Huế, đã mô tả Huế với cơn lửa hạ, tiếng ve, hoa phượng đỏ - mà Xuân Diệu từng gọi là hoa học trò - trong ngày hè:
Lửa hạ bừng bừng cháy
Làn ma trốt trốt bay
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày
Hoa phượng như giọt huyết
Dỏ xuống phủ lề đường
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương
(Huế Ngày Hè)
Và Huế trong đêm hè:
Trời nóng băm bốn độ
Đèn sao khắp đế đô
Mặt trăng vàng trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô
Ba dịp cầu Trường Tiền
Đứng dày người hóng mát
Ngọn gió Thuận An lên
Áo quần kêu sột soạt
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua lại bến sông Hương
Tiếng đờn chen tiếng hát
Thánh thót điệu Nam Bường
Với một hoạt cảnh đặc biệt:
Hai tay xách hai vịm
Một vài mụ le te
Tiếng non rao lảnh lói
Chốc chốc: “Ai ăn chè?”
(Huế đêm hè)
Đó là cảnh hè ở thị thành. Ở thôn quê, mùa hè cũng điểm cho cảnh vật những nét riêng:
Trời trong biếc không qua mây gợn trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua
Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...
(Anh Thơ - Trưa hè)
Hay là:
Dưới gốc đa già trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai
Ve ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài
Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm
Đứng lặng trong mây một cánh diều
(Bàng Bá Lân - Trưa hè)
Dù sao, mùa hè cũng là mùa vui thích đối với những học sinh sắp được nghỉ học, sau nhiều tháng miệt mài với sách vở và mùa thi, lòng nao nức khi thấy hoa phượng nở và tiếng ve kêu:
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ờ vườn quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ...
Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi thầy mẹ đợi em trông
Trên đường về huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt
(Xuân Tâm - Nghỉ hè)
Các nhà thơ thời kỳ 1930 -1940 có khuynh hướng lãng mạn (không bị câu thúc về hình thức và nội dung) đã dổi mới lời thơ, ý thơ, chủ yếu để biểu đạt một cảm thức mới. Vì vậy, khi mô tả thiên nhiên, qua bốn mùa, thì có cảnh, có người, có tình, ba yếu tố trộn lẫn vào nhau làm cho thơ, có hồn, gợi cảm, và yếu tố thứ ba (tức là tình) là yếu tố dễ làm rung động lòng người hơn cả. 
Linh Thảo
Theo http://www.daiviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mô hình nghệ sĩ - Trí thức Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu...