Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Phạm Văn Ký - Một số phận văn chương "mất nơi ở"

Phạm Văn Ký - Một số phận
văn chương "mất nơi ở"

Rất ít điều về ông được biết đến ở nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Với một tài năng văn học có những thành tựu đáng kể như ông (bốn tiểu thuyết được nhà Gallimard xuất bản, cùng với giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp là mơ ước không chỉ của một nhà văn nhập cư bình thường mà còn là khát khao của nhiều nhà văn Pháp), ông đáng được biết đến, nhớ đến nhiều hơn thế.
Theo ký ức của nhà văn Phạm Hổ - người em  trai thứ hai của ông, trong một gia đình đông đến 13 anh em - ông Ký là một người lặng lẽ và khép kín. Ông viết khá nhiều. Những tác phẩm của ông mà gia đình được biết và còn giữ được bằng tiếng Việt có: Kiếm hoa (tiểu thuyết), Con đường thiên lý số 1 (tiểu thuyết - chưa xuất bản), Đường về nước (tập thơ); bằng tiếng Pháp: Một tiếng trên đường (tập thơ), Thành Ốc (kịch), Huế vĩnh cửu (tập thơ), Vợ chàng Trương (truyện), Người sẽ ngự trị (tiểu thuyết), Những đôi mắt giận dữ (tiểu thuyết - tiếng Pháp), Anh em ruột thịt (tiểu thuyết), Người làm nên các vì sao (tiểu thuyết), Mất nơi ở (tiểu thuyết), Hồi ức một hoạn quan (tiểu thuyết), Thơ trên lụa (tập thơ), Sự thách thức của Việt Nam (bút ký - chưa xuất bản).
Trước khi ra đi khỏi Việt Nam vào năm 1939, Phạm Văn Ký từng là chủ bút của một số tờ báo ở Bình Định, Huế, Sài Gòn như Impartial (Vô Tư), Gazette de Hue; ông cũng là người đầu tiên viết lời giới thiệu cho tập Gái quê của Hàn Mặc Tử, bản in năm 1936.
Trước đó, Hàn Mặc Tử vẫn làm thơ theo lối thơ Đường, đến Gái quê, ông chuyển hẳn sang một con đường thơ khác và theo nhà thơ Tế Hanh, “chính sự cổ vũ nhiệt tình của Phạm Văn Ký trong lời tựa đầu tiên ấy đã góp phần khẳng định việc Hàn Mặc Tử gia nhập trường phái thơ mới là đúng lúc”.
Con đường mưu sinh và sáng tạo của một nhà văn nhập cư trong một thế giới có thể coi là cởi mở và cũng cực kỳ xa lạ như con đường của Phạm Văn Ký trong nền văn học Pháp là một câu chuyện rất dài và có nhiều uẩn khúc. Nhà văn Phạm Sông Hồng - con gái của nhà văn Phạm Hổ - rất thận trọng và nhẹ nhàng nói:
“Bác tôi có quá nhiều nỗi buồn, và càng buồn hơn vì ông không nói ra được. Năm 1970, khi cùng phái đoàn Việt kiều yêu nước về thăm quê lần đầu tiên sau 31 năm xa cách, ông đã rất muốn ở lại, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người bạn thân của ông (thú thật là tôi cũng không biết hai ông thân nhau từ bao giờ, nhưng tôi biết chắc họ cực kỳ yêu mến nhau, vẫn giữ liên lạc thường xuyên với nhau và gia đình tôi được bác Thủ tướng quý mến cũng là nhờ tình thân từ ông bác ruột), đã nói với ông: “Anh ở nước ngoài thì có lợi hơn cho Việt Nam”.
Có lẽ, bác tôi hiểu rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn có một “đại sứ văn hóa” của Việt Nam như bác tôi ở nước ngoài. Ông đã quay về Pháp và sống đến cuối đời ở đó, không còn dịp nào về Việt Nam nữa”.
Nhà văn Phạm Hổ trong lời bạt cho cuốn Đường về quê xuất bản tại Việt Nam 1993 sau khi Phạm Văn Ký mất cho biết: “Từ sau chuyến về thăm Tổ quốc đến lúc mất, các NXB có tên tuổi đã không chịu in cho anh tôi một quyển sách nào. Ngay tập tiểu thuyết mà NXB Gallimard đã ký hợp đồng với anh tôi trước lúc về nước, lúc sang lại, NXB cũng tìm cớ để xóa hợp đồng”. Ông Hổ cũng dẫn lời ông Võ Văn Sung, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp:
“Tôi hiểu và thương anh Ký lắm, thương như một người anh ruột. Anh là một con người chân thật, hết sức trong sáng. Anh Ký tâm sự với tôi: “Tôi thấy tôi có lỗi quá, tôi chưa đóng góp được gì cho đất nước cả”. Anh thèm được đóng góp như để bù lại những năm tháng sống xa quê hương... nhưng tính anh khí khái, chỉ muốn tự mình lo liệu, tự mình đóng góp, không muốn nhờ vào ai. Trong lúc đó thì Sự thách thức của Việt Nam các NXB đều gửi trả lại anh và khuyên anh đừng viết như thế nữa. Thế là muốn đóng góp mà không được. Nỗi buồn riêng của anh, tôi hiểu rất rõ là như vậy”.
Tuổi già, ông sống trong lặng lẽ và ra đi mà không có một người thân nào bên cạnh. Người vợ Đức của ông - một diễn viên điện ảnh khá tên tuổi - đã chia tay với ông trong tình bạn, họ không có con cái.
Phạm Văn Ký có một sức viết rất dồi dào, nhà văn Phạm Sông Hồng nói: “Một người bạn Pháp của gia đình tôi, chuyên nghiên cứu về các tác phẩm của bác tôi, nói rằng ông còn rất nhiều bản thảo đã in và chưa in, hiện được lưu trữ tại thư viện Arsenal ở Paris. Gia đình đã rất cố gắng liên hệ để có thể mang được số bản thảo đó về Việt Nam, nhưng đáng buồn là chúng tôi không chứng minh được quan hệ huyết thống của mình với bác tôi.
Trong khi giấy tờ của bác tôi ở Pháp rất đầy đủ thì 12 người em còn lại ở Việt Nam của ông - kể cả cha tôi và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, em út của ông, cũng không còn ai giữ được giấy tờ gì chứng minh họ là con đẻ của ông bà nội tôi cả. 
Chiến tranh, thiên tai, những cuộc di chuyển vất vả đã làm thất lạc hết giấy tờ, trong khi phía Pháp chỉ cần những giấy tờ hợp pháp tối thiểu. Ba tôi đang ốm nặng. Ông vẫn không bao giờ hết buồn vì chưa mang được di cảo của bác tôi về Việt Nam”.
Mất nơi ở hay là bi kịch của một sự hội nhập?
Mất một chỗ cư ngụ, một ngôi nhà cụ thể, hay rộng hơn là một làng quê cụ thể thật ra cũng không có gì quá nghiêm trọng với Hizen - chàng đại úy bộ binh, một samurai đúng bản chất tốt đẹp nhất của tên gọi đó.
Nhưng Hizen đã mất nhiều hơn thế, sau khi chỉ huy công trường xây dựng đường sắt chạy qua quê hương mình: chàng mất trái tim người vợ vào tay anh chàng kỹ sư người Pháp hào hoa, mất linh hồn đứa con trai cho nhà thờ Cơ đốc giáo, mất quân hàm và chức vụ cho người em trai cùng cha cùng mẹ đã “Âu hóa” triệt để hơn mình do vậy được cấp trên tin tưởng và yêu quý hơn.
Và trên tất cả, đại úy Hizen đánh mất - hay bị tước mất nước Nhật “của mình”, với ý nghĩa sâu thẳm nhất: như một chốn nương thân, một chỗ dựa cuối cùng, một nơi để sống và để chết. Có bao nhiêu tấn hài kịch đã xảy ra trong cái bi kịch lớn lao và vĩ đại đó ở nước Nhật thời kỳ Minh Trị duy tân (những năm từ thập kỷ 1870 của thế kỷ 19). 
Là một nhà văn người Việt Nam, sang Pháp từ năm 1939, Phạm Văn Ký viết Mất nơi ở hoàn toàn với tư cách một nhà văn Pháp, bằng một thứ tiếng Pháp “rất Pháp” như dịch giả đã khẳng định, có lẽ vì thế mà ông đã được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng lớn cho tác phẩm này - một giải thưởng danh giá chỉ sau Goncourt và ưu tiên cho các nhà văn có cống hiến đặc biệt cho việc làm đẹp và làm giàu tiếng Pháp.
Nhưng cũng chính trong cuốn tiểu thuyết “rất Pháp” ấy, người đọc VN hôm nay vẫn nhận ra một nỗi niềm Á Đông rất sâu nặng mà ông trăn trở, day dứt nhiều lần trong tác phẩm, với khái niệm “da vàng” và “da trắng”, với âm và dương, với tâm linh và vật chất, với tình yêu tự do và nghĩa vụ vợ chồng...
Bốn mươi lăm năm sau khi được xuất bản và 14 năm sau khi nhà văn qua đời, Mất nơi ở trở về quê hương của tác giả chính thức vào một chiều cuối tháng ba tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), như một kết cục đẹp đẽ và hợp lý hơn cho quá trình hòa nhập Đông - Tây, và kéo dài hơn vĩ thanh buồn của cuốn tiểu thuyết này...
3/4/2006
Thu Hà
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đường vòng - Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn Nó đĩnh đạc bước tới trước cái mặt đắc thắng của bà Doan, rồi thình lình giơ tay tát cái đốp...