Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Cung Tiến - Nhạc sĩ thần đồng

Cung Tiến - Nhạc sĩ thần đồng

Với hai sáng tác đầu tay bất hủ ‘Thu vàng’ và ‘Hoài cảm’ viết từ khi mới lên 13-14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến được nhiều người ca tụng là thần đồng âm nhạc dù ông xuất thân từ một gia đình không ai có năng khiếu âm nhạc.
“Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả,” nhạc sĩ Cung Tiến nói với VOA.
Tuy nhiên, bản thân ông đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
“Thời trung học có tổ chức những đại hội học sinh toàn thành. Hồi kỷ niệm thành lập Việt Nam Cộng hòa năm thứ hai của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thì có đại nhạc hội học sinh toàn thành của các trường trung học Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Petrus Ký, Marie Curie, thành lập Ban Hợp ca và tôi điều khiển ban hợp ca đó, vào năm 1956,” nhạc sĩ Cung Tiến tâm sự.
Từ nhỏ, ông từng học thổi sáo, biết chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học về âm nhạc.
“Sau này qua Úc học âm nhạc đích thực rồi tôi mới học piano. Rồi tôi vào học trường âm nhạc bên Úc về tất cả các bộ môn của âm nhạc như hòa âm, đối điểm, phối trí, âm nhạc sử, tất cả những gì liên quan đến âm nhạc Tây phương tôi đều học kỹ,” ông cho biết.
Các bản nhạc đầu tay của ông đã đi sâu vào lòng người hâm mộ như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng, không dính líu đến đời thật của ông.
“Hồi đi học, tôi học ban văn chương, triết học. Tôi chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn Việt Nam hồi đó như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử …nên lời ca mang những ý tưởng lãng mạn trong thi văn Việt Nam. Không có cái gì sâu xa gọi là kinh nghiệm của con người cả. Hoàn toàn là trí tưởng tượng,” ông nói.
“Hồi đó tôi học đệ nhất, mình bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 57-58, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương xưa,” ông cho biết về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Hương xưa.
Ông nói ông yêu thích văn thơ Việt Nam, đọc sách, đọc thơ nhiều và tình yêu này đã thấm nhuần vào những ca từ ông sáng tác thời trẻ.
Sau này, phần lớn những nhạc phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến là những bài thơ được ông thổi vào giai điệu du dương.
“Viết lời ca khi hồi còn trẻ. Sau này mình không có hứng, không có dịp để viết lời ca thường nữa. Phần lớn tôi phổ thơ của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền tôi phổ nhiều lắm. Ngoài tập 10 bài thơ viết trong tù cải tạo, tôi còn phổ những bản trước khi ông vào tù, khi còn ở Sài Gòn như bản Lệ đá xanh, Đêm…,” ông giải thích.
Cung Tiến chưa hề về Việt Nam và từ khi sang Mỹ ông không viết bản nhạc nào về Việt Nam ngoài ‘Hoàng Hạc Lâu’, phổ thơ của Vũ Hoàng Chương dịch bài thơ của Thôi Hiệu đời Đường, tác phẩm duy nhất của ông có ‘dính líu’ với Việt Nam sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975.
Sau khi đậu Tú tài hai, nhạc sĩ Cung Tiến được học bổng Colombo sang Úc học về môn kinh tế trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1965. Dịp này, ông tham dự các lớp học về âm nhạc phương Tây tại Viện Âm nhạc Sydney.
Từ năm 1970 đến 1973, ông được học bổng của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc học, lịch sử âm nhạc và nhạc lý hiện đại. Cho nên về sau này, phong cách sáng tác của ông khác hẳn những bản nhạc thời học sinh mà ông gọi là ‘nhạc phổ thông’. Thay vào đó là những tác phẩm mà ông gọi là ‘ca khúc nghệ thuật.’
“Về sau tôi sáng tác nhiều tác phẩm khác được chơi ở bên Mỹ rất nhiều, nhất là tập tổ khúc (Suite) Chinh Phụ Ngâm. Tổ khúc giống như một symphonie nhưng nhỏ hơn, viết cho dàn nhạc đại hòa tấu. Dựa vào những tình tứ, tình cảm trong tập thơ đó, tôi viết thành một tổ khúc ba phần. Không phải tôi phổ nhạc. Không phải tôi phổ thơ Chinh Phụ Ngâm. Tôi dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc cho dàn nhạc đại hòa tấu,” ông chia sẻ.
Hiện nay, nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác rất ít để chủ yếu dành thời gian hoàn chỉnh những tác phẩm trước đây như phổ nhạc tập thơ của Tô Thùy Yên, tập ‘Ta về’, hay tập tổ khúc quan họ viết cho dàn nhạc Tây phương.
Nhạc sĩ Cung Tiến từng là một viên chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa. Ông là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch trước năm 1975.
Ca khúc
Đêm (thơ Thanh Tâm Tuyền)
Đêm hoa đăng
Đôi bờ (thơ Quang Dũng)
Hoài cảm
Hoàng hạc lâu (thơ Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch)
Hương xuân
Hương xưa (viết tặng Duy Trác)
Kẻ ở (Mai chị về) (thơ Nguyễn Đình Tiên, thường bị nhầm là của Quang Dũng)
Khói hồ bay (thơ Nguyễn Tường Giang)
Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền, viết tặng Phạm Đình Chương)
Mắt biếc(khác bài mắt biếc của Ngô Thụy Miên)
Mùa hoa nở
Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu)
Thu vàng
Thuở làm thơ yêu em (lời Trần Dạ Từ)
Vang vang trời vào xuân (thơ Thanh Tâm Tuyền)
Vết chim bay (thơ Phạm Thiên Thư)
(Âm Nhạc - VOA)
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...