Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Những cung bậc cảm xúc mùa xuân

hững cung bậc cảm xúc mùa xuân

Chứa đựng sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ, mùa xuân luôn tạo cảm hứng làm nên những tác phẩm bất hủ tràn đầy sức sống.
Từ cung bậc cảm xúc, người nhạc sĩ tài hoa ghi lại trong từng nét giai điệu rộn rã mà sâu lắng, mượt mà thông qua người nghệ sĩ biểu diễn thấm đọng biết bao con tim, hòa trong dòng chảy của thời đại, lan tỏa tới công chúng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp vượt thời gian, không gian và mọi giới hạn ngăn cách; là công cụ với sức mạnh cảm hóa đến diệu kỳ, khiến con người xích lại gần nhau hơn, tìm đến sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tạo dựng lòng tin, sự nhiệt huyết, yêu thương và bao dung.
Với thế hệ nhạc sĩ đầu tiên, khoảnh khắc giao mùa như những “nàng Xuân” trong các sáng tác của mình: "Em như cô gái vẫn còn xuân/ Trong trắng ngây thơ dáng hiền lành/ Xuân tới xuân đi hoa còn nở/ Gái xuân giăng lụa trên sông Vân...”. Đó là “Gái xuân” (Từ Vũ - Nguyễn Bính) hay như: “Vườn xuân” (Lê Yên), “Xuân về” (Hoàng Quý), “Bản đàn xuân” (Lê Thương), “Hồn xuân” (Nguyễn Xuân Khoát), “Xuân tươi” (Dương Thiệu Tước)...
Cứ mỗi độ xuân về tết đến, lòng người lại rộn rã, xốn xang. “Xuân và tuổi trẻ” nguyên gốc là một bản nhạc không lời có tiêu đề "Le Printemps et la Jeunesse" được La Doãn Chánh (La Hối) - người thanh niên yêu nước, gốc Hoa, hoạt động cách mạng trong phong trào chống phát xít Nhật ở Hội An - sáng tác năm 1944. Sau đó, một người bạn là Diệp Truyền Hoa đặt lời Hoa với tựa đề "Thanh niên dữ xuân thiên" để phổ biến trong cộng đồng Hoa kiều.
Một ngày cuối tháng 3-1945, cơ sở bị lộ, ông cùng 10 đồng chí khác bị hiến binh Nhật bắt và hy sinh. Trong một lần viếng thăm (năm 1949), xúc động trước tấm gương của chiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ) đã xin phép gia đình đặt lời ca tiếng Việt. Chỉ một đêm, nhà thơ đã hóa thân trong thế giới âm thanh rạo rực, thổn thức với tình yêu say đắm, sự hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ để trọn vẹn một tác phẩm âm nhạc có sức sống mãnh liệt: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa đua thắm/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...".
Ngoài “Bến xuân” của Văn Cao (1947), “Trường ca sông Lô” của ông sánh ngang những bản romance cổ điển châu Âu, cho thấy cái mạnh mẽ, khát khao của “mùa xuân” sau chiến thắng vang dội. Điệu thức trưởng khỏe mạnh, sáng trong với thủ pháp sáng tạo đầy linh hoạt, uyển chuyển về tiết tấu là một minh chứng hùng hồn, hào sảng trong thanh âm kết thúc đến tuyệt vời: “Mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ôm bóng tre, dòng sông Lô trôi”.
Với nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, “Ly rượu mừng” (Phạm Đình Chương) lại có lời ca phổ cập mọi đối tượng thính giả. Đã có thời thịnh hành đến nỗi, với nhiều người, đêm giao thừa có thể không cần nghe tiếng pháo nổ nhưng không thể thiếu khúc xuân ca này.
Âm hưởng bài hát làm ta liên tưởng tới cuộc hội ngộ gia đình trong không khí tết cổ truyền của dân tộc. Khi những ly rượu được rót, tiếng chạm, tiếng ca hoan, tiếng nhấp từng ngụm: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi.../ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no, người binh sĩ chiến đấu công thành.../ Sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình".
Trong không khí ấy, những ly rượu được rót thêm để chúc người mẹ già nơi phương xa đang ngóng chờ đứa con yêu dấu... Và, rót tiếp mừng đôi uyên ương, rồi cạn ly mừng người nghệ sĩ trong "Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới". Ly rượu cuối cùng, "Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do/ nước non thanh bình/ muôn người hạnh phúc chan hòa".
Sau 1954, đất nước bước vào giai đoạn lịch sử đặc biệt: “Mộng chiều xuân” (Ngọc Bích); “Mùa xuân đầu tiên” (Tuấn Khanh); “Tình khúc mùa xuân” (Ngô Thụy Miên); “Xuân đã về” (Minh Kỳ) hay “Nhớ một chiều xuân” (Nguyễn Văn Đông); “Xuân ca” (Phạm Duy); “Xuân thôn dã” (Văn Phụng)... mỗi bài ca là một góc nhìn, sự cảm nhận trước mỗi mùa xuân.
Nhưng, cũng có những bài ca xuân mang đầy chất lãng mạn, tự sự. “Gửi người em gái miền Nam” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh) là bản tình ca tuyệt vời, một bức thư tình bằng âm nhạc đầy cảm xúc đam mê, dịu ngọt nhưng cũng rất diết da.
Hình ảnh người em gái được vẽ lên với giai điệu nhẹ nhàng, từ trái tim ngôn ngữ lời ca như đang rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên... "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Rừng đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng/ Hà Nội mừng đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi...".
Trong giây phút xao lòng "Chạnh lòng tôi nhớ đến người em.../ tuổi chớm đôi mươi, mắt huyền trìu mến yêu thương/ Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng kiều"; người nghệ sĩ gửi gắm tình ý khôn nguôi tới người yêu mà mình đành dằn lòng chia ly trong một mùa đông cô liêu để rồi khiến con tim bồi hồi trong sự trở lại của nhịp đập cảm thương “... sống trong Nam nơi kim tiền/ Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền”.
Nhưng, chính trong thời điểm đó, người nhạc sĩ đã hy vọng, tin tưởng, với tất cả niềm vui, sự lạc quan, yêu đời nhất dự báo về tương lai... "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em giữa cầu Hiền Lương...".
Cách nay vừa đúng 60 năm - mùa xuân Kỷ Hợi, với “Bài ca hy vọng”, nhạc sĩ Văn Ký đã "Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương.../ Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai... xây đời trong hoa thơm/ Có mùa xuân nào đẹp bằng... chứa chan niềm tin". Với giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, vút bay, nghệ sĩ Khánh Vân trình bày thời điểm đó đã làm xao xuyến biết bao trái tim trên dải đất hình chữ S, gửi tới người nghe một thông điệp, một niềm tin chiến thắng trong tương lai.
Cũng thời điểm này, rất nhiều bài ca nở rộ như những bông đào, bông mai chào đón mùa xuân trên khắp mọi miền đất nước như: “Cô gái hội xuân” (hội Lim) (Trần Chung - Hữu Loan), “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh - Cầm Giang), “Sông Đắk-krông mùa xuân về” (Tố Hải), “Đón xuân này nhớ xuân xưa” (Anh Châu - Châu Kỳ).
Đi theo cách mạng từ rất sớm, tại chiến khu miền Đông, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Xuân (Xuân Hồng) sáng tác “Xuân chiến khu” với cả lòng tin sắt son về sự thành công của cách mạng: “Xuân chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ/ Quyết lòng diệt tan kẻ thù.../ Quyết lòng dựng xây nước nhà/ Toàn dân ta hát một bài ca".
Trong khí thế hừng hực của những binh đoàn xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai "Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/ Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân" - “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung - Gia Dũng) hay “Cùng hành quân giữa mùa xuân” - Cẩm La (Hoàng Hà): "Khi tiếng chim hót vang lên lời ca/ Và khi nắng tỏa rộn bước quân hành xa/ Thì em có nghe tiếng mùa xuân về/ Gọi cất bước giải phóng cho làng quê". Âm nhạc là vũ khí tinh thần, là nguồn động viên, cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ ý chí đấu tranh.
Xuân mang đến cho người nhiều cảm xúc, trạng thái tình cảm khác nhau. Với Từ Công Phụng, xuân mong manh, xuân ngơ ngác và thật thà như một giọt nắng tan, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” là mong ước về một chốn yên bình, để cảm nhận một "dấu lặng trong tác phẩm cuộc đời", nơi dành riêng cho đôi tình nhân đang nâng niu cái hạnh phúc của tuổi trẻ “... đưa em về trên đỉnh yên bình hiền hòa/ Một mùa xuân lên cao, hôn trên làn tóc xõa theo mây trôi bồng bềnh.../ Đưa em về miền nắng ấm, những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm/ Hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ...".
Mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của sức vươn lên, trỗi dậy và gợi cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ, làm nên sự phong phú, đa sắc thái giữa lòng người và đất trời tự nhiên.
Sau gần 3 thập niên ngừng sáng tác, nhạc sĩ Văn Cao âm ỉ một tiết tấu đẩy đưa trong tâm trí con người tài hoa, để rồi bừng lên từ một mùa xuân mới trong âm hưởng: "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn...".
Cho đến nay, mỗi khi xuân về, trời đất giao hòa, con người trở nên nhẹ bẫng trong cảm khoái trào dâng, “Mùa xuân đầu tiên” đã làm cho hàng triệu tâm hồn người say đắm, ngất ngây.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam với ý nghĩa vô cùng to lớn, một tầm vóc thời đại, cho đến hôm nay, nhiều dấu mốc quan trọng thành hình trên con đường phát triển, hội nhập của đất nước; nguồn cảm hứng vô tận và dồi dào lại cuộn chảy trong trái tim và tiếp sức cho tâm hồn các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh giá trị của cuộc sống. Cả non sông vang lên những âm hưởng ngợi ca đất nước trong sự chuyển mình trước mỗi mùa xuân thiêng liêng. 
Trong khuôn khổ bài viết này, không thể kể hết được hàng trăm bài hát, hàng ngàn lời ca xuân. Và, có lẽ không một quốc gia nào trên thế giới sở hữu một bộ sưu tập rất lớn những bài ca mùa xuân đầy ý nghĩa nhân văn, là tài sản tinh thần của nhân dân, gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước như của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ mãi ngân vang cùng thời gian.
Xuân Kỷ Hợi, lắng lại bên ly rượu đượm tầng hương vị, hay một tách trà bâng khuâng, bồi hồi thưởng thức những khúc xuân ca rộn rã, thấy tâm hồn mình bay bổng vào thế giới chân - thiện - mỹ, thấy lòng mình hòa tan trong hơi thở của một buổi sớm mai, để điệu thức xuân lại đâm chồi nảy lộc trong xúc cảm của người nghệ sĩ, mang đến cho đời những dự án mới đầy thi vị trong cuộc sống.
8/2/2019
Nguyễn Thu Đông
Theo http://truyenhinhthanhhoa.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khơi lên ngọn khói chiều no ấm Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về ...