Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

Xuân Diệu: Thơ tình hay vì yêu thật, sống thậ

Xuân Diệu: Thơ tình hay vì yêu thật, sống thật

Đến nay dường như vẫn còn là một vấn đề quá khó đối với không ít người, khi phải trả lời câu hỏi vì sao thơ tình của Xuân Diệu hay đến mức khó ai có thể vượt qua? Người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực kể cả những người đồng thời cũng như hậu thế nhằm đi tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề, nhưng xem ra cũng chỉ là phỏng đoán.
Nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916, ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng tuổi thiếu thời ông sống tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và theo học ở Quy Nhơn. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.
Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Sau đấy ông ra Hà Nội sống bằng nghề làm thơ, viết văn và là thành viên tích cực của nhóm Tự lực văn đoàn từ năm 1938- 1940, do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) sáng lập từ năm 1932. Đến năm 1943, Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật, rồi vào làm tham tán thương chánh ở Mỹ Tho. Sau đấy ông lại quay ra Hà Nội tiếp tục làm thơ và viết văn. Bên cạnh sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết cho các báo như Ngày Nay và Tiền Phong. Sau đấy ông tham gia sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Xuân Diệu được biết đến với tư cách là một nhà thơ lãng mạn trữ tình. Ông đã thổi một làn gió mới vào thi đàn Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX. Theo nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới- nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời (1)
Xuân Diệu được coi là một trong những chủ soái của phong trào Thơ Mới. Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này gồm: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Có thể nói hai tập thơ này của ông được giới lý luận- phê bình văn học và văn học sử xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và cuộc sống. Tình yêu thường gắn liền với tuổi trẻ và mùa xuân thiên nhiên của đất trời và của lòng người. Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến mức quằn quại đau mỗi khi cảm thấy thời gian đang chảy trôi vào vô tận. Trong bài Giục giã ông từng mở đầu bằng hai câu thơ thật sự riết róng: Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi.
Như vậy đủ thấy ông cảm nhận về sự hữu hạn, mong manh của đời người, nên cần phải sống thật và yêu một cách hết mình, đắm say. Trước đây đã có một số người do nhận thức nông cạn nên suy diễn một cách vô lối, quy kết hai câu thơ của ông là biểu hiện của lối sống gấp của tầng lớp tiểu tư sản, theo cách nhìn của đạo đức phong kiến lạc hậu, nhuốm màu sắc chính trị hẹp hòi từ quan điểm của Nho giáo.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, rồi sau đó, khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội, rồi công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn
tạp chí Văn nghệ (nay là Tuần báo Văn nghệ) ở Việt Bắc.
Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ khi mới thành lập (1957). Cũng từ sau năm 1945, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ngợi ca cách mạng, ngợi ca những người lao động. Từ đỉnh cao của dòng thơ lãng mạn trữ tình, ông chuyển sang dòng thơ anh hùng ca, tự sự trữ tình, pha chút chính luận một cách dứt khoát ngay từ tập thơ Ngọn quốc kỳ (1945), cho đến Một khối hồng (1964), rồi Thanh ca (1982),...
Với tư cách là một cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ, trong đó một số lượng lớn vẫn còn nằm trong di cảo chưa công bố, một số truyện ngắn và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985 tại Hà Nội.
Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 1996
Tên của ông được đặt cho một đường phố ở quận Tây Hồ và một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội, một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, nhà thơ Xuân Diệu đã để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ, mà các thế hệ sau này không mấy người sánh kịp, gồm nhiều thể loại khác nhau. Về thơ có: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non song, Riêng chung, Hồn tôi đôi cánh,... Văn xuôi: Phấn thông vàng, Miền Nam nước Việt, Việt Nam ngàn dặm,... Tiểu luận phê bình: Thanh niên với quốc văn, Tiếng thơ, Những bước đường tư tưởng của tôi, Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ, Dao có mài mới sắc, Thi hào dân tộc Nguyễn Du, Đi trên đường lớn, Ba thi hào dân tộc, Phê bình giới thiệu thơ,... Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet, Vây giữa tình yêu, Việt Nam hồn tôi, Những nhà thơ Bungari, Nhà thơ Nicôla Ghiđen,...
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước thời kỳ đổi mới, một trào lưu nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đứng trên quan điểm chính trị, đạo đức lạc hậu và xã hội học dung tục đã qui cho Thơ Mới đủ mọi thứ tội, mà nặng nhất là tội lập trường tiểu tư sản thay vì xem Thơ Mới như một diễn ngôn lịch sử, hay một giá trị nghệ thuật. Có không ít học giả, giáo sư, nhà lý luận, phê bình văn học, có thể do trình độ nhận thức  hạn chế, hay bị sức ép từ một thế lực nào đấy hoặc là có tư tưởng cơ hội, nhân danh này nọ, đến mức biến Thơ Mới thành một thứ gì đấy cần phải tẩy chay, cấm kị đối với nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích văn chương. Vào thời điểm ấy, cái tôi cá nhân, một phẩm chất tối quan trọng trong sáng tạo thi ca bị quy thành chủ nghĩa cá nhân vị kỷ theo quan điểm đạo đức và xã hội học dung tục. Với tư cách là ông hoàng thơ tình, Xuân Diệu không thể nào thoát khỏi vòng cương tỏa của những tư tưởng bảo thủ ấy. Cũng may mà, chính ông lại là người tìm đến với Việt Minh khá sớm và đem tất cả lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu cuộc sống để phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân. Dù vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công chừng 40 năm, ông vẫn còn là đối tượng bị chỉ trích mạnh mẽ nhất, mặc dù, khối lượng tác phẩm của ông sau 1945 với tư cách là một nhà thơ Cách mạng, còn lớn hơn nhiều so với vài ba tập thơ, truyện ngắn trước đấy, nhưng người ta lại cố tình quên đi, mà chỉ quan tâm đến tính chất tiểu tư sản trong sáng tác của ông trước 1945.          
Ngay lúc bình sinh, cũng như khi đã về thế giới bên kia, cách đây gần 30 năm, Xuân Diệu và thơ tình của ông vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, bàn thảo với hàng loạt bài viết như: Vạch trần nỗi khổ tình trai của nhà thơ Xuân Diệu; Nhà thơ Hoàng Cát: Xuân Diệu yêu, còn tôi chỉ thương; Nghi án tình trai với nhà thơ Xuân Diệu, Giải mã nghi án giới tính của Xuân Diệu,... và trong Hồi ký của mình, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã có hẳn một chương dành riêng viết về nhà thơ Xuân Diệu sau gần 20 năm quan hệ gắn bó giữa hai người (2). Còn nhà văn Tô Hoài, người cùng thời và quen biết Xuân Diệu từ trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945 cũng dành hẳn chương III trong Hồi ký Cát bụi chân ai của mình để viết về ông hoàng thơ tình này. Đáng lưu ý là tất cả bài viết của các tác giả nói trên ít nhiều đều đề cập đến vấn đề giới tính của Xuân Diệu. Những tác giả nói trên chỉ có ba người là Tô Hoài, Hoàng Cát và Nguyễn Đăng Mạnh là có thời gian gắn bó mật thiết lâu dài và chỉ xếp sau Huy Cận, người bạn thiếu thời, em rể và là người sống chung với Xuân Diệu trên dưới 40 năm.
Trong các nhà văn, nhà thơ vừa kể trên, mỗi người có quan hệ và tiếp xúc với Xuân Diệu theo cách riêng của mình, nên có những kỷ niệm và cách nhìn nhận về ông cũng không ai giống ai. Huy Cận và Xuân Diệu là tình bạn thuở thiếu thời là hai tính cách đối nghịch nhau, nhưng cả hai đều cần phải dựa vào nhau để sống và hoạt động nghệ thuật.
Còn với Tô Hoài thì đích thị xem Xuân Diệu là người đồng tính. Minh chứng là trong hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài, đặc biệt là đoạn tả những đêm ma quái ở U tỳ quốc trên Yên Dã, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (U tỳ quốc là cách gọi của Xuân Diệu): Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn, ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ… Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, giằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi rời rã, thống khoái, im lặng… Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi hé mắt nhớ lại những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối đã trơ ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa… Nhưng đêm mai lại vào cuộc kịch liệt hơn. Trong đêm quái quỷ lại thấy mình không phải mình mọi khi, cũng không biết rồi trời lại sáng. Cho đến khi thật thấy rạng sáng mới rờn rợn tởm (3).
Với Hoàng Cát là tình anh em trai thì đúng hơn là tình trai. Theo Hoàng Cát, ông chỉ thương và chiều Xuân Diệu thôi chứ không yêu, còn Xuân Diệu thì yêu thật. Nhưng như vậy mà nói đây là tình yêu đồng tính của hai người là không thỏa đáng, bởi lẽ đây chỉ mới nghe một tai từ lời của Hoàng Cát nói ra, rất khó kiểm chứng. Vả chỉ căn cứ vào một vài bài thơ mà Xuân Diệu viết tặng Hoàng Cát mà suy ngược lại cho rằng đấy là tình yêu đồng tính lại càng sai lầm hơn. 
Nhân chứng thứ tư là Nguyễn Đăng Mạnh, thì quan hệ với Xuân Diệu đơn thuần chỉ là quan hệ giữa nhà thơ và nhà nghiên cứu, lý luận văn học, không hề có chuyện luyến ái ở đây, mặc dù hai người rất quý trọng, quan tâm đến nhau, đôi khi còn trên cả mức quan hệ của một tình bạn thông thường.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ trên hồi ức của từng ấy nhân chứng để suy ra Xuân Diệu là người đồng tính hay ái nam ái nữ và thơ của ông cũng là thơ của người đồng tính hay của người ái nam ái nữ là chưa thỏa đáng, mặc dù ông đã có một số bài thơ nói về vấn đề này như Tình trai, Em đi, Biển,...
Nhân chứng cuối cùng, người vợ duy nhất của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu là NSND, đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp. Dù quan hệ vợ chồng của hai người chỉ kéo dài khoảng sáu tháng, nhưng những gì bà Bạch Diệp nói ra theo tôi là đáng tin cạy hơn cả. Ngày ấy, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, vào một ngày cuối thu đầu đông (11/1958), Xuân Diệu ở ngôi nhà 24 phố Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phu) với gia đình nhà thơ Huy Cận, đạp xe xuống nhà nàng ở cuối phố Bà Triệu, nơi có hàng hoa dạ lan thơm nức. Chính nàng Bạch Diệp đã khơi nguồn cảm hứng để chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu viết nên bài Dạ hương bất hủ: Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/Dạ lan thơm nức lạ lung/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương.
Theo bà Bạch Diệp, Xuân Diệu là một người chồng rất chiều vợ, chỉ với chiếc xe đạp cũ ông đã chở bà đi khắp nơi. Dù có phải đạp xe hàng chục cây số, người đàn ông đã ngoài 40 tuổi ấy vẫn tỏ ra vui thích và thường lẩm nhẩm đọc thơ khi đang đạp xe. Tôi còn rất thích đi xem phim, xem kịch, Xuân Diệu cũng chiều theo, luôn chở tôi đi xem chứ không như nhiều người đàn ông thời bấy giờ không muốn cho vợ đi đến rạp, bà nhớ lại (4).
Bà Bạch Diệp còn cho biết thêm, ngay lần gặp Xuân Diệu đầu tiên, bà dường như đã bị chìm trong đôi mắt to, sáng và thăm thẳm của ông hoàng thơ tình. Xuân Diệu lúc ấy tuy đã ngoài 40 tuổi, nhưng trông vẫn rất bảnh bao, cuốn hút với vầng trán cao và những sợi tóc loăn xoăn bồng bềnh, lãng mạn. Những buổi hẹn hò sau đó, Xuân Diệu thường chở Bạch Diệp trên xe đạp lang thang ra ngoại ô chơi. Một lần, đang rong ruổi trên đường, một cơn mưa lớn bất chợt ập đến, Xuân Diệu liền kéo Bạch Diệp vào trú dưới một mái hiên. Thi sĩ rút khăn mùi xoa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt người bạn gái khiến nàng cảm động trong lòng. Những bông hoa hồng tươi thắm được Xuân Diệu cầu kỳ lựa chọn từ tiệm rồi mới mang tặng khiến nàng thêm đắm đuối trong bầu không khí lãng mạn của thơ và hoa (5).
Sau khi cưới xong, đôi trai tài gái sắc được thu xếp ở trong một căn phòng nhỏ nhắn nhưng ấm cúng... Chậu nước ấm thơm nức mùi hương hoa do chính tay chú rể chuẩn bị khiến Bạch Diệp thêm phần cảm động. Rồi sau khi tắm xong, bàn tay mềm mại của Xuân Diệu đặt lên vai làm tim cô gái trường dòng thình thịch đập, má đỏ bừng, ngượng ngùng… Chợt Xuân Diệu cất tiếng hỏi: em có thấy cái bút ở đâu không?. Ngạc nhiên, nàng hỏi lại: để làm gì hả anh? Xuân Diệu không trả lời, ông lục tung bàn, giấy tờ và cúi cả xuống gầm giường tìm bút. Rồi ông thắp thêm cây nến, Xuân Diệu ngồi vào bàn, loay hoay viết một lúc rồi cầm tờ giấy quay sang đọc thơ cho vợ nghe và hỏi ý kiến nàng. Xong chú rể mới lại hì hụi, cắm cúi viết như quên mất cô dâu và đêm tân hôn phải diễn ra như lẽ thường của các đôi vợ chồng mới cưới (6).
Theo bà thời kỳ trong và sau hôn nhân những bài thơ tình của Xuân Diệu luôn đắm đuối, khát khao: Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng/ Gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm. (Xa cách).
Thế rồi bỗng một đêm, Xuân Diệu không ngồi bên bàn giấy nữa mà đến bên vợ và ôm chặt nàng trong vòng tay, âu yếm hôn nàng, nồng nàn, cuống quýt... Những tưởng đêm ấy là đêm tân hôn thực sự của đôi vợ chồng mới cưới. Nhưng thi nhân đột ngột dừng lại, bỏ ra ngoài phòng. Còn lại người vợ lặng lẽ bên chiếc giường cưới còn vẹn nguyên nếp chăn và mùi thơm của nước hoa (7).
Biết chuyện, ông nhạc gọi riêng chàng rể ra nói chuyện kín và ông cho rằng Xuân Diệu bị bệnh tiên thiên bẩm sinh, không thể quan hệ vợ chồng được. Ông cụ bảo sẽ chữa cho Xuân Diệu và ông giao chỉ tiêu cho chàng rể trong 3 tháng nếu không khỏi bệnh, không làm tròn vai trò của người chồng thì phải bỏ con Diệp. Từ đó, ngày nào Xuân Diệu cũng mải miết sắc thuốc uống mong chữa trị được chứng bệnh yếu sinh lý bẩm sinh.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Lương Đống, nguyên Quyền vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: Bệnh tiên thiên là bệnh mang tính bẩm sinh. Bệnh tiên thiên có rất nhiều dạng chẳng hạn như tim tiên thiên, thận tiên thiên, cơ địa tiên thiên… Những người bẩm sinh yếu tiên thiên có chung đặc điểm là từ bé đã ốm yếu quặt quẹo, bệnh tật liên miên, bị hết bệnh này đến bệnh khác, sức đề kháng kém khỏi được bệnh này lại sinh ra bệnh khác. Kể cả khi người đó tập thể hình, có sức cơ bắp thì sức đề kháng vẫn kém.
Với Xuân Diêu có thể do bị bệnh tiên thiên ở thận hoặc rối loạn vận mạch não, gây co thắt mạch máu não nên một nửa não thường bị co thắt gây đau đớn. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến cảm xúc phòng the. Hoặc có thể ông bị bệnh thận tiên thiên nên dẫn đến suy thận, yếu sinh lý, xương cốt rệu rã, hay bị sụn lưng ngay từ khi còn trẻ hay ốm vặt. Người mắc chứng bệnh này thường nhút nhát, cảm xúc cũng thất thường (8).
Sau đấy ít lâu, Xuân Diệu nói với vợ: Diệp ơi, 3 tháng rồi mà anh không biến chuyển gì. Chúng ta phải chia tay thôi, anh phải thực hiện lời hứa với bố em. Nói đến đó, cả hai vợ chồng cùng khóc (9).
Cuộc hôn nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời của ông hoàng thơ tình đã kết thúc một cách hết sức chóng vánh và buồn thảm. Dù cuộc hôn nhân ấy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, xét theo khía cạnh thông thường của mọi cuộc hôn nhân. Vì ở đấy dường như chỉ tồn tại tình yêu mà không có tình dục, yếu tố vật chất căn bản đảm bảo duy trì sự tồn tại cho hôn nhân đã bị số phận cướp mất đi của Xuân Diệu. Tuy thế, đến bây giờ, người vợ duy nhất vẫn nhớ về ông với niềm cảm mến sâu sắc: Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Xuân Diệu như một luồng gió mát đi qua cuộc đời tôi. Luồng gió đó dù ngắn nhưng đã để lại mãi ấn tượng trong tâm hồn. Chỉ là một luồng gió thoáng qua nhưng lại làm tôi giữ mãi niềm thương mến, bởi tôi thực lòng rất thương Xuân Diệu (10).
Như vậy không thể nói Xuân Diệu là người đồng tính hay ái nam, ái nữ mà chẳng qua số phận không cho ông được làm chồng, làm cha vì một căn bệnh quái ác bẩm sinh. Nhưng dù với người đồng giới hay khác giới ông đều yêu thật và sống thật. Với bất cứ ai và bất kỳ thời điểm nào tình yêu của ông với con người và với cuộc đời đều đằm thắm, nồng nàn đến bỏng cháy, đầy chất nhân văn. Tôi cho rằng đấy mới là nguồn cội để ông viết nên những áng thơ tình bất hủ, mà gần thế kỷ nay hoặc có thể xa sau hơn nữa sẽ chẳng ai có thể vượt qua được.
Tài liệu tham khảo:
(1). Hoài Thanh và Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. Nxb Văn học, H, 2010
(2). Nguyễn Đăng Mạnh (Hồi ký.), Chương IX - Xuân Diệu
(3). Tô Hoài. Cát bụi chân ai. Nxb Hội Nhà văn. H, 1993, chương III
(4), (5), (6), (7), (8), (9), (10). Lã Xưa. Xem www.bichkhe.org/.
3/2/2017
Đỗ Ngọc Yên
Theo http://vannghiep.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đôi dòng tưởng nhớ “Con nhà nho cũ”  Nhà văn, nhà báo, nghệ nhân tranh chữ Bùi Hạnh Cẩn (1919 – 2020) đã rời cõi thế ở tuổi 102, đến nay...