Tôi muốn tìm bí mật của hình dung
(Đọc Hình Dung - tập thơ của Đặng
Chân Nhân - NXB Hội
Nhà văn 2008) Mùa xuân này, tập thơ đầu tiên mà tôi chăm chú đọc là tập thơ
của một tác giả 14 tuổi: Đặng Chân Nhân. Trước một công trình của một tác giả vị
thành niên này, tôi thấy rằng không thể không tôn trọng và thận trọng đọc đi đọc
lại Hình dung thực chất là sự trình bày thế giới của Đặng Chân Nhân,
cái thế giới này được biểu hiện quãng thời gian từ 7 đến 14 tuổi.
Trong đêm trước khi vào giấc ngủ, tôi có lần lại ký ức của
mình, rằng ở 7 tuổi tôi đã nghĩ gì? Tôi không thể lần tìm được ở 7 tuổi, mình
đã nghĩ gì? Dường như tất cả chỉ còn hiện lên lờ mờ dăm ba hình ảnh thời thơ ấu
với vùng quê xa lắc, còn lại tất cả đã tan biến vào đâu đó. Tôi rất tâm đắc với
quan điểm về bảo tồn ký ức trong lĩnh vực tinh thần, rằng quá khứ của đời sống
tinh thần có thể được giữ lại, không nhất thiết bị xóa hết, có những điều bị
quên hoặc bị đồng hóa tới mức dùng cách nào cũng không khôi phục được nguyên trạng.
Việc bảo tồn chúng thường phụ thuộc vào một số điều kiện, đó là điều có thể xảy
ra, nhưng chúng ta chưa biết gì về điều này. Trong vương quốc tinh thần, cái
ban đầu song song tồn tại một cách phổ biến dưới hình thức đã thay đổi của
chính nó, cái gì đã hình thành thì không thể mất đi được, mọi cái đều được giữ
lại ở mức độ nhất định và trong điều kiện thích hợp, chúng lại tại hiện.
Với Đặng Chân Nhân thì cái quan điểm bảo tồn ký ức trong lĩnh
vực tinh thần có vẻ kém hiệu lực đối với cá thể người này, bởi Đặng Chân Nhân
đã trải nhiệm thời thơ ấu của mình bằng ngôn ngữ dưới một hình thức tinh túy nhất
ở một đẳng cấp cao nhất, đó là thơ.
Những bài thơ của Đặng Chân Nhân nói gì? Đối với đa số những
nhà thơ của ta sẽ cho câu hỏi này là ngớ ngẩn, bởi đọc bài thơ của cậu bé lúc 7
tuổi thì mất thời gian làm gì để đặt ra câu hỏi như vậy. Đối với tôi, việc này
lại khác, để trả lời câu hỏi đó thật không dễ dàng chút nào.
Đây là bài thơ Gia đình của tác giả viết khi 7 tuổi: Em
có một gia đình/ Gia đình đó gồm có:/ Bà bố mẹ chị em/ Và bà em khác nữa/ Bà
là một sao Mộc/ Bố là một Trái Đất/ Mẹ là một sao Kim/ Chị là một sao Thủy/ Em
là sao Diêm Vương/ Nhưng vẫn còn 3 em/ Ngựa gấu và cánh cứng/ Ngựa là sao
Thiên Vương/ Gấu là một sao Hỏa/ Cánh cứng-sao Hải Vương/ Đó là một gia đình.
Bài thơ chỉ như vậy đó. Dưới cách nhìn của người lớn hiện
đang được công nhận là đúng, thì gia đình là một tổ chức xã hội thu nhỏ gồm những
người thân thiết ruột thịt, là các thành viên hợp thành tổ chức đó. Dưới cách
nhìn của Đặng Chân Nhân, tôi thấy cái định nghĩa trên đã bắt đầu phải bổ sung,
bởi gia đình còn có ngựa, gấu và cánh cứng - ba thành viên mang tính đồ chơi
này là những nhân vật thực sự không thể vắng mặt trong quan niệm của Đặng Chân
Nhân về gia đình - chúng bình đẳng và cùng tồn tại trong cái thế giới của cậu
bé 7 tuổi đó; vai trò của ba thành viên đồ chơi này, các thành viên khác trong
cái gia đình đó không thể thay thế. Đó là bí mật thứ nhất của bài thơ. Bí mật
tiếp theo thì tôi quả là chưa lý giải được, không phải là quá suy diễn hoặc
quan trọng hóa vấn đề mà tôi nói như vậy. Đúng là chưa thể lý giải được. Một sự
so sánh thường thấy: Bà là sao Mộc, bố là Trái Đất, mẹ là sao Kim, chị là sao
Thủy, em là sao Diêm Vương, Ngựa là sao Thiên Vương, Gấu là sao Hỏa, Cánh Cứng
là sao Hải Vương. Các thành viên trong gia đình trong đó có cả 3 thành viên đồ
chơi đều được chọn ứng với các vì sao trong vũ trụ. Tại sao lại ví các thành
viên trong gia đình với các vì tinh tú? Tại sao bà lại là sao Mộc? Bố lại là
Trái Đất? Nhiều nhà thơ sẽ cho rằng, việc gì phải đặt câu hỏi như vậy? Đó chỉ
là sự ngẫu nhiên, hồn nhiên của một đứa trẻ mà thôi. Tôi không phủ nhận ý kiến
này, nhưng quả là tôi không dám quả quyết rằng trong vận hành của trí tưởng tượng
của cậu bé 7 tuổi đã diễn ra như thế nào để hình thành những câu thơ có tính ví
von, so sánh, ước lệ đó, vì chính những thành viên thân thiết nhất của mình.
Tôi chưa có được câu trả lời về bí mật này. Tôi chỉ có thể nương tựa một cách
mong manh vào một luận điểm, rằng khi loài người nhân cách hóa lực lượng tự
nhiên thì họ lại thường tuân thủ phương thức thời thơ ấu.
Bài thơ Trò chơi và Những linh hồn nhảy nhót đã
là sáng tác của một bậc vị thành niên 14 tuổi Đặng Chân Nhân.
Ở thời kỳ 7-13 tuổi, Đặng Chân Nhân đã thực sự trình bày thế
giới đến sự kiến giải những hiện tượng qua các bài thơ: Cần phải làm gì, Cùng
chơi, Sinh nhật, Cá lớn và cá bé, Cuộc sống, Trái đất bao
la, Thiên nhiên là gì, Điều dễ, Hình dung, Trí tưởng tượng…
Rất vô tình, tôi đã cùng tác giả Hình dung trải qua
quãng thời gian 7 năm từ lúc 7 tuổi, nay đã là 14 tuổi. Cái quãng thời gian 7
năm này là cả một hành trình kỳ vĩ trong đời sống tinh thần của một con người.
Nếu ví von không quá thì nó là sự kỳ bí không kém cuộc thám hiểm đi vòng quanh
trái đất. Những nghiên cứu về giai đoạn này các nhà tâm lý học đã có những kết
quả sáng tỏ.
Cuộc sống chỉ là một trò chơi/ Con người là những nhân vật ảo/
Đồ vật thì vẫn là đồ vật/ Cố gắng thì chúng ta sẽ thắng/ Trò chơi thì vẫn phải
có luật/ Gian lận thì sẽ bị phạt chứ/ Ai là người chơi?Chắc là Chúa/ Vì ông ấy
ngồi trên thiên đàng (Trò chơi).
Những linh hồn này/ Họ nhảy/ Họ được tự do/ Thoát khỏi sự
lo lắng về cách sống sót/ Thoát khỏi áp lực/ Thoát khỏi các luật lệ/ Thoát khỏi
cuộc sống/ Họ nhìn thấy Chúa trên đó/ Và họ nhảy (Những linh hồn nhảy
nhót).
Từ sự trình bày thế giới một cách hồn nhiên, có trình tự (khi
7 tuổi) giờ đây nhà thơ 14 tuổi đã trình bày thế giới bằng những khái niệm và
đã chạm đến một lĩnh vực còn nhiều khó khăn trong thế giới triết học - đó là
siêu hình học với những hình ảnh khá tiêu biểu: Chúa, thiên đàng và những linh
hồn. Sự đột khởi mạnh mẽ và nhảy vọt trong thế giới tinh thần thể hiện qua tư
duy ngôn ngữ của Đặng Chân Nhân, quả có làm cho tôi hơi choáng. Cái vương quốc
tinh thần của tuổi vị thành niên đã vắt kiệt tâm sức của hàng ngàn nhà khoa học
tâm lý trên thế giới, là một sự thật.
Đặng Chân Nhân là một hiện thực của sự thăng hoa nguồn năng
lượng tiềm ẩn. Từ hai bài thơ trên, cho thấy tác giả đã nếm trải những trải nhiệm
ban đầu của một con người xã hội. Chắc những trải nhiệm đó không ra ngoài niềm
vui, nỗi buồn, hy vọng, thất vọng và đã chớm khát khao sự công bằng, công lý
trong cuộc sống. Trong xã hội loài người, điều khiến người ta cảm thấy khát vọng
tự do là việc người ta chống tệ bất công hiện hành, nó được chứng minh là có lợi
cho việc phát triển hơn nữa của nền văn minh, nó có khả năng thống nhất với nền
văn mình. Hai bài thơ ở tuổi 14 này, đoạn kết của bài thơ đầu xuất hiện hình ảnh
của Chúa. Dưới ánh sáng của phân tâm học thì Chúa là hình ảnh thần thánh của
tôn giáo đã được loài người nhân tính hóa xuất phát từ ấn tượng đáng sợ về sự
đơn độc thời thơ ấu khiến con người nảy ra nhu cầu được bảo vệ - đây là sự bảo
vệ được thông qua tình thương yêu - sự bảo vệ này do người cha thực hiện. Do nhận
thức rằng sự trơ trọi này sẽ tồn tại suốt cả cuộc đời nên phải dựa vào sự tồn tại
của một người cha nhưng lần này là người cha lớn mạnh hơn (Chúa là hình ảnh người
cha tối thượng).
Thế là, sự thống trị nhân từ của vị thần thượng đế sẽ giảm bớt
nỗi lo đối với những hiểm nguy trong đời sống của chúng ta, sự xây dựng trật tự
đạo đức để đảm bảo nhu cầu công bằng thường không được thực hiện. Sự tiếp nối của
tiếp sau đối với kiếp này lại tạo ra khuôn khổ cụ thể của kiếp này để thỏa mãn
những nhu cầu sẽ nảy sinh.
Bài thơ Những linh hồn nhảy nhót là biểu hiện của
khát vọng tự do, một sự chối bỏ thoát ra ngoài những áp lực của xã hội hiện đại,
thoát khỏi quan niệm sống - chết, hằng lần khuất trong tư tưởng của con người.
Tình cờ bài thơ đã chạm đến những quan niệm căn bản của Lạt-ma Tây Tạng về cuộc
sống là một sự chuyển kiếp không ngừng và cái chết chỉ là giai đoạn chuyển kiếp
trong cái nhân quả, luân hồi đó.
Đầu xuân, đọc tập thơ của một tác giả đang độ tuổi vị thành
niên với 17 bài thơ ngắn gọn, súc tích, được sáng tác từ năm 7 tuổi đến 14 tuổi.
Những ý tưởng từ những bài thơ của Đặng Chân Nhân gợi ra nhiều vấn đề hóc hiểm
về nhận thức cũng như lý luận. Đi qua tập thơ Hình dung quả là không
dễ dàng mấy. Đó là dấu hiệu rất khả quan của nhà thơ tương lai. Đến đây, tôi chợt
nhớ tới ước ao của một nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ 20. Sinh thời, ông từng bộc
lộ tin tưởng rằng những ai được nuôi dưỡng, lớn lên trong tình yêu thương, được
giáo dục bằng những nhận thức tự giác cao và từ nhỏ đã được hưởng những điều tốt
lành của nền văn minh, họ sẽ có thái độ khác hẳn đối với nền văn minh. Họ sẽ thấy
văn minh là của cải của bản thân họ. Xin được kết thúc bài viết ở đây và xin được
chúc mừng tác giả Đặng Chân Nhân.
Hà Đông, tháng 2 năm 2008
Dương Kiều Minh
Theo https://www.vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét