Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Tác phẩm của Triệu Xuân những trang viết tâm huyết, giàu tính tư tưởng

Tác phẩm của Triệu Xuân những trang viết 
tâm huyết, giàu tính tư tưởng

Đối với người làm công tác nghiên cứu phê bình, thì những lời phát biểu của nhà văn về mục đích sáng tác, chủ đề, phương pháp sáng tác tác phẩm của mình là rất cần thiết và quan trọng. Như vậy tránh được cái tệ "thầy bói xem voi" không nhìn được toàn diện tác phẩm để có được ấn tượng chung nhất về nó, tránh khỏi khi phê bình "gãi không đúng chỗ ngứa", dẫn tới khen chê không chính xác, chỗ đáng khen không khen, chỗ đáng chê không chê, lời phê bình như "nước đổ đầu vịt" không giúp ích gì cho tác giả và bạn đọc.
May mắn cho tôi khi viết về tác phẩm của Triệu Xuân, lời nói đầu của tiểu thuyết hay lời phát biểu trên báo chí, thông tin in trong kỷ yếu hội viên Hội Nhà văn... đã giúp ích tôi rất nhiều khi anh thể hiện: vì sao viết, viết cái gì và viết như thế nào.
Trong lời Cùng bạn đọc của tiểu thuyết Đâu là lời phán xét cuối cùng (tái bản lần thứ hai, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2002), Triệu Xuân viết: 
"Dân tộc Việt Nam bước vào công cuộc Đổi mới đã hơn mười năm. Muôn sự đã đổi thay rất nhiều - theo chiều hướng tốt đẹp - so với hơn chục năm trước đó. Trong hoàn cảnh đầy thử thách khắc nghiệt của thời hậu chiến, vấn đề nhìn nhận, đánh giá con người, sử dụng nhân tài... còn nhiều bất cập. Ai cũng biết chính sách chiêu hiền đãi sĩ, khuyến khích tài năng, tạo cơ hội thăng tiến cho người lương thiện có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại, thịnh suy của một dân tộc. Khoảng thời gian mười lăm năm từ sau 1975, đất nước phải trải qua muôn vàn thử thách, nhiều cơ hội vuột khỏi tầm tay, kinh tế suy sụp, đời sống khốn khó... Từ trong bối cảnh ấy, có những người tiên phong mở đường, dũng cảm đương đầu với những lề luật lỗi thời, góp phần thúc đẩy đất nước thực hiện Đổi mới vì mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng văn minh. Không ít những người tiên phong của thời kỳ đó đã chịu mất mát, hy sinh...
... Con người và những mối quan hệ trong xã hội luôn luôn là vấn đề lớn nhất của văn học. Tôi suy nghĩ nhiều về mối quan hệ giữa con người sau chiến tranh, quan hệ cha con, quan hệ giữa hai thế hệ, cả hai đều nồng nàn yêu nước, giàu tâm huyết, nhưng cái cách yêu nước rất khác nhau. Tôi viết cuốn tiểu thuyết này theo lối tân văn, nhằm thể hiện sự nhìn nhận con người khác hẳn với kiểu đánh giá con người một cách cứng nhắc, phiến diện, không nhân văn.
Hiện nay chúng ta đang tập trung chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm lành mạnh hóa xã hội, lập trật tự, kỷ cương, phép nước. Thiết nghĩ, chỉ có thực sự phát huy dân chủ, trân trọng, nâng niu nhân tài, tôn trọng và lắng nghe tâm nguyện của con người, mau chóng và kiên quyết loại thải những kẻ giá áo túi cơm, sâu mọt, bất tài, tà tâm... thì xã hội mới yên bình, nước mới giàu, dân mới mạnh. Cuộc sống thôi thúc chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện chu trình giáo dục đào tạo con người. Đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi phải đổi mới chính sách cán bộ nhằm quy tụ và phát huy khả năng của những người có tài có tâm, như Bác Hồ đã chủ trương ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công".
Tuy là lời Cùng bạn đọc viết cho tiểu thuyết Đâu là lời phán xét cuối cùng (xuất bản năm 1987), nhưng mục đích, chủ đề và phương pháp sáng tác của Triệu Xuân ở đây vẫn áp dụng chung cho các tiểu thuyết: Những người mở đất (1983), Giấy trắng (1985), Nổi chìm trong dòng xoáy (1987), Trả giá (1988), Bụi đời (1990), Sóng lừng (1991), Cõi mê (2004).
Trước hết tôi rất hoan nghênh mục đích viết, và chủ đề tác phẩm của Triệu Xuân. Tất cả những tác phẩm của Triệu Xuân đều mang tính hiện thực, tính tư tưởng cao, tác động mạnh vào công cuộc Đổi mới của đất nước. Tiểu thuyết Triệu Xuân phản ánh tâm nguyện của nhân dân, xoáy sâu vào chủ đề phải đánh giá đúng con người, tôn trọng và lắng nghe tâm nguyện của con người, tạo điều kiện cho con người phát huy khả năng cống hiến cho xã hội, cho đất nước, hoàn thiện chu trình giáo dục đào tạo con người. Tiểu thuyết của Triệu Xuân có tính dự báo thời đại rất cao, đồng thời là những trang nghệ thuật ca ngợi con người chân chính, dũng cảm phanh phui những kẻ quyền cao chức trọng mà phi nhân, sâu dân mọt nước.
Con người là đề tài bất tận của văn học. Trên vấn đề con người và bản chất con người, Mác, Ăngghen một phương diện trực tiếp kế thừa nguyên tắc cơ bản duy vật chủ nghĩa của Feurbach, khắc phục tính trực quan thoát ly hiện thực xã hội của nó; một phương diện khác lại tiến một bước cải tạo triết học Hegel hấp thu tư tưởng về "bản chất của lao động của con người" và đem sản sinh tự ngã của con người coi là quá trình của hoạt động mang tính đối tượng ẩn chứa trong tư biện trừu tượng của nó. Đồng thời phê phán quan điểm của Hegel đem tinh thần tuyệt đối coi làm chủ thể cao nhất, và lấy cái đó làm cơ sở để trình bày bản chất con người và hoạt động đối tượng hóa của nó, không chỉ đem con người biến thành khách thể bị động, biến thành thủ đoạn và công cụ tinh thần tuyệt đối mượn để biểu hiện mình; mà con đem nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người đều trừu tượng hóa và tinh thần hóa, con người thành ý thức tự ngã, đối tượng thành ý thức đối tượng, hoạt động đối tượng hóa thành sự thiết lập của ý thức, lấy, bỏ của dị hóa thành tự trở về của ý thức, tóm lại nội dung hiện thực đều bị rút mất, cái còn lại chỉ là tinh thần, "trong vòng quay thuần túy, không ngừng nghỉ của nội bộ tự thân" (lời Mác). Chính là trên cơ sở phê phán, kế thừa và phát triển tư tưởng của người trước, Mác, Ăngghen cụ thể luận chứng vấn đề bản chất thực tiễn, bản chất xã hội của "con người hiện thực" và phát triển lịch sử của bản chất con người, khác với "con người tinh thần" của Hegel, và "con người cảm tính" của Feurbach.
Cái mà triết học quan tâm là bản chất con người, nhưng muốn thăm dò bản chất của con người, đầu tiên phải thừa nhận con người là tồn tại khách quan có sinh mệnh, là con người hiện thực có máu có thịt, mà không phải là thứ tinh thần hoặc ý thức không có nhân thân nào đó. Có thể thấy, tư tưởng về bản chất con người của Mác, Ăngghen đầu tiên hấp thu nhân tố hợp lý trong chủ nghĩa duy vật của Feurbach, cho rằng bản thân con người là sự thống nhất của vật chất và tinh thần, xác thịt và linh hồn, tinh thần lấy vật chất làm cơ sở, linh hồn lấy xác thịt làm cơ sở, nói một cách cụ thể, tinh thần, ý thức là cơ năng của đại não, tinh thần, ý thức thoát ly đại não chẳng qua là "hư vô", đồng thời cho rằng con người là vật tồn tại đối tượng hóa, con người cần phải "nhờ vào đối tượng hóa để biểu thị bản chất của mình". Nhưng khảo sát của Feurbach đối với bản chất con người trước sau dừng lại trên cơ sở tự nhiên, trực quan cảm tính của con người, dù cho dính dấp đến tính xã hội của con người, cũng đem nó quy kết làm "tổng hòa của tất cả mọi nhu cầu và bản chất bản năng của con người". Hoặc giả quy kết làm "tính chung nội tại, vô danh, đem rất nhiều cá nhân với lý tính, lòng yêu, sức ý chí mà những cá nhân đơn lẻ đó vốn có liên hệ với nhau một cách thuần túy tự nhiên". Feurbach tuyên bố thẳng thừng: "Chỉ có nhân loại học là chân lý, chỉ có quan điểm của cảm tính, trực quan là chân lý, bởi vì chỉ có quan điểm đó cấp cho chúng ta tính chỉnh thể và tính cá biệt".
Nhưng Mác, Ăngghen không dừng lại ở đây, mà là lấy cái đó làm điểm xuất phát, tiến một bước đề ra vấn đề bản chất con người khu biệt với động vật rốt lại là gì. Mác, Ăngghen chỉ ra, có thể căn cứ vào ý thức, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa hoặc tùy tiện cái gì khác để khu biệt con người và động vật. Rất nhiều nhà tư tưởng trên lịch sử thực tế đã từ những phương diện đó tiến hành khu biệt. Nhưng, đặc trưng bản chất nhất của con người khu biệt với động vật lại là lao động sản xuất. "Hành động lịch sử đầu tiên của những cá nhân đó khiến mình khu biệt với động vật không phải là ở họ có tư tưởng, mà là ở họ bắt đầu sản xuất tư liệu sinh hoạt mà mình cần thiết". Từ ý thức bầy đàn của con người dã man phát triển đến ý thức của con người đích thực, trên thực tế trải qua một quá trình dài dặc, mà hoạt động lao động là cơ sở phát sinh của quá trình biến hóa đó, bởi vậy con người là sản vật của lao động, lao động sáng tạo con người.
Trong Bản thảo triết học kinh tế học năm 1844; Mác tiến hành trình bày cụ thể đối với bản chất lao động của con người và đề ra một định nghĩa đầu tiên về bản chất con người. Mác cho rằng lao động sản xuất trên thực chất là hoạt động đối tượng hóa của bản chất con người, ông nói: "Sản phẩm lao động là cố định trong một đối tượng nào đó, vật hóa là lao động của đối tượng, đó là đối tượng hóa của lao động, thực hiện của lao động là đối tượng hóa của lao động". Chính là trong hoạt động đối tượng hóa đó, con người một phương diện đem bản chất của mình thể hiện ra một cách khách quan, một phương diện khác lại không ngừng sinh thành và phát triển bản chất của mình. Mà đối tượng hóa của tinh thần, của ý thức con người là sản sinh trên cơ sở đối tượng hóa của lao động, không có hoạt động đối tượng hóa của lao động, đối tượng hóa của tinh thần, của ý thức chỉ có thể là hư cấu trong đầu óc. Căn cứ vào đó, Mác định nghĩa bản chất của con người là "hoạt động tự do, tự giác của con người".
Cái gọi là "hoạt động tự do, tự giác" là nói hoạt động của con người không phải bản năng kiểu động vật, mà mang tính sáng tạo cải tạo tự nhiên dưới sự chỉ đạo của ý thức tự ngã. Bởi vì lao động của con người thoát khỏi nhu cầu bản năng đơn thuần, anh ta không chỉ có thể dựa theo "thước đo bên trong", mà còn có thể dựa theo "bất kỳ loại thước đo nào", cho đến "quy luật của cái đẹp" để tiến hành sản xuất. Bởi vậy, đem bản chất con người định nghĩa làm "hoạt động tự do, tự giác" mới đích thực nắm được căn bản của con người.
Nhưng, Mác, Ăngghen không dừng ở đây, mà đi tới trả lời: con người dưới điều kiện vật chất và xã hội như thế nào tiền hành sản xuất? Họ dùng phương thức như thế nào để sản xuất? Theo Mác, Ăngghen, chỉ có đem con người đặt vào trong điều kiện lịch sử xã hội cụ thể để khảo sát, mới có thể vạch rõ bản chất hiện thực chân chính của con người hiện thực.
Bởi vậy, "cá nhân trong hiện thực chân chính" không chỉ là "theo đuổi hoạt động, tiến hành sản xuất vật chất" mà còn "là ở giới hạn, tiền đề và dưới điều kiện vật chất nhất định không bị họ tùy ý chi phối, biểu hiện mình một cách năng động". Đó là sự thuyết minh khái quát nhất của Mác, Ăngghen đối với cái gì là "con người hiện thực". Căn cứ vào đó, Mác trong "Về đề cương của Feurbach" mùa xuân năm 1845, lại hạ một định nghĩa như thế này đối với bản chất con người: "Trên tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa của tất cả mọi quan hệ xã hội".
Hai định nghĩa nói trên Mác cấp cho bản chất con người về bản chất là nhất trí. Khi Mác coi bản chất con người là "hoạt động tự do, tự giác", thì cái mà ông nhấn mạnh là tính sáng tạo trong lao động của con người; khi Mác coi bản chất con người là "tổng hòa của quan hệ xã hội", cái mà ông nhấn mạnh là tính xã hội lịch sử của bản chất con người. Chỉ có đem xem xét hai định nghĩa đó trong mối quan hệ mật thiết với nhau, mới có thể nắm vững toàn diện tư tưởng về bản chất con người của Mác, nhận thức đích thực được cái gì là "con người hiện thực hoàn chỉnh".
Thời gian dài đến nay, chúng ta nhận thức tư tưởng về bản chất con người của Mác theo kiểu giáo điều: Nếu bản chất của con người đã là tổng hòa của quan hệ xã hội, thế thì trong xã hội có giai cấp, do tính chất giai cấp của quan hệ kinh tế chiếm địa vị chủ đạo, bản chất con người biểu hiện chủ yếu là tính giai cấp. Khi phán định tính giai cấp của một cá nhân thì nhìn vào địa vị kinh tế của anh ta, nhân đó cho rằng tính giai cấp của con người là do thành phần giai cấp của anh ta quyết định (như chia cách ra giai cấp vô sản, tư sản, bần nông, địa chủ v.v...). Xuất phát từ đó, rút ra kết luận: anh xuất thân giai cấp vô sản, anh liền có tính người cao cả của giai cấp vô sản, anh xuất thân giai cấp tư sản, anh nhất định có tính người của giai cấp bóc lột xấu xa! Tính người của giai cấp lao động và tính người của giai cấp bóc lột là hoàn toàn đối lập, nước lửa không dung nhau. Trong xã hội có giai cấp, chỉ có cái gọi là tính người giai cấp, không có cái gọi là tính người có chung… 
Thời kỳ đầu sau ngày giải phóng miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn cải tạo tư sản, xuất hiện "chủ nghĩa thành phần", "chủ nghĩa lý lịch" là biểu hiện cực đoan và tất nhiên của thứ lý luận này. Dưới sự chi phối của thứ lý luận này, gia đình xuất thân thành điều kiện căn bản có khi là duy nhất quyết định số phận một cá nhân. Giả dụ anh không may sinh trong gia đình giai cấp hữu sản thế thì anh mất quyền làm người, bị coi là phần tử không đáng tin cậy. Trong thân thuộc của anh có người xuất thân từ gia đình thuộc giai cấp bóc lột hoặc sống trong nước tư bản chủ nghĩa, thế thì dòng máu của anh bị coi là thẩm thấu vật ô nhiễm mà biến thành không trong sạch. Cách nhìn nhận đó có nguyên nhân lịch sử phức tạp, không thể đơn thuần quy lỗi do sai lầm trên lý luận. Cả một thời gian dài đã diễn ra việc đánh đồng tính người với tính giai cấp, đem tính giai cấp đẩy đến cực đoan, phủ nhận tính chung trong tính người, phủ định tính kế thừa và tính liên tục của phát triển tính người, phủ định tổng hòa của tất cả mọi quan hệ xã hội (mà không chỉ là quan hệ kinh tế) quyết định bản chất của con người, đặc biệt là phủ định quyền tự chủ lựa chọn đối với thuộc tính giai cấp và đường đời của con người, và tác dụng quyết định của tính năng động, sáng tạo tự giác của con người; quy con người và bản chất con người là sản vật tiên thiên do huyết thống và xuất thân quyết định. Lối lý luận "tả" cực đoan đó cung cấp nền tảng triết học cho việc đẩy mạnh cách làm "tả" trong thực tiễn, ngăn cản sự phát triển toàn diện của con người.
Thăm dò con người, tính người và bản chất con người, cuối cùng là để thực hiện giá trị của con người, thúc đẩy sự phát triển của con người và tiến bộ xã hội.
Mác chỉ ra: "Khái niệm phổ biến giá trị là sản sinh từ trong quan hệ của người ta đối đãi với vật bên ngoài thỏa mãn nhu cầu của họ". Do nhu cầu của con người là đa dạng, có nhu cầu vật chất, có nhu cầu tinh thần, bởi vậy, khách thể giá trị có thể thỏa mãn những nhu cầu đó của người ta, không chỉ có sản phẩm vật chất mà cũng có sản phẩm tinh thần. Con người coi là chủ thể giá trị, tự thân nó cũng có giá trị. Giá trị của con người là ở anh ta có thể sáng tạo giá trị. Bởi vậy, giá trị của vật trên thực chất là đối tượng hóa giá trị của con người. Con người là giá trị sáng tạo giá trị, nhân đó mà là giá trị cao nhất của tất cả mọi giá trị. Con người trong quá trình sáng tạo giá trị, một phương diện thực hiện giá trị tự ngã, một phương diện thực hiện giá trị xã hội. Cái gọi là giá trị tự ngã là tự ngã căn cứ vào nhu cầu của tự thân, đi sáng tạo, thực hiện và chiếm hữu giá trị, cái đó chủ yếu biểu hiện là theo đuổi đối với công tích và thành quả trên sự nghiệp và kỳ vọng mình có thể được xã hội tôn trọng và thừa nhận. Cái gọi là giá trị xã hội là cống hiến của mình đối với thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của xã hội trong công tác. Một cá nhân cống hiến đối với xã hội càng lớn, giá trị xã hội của anh ta cũng càng cao. Giá trị cá nhân và giá trị xã hội không phải là hai thứ hoạt động giá trị không giống nhau, chúng thống nhất tồn tại trong hoạt động giá trị tự ngã của con người.
Giá trị cá nhân và giá trị xã hội cũng tồn tại mâu thuẫn. Nếu một cá nhân để thực hiện giá trị tự ngã, không ngần ngại làm tổn hại giá trị của người khác và xã hội, thế thì giá trị cá nhân của anh ta cũng trái với giá trị xã hội, do đó bị mọi người chửi rủa, vứt bỏ. 
Dưới cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp, thời gian dài đến nay, về quan hệ của giá trị cá nhân và giá trị xã hội vẫn giữ một thứ quan điểm như thế này: hoạt động của cá nhân trực tiếp là hoạt động giá trị xã hội, giá trị cá nhân đã hoàn toàn hòa tan vào trong giá trị xã hội. Vì thế, quan điểm tách giá trị cá nhân và giá trị xã hội ra bị quy kết là sai lầm! Ở cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp, hoạt động kinh tế của người ta là chấp hành lệnh của nhà nước, tuột móc với lợi ích cá nhân, cá nhân thành một khách thể tiêu cực bị động không mấy quan trọng trong hành vi kế hoạch, một chiếc bánh răng và đinh ốc có thể tùy ý điều phối, tính năng động tự do tự chủ tự giác và bản chất sáng tạo của cá nhân mất đi, bị vật hóa trong bộ máy nhà nước. Trạng huống đó phản ánh trên lý luận, là đem giá trị xã hội thành thức thể giá trị duy nhất tách rời giá trị cá nhân, hoặc giả một cách biến tướng cho rằng giá trị cá nhân chỉ bám dựa trên giá trị xã hội không có liên quan với mình.
Thực tế đó đã được nhà văn Triệu Xuân phản ánh sinh động trong các tiểu thuyết: Những người mở đất, Giấy trắng, Đâu là lời phán xét cuối cùng, Nổi chìm trong dòng xoáy, Trả giá, Bụi đời, Sóng lừng, Cõi mê.
Trung (Những người mở đất) nói: "Mục tiêu cao nhất là hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Nhưng tôi nghĩ chúng ta còn có một việc rất quan trọng, thậm chí có tính chất quyết định cho việc có hoàn thành kế hoạch được hay không: đó là vấn đề con người. Phải nhanh chóng rèn luyện cho mỗi công nhân của chúng ta, mỗi cán bộ chúng ta trở thành một con người mới, mang phẩm chất tốt đẹp của một công nhân xã hội chủ nghĩa. Vấn đề được đặt ra là: Phải thực hiện quyền làm chủ tập thể của giai cấp công nhân". Ngược lại Hoàng, đội phó, không lo lắng cho lợi ích tập thể, mà chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân, cốt sao giữ được cái ghế của mình, không tiếc vu cáo, hãm hại Trung, như vậy là đã hy sinh giá trị xã hội cho giá trị cá nhân. Ngược lại, ở Trung, giá trị cá nhân thống nhất cao độ với giá trị xã hội, giá trị của những người khác trong tập thể, do biết tôn trọng và tin tưởng vào con người, thực sự quan tâm đến con người, tạo điều kiện tốt để con người cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho xã hội.
Thịnh (Giấy trắng) nói với với Tư Phát: "Tôi không hiểu anh ác cảm, đố kỵ anh em làm gì. Họ tốt hay xấu bây giờ là trách nhiệm của chúng ta, của tôi, của anh. Những người trẻ bằng tuổi con anh như cậu Hải, cô Thy, họ đến với cách mạng như tờ giấy trắng. Những người đã sống qua hai chế độ như Hai Bảng, Ba Bình, đầy mặc cảm với cách mạng, nay đã hợp tác, đã thể hiện nhiệt tình. Còn gì đáng quý hơn, đáng nâng niu trân trọng lắm chứ. Vì sao cứ lấy cái quá khứ của họ trùm lên con người họ. Vả chăng con người như một dòng sông, luôn luôn biến động. Có gì mà anh khăng khăng cho họ là đồ bỏ, xài tạm chứ không thể tin. Nếu không tôn trọng người ta, không tin người ta thì làm sao anh đòi hỏi người ta tin yêu anh được". Tư Phát là nhân vật điển hình cho "chủ nghĩa thành phần", "chủ nghĩa lý lịch", khư khư bám lấy những cơ chế lỗi thời, ngụy trang bằng chiêu bài "bảo vệ quan điểm, lập trường của Đảng, kế hoạch, nguyên tắc của Nhà nước, đã tự biến mình thành tay sai cho phần tử cơ hội, mưu đồ quyền lợi bất chính, vu cáo hãm hại Thịnh. Ngược lại, Thịnh biết khai thác tiềm năng lao động và nhiệt tình của mỗi một người, đã làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, sản phẩm lao động là thước đo cao nhất bản chất con người của anh trong hoạt động sáng tạo tự do, tự chủ, tự giác.
Trong lời Cùng bạn đọc của Đâu là lời phán xét cuối cùng viết: Giám đốc một nông trường cao su Đông Nam Bộ "là một cán bộ giàu nhiệt tình cách mạng, nhưng không có tri thức quản lý kinh tế. Nông trường Hòa Bình, sau là công ty, nhanh chóng lụn bại, công nhân đói, vườn cây kiệt quệ. Những người tài năng, tâm huyết như ông Định và hàng loạt người có tay nghề cao không được trọng dụng. Con trai giám đốc là một kỹ sư trẻ, khuyên nhủ, góp ý với cha nhiều lần nhưng không được lắng nghe. Công nhân nông trường kiến nghị cấp trên thay giám đốc, không được đáp ứng... Đến khi giám đốc bị cách chức, người thay thế chính là con trai ông. Dưới sự lãnh đạo của Hiếu, công ty Hòa Bình phục hồi và phát triển với tốc độ nhanh, trở thành một doanh nghiệp mạnh. Thế nhưng, vì nhiều lý do, Hiếu bị cản phá quyết liệt, bị thay thế... Đâu là lời phán xét cuối cùng? Tiểu thuyết có kết thúc bỏ ngỏ".
Tác phẩm là một minh chứng: quan điểm lấy tính giai cấp thay thế tính chung của con người, và cách làm "tả" đã mang lại tai hại lớn lao cho xã hội như thế nào? Bên cạnh đó tư tưởng bảo thủ, trì trệ và thái độ cá nhân chủ nghĩa lo giữ ghế của một số người có chức có quyền, đã dẫn tới "kinh tế suy sụp, đời sống khốn khó... không ít những người tiên phong của thời kỳ đó đã chịu mất mát, hy sinh"; ngay cả tác giả, một nhà văn tài năng, giàu tâm huyết, cũng từng bị phê phán gay gắt, chụp mũ… một cách bất công, hoặc dè dặt không chịu chấp nhận, với tâm lý khôn lỏi "ăn cơm đi trước, lội nước đi sau". Có thể nói chính chủ trương Đổi mới do Đảng phát động, đã cứu tác giả khỏi bị vùi dập! 
Nổi chìm trong dòng xoáy "mượn bối cảnh ở một công ty vận tải sông biển, với những thủy thủ và thuyền trưởng chuyên nghề buôn lậu, ăn cắp hàng hóa và chơi bời trụy lạc. Giải phóng, những cán bộ cách mạng về tiếp quản công ty đã không những bất lực trước thực trạng tồi tệ này mà còn buông thả, để bị cuốn theo dòng xoáy tiền và gái, vô hình trung tiếp tay cho tội ác! Kỹ sư Thắng được điều về công ty khi mà mọi sự nát như tương bần... Anh bắt đầu vực công ty dậy bằng cách cứu lấy từng thủy thủ, không cho họ sa đọa nữa! Ngay lập tức, anh bị cái đám đông đồng lõa với cái ác chống phá. Rồi anh bị khủng bố! Thế nhưng, giữa muôn trùng vây của âm mưu đen tối và tội ác, vẫn lóe sáng lên nhân cách và niềm tin yêu của con người. Biết trân trọng những điều ấy, Thắng đã thành công. Anh bị trọng thương, đồng đội của anh hy sinh, nhưng những thủy thủ phạm tội giết người, cướp tàu vượt biển bị bắt. Những thủy thủ ngộ ra sai lầm của mình, vừa toan gượng dậy làm lại cuộc đời thì bị bọn xấu thủ tiêu. Thế nhưng con người đã chiến thắng! (trích lời phê bình của Ngô Thanh Hương).
Đến tiểu thuyết Trả giá, "chuyện kể về gia đình ông Hai Mắm - chủ xưởng tôm đông lạnh trước giải phóng. Để trở thành một ông chủ xưởng đông lạnh, ông Hai đã phải trải qua biết bao trôi nổi đắng cay. Dường như gần trọn đời ông đã bỏ công vì nó, nhưng sau năm 1975 ông đã "hiến" cho Nhà nước, bởi ông biết rõ ông là công dân của nước Việt Nam thống nhất, là gia đình cách mạng (vợ bị chính quyền cũ giết hại, con trai đi quân Giải phóng, nên không thể không chấp hành chính sách "cải tạo" kinh tế phi xã hội chủ nghĩa được. Nhưng không ngờ, cái hành động yêu nước và đầy tinh thần công dân ấy của ông Hai đã đẩy ông nhanh chóng bị phá sản bởi một ông chủ mới tên là Phái - một con người đội lốt cách mạng, ham quyền, ham gái, vừa dốt về quản lý lại vừa thất nhân tâm. Từ khi xưởng vào tay hắn, ngư dân chán nản không đi biển nữa, sản xuất bị ngưng trệ. Hai Mắm mất niềm tin, bỏ đi; con cả ông là Hai Đước - một sĩ quan hải quân đầy công tích, về can thiệp, bị vu oan tội chống đối và phải vô khám biệt giam. Người con thứ hai của ông là Lê Ngọc Trầm - một trí thức trẻ, giàu năng lực, cũng bị "vạ" theo, không được đi nước ngoài và "có anh bị tù", "có cha đi di tản", không được trọng dụng vì gia đình "chống đổi chủ trương cải tạo tư sản"... (trích lời giới thiệu của nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình).
"Có thể nói ngay rằng với tiểu thuyết Sóng lừng, Triệu Xuân là nhà văn đầu tiên viết về Mafia Việt Nam. Tác giả đề cập vấn đề Mafia Việt Nam một cách nghiêm túc và toàn diện. Qua nhân vật Tám Đôn, ta hình dung ra cuộc chiến chống Mafia là vấn đề sống còn của xã hội hiện nay chứ không chỉ là sự sai lầm về một mặt nào đó của đội ngũ cán bộ để rồi chỉ "xử lý nội bộ". Tám Đôn hiện nguyên hình là một bố già Mafia như các bố già ở Mỹ, Ý... Song do tính chất độc đáo của xã hội Việt Nam, Bố già Tám Đôn cũng độc đáo hơn các bố già quốc tế. Và chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống Mafia ở Việt Nam sẽ phải trả giá đắt khó mà hình dung nổi! Điều đó đã được tác giả thể hiện rõ bằng hình tượng nhân vật Lê Dung, người chiến sĩ an ninh dũng cảm đương đầu với Tám Đôn... Người đọc tin rằng cuộc chiến đấu của Lê Dung sẽ không bao giờ đơn độc, bởi đúng như tác giả đã viết trong lời đề ở đầu sách: "Còn xã hội, còn loài người thì luôn luôn có cuộc chiến đấu chống lại tội ác..." (trích lời phê bình của Ngọc Thạch). 
"Cõi mê xoay quanh số phận các nhân vật trong hai gia đình: gia đình ông Hòa và gia đình ông Hoàng... Gia đình ông Hoàng gồm ông và các con trai là những người có năng lực, có tâm huyết với sự nghiệp Đổi mới nhưng nhiều lúc đã chịu thất bại cay đắng bởi cỗ máy bảo thủ và sự tranh giành quyền lực của những kẻ xấu. Gia đình ông Nguyễn Kỳ Hòa (hay là gia đình cụ Nguyễn, bố ông Hòa, tuổi đã tròn trăm) là một gia đình yêu nước có truyền thống, đời đời theo Nguyễn Tri Phương, Trương Định chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Hòa là bộ đội tập kết, lên đến chức đại tá. Anh em ông, các con trai ông đều là liệt sĩ, chỉ để lại đứa cháu nội là thằng Thăng. Do sự cưng chiều và dựa cậy thần thế, thằng Thăng, cái hạt giống duy nhất của một gia đình yêu nước, trượng nghĩa, chưa đến tuổi mười lăm đã đua xe cán chết người, đã làm nát đời con gái người ta rồi tiếp đó là du nhập băng đảng xã hội đen, lao vào vòng đời thác loạn (trích lời phê bình của nhà văn Nguyễn Sĩ Đại).
Có thể nói chủ đề của tiểu thuyết Bụi đời (1990) lại được tiếp tục đào sâu thêm trong Cõi mê, với sự đề cập đến nguyên nhân và hậu quả của sự tha hóa và băng hoại trong xã hội, mang tính chất điều tra xã hội học, đi tiếp con đường của Nguyên Hồng trong Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Vũ Trọng Phụng trong Làm đĩ, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô... nhưng được viết theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có thể coi tám tác phẩm của Triệu Xuân như một kịch dài, với Những người mở đất là khai từ, Giấy trắng là màn một mâu thuẫn xung đột bắt đầu nổ ra và kịch tính ngày càng thêm gay gắt trong màn hai Đâu là lời phán xét cuối cùng, màn ba Nổi chìm trong dòng xoáy, màn tư Trả giá, và dần đi tới cao trào trong màn năm Sóng lừng, tiếp đó là hai màn vĩ thanh Bụi đời và Cõi mê. Qua tám tác phẩm liên tiếp ra đời trong hơn hai mươi năm qua của Triệu Xuân, tác phẩm nào cũng được tái bản nhiều lần - chúng ta càng thêm cảm phục trước tâm huyết đối với đất nước, ý thức trách nhiệm và nghĩa khí công dân, tinh thần đấu tranh dũng cảm của một nhà văn cho chân lý, cho tiến bộ xã hội, ngay từ trước thời kỳ Đổi mới. Tác phẩm vừa có lượng thông tin cao của những luận chứng kinh tế - xã hội với tư liệu mới mẻ, cập nhật, dữ kiện phong phú, đa dạng, vốn sống đầy ắp, nội lực dồi dào, vừa có giá trị nghệ thuật hấp dẫn người đọc, nhiều đoạn trữ tình ngoại đề như những bài thơ văn xuôi ca ngợi con người, đất nước quê hương, ca ngợi niềm vui lao động. Đúng như lời giới thiệu của Website Văn nghệ Sông Cửu Long: "Cõi mê có tiết tấu nhanh, lối viết hiện đại, chất sống tươi rói và ngồn ngộn, tư liệu được dùng công phu, chính xác, tình yêu tình dục được xử lý hợp lôgích với từng loại nhân vật, văn chương trong sáng... đã thể hiện tấm lòng tác giả tha thiết với đời, hết lòng với sự nghiệp Đổi mới vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh". Tôi cũng rất tâm đắc với lời đánh giá của Ngô Vĩnh Bình: "Đọc Trả giá thấy cộm lên một cảm hứng phê phán, nhưng đó là giọng phê phán có phân tích, có lý lẽ của một người có phương pháp tư duy khoa học, thấu hiểu thế thái nhân tình, chứ không phải lối phê phán độc những lời giễu cợt kêu gào rễnh roãng". Triệu Xuân đã phát triển thể loại tiểu thuyết tư liệu lên thành tiểu thuyết chính luận với mật độ của vấn đề chính trị xã hội kinh tế học và hàm lượng tư tưởng triết học trong thời kỳ mới của văn học. Riêng tôi, người hân hạnh được đọc truyện dài Những người mở đất từ khi mới là bản thảo, thành công của Triệu Xuân là sự đền đáp lớn cho niềm kỳ vọng của tôi!.
T.p HCM, Xuân Bính Tuất 2006
Hoài Anh
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trần Nhân Tông: Hoàng đế, Thiền sư và thi sĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308): người anh hùng đã lãnh đạo toàn dân hai lần kháng ...