Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

Tình sầu - Trịnh Công Sơn

Tình sầu - Trịnh Công Sơn

Nhiều người đã nói là không ai qua mặt được Trịnh Công Sơn về nghệ thuật sử dụng chữ trong ca từ mà có người gọi ông là người phù thủy của ngôn ngữ tạo hình ảnh. Cố nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là người viết nhạc dễ dàng như rút chữ từ trong túi áo. Trong bài “Tình sầu”, Trịnh Công Sơn đã cụ thể hóa tình yêu bằng các đồ vật, sự vật, các hiện tượng mà qua ngủ quan nhận biết, đó là gì: là trái phá, vết cháy trên da thịt, là trái chín rụng, là áo người tình, là bầu trời, là khói mây, là bóng cây, là reo vui trong nắng, là cơn mưa, là cánh chim bay cao vút, là cơn bảo, … Như vậy, Trịnh đã biến một sự kiện tâm lý thành một sự kiện vật lý, phóng hiện tượng nội giới ra ngoại giới. Ai cũng có thể cảm nhận được, biết được, đau với nỗi đau của chủ thể. Thành công của Trịnh phải chăng là nối được mối tương thông giữa chủ thể và tha thể mà vấn đề lớn của triết học đã đặt ra là con người có cảm thông?
Khi viết: Tình yêu như trái phá, ta cảm nhận được sức công phá của tình yêu. Nếu trái phá làm cho ta mù mắt thì tình yêu làm cho ta mù lòa. Ta ngu muội trong tình yêu, chẳng tài nào chọn được con đường nào là đường ta đi, khỏi lạc lối,…
“Một mai thức dậy, chuyện trò với lá cây”, chuyện trò với lá cây hay chuyện trò với cái tôi đã được nội giới hóa ngoại giới? Ở đây nỗi cô đơn dàn trải, và cỏ cây, hoa, lá, vũ trụ ơi! xin hãy cùng tôi chuyện trò, xin hãy nói về người.
Ý thức về tình yêu là ý thức về sự xao xuyến, về sự mong manh của cuộc tình. Nó được đánh dấu bằng tâm trạng biến chuyển của chủ thể”: hồn ngất ngây, buồn trong mắt nai và những khoảnh khắc của hạnh phúc: Rồi tình vui trong mắt, rồi tình mềm trong tay.
Một hình ảnh khác: Tình yêu như vết cháy trên da thịt mềm. Ta cảm nhận ngay được nỗi đau mà người tình để lại cho ta, nỗi đau dày vò không phải nhất thời mà kéo dài, mãi mãi,…
Đặc tính tình yêu của Trịnh làm ta không thể nào không chiêm nghiệm: Tình xa như trời. Tình gần như khói mây. Tình trầm như bóng cây,... hay "cuộc tình lên cao vút, như chim mỏi cánh rồi, như chim xa lìa bầy, như chim xa lìa trời, như chim bỏ đường bay".
Cách sử dụng ngôn ngữ của ông đạt đến chỗ tuyệt đối điều mà ông muốn diễn tả: “tình xa như trời”, “xa” so sánh với “trời”. “Tình gần như khói mây”: “gần” so sánh với “khói mây”. Cũng vậy, các thuộc từ trầm, buồn, reo vui nhấn mạnh sự biến chuyển của tâm trạng những người đang yêu làm ta như cảm nhận được, chia sẻ được hòa nhập với chủ thể.
Hình ảnh ấn tượng nhất trong bài là giai điệu cao vút cùng với ngôn ngữ sử dụng ôm lấy nốt nhạc khi ông hình ảnh hóa cuộc tình, "cuộc tình lên cao vút" với hình ảnh chim bay, bay cao, bay hoài đến mỏi cánh, đến bỏ bầy, bỏ đường bay. Chủ ngữ "chim" lập lại như một dấu ấn, ghi lại biến cố liên tục của cuộc tình.
Tình yêu đến thời kỳ sung mãn như trái đã chín, nhưng rồi cũng đến lúc rụng. Hãy cho anh nói lời chào buồn ơi, bây giờ chỉ còn:
"Một mai thức dậy,
Chuyện trò với lá cây.
Rồi buồn như lá bay.
Một dòng sông nước cuốn.
Một cuộc tình không may".
Tình yêu cho ta tập quán, sự nghiện ngập, từ hơi thở, từ mùi hương quen thuộc:
"Tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào"
để rồi khi cuộc tình đã ra đi để lại ông với:
“Hồn mình như vá khâu, tình mình như lủng sâu”
Quá tuyệt diệu! Trịnh đã cụ thể hóa hồn mình bằng tấm áo và nỗi đau của tâm hồn chẳng khác gì tấm áo bị vá khâu. Tình yêu của mình chẳng khác nào bị lủng sâu!!!
Hãy nói lời vĩnh biệt tình yêu, tình yêu bây giờ như nỗi chết, để lại cho anh cơn đau thật dài. Tất cả đều mất hết. Bây giờ còn chăng chỉ là “Tình khâu môi cười. Hình hài xưa đã thay. Mặn nồng xưa cũng phai. Tình chia nhau gian dối. Tình đày tình đôi nơi.”
Và hình ảnh cuối cùng là một lời nhắn gửi: “Tình yêu như cơn bảo, đi qua địa cầu. Tình thắp cơn sầu, tình dìu qua hố sâu. Tình đày lên núi cao. Rồi trong cơn yêu dấu. Tình đày tình xa nhau”
Nghệ thuật tạo hình của tác giả đã đạt đỉnh cao khi ông sử dụng các động từ: Khâu: "khâu môi cười", Thắp: "Thắp cơn sầu", Dìu: "dìu qua hố sâu", Đày: "đày lên núi cao", "đày tình xa nhau",...
Tất cả, tất cả những hình ảnh ôm xoáy lấy nhau… tô đậm nét rực rở của người yêu nay đã không còn.
Phải chăng do từ một bi kịch: Tình yêu là một thất bại?!
Tôi xin mượn quan điểm của Phạm Công Thiện để chốt lại bài viết về “Tình sầu” của Trịnh Công Sơn.
“ Viết về thơ, theo như Phạm Công Thiện không phải là phê bình xếp loại mà phải là ca tụng khen ngợi thơ. Ông khẳng định ”Nói đến Thơ không khác gì nói đến Thượng Đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh là blasphème.
Những thi sĩ không phải là loài người họ là những Thiên Thần, những thánh hoặc những quỷ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được thì ta phải im lặng; còn nếu chấp nhận họ thì ta phải ca tụng cho hết lời. Ta không được quyền có thái độ của học giả hoặc giáo sư hoặc nhà phê bình. Phải giết hết những nhà phê bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết lúc mới 18 tuổi xanh.
Anh không thể cảm thơ của người ta thì anh hãy im lặng; còn nếu cảm được thì anh hãy thiết tha ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người; không có ai làm thầy ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Buồn lắm…” (Phạm Mạnh Trinh)
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa và hơn thế nữa, ca từ của ông còn là ngôn ngữ thơ. Các ca khúc của ông, có một sự giao thoa mật thiết giữa nhạc và thơ. Có người đã đặt vấn đề, có hay không một Trịnh Công Sơn thi sĩ?
Đọc lại những gì tôi đã viết về “Tình sầu”, tôi tự hỏi, mình đã phân tích hết những cái hay của bản nhạc?
- Không, tôi đã thất bại! ngôn ngữ có những giới hạn của nó. Nghe nhạc của Trịnh, tốt nhất anh hãy để lòng mình thanh thản và cảm nhận!.
(Tuấn Nguyễn)
Tình yêu như trái phá
con tim mù lòa.
Một mai thức dậy,
chợt hồn như ngất ngây,
chợt buồn trong mắt nai,
rồi tình vui trong mắt,
rồi tình mềm trong tay.
Tình yêu như vết cháy
trên da thịt người.
Tình xa như trời,
tình gần như khói mây,
tình trầm như bóng cây,
tình reo vui như nắng,
tình buồn làm cơn say
Cuộc tình lên cao vút
như chim mỏi cánh rồi,
như chim xa lìa bầy,
như chim xa lìa trời,
như chim bỏ đường bay
Tình yêu như trái chín
trên cây rụng rời,
một mai thức dậy
chuyện trò với lá cây,
rồi buồn như lá bay
Một dòng sông nước cuốn,
một cuộc tình không may
Tình yêu như thương áo
quen hơi ngọt ngào
Rời nhau hôm nào,
hồn mình như vá khâu,
buồn mình như lũng sâu
Rồi tình trong im tiếng,
rồi tình ngoài hư hao
Tình yêu như nỗi chết
cơn đau thật dài.
Tình khâu môi cười,
hình hài xưa đã thay,
mặn nồng xưa cũng phai,
tình chia nhau gian dối,
tình đày tình đôi nơi
Tình yêu như cơn bão
đi qua địa cầu
Tình thắp cơn sầu,
tình dìu qua hố sâu,
tình vời lên núi cao
Rồi trong cơn yêu dấu,
tình đày tình xa nhau
Cuộc tình lên cao vút
như chim mỏi cánh rồi,
như chim xa lìa bầy,
như chim xa lìa trời,
như chim bỏ đường bay
Tình yêu cho anh đến
bên cơn muộn phiền,
tình đi âm thầm,
nghìn trùng như vết sương,
lạnh lùng như dấu chim.
Tình mong manh như nắng,
tình còn đầy không em?
Tình yêu như đốt sáng
con tim tật nguyền,
tình lên êm đềm,
vội vàng nhưng chóng quên,
rộn ràng nhưng biến nhanh,
Tình cho nhau môi ấm,
một lần là trăm năm.
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...