Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

Mê đắm những khúc nhạc xuân

Mê đắm những khúc nhạc xuân

Từ thuở xa xưa, cứ đến ngày Tết, các đội diễn xướng dân gian Hát sắc bùa lại ngân vang tiếng hát khắp nhiều làng quê cả ba miền từ Bắc chí Nam. Vào dịp đầu xuân, nhà nhà đều hoan hỉ đón các đội hát sắc bùa đến nhà chúc cho gia chủ may mắn, an khang thịnh vượng. Cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an thì được yên vui. Cho đến nay nghệ thuật truyền thống đặc sắc này vẫn còn lưu truyền tại một số nông thôn thuộc các vùng miền.
Song hành cùng điệu Hát sắc bùa mừng xuân nơi thôn dã thì trong tiết trời ấm áp ngày Tết của dân tộc những giai điệu mừng xuân vẫn ngân vang rộn rã khắp mọi nhà. Mùa Xuân luôn đem đến bao xúc cảm tươi mới, tràn trề chất xúc tác tuyệt vời để khơi gợi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật... cùng với nét đẹp mơ màng của thi ca, những thanh âm miên man nhạc điệu trữ tình đã đồng hành cùng mùa Xuân đất nước và phủ ngập lòng người niềm tin yêu bất tận bằng những giai điệu say đắm, ngọt ngào. Trong kho tàng âm nhạc, những tuyệt phẩm ca ngợi mùa Xuân mà các thế hệ nhạc sĩ tiền bối đã dâng tặng cho đời, có những ca khúc mãi còn xanh tươi, bởi sức sống trường tồn, bất diệt của nó.
Khi giá lạnh mùa đông vừa lùi xa, chúng ta lại đắm say, thổn thức lắng nghe những giai điệu ngân nga từ những khúc hát Mùa Xuân làm xao xuyến bồi hồi tâm hồn người nghe. Ngay từ những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước, khi nước ta bắt đầu du nhập trào lưu tân nhạc, nhiều nhạc sĩ đã cảm tác các ca khúc đậm sức sống và hơi thở mùa xuân. Lê Thương với ca khúc Đàn xuân, Hoàng Quý với khúc hát Nắng tươi, Xuân về, Dương Thiệu Tước với khúc ca Xuân tươi... Đặc biệt. trong đó có một ca khúc viết về mùa xuân mà suốt hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân sang trên khắp mọi miền đất nước lại ngân vang xao xuyến, đó là ca khúc Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối phổ thơ Thế Lữ. Kể từ ngày thoát thai, những ca từ và thanh âm tươi trẻ, tràn đầy khát vọng vẫn còn vang vọng mãi đến tận ngày nay: "Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống /Xuân về với ngàn hoa đua thắm/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...".
Khi tiết trời vào xuân, người người đều đắm say bất tận trước mùa xuân bừng sắc khắp nhân gian, bỏ lại sau lưng những thăng trầm của ngày tháng cũ, rời xa những bận bịu, lo toan của cuộc sống đời thường, mỗi nghệ sĩ giao hòa với mùa xuân bằng một cách khác nhau. Có lẽ do vậy mà giai điệu mùa xuân có khi rộn rã, tưng bừng có lúc thâm trầm, lãng mạn với nhiều cung bậc thăng giáng với bao nỗi niềm riêng tư. Phóng tác theo âm hưởng của dòng nhạc tiền chiến, nhiều nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài ca xuân sống mãi. Người yêu nhạc khó quên những bài ca như: Mộng chiều xuân (Ngọc Bích), Xuân họp mặt (Văn Phụng), Gái xuân (Từ Vũ - Nguyễn Bính)... đã được khắc sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng yêu nhạc, họ đã cảm nhận rồi hát lên với bao nỗi niềm rung cảm sâu xa. Sức lan tỏa của những khúc nhạc xuân vượt qua thời gian và không gian, cho đến nay, vẫn gợi nhớ trong trái tim bao người những giai điệu từ khúc nhạc xuân của Phạm Đình Chương như: Ly rượu mừng, Đón xuân, Xuân tha hương. Những khúc nhạc ấy đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong đời sống âm nhạc những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ người thương gia lợi tức/ người nông dân ấm no/ thoát ly đời gian lao nghèo khó...". Thanh âm từ Ly rượu mừng từng len lỏi tới bao gia đình thời đó, đến nay vẫn vẹn nguyên sự chào đón trân trọng tràn đầy xúc cảm, những đêm giao thừa trong bao mái nhà ấm áp không thể thiếu vắng âm vang hân hoan của khúc xuân ca này.
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, những bài ca xuân lại ngân nga nở rộ cùng với sắc hương hoa cỏ và cung bậc thăng giáng của tiếng chim hót ríu ran, tràn ngập trong nắng xuân ấm áp. Những ca khúc viết về mùa xuân ra đời trong thời kỳ này chứa chan thanh âm hào hùng, vui tươi của một mùa xuân thống nhất, an vui; một mùa xuân với các bản tình ca trong trẻo, tinh khôi đã tạo nên dấu ấn không bao giờ phai mờ trong ký ức đông đảo công chúng như: Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập, Lá thư ngày Tết của Trần Long Ẩn, Sài Gòn mùa xuân của Trịnh Công Sơn, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh...
Đây cũng là thời điểm nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời ca khúc Mùa xuân đầu tiên. Tác giả của khúc hát Bến xuân tận cùng mê đắm, chợt bất ngờ ngân vang lên khúc hát Mùa xuân đầu tiên lay động tâm hồn người nghe: "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một chút nắng khơi cho bao tâm hồn...”. Cho đến bây giờ, người nghe như lâng lâng, ngất ngây với những cảm xúc say đắm ẩn chứa niềm tin yêu hy vọng của Mùa xuân đầu tiên.
Sau đó không lâu công chúng cũng hân hoan đón nhận những khúc ca xuân tràn trề lạc quan như: Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng, Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, Phút giao thừa của Dương Thụ, rồi xuất hiện một số sáng tác mới đậm dấu ấn mùa xuân của các nhạc sĩ trẻ như Mưa xuân (Đức Trịnh), Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Phút giao thừa lặng lẽ (Anh Quân), Tình em mùa xuân (Trường Huy), Giai điệu mùa xuân (Tuấn Nghĩa), Dáng xuân (Minh Châu)... Tuy nhiên, song hành theo đó còn có những bài ca xuân chìm dần vào quên lãng bởi đâu đó thấp thoáng những bài hát cũ về mùa xuân được phối âm lại vẫn có sức thu hút mạnh mẽ.
Có thể nói, bất kỳ nhạc sĩ nào trong cuộc đời sáng tác của mình cũng có ít nhất một ca khúc ngợi ca mùa xuân. Cho đến nay, nền âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc Đà Nẵng nói riêng đã có cả một bộ sưu tập các ca khúc mùa xuân đang và sẽ mãi đi cùng năm tháng. Khán giả Đà Nẵng đã bao mùa xuân từng bồi hồi xốn xang khi lắng nghe thanh âm ngân nga từ những khúc hát xuân như: Khúc hát tháng 3 (Nhạc: Thuận Yến, thơ: Chính Ngôn), Khúc khải hoàn tháng 3 (Trần Tiến), Mùa xuân trên cảng Tiên Sa (Đoàn Ngọc Bính), Tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng mùa xuân (Nguyễn Thụy Kha), Nhịp điệu thành phố (Trần Ái Nghĩa), Đà Nẵng  xuân  tươi (Trương Duy Huyến), Đà Nẵng gọi xuân (Thơ: Nguyễn Chính, nhạc: Lưu Văn Bình), Đà Nẵng vào xuân (Trung Chính), Sông Hàn khúc hát mùa xuân (Nguyễn Thị Thanh Hiền), Thành phố mùa xuân về (Trần Trung Ngọc), Mùa xuân xin nhận lời yêu, Mùa xuân cỏ dại, Xuân muộn (Duy Khoái), Thành phố tháng giêng (Phạm Văn Sơn), Đà Nẵng bốn mùa (Trần Ngọc Sanh).
Có những nhạc sĩ viết cho thiếu nhi cũng khắc họa hình ảnh mùa xuân tươi tắn hồn nhiên trong tâm hồn trẻ thơ với các ca khúc: Mùa xuân (Nhạc: Thanh Anh, thơ: Ngô Liên Hương), Xuân thắm tươi (Minh Đức), Bức tranh xuân (Xuân Minh), Bướm xuân (Nhạc: Đoàn Thanh Hải, thơ: Nguyễn Lãm Thắng), Đà Nẵng thành phố mùa xuân (An Phương), Đà Nẵng mùa xuân và ước mơ (Trúc Lam), Xuân về trên Đà Nẵng (Nguyễn Nhẫn). Cũng có ca khúc không có đề tài mùa xuân, song đâu đó thấp thoáng ca từ đã khắc họa đậm nét không gian xuân thấm đẫm hương hoa sắc màu rực rỡ của chúa xuân ngự trị khắp đất trời như: Nhịp sống thành phố và Thành phố lá và hoa (Nhạc: Xuân Minh, lời: Đức Phong), Bốn mùa Đà Nẵng (Minh Đường).
Dù mỗi ca khúc, mỗi nhạc sĩ đều chọn một thủ pháp riêng để đưa hơi thở mùa xuân vào lòng người song những khúc ca xuân của họ đã sống mãi cùng năm tháng và ẩn sâu trong tâm thức bao người.
Một mùa xuân mới đang tới, sắc xuân lại rực rỡ trên những phố phường, cây cỏ, lá hoa quấn quít với gió xuân lay động khắp nhân gian, lòng người tràn ngập niềm vui khi tận hưởng vị ngọt thanh bình. Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, chúng ta chợt lắng lòng bên chén rượu nồng, bồi hồi nghe những khúc ca mùa xuân rộn rã để thấy tâm hồn được bay bổng, thanh thoát giữa chốn nhân gian, để thấy lòng tràn đầy viên mãn, để những âm giai xuân thì lại khẽ khàng rung động, tô điểm cho đời những khúc ca xuân.
13/1/2020
Văn Thu Bích
Theo https://vannghedanang.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...