Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Họa sĩ Chóe - Hý họa, vai hề ở sân khấu bi kịch

Họa sĩ Chóe - Hý họa, 
vai hề ở sân khấu bi kịch

Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Hải Chí, ký nhiều bút hiệu khác như Trần Ai, Cap, Kit… Anh chào đời năm 1943 tại Cái Tàu, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; theo gia đình đến định cư xã Vĩnh Tế, cánh đồng giáp biên giới Kampuchia. Nhà nghèo, anh làm đủ nghề như đốn củi, cưa thớt, đập đá để phụ gia đình. Dân làng thường gọi tên tục anh là Ba Giai. Thời đó anh là chàng trai to con, có tài vẽ theo phim Ấn Độ giống hệt, khiến mọi người trầm trồ. Làng Vĩnh Tế là cái nôi cách mạng, anh cùng các bạn tập trung ở am Phước Tự viết truyền đơn chống chế độ, đi rải khắp làng, có lần bị lính dân vệ rượt bắn phải trốn lên núi. Từ năm học lớp một anh khoái vẽ, nằng nặc đòi ba mua cho hộp chì màu 24 cây, món quà đắt giá ghê gớm với con nhà nghèo miền quê. Thật ra anh không học chính quy trường lớp nào cả, từ 9 tuổi đã trổ nghề vẽ kiếm tiền. Nhà gần nghĩa địa Phật giáo, thợ xây mả ít biết chữ, họ mướn anh vẽ chữ, hình bông sen, Phật, thứ gì anh cũng nhận vẽ hết.
Năm 1965 anh lên Sài Gòn kiếm sống, vào nghề báo, viết văn, làm thơ, vẽ minh họa. Anh có một truyện ngắn đoạt giải báo Sài Gòn năm 1969, cũng đúng năm này tờ báo thiếu người vẽ hí họa nên chủ bút bảo vẽ thử. Và từ đó anh trở thành người vẽ hí họa chuyên nghiệp. Còn bút hiệu Chóe là do nhà thơ Viên Linh - báo Diễn Đàn đặt, dựa theo tên thật của anh là Nguyễn Hải Chí.
Ôi Chí Chóe lá là la! Cứ thế những nhân vật kỳ quái, dị dạng, buồn cười của chính quyền SG và Mỹ như: Nguyễn Văn Thiệu, Nixon, Kissinger… xuất hiện liên tục trên các tờ báo lớn ở Sài Gòn. Barry Hilton trong tập sách The world of Chóe, nhà xuất bản Glade Publication (North Carolina, Hoa Kỳ 1973), có nhắc lại sự kiện thú vị, Kissinger từng yêu cầu tòa đại sứ Mỹ hỏi xin tòa báo Sống toàn bộ tranh hí  họa Chóe đăng thường kỳ ở báo. Tập sách này ra đời tạo cho cây bút hý họa Chóe được thế giới chú ý. Sau đó là giai đoạn truân chuyên, anh bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù, bởi tội danh “vẽ dị  dạng nhân vật quan trọng trong chính phủ”.
Ngày 30/4/1975 giải phóng đất nước, anh được tự do…
Tôi quen anh vào năm khi anh chính thức trở lại nghề báo năm 1990. Vẫn rắn rỏi, râu quai nón, áo sơ mi màu nhạt, đôi mắt như cười sau cặp kính cận, bên quán cà phê vắng, la đà cành trúc phất phơ anh tâm sự: “Khi tôi vẽ con ếch mồm trễ ra, cầm cần câu là Nguyễn Văn Thiệu, vẽ con rùa đeo kính chắp tay sau đít, người ta kêu ầm lên là con rùa hành chánh Trần Thiện Khiêm…Người ta xem thấy ngộ nghĩnh bật cười, còn tôi  bị  tai nạn nghề nghiệp nhưng vẫn vui vẻ đón nhận rủi ro. Bây giờ vẽ ở tuổi này không thể vẽ giống ở cái tuổi 20. Tất cả trời cho tôi thấy những điều ngộ nghĩnh ở trần ai”.
Thơ, văn, nhạc, họa - thứ gì anh cũng dính vào một chút, quả thật rất ôm đồm. Biết làm sao được, mỗi thể loại anh cho rằng đều có gởi gắm  kỷ niệm riêng tư. Trước 1975, nghề hý họa là thu nhập chính cho gia đình, sau này là tranh lụa, vẽ “hàng chợ” lại nuôi sống cả nhà, giúp anh trả hết nợ nần của mười mấy năm xem như thất nghiệp. Còn lúc vẽ sơn dầu, anh lại thoải mái, không sợ bị khen chê, không còn nỗi  ám ảnh giá cả thị trường. Có thời gian anh căng thẳng như người quen lái xe ở nông thôn, nay len lách phố xá đông ken, sợ khiếp. Lúc nào cũng cố tránh tai nạn, tránh cọ quẹt, bụi khói… Anh vẽ tranh hý họa liên hoàn thường xuyên trên báo Lao Động Chủ Nhật, cộng tác với Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh, Văn Nghệ Thành phố, Thanh Niên Thời đại, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Times… Anh cho hý họa trên báo lúc này như cái vai  hề trên sân khấu bi kịch. Tất nhiên vai hề ấy có hóa trang méo mó, nhăn nhó tới đâu đi nữa thì anh ta không thể diễn “cương”. Với những cây bút biếm họa trẻ ở thành phố như Đức, Dad, Nop, Nhím, Nhop… có những đường nét sắc sảo, gây ấn tượng, anh hy vọng họ đóng góp cho đời những nét vẻ vui tươi, ý nhị.
Tháng 12 năm 1992, anh triển lãm “Những nhân vật của Chóe” tại Hội Nhà báo Tp. Hồ Chí Minh đánh dấu một sự kiện lớn trong làng họa, 35 nhân vật như Khổng Tử, Sartre, Dostoievsky, Thành Cát Tư Hãn, Nobel… tạo nên những khám phá thích thú, bất ngờ cho người xem tranh. Sau “Những nhân vật của Chóe” gồm 35 bức tranh sơn dầu khổ 70x90cm, anh cho ra đời hàng loạt  các bộ tranh khác “Những tổng thống Mỹ” - gồm 41 tranh sơn dầu cỡ 40x110cm, “Những nhân vật Việt Nam” - 57 tranh sơn dầu cỡ 50x65cm, “Họa thơ Hồ Xuân Hương” - 40 tranh sơn dầu cỡ 77x77cm, “Những phụ nữ đoạt giải Nobel” - 27 tranh sơn dầu cỡ 70x85cm. Đây là thời kỳ hưng phấn, sáng tác say mê đắm đuối, không mệt mỏi, anh như được phục sinh, thường mặc áo sơ mi chim cò, quần kaki, đi mô tô Harley 125 phân khối, râu ria xồm xoàm hệt nhà văn Hemingway.
Tháng 7 năm 1995 anh sang Nhật dự cuộc triển lãm tranh hí họa Á Châu “Phụ nữ đất nước tôi”, có 10 họa sĩ trong khối Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam góp mặt. Theo anh kể : “108 bức hí họa của 10 họa sĩ được trưng bầy trang trọng. Mỗi tác giả một khu riêng - một thế giới riêng. Hầu hết các nhà hý họa châu Á có nụ cười đằm thắm, kín đáo, tế nhị khiến người xem trầm ngâm hơn là phá lên cười”.
Năm 2000 anh mắc bệnh tiểu đường, người gầy xộp đi, tuy thế anh vẫn lạc quan chống chọi, vẽ tranh hý họa đều cho các báo thành phố. Sáng sáng anh lái chiếc xe hơi Ford đến các báo giao tranh, trò chuyện cùng thân hữu, khoảng 11 giờ về nhà vẽ tiếp. Thị  lực giảm dần, tay run, anh tranh thủ vẽ nốt loạt tranh sơn dầu cuối cùng. Năm 2001 anh sang Pháp chữa mắt một tháng. Về nước, anh làm việc như chạy đua với thời gian còn lại hiếm hoi. Một con mắt mờ hẳn, gia đình vận động đưa anh sang Virginia - Mỹ, vào tháng 12 năm 2002. Họa sĩ Đinh Cường thuật lại trên tờ báo Văn, số 76, ra tháng 4 năm 2003 như sau: “Buổi chiều cuối tuần bệnh viện Fairfax, tôi ra ngồi với chị Kim Loan (vợ họa sĩ Chóe) ngoài hành lang… Chị kể, đêm hôm đó (4/2/2003), chị thấy Chóe vào phòng tắm lâu không ra. Mở cửa vào, thấy Chóe đang sờ soạng trong bóng tối. Chóe nói, tôi thấy tôi đang đi mua sắm ở cửa hàng mà sao tối thui, tôi như bị mộng du. Và Chóe bị lụy tim lúc đó. Chị nói đưa Chóe đi cứu cấp ngay. Chóe khóc, nói: tiền đâu mà trả (cứ bị ám ảnh của bảo hiểm y tế Mỹ). Và Chóe đã được bệnh viện cứu chữa tận tình cho đến một tuần lễ sau thì đành bó tay”.
Họa sĩ Chóe mất lúc 3 giờ 50 phút sáng ngày 12/3/2003.  
Cuốn Địa chí Thành phố Hồ Chí Minh (tập 3, trang 337) có viết: “Làng biếm họa thành phố có được cây cọ biếm tầm cỡ quốc tế như Chóe không phải là nhiều. Chúng tôi giới thiệu anh như một thành công về nghiệp và đã góp phần không nhỏ trong lịch sử biếm họa thành phố”.
Họa sĩ Chóe - một tài năng suốt đời sống và vẽ theo tiếng gọi lương tri - mất đi, một khoảng trống vắng về biếm họa đối với làng báo Việt Nam khó ai thay thế. Nhớ họa sĩ Chóe, tôi ước ao cầm lại được bàn tay tài hoa ấm đượm tình người…
8/5/2006
Trần Hữu Dũng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mô hình nghệ sĩ - Trí thức Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu...