"Mùa xuân đến rồi đó"
Còn vài ngày nữa là đất trời lại chuyển qua một mùa xuân mới.
Tiếng hát từ chiếc loa đầu ngõ đang ngân vang bài hát “Mùa xuân đến rồi đó”. Có
thể bởi một sự giao hòa nào đó, cứ mỗi lần nghe bài hát rộn ràng đầy chất xuân
phơi phới ấy, tôi lại thấy hân hoan, xao xuyến, bồi hồi thật khó diễn tả thành
lời.Chiều xuân Song Khủa (Vân Hồ)Bài hát được cố nhạc sĩ Trần Chung ấp ủ từ cuối năm 1976 khi
ông có dịp tiếp xúc với những thanh niên xung phong trong một chuyến công tác ở
các tỉnh miền Nam. Ông cảm nhận ở họ sức sống mãnh liệt, sôi nổi, hồn nhiên,
yêu đời, dù cho thời điểm đó, đất nước mới thống nhất, đang đối mặt với bao
gian khó, trong công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước. Chấp nhận mọi thử
thách, thiếu thốn, đói ăn, khát uống, ai ai cũng hừng hực khí thế lao động dựng
xây Tổ quốc, quê hương. Đến mùa xuân 1978, bài hát của ông chính thức được phát
trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, do ca sĩ Thu Phương thể hiện, nhanh chóng
được người nghe đón nhận.
Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương
đến với muôn người, đến với muôn đời
Xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Nghe lòng vui phơi phới
Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi...
Tôi còn nhớ, Sơn La những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cuộc sống
người dân vô cùng gian khó, bởi đang phải gồng mình hàn gắn vết thương chiến
tranh. Những ngày cuối năm, thời tiết vùng Tây Bắc lạnh lắm, gió mùa đông bắc
tràn về mang theo mưa phùn gió bấc. Dù còn nghèo, nhưng tết truyền thống thì bà
con các dân tộc vẫn chú tâm gìn giữ. Ngày đó, nhà nào cũng thiếu ăn, thiếu mặc,
nhưng mỗi lần tết về nhà nào cũng như quên đi nghèo khó, thay vào đó là không
khí hân hoan, háo hức đón xuân; người lớn thì tất bật sắm sửa gạo nếp, đậu
xanh, thịt lợn, lá dong..., đám trẻ con chúng tôi tha hồ chạy nhảy, đốt pháo nổ
đì đẹt khắp xóm. Và cứ mỗi dịp gần tết, mấy anh chị trong đội chiếu bóng của tỉnh
lại dựng màn ảnh rộng, phát lên loa phóng thanh những bài hát về mùa xuân;
trong đó không thể thiếu bài hát “Mùa xuân đến rồi đó”. Hồi đó, lẽo đẽo theo mẹ
đi chợ sắm tết, chân bước thấp, bước cao trong đôi dép cao su dưới cái lạnh cắt
da cắt thịt, nhưng khi nghe bài hát này, dù còn bé, tôi vẫn thấy háo hức, lâng
lâng, dâng trào một cảm xúc thiêng liêng thật lạ. Lời bài hát ngân lên, cả đất
trời như sáng lên, lòng người rạo rực, gió đại ngàn như xôn xao kể chuyện, lộc
biếc tí tách đâm chồi, nụ hoa xuân chúm chím nở, tất thảy mọi người như trẻ lại...
Du khách vui xuân trên thảo nguyên Mộc Châu... Nghe em mùa xuân nói gì đó
Xúc động lòng ta trước cuộc đời
Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én đã bay về
ríu rít ngang trời.
Chim hót chào bàn tay dựng xây
Trên tầng cao có thấy mùa xuân náo nức công trường, đồng lúa
mới dâng hương...
Bây giờ, cuộc sống thanh bình, đầy đủ hơn, bận rộn hơn trước
bộn bề công việc, nhưng cứ đến xuân, tôi lại tìm nghe bài hát như một hoài niệm,
lục lại ký ức xuân chưa xa. Cũng chẳng thể nhớ đã nghe đi nghe lại bao lần,
nhưng lần nào cũng vậy, tôi luôn được sống trong cảm xúc vui tươi, phấn khởi, lạc
quan, yêu đời, thấy thêm yêu quê hương, đất nước và thấy mình cũng cần lý trí
và trách nhiệm hơn. Đã có rất nhiều bài hát về xuân, tác giả nào cũng thể hiện
những cung bậc cảm xúc khác nhau về mùa xuân ở từng thời khắc của đất nước, con
người, dân tộc Việt Nam, nhưng với riêng tôi “Mùa xuân đến rồi đó” thực sự cho
thấy hình ảnh con người Việt Nam thật đẹp, tươi mới và bình dị.
Em ơi mùa xuân mới gọi ta
Tiếng gọi tình yêu mới hiền hòa
Ôi xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời
Đất mới đón người, xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc
Trên đường ta đi tới, này em hãy hát lên cùng mùa xuân mới
xinh tươi
Em ơi mùa xuân đến rồi đó giang rộng vòng tay đón cuộc đời...
Xuân Canh Tý đang đến. Lời bài ca “Mùa xuân đến rồi đó” lại
reo vui báo hiệu mùa xuân về với bao tin tưởng, yêu thương, gửi gắm, thúc giục
những con tim hòa cùng nhịp đập xây đắp quê hương đất nước thêm giàu, thêm đẹp.
Tôi tin “Mùa xuân đến rồi đó” mãi mãi trong trái tim mỗi người con Việt Nam.
22/1/2020 Vũ Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét