Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Khung trời tuổi ngọc

Khung trời tuổi ngọc

Buổi trưa vô cùng vắng lặng. Tà nắng tơ vàng lọc qua hàng tre se động, nhấp nhánh reo vui như từng đám sao li ti, cùng với tiếng gió vi vu đối với cô bé là một suối nhạc thần tiên. Hàng rào tre rất dày với những thân tre xanh láng hoặc vàng ngà cao vút, gai nè đan chằng chịt dưới gốc.
Bé ngẩng nhìn lên ngọn tre: vùng lá xanh dịu mát lao xao, mấy thân tre cọ xát vào nhau phát ra một giai điệu thật thanh bình. Có tiếng chim chích chòe hót rất gần: “Chi... chi... chích... chòe!” Bé nghểnh cổ cố tìm xem chú chim đậu ở cành nào ngay trên đầu mình, nhưng lá tre đan thật dày và gió cứ xô đẩy, lấp lánh, xào xạc, thật khó mà tìm ra người bạn nhỏ có tiếng hót quá đỗi dễ thương ấy. Tiếng hót pha lê cứ ngân dài trong buổi trưa vắng, cách khoảng thật đều, và đó là âm thanh vô cùng yêu thương trong thế giới của Bé. Bé cố tìm cho ra chú ca sĩ tí hon của hàng tre xanh, nhưng chỉ thấy gần đó một chàng chào mào có chùm lông đỏ thắm trên đầu vụt cất cánh bay cao.
Trưa nào cũng vậy, lúc cả nhà nghỉ trưa, và cả ngôi nhà cùng khu vườn bao la hoàn toàn im vắng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng con gà trống tía phía sau bếp đập cánh cất tiếng gáy: “Ọ... o... ò... o...”, rồi xa xa từ phía dưới - gọi là xóm Ông Câu - lại có tiếng một con gà trống khác đáp lại: “Ọ... o... o... ò...” là lúc Bé thơ thẩn ra vườn một mình, tìm hái mấy đóa hoa dại mọc ven bờ cỏ. Bé đã ép vào tập vở cả mấy chục loại hoa rồi. Có những loại hoa quý trong vườn hoa của Ông Ngoại như bạch mai, bích đào, tường vi, ngọc lan, oanh trảo v.v..., nhưng Bé vẫn ưa thích những loài hoa dại mọc trong bụi bờ dọc theo hàng rào tre, hoặc ven đường lên chùa Châu Lâm, hay trên những đồi thông nắng vàng thoai thoải có những cụm sim tím và những đám cây chổi đơm đầy hoa trắng nhỏ li ti. Mỗi lần tìm được một loài hoa rừng xinh xinh là Bé rất vui và hãnh diện nghĩ rằng mình là người đầu tiên khám phá ra những tuyệt tác ấy của đất trời. Bé rất yêu những nụ hoa mà Mạ gọi là hoa éo (một loại cỏ dại ăn được): hoa nhỏ xíu chỉ bằng đốt tay út của Bé, màu tím hoa bèo và lòng hoa thì trắng nuốt và hơi ửng vàng với phấn mịn óng ánh. Cấu tạo nụ hoa thật tuyệt vời với tâm hồn mười tuổi của Bé. Bé ngồi hàng giờ ngắm nhìn rất kỹ những cánh hoa thật mỹ miều, thật thanh bai, nhất là cái màu phơn phớt tím, màu mây trời hoàng hôn mà Bé bắt đầu biết yêu thích.
Nhưng loài hoa khiến Bé say mê nhất, chính là hoa bò bò, mà Bé chưa bao giờ được trông thấy, chỉ ngửi được làn hương ngào ngạt, huyền ảo, quyến rũ và vô cùng thơm ngon, hơn tất cả những cái gâteaux có bỏ vanille mà Bé vẫn thường được ăn. Bởi hoa rất khiêm tốn, núp sâu trong bụi rậm và chỉ tỏa hương lúc trời sập tối. Mãi mấy năm sau đó, Bé mới có dịp hái được một cành hoa bò bò huyền thoại đó khi nó đang tỏa hương ban đêm. Hoa không đẹp lắm, cánh dày, màu hơi vàng pha lẫn màu hoa thiên lý, trông có vẻ thô sơ so với những loài hoa khác, khiến Bé hơi ngạc nhiên vì đã quá tưởng tượng rằng nó phải diễm lệ vô cùng. Tuy vậy, lòng yêu thích không hề suy giảm, có lẽ vì Bé đã yêu nó từ lâu rồi và cũng có lẽ vì mùi hương tuyệt vời độc nhất vô nhị của nó.
Đây là Chiêu Dương Viên, thuộc vùng Nam Giao, cạnh rừng Quảng Tế của Huế. Từ ngã tư Bánh Bèo đi vào độ 400 thước, con đường đất hiền hòa thêu nắng có hàng cây rì rào và lác đác dăm ba mái nhà tranh, mà một thi sĩ quê quán tại đây đã viết:
Và tà áo bay bay chiều lá rụng
Những con đường mòn nhỏ gió xiêu xiêu
Những tiếng hát Huế đầy trong giọng nói
Những âm thanh trộn lẫn với tình yêu...
(Thơ Trúc Lang)
Khu vườn mênh mông với vô số ổi, thơm và mít. Nhãn, vải, đào, măng cụt, mãng cầu, đu đủ, khế, vả v.v... thì mỗi thứ chỉ một, hai cây thôi. Cau, chuối thì nhiều hơn, nhưng nhiều nhất là mít, ổi và thơm. Có một cây mít thật lớn ngay giữa vườn, trái tròn cỡ bằng trái dưa hấu loại tròn, năm ấy cả nhà đếm được đúng 100 trái. Mít ướt, mít ráo, mít mật, mít dừa, mít tố nữ... thật là nhiều. Có khi hái không kịp, mít ướt quá chín, cả trái rơi “bạch” xuống đất, múi mít văng tung tóe, nhìn lên cây thấy cuống trái và cồi mít còn dính trên cành.
Cứ mỗi chiều, Ông Chú Đ. (em Ông Ngoại của Bé) cầm một cây sào dài đi thử mít, cứ gõ vào mấy trái mít già, trái nào kêu “bịch, bịch” là sắp chín, trái chưa chín thì khi gõ chỉ nghe kêu “cóc, cóc”. Bé thường theo Ông Chú đi thử mít và rất vui thích trong công việc này. Ông Chú một tay cầm sào, một tay đặt trên đầu tóc vừa chấm vai của Bé. Chính những lúc này Ông Chú bắt đầu dạy Bé làm thơ, và Bé cũng tập tễnh làm những vần thơ vụng dại đầu đời từ dạo ấy.
Ổi thì đếm không xuể. Ổi trắng, ổi đỏ, ổi sẻ, ổi xá lị v.v... Lá ổi non, thơm dễ thương chi lạ. Mạ và mấy Dì thường hái để gói tré. Mùi riềng, tỏi và mè ướp với thịt đầu heo luộc chín, cuốn chặt bằng lá chuối, ủ ít hôm cho vừa chua như nem, rồi xắt thật mỏng, quyện hương lá ổi non, là món ăn mà cả nhà ai ai cũng ưa thích. Những sáng mùa hè, vừa thức dậy, anh Nh. (anh cả của Bé), cậu M.Đ., dì K.T., Bé và thằng em D., mỗi đứa leo tót lên một cây ổi, ngồi vắt vẻo, rồi lựa trái nào ngon nhất, thơm nhất, ăn đến no, chẳng thèm nhìn đến buổi điểm tâm đang dọn. Vậy mà chẳng ai bị đau bụng cả. Đến mùa, ổi chín thường rụng trắng sân. Mấy bà bán rau trái trong xóm thường đem thúng gióng lại mua. Cứ vài ngày là họ đến hái mang đi cả mấy gánh nặng trĩu, vậy mà ổi chín vẫn rụng đầy vườn. Nói là bán, nhưng Bà Ngoại bán rất rẻ, xem như nửa bán nửa cho.
Ông Chú có nuôi một bầy gà độ năm mươi con. Ông đặt tên cho từng con một: con Trống Tía, con Trống Chuối, con Trống Bông..., con Mái Nổ, con Mái Bông, con Tra Trắng chị, con Tra Trắng em, con Thanh Tú chị, con Thanh Tú em v.v... Ai nghe gọi cũng buồn cười. Ông không làm chuồng, cho nên cứ chạng vạng tối là lũ gà tự động bay lên mấy cành ổi mà ngủ. Bé vẫn nghĩ: “Tụi gà có chỗ ngủ thật là thi vị!”
Vườn trồng nhiều thơm, có hàng trăm cây; vì thơm không chiếm nhiều đất và trồng chỗ nào cũng được, dưới gốc mít, dọc hàng rào tre, hay bên hè bếp. Thơm sòng, thơm mật, thơm La Ba v.v... Thơm Victoria trái nhỏ mắt cạn, thịt trắng ngà mà giòn và ngọt thanh. Nhiều lúc Bé ăn thơm đến rát cả lưỡi. Mạ thường đi chợ về là ra vườn bẻ một trái thơm chín, gọt vỏ, xắt lát mỏng lót dưới đáy soong để kho cá. Cá lá mít, cá nục, cá cơm, cá thu, kho với mấy lát thơm vừa chín, hương vị dịu ngọt, độc đáo. Cũng có khi Mạ kho cá với xơ mít chín, hương mít ướp vào cá, ngon đặc biệt, khi ăn thì gắp xơ mít bỏ đi. Mít non thì Mạ nấu canh tôm thịt với lá sân hay lá lốt trong vườn xắt nhỏ, thật tuyệt vời! Nhưng Bé vẫn mê nhất là món canh mồng tơi, lá non trong, hái vào buổi sáng sớm sau cơn mưa đêm. Chỉ cần mươi con tôm gân còn nhảy là Mạ nấu được một bát canh trong xanh thật là tinh khiết ngon lành. Ôi! Những món ăn mộc mạc của Huế! Có chi mà sánh được!
Ngay cửa phòng ăn nhìn ra vườn sau là hai cây nhãn, cành lá sum suê, che kín cả một khoảng vườn. Cứ đến mùa trái, lại có mấy “ông nhà quê” chuyên môn đi lồng nhãn đến lồng. Họ tính vừa đúng độ là đến với hàng trăm cái lồng làm bằng mo cau dày có đục lỗ thông hơi. Những chùm nhãn thật sai được lùa vào đó, cột lại, khỏi sợ chim ăn, và trái nhãn thì được im mát nên lớn nhanh no tròn, ngọt lịm và thơm ngát. Khi nhãn thật chín, họ lại đến bẻ, hết sắp đầy dưới gốc cây, rồi hình như là chia hai, họ một nửa, mình một nửa thì phải. Tụi con nít rất vui khi đến mùa bẻ nhãn. Trong vườn rộn rịp hẳn lên, và mặc sức ăn nhãn thỏa thích. Có một lần Bé bị đỏ mắt, o người làm của Mạ nói rằng tại Bé ăn nhãn nhiều quá.
Lúc này là lúc Mạ đi chợ tìm mua cho được hột sen tươi hồ Tịnh Tâm. Những hột sen mới hái màu nâu non, tươi mát, trơn tru, gói trong chiếc lá sen to, tròn và mịn mướt. Đem về, phận sự của Bé là lột vỏ từng hột cho thật trắng, đem ngâm vào thau nước, xong cắt hai đầu, lấy tăm xoi tim bỏ đi. (Cũng có khi để nguyên tim, nấu chè tuy hơi đắng, nhưng Bà Ngoại nói rằng ăn vào ngủ rất ngon). Rồi Mạ ngào qua hột sen với đường cho thấm, xong lột trái nhãn, lấy cơm nhãn bọc những hột sen mềm ngọt đó, đem thả vào nước đường phèn đang sôi. Hương nhãn quyện với hương sen, nước đường phèn trong veo, hột sen mềm múp bọc trong lóp cơm nhãn trắng ngần như những viên bạch ngọc, thơm thanh khiết lạ thường, tưởng như bao nhiêu tinh hoa của đất trời đã lắng đọng vào trong đó. Đó là món chè mà Bé mê nhất, hơn tất cả bao nhiêu loại chè nhiều không kể xiết của Huế. Thời ấy chưa có tủ lạnh, có khi ban đêm Mạ đem chè hột sen bọc nhãn đựng trong cái tìm sứ con rồng xanh, đem để ngoài sương cả đêm, sáng sớm bưng vào ăn, mát rượi và ngon tuyệt!
Con đường từ cổng vào nhà Ông Ngoại thật là dài đối với Bé. Đi cả đỗi mới trông thấy ngôi nhà. Khoảng sân rộng trước mặt nhà là một khu kỳ hoa dị thảo. Vườn hoa được đắp thành ba tầng. Mấy cây lê trái trắng lủng lẳng là những cây khá hiếm. Mấy cây bạch mai mùa xuân thả những cánh trắng vờn bay trong gió, mùi hương y hệt những đóa tường vi mà Ông Ngoại vẫn thường hái buổi sáng để bỏ vào bình trà. Cây bích đào hoa màu hồng có những trái nhung mịn, ăn chua chua ngọt ngọt. Mấy gốc sứ già, thân cành khẳng khiu, lá to hoa trắng nhụy vàng, rất thơm. Bé và dì K.T. (cùng tuổi với Bé) vẫn thường hái hoa sứ kết lại làm vòng đeo cổ. Mùa Vu Lan, các chùa thường hái hoa sứ kết thành những lá phướng để trang hoàng điện Phật. Hoàng mai, mai tứ quý, cứ đến cuối đông, khoảng thượng tuần tháng chạp thì Ông Ngoại lại cho trảy hết lá để mai mau trổ bông. Hai cây tử vi, hoa màu đỏ cánh sen trồng sát tường phòng khách, mấy Dì thường dặn đừng ngửi vì hoa rất độc. Hoa hàm tiếu hình dáng gần giống như hoa ngọc lan nhưng nhỏ hơn, màu tim tím, thơm ngào ngạt. Hoa hải đường cánh dày, màu đỏ gạch, không thơm. Mấy khóm hoa trang, đơm đầy những đóa lớn, mỗi đóa gồm nhiều chiếc hoa nhỏ li ti kết lại, Bé và dì K.T. thường rứt một chùm cánh để hút mật ngọt trong đó. Thược dược đủ màu, cánh sắc sảo như tranh vẽ, trồng trong những chậu sứ sắp hai bên dọc theo những bậc cấp bước lên phòng khách. Hoa ngâu, hoa sói, bạch lựu, hồng lựu. Hai cây phượng ta, một đỏ, một vàng, trồng bên hông điện Phật, trái ăn rất ngon đối với tụi con nít. Cây hạnh đào, trái thật xinh, ăn chua chua thơm thơm, có khía như trái khế, nhưng nhỏ và tròn, treo lủng lẳng như những viên ngọc quý đủ màu, từ xanh đến vàng, rồi hồng và đỏ thắm.
Ngay trước điện Phật là cây ngọc lan cổ thụ, lá to, dài, láng lẩy, với vô số nụ hoa trắng nuột nà thơm tỏa cả một góc vườn. Bé vẫn tưởng tượng đó là những ngón tay búp măng của một người con gái đẹp. Bên kia, ngang hàng với cây ngọc lan và cũng to lớn như vậy, là cây hoàng lan cũng gọi là oanh trảo. Cây này cành mềm lả ngọn, xõa xuống la đà mặt đất, hoa màu vàng, khi nở cánh hoa lả xuống cùng với đài hoa trông giống như những cái móng chim oanh nên gọi là oanh trảo. Đây là hai loại hoa mà Bé thường dậy sớm, hái đựng trên hai đĩa trà, dâng cúng Phật.
Những chiều lộng gió, hai cây ngọc lan và hoàng lan xao động, cành lá ngửa nghiêng xào xạc, làm hoa rơi rụng lả tả. Những lúc đó, dù đang học bài, Bé cũng chạy ngay ra vườn, ngây ngất dang tay làm chim bay lượn chung quanh gốc hoa. Bé cũng mê gió, mê cây, mê hoa, mê chim, và mê cả khung trời tuổi nhỏ, đối với Bé là cả một thế giới thần tiên rộng lớn.
Vào mùa hè, buổi cơm chiều thường được dọn trên hai bộ phản kê ngoài vườn. Ông Ngoại mặc bộ pyjama bằng lụa màu ngà, và Ông thường tự tay rót một ly rượu Mai Quế Lộ. Có khi trong buổi cơm, Ông ngâm những bài thơ Đường, rồi giảng giải cho con cháu nghe. Bửa ăn thật là thi vị, có chim hót trên đầu, có gió xao xuyến ngọn cây, và ở ngay giữa khu vườn hoa trái xanh tươi. Cơm nước xong thì trăng cũng vừa lên. Lúc này hai bộ phản đã được lau chùi trơn láng, và cả nhà nằm dài trên đó, đối diện với bầu trời lồng lộng trăng sao. Đây là chùm sao Ông Tiên với con vịt lội. Kìa là sao Đại Hùng Tinh, Tiểu Hùng Tinh (Grande Ourse, Petite Ourse). Dì K.T. và Bé thì theo dõi mấy cụm mây tan rồi hợp, và đố nhau xem mây đang kết lại thành hình gì... Mãi đến khuya, khi tiếng chuông chùa Tây Thiên vang vọng trong màn đêm yên tĩnh và sương bắt đầu xuống lạnh, cả nhà mới vào nhà.
Đêm giao thừa năm ấy thật là tưng bừng. Mấy dì cháu cùng kéo nhau lên đồi thông lượm trái thông đem về để đốt lửa trại. Những trái thông khô đồi Quảng Tế nhẹ và sạch, thơm ngát mùi térébenthine thật tinh khiết. Cả chục bao chứa đầy trái thông khô được mấy dì cháu ì ạch kéo về. Đêm ba mươi Tết vô cùng rộn rịp. Mạ và các Dì lo làm đủ thứ đồ ăn và mứt bánh. Hàng chục lọ mứt được sắp xếp ngay ngắn trên kệ ở phòng ăn: mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, mứt khế, mứt thơm... Những trái kim quật rim đường đỏ trông như ngọc grenat, những trái mứt me xanh túy như những thỏi ngọc thạch, những lát cam rim màu hổ phách v.v... Dường như Mạ và các Dì chỉ dụng ý trưng bày cái tài nội trợ khéo léo tinh vi nhiều hơn là cốt ăn ngon. Bánh thì đủ thứ đựng đầy trong những quả lớn sơn son: bánh ít đen, ít trắng, bánh dừa, bánh măng, bánh su sê gói bằng lá dừa xếp thành hình hộp, bánh phục linh bọc giấy đủ màu sặc sỡ, bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh rơm, bánh đậu xanh nhân mỡ nướng trên những miếng ngói vàng lườm thơm phức... Dì C.T. thì ngồi canh nồi bánh tét. Ngày Tết, nhà Bà Ngoại Bé cứ cúng liên miên: 23 Tết cúng đưa ông Táo về trời, chiều 30 Tết cúng rước Ông Bà về ăn Tết, khuya 30 cúng Giao thừa, sáng Mồng Một cúng mừng tuổi Ông Bà, sáng Mồng Hai cúng mừng Ông Bà còn ở lại chơi Tết với con cháu, chiều Mồng Ba cúng tiễn đưa Ông Bà, chiều Mồng Bảy cúng hạ nêu. Buổi chiều Mồng 7, khi cây nêu được hạ xuống, lòng bọn con nít không khỏi man mác buồn, nghĩ rằng những ngày vui đã qua và phải chờ lâu lắm mới đến một cái Tết khác!
Dạo ấy Bé rất mê thổi sáo. Ống sáo là ống trúc chặt ở hàng rào tre trong vườn. Bé phải theo năn nỉ anh Nh. để anh làm cho một ống sáo của riêng Bé. Anh chọn một thân trúc thật thẳng, trau chuốt lại cho trơn tru, rồi lấy đũa sắt nung đỏ đục 6 lỗ nối tiếp cách khoảng điều nhau, và một lỗ lớn hơn ở đầu phía trái để thổi. Cuối ống sáo phía phải, lại phải đục 2 lỗ nhỏ hơn.
Thuở ấy Bé đã biết “vuốt sáo” để âm thanh nhè nhẹ thoát ra thật lả lướt du dương. Những đêm trăng ngát lộng cả khung trời vằng vặc, tựa song cửa sổ, Bé thổi say sưa những bài “Suối Mơ”, “Thiên Thai”, “Giọt Mưa Thu” v.v... Lòng cô bé đã bắt đầu biết bâng khuâng theo dòng âm thanh vắt vẻo chơi vơi giữa trời trăng mờ ảo...
Phía sau Chiêu Dương Viên là chùa Tây Thiên. Buổi chiều khi hoàng hôn nhuộm tím núi đồi trùng điệp và ban khuya trong màn đêm huyền bí trùm phủ thôn làng, những hồi chuông chùa Tây Thiên là âm thanh thật trầm buồn vọng sâu vào cô tịch.
Chùa Châu Lâm, cách đó chừng hơn một cây số, do Ông Ngoại Bé cúng sở đất và một số tiền để xây cất, là ngôi chùa tuyệt vời thơ mộng giữa đồi thông. Nơi đây, cả đại gia đình gồm Ông Bà Ngoại, các Dì, Mạ và mấy anh chị em Bé đã trú ngụ 4 tháng trời khi Tây trở lại bố ráp thôn làng và thiên hạ gồng gánh chạy lánh nạn xa hơn. Đối với Bé, những tháng ngày chạy giặc ở chùa Châu Lâm là khoảng thời gian thi vị nhất. Bé đã được sống gần gũi với thiên nhiên hoang dại, ngay giữa lòng núi rừng thanh khiết bao la:
Xanh xanh rừng Quảng Tế
Thành cây thế bờ mây
Thiên thu sầu lẵng lặng
Triền miên buồn thu đây...
(Thơ Trần Thanh Địch)
Buổi xế chiều, khi nắng vàng xối chảy nghiêng nghiêng trên sườn đồi rực sáng và bắt đầu có những cơn gió dịu mát thơm thơm hương phấn thông là lúc Bé một mình ra thăm mộ Ba bên cạnh chùa Châu Lâm để tụng kinh. Hôm nào cũng vậy, sau một biến kinh A Di Đà và sau khi mơ mộng thỏa thuê dưới gốc thông có phấn vàng rơi lả tả, Bé lại tung tăng đi hái sim và hái hoa ngũ sắc mọc đầy trên núi. Bé rứt từng chùm cánh nhỏ li ti đủ màu vàng đỏ tím hồng, đựng trong vạt áo dài vải trắng, rồi leo lên mô đất cao, tung hoa lên như những đàn bướm nhỏ lấm tấm muôn màu...
Ôi! Những ngày tháng thơ dại thần tiên ấy không kéo dài được bao lâu thì tiếp đến một thời gian tao loạn. Gia đình Bé phải rời bỏ núi rừng Quảng Tế thân yêu, dời về vùng Bến Ngự, để lại Chiêu Dương Viên cô liêu với ngàn thông vi vu u tịch... Và không lâu sau đó, vì vấn đề an ninh, tất cả các cây lớn trong vườn đều bị chính quyền địa phương bắt buột phải đốn chặt. Mấy đồi thông tuyệt đẹp lân cận cũng cùng chung số phận, trở thành trơ trụi như một niềm cô độc mênh mông...
Vài năm sau đó, có dịp lên nam Giao thăm lại ngôi nhà và khu vườn tuổi nhỏ, lòng cô nữ sinh Đồng Khánh đã sững sờ se thắt trước cảnh trống vắng hoang tàn vì chinh chiến.
Và chiều nay... Chút hương u hoài ngậm ngùi gởi về một quãng đời nắng sáng ngày xanh đã hút xa, với bao người thân nay đã khuất cùng khung trời dấu yêu không còn mong tìm lại!
Rồi cũng tàn... theo thăng trầm, năm tháng
Bao sắc hương hoa mộng thuở thiếu thời
Như gió quyến ngàn xanh xa vời vợi
Xóa mờ trôi những bóng dáng hình hài...
Ôi cổ độ! Còn vọng vang âm hưởng
Của muôn đời vẫn để lại nghìn sau
Ai có nghe trong lời than gió lộng
Tình quê hương và cả nỗi thương đau?
Mùa hạ, 1994
Diên Chi
Nguồn: Trích đặc san TIẾNG SÔNG HƯƠNG
1995, trang 127-130
Theo http://www.saigonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mô hình nghệ sĩ - Trí thức Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu...