Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

ÂM NHẠC: Hai trường phái cổ điển và lãng mạn

ÂM NHẠC: HAI TRƯỜNG PHÁI 

CỔ ĐIỂN VÀ LÃNG MẠN



PHẠM VĂN TUẤN

1. Khái niệm về Âm Nhạc.
Âm Nhạc là gì, có các công dụng nào và các thể loại nào? Âm nhạc là các âm thanh được xếp đặt theo các mẫu (patterns) êm tai và hấp dẫn. Mọi người dùng âm nhạc để diễn tả các cảm xúc và tư tưởng. Âm nhạc cũng được dùng để giải trí và thư dãn tâm hồn, vì vậy âm nhạc là một phần quan trọng trong đời sống hàng ngày, trong nhiều hoạt động xã hội và văn hóa.
Âm nhạc là một nghệ thuật trình diễn. Khác với vài bộ môn nghệ thuật như Thơ Phú và Hội Họa trong đó người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm rồi phổ biến hay trưng bày cho mọi người nghe hoặc thưởng lãm; trong bộ môn âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác cần tới nhiều ca sĩ trình diễn để diễn tả các bài ca, các nhạc phẩm, giống như nhà soạn kịch cần tới các diễn viên trên sân khấu. Như vậy công việc trình tấu âm nhạc là sự phối hợp giữa các nghệ sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn.
Âm nhạc là một trong các nghệ thuật lâu đời nhất và có lẽ con người bắt đầu biết ca hát khi ngôn ngữ mới phát triển. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các khúc xương rỗng được dùng làm cây sáo (flute) vào khoảng 10,000 năm trước Tây Lịch (TL) và bản nhạc đầu tiên được viết ra có lẽ từ 2,500 năm trước TL. Các dân tộc với nền văn minh cổ như các người Ai Cập, Trung Hoa và Babylonians đã biết dùng âm nhạc trong các lễ nghi cung đình và tôn giáo.
Âm nhạc giữ các vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa. Nhiều người dùng âm nhạc trong các buổi lễ hội, trong công việc làm hay trong các sinh hoạt cá nhân và tập thể. Ngày nay, âm nhạc có nhiều hình thức. Loại âm nhạc của châu Âu và châu Mỹ được gọi chung là Âm Nhạc Tây Phương (Western music) trong khi châu Phi và châu Á cũng có loại âm nhạc riêng. Trong nền âm nhạc Tây Phương, có hai loại chính là “cổ điển” (classical) và “phổ thông” (popular). Nhạc Cổ Điển gồm các bản giao hưởng (symphonies), nhạc kịch (operas) và nhạc vũ ba lê (ballets). Nhạc Phổ Thông có các loại chính như nhạc đồng quê (country music), nhạc nhân gian (folk music), nhạc jazz và nhạc rock...

Trong bộ môn nhạc cổ điển cũng có nhiều hình thức. Nhiều bản nhạc cổ điển rất dài với nhạc phong và nhịp độ biến đổi. Cũng có các bản nhạc ngắn với cùng nhịp độ và nhạc phong được giữ nguyên trong suốt thời gian trình tấu. Vài bản nhạc cổ điển mang chủ đích trình bày một đề tài, diễn tả một ý tưởng, mô tả một cảm xúc hay kể ra một câu chuyện.
Các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng chia nhạc cổ điển ra làm hai loại: nhạc dùng đàn (instrumental music) và thanh nhạc (vocal music). Nhạc dùng đàn thường được trình tấu bằng một nhạc cụ, một nhóm nhỏ nhạc cụ hay một dàn nhạc (orchestra), còn thanh nhạc được viết cho một ca sĩ hát, hay một nhóm ca sĩ, hoặc một ban hợp ca đông người. Ngày nay các nhạc cụ được chia làm 5 loại chính: (1) nhạc cụ dây (stringed), (2) nhạc cụ gió (wind), (3) nhạc cụ gõ (percussion), (4) nhạc cụ phím (keyboard) và (5) nhạc cụ điện tử (electronic instruments).
Tùy theo số nhạc sĩ trình diễn mà bản nhạc được phân loại ra làm: (1) nhạc độc tấu (solo music): được viết cho một thứ đàn như dương cầm, vĩ cầm, sáo... Các bản sonata dương cầm danh tiếng nhất là của các nhạc sĩ Ludwig van Beethoven người Đức, Wolfgang Amadeus Mozart người Áo... trong khi Johann Sebastian Bach người Đức cũng sáng tác các sonata xuất sắc, dùng cho đàn vĩ cầm (violin) và hồ cầm (cello). (2) nhạc thính phòng (chamber music): dùng cho từ 2 tới 5 nhạc sĩ, với mỗi người trình bày mỗi phần khác nhau. Loại bản nhạc này gồm loại hòa tấu 3 đàn dây (string trio), hòa tấu dương cầm 3 đàn (piano trio), hòa tấu 4 đàn (string quartet), hòa tấu 5 đàn (string quintet)... (3) nhạc đại hòa tấu (orchestra music): được trình diễn trước khán giả đông người. Dàn nhạc của loại này gồm từ 15 tới trên 100 nhạc sĩ, được chia làm 4 nhóm chính: a) loại dây, b) loại gió, c) loại kèn đồng và d) loại gõ. Loại bản nhạc thường được các dàn nhạc đại hòa tấu trình diễn gồm các bản giao hưởng (symphonies), các concerto và các tổ khúc (suites).
Bản nhạc giao hưởng thường diễn tả các cảm xúc, các ý tưởng. Bản giao  hưởng “Eroica” (1804) của Beethoven lúc đầu có chủ đích ca ngợi danh tướng Napoleon với nhiều đoạn nhạc hùng tráng, và phần hai (2nd movement) là hành khúc tang lễ (funeral march) dành cho bậc anh hùng quá vãng...

  Beethoven    
                
Bản giao hưởng “Mùa Xuân” (Spring, 1841) của Robert Schumann diễn tả niềm hạnh phúc khi lập gia đình.
Các bản concerto được viết ra cho một thứ đàn riêng biệt, chẳng hạn như đàn vĩ cầm hoặc đàn dương cầm. Nhà soạn nhạc danh tiếng người Ý Antonio Vivaldi đã viết ra nhiều concerto xuất sắc, chủ yếu dùng cho các loại đàn dây.
Từ thế kỷ 18, các tổ khúc (suites) là loại nhạc dành cho vũ điệu (dances), chẳng hạn như hai tổ khúc danh tiếng “Peer Gynt Suite” (1876) của nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na Uy, và “Nutcracker Suite” (1892) của nhà soạn nhạc Peter Ilich Tchaikovsky người Nga.
Âm nhạc là một loại ngôn ngữ quốc tế có sức mạnh truyền thông lớn nhất, đã dùng tới các giai điệu trầm bổng để gợi lên trong tâm hồn người nghe nhiều cảm xúc nội tâm đa dạng. Âm nhạc trực tiếp ảnh hưởng tới các giác quan của thính giả và các nhạc sĩ sáng tác là những nghệ sĩ dùng âm thanh để mô tả những gì không thể nói ra bằng lời, vui cũng như buồn, say mê cũng như hùng tráng... Một thí dụ đơn giản về cách mô tả bằng âm nhạc là tập nhạc Concerto “Bốn Mùa” (The Four Seasons) của Antonio Vivaldi, phổ biến vào năm 1725. Mở đầu trong concerto thứ nhất “Mùa Xuân” là tiếng chim hót vui vẻ, chào đón một mùa nắng ấm, sau đó là tiếng nước chảy róc rách của một giòng suối với gió nhẹ thổi qua, với các tiếng sấm, và rồi lại nghe thấy tiếng chim hót diễn tả nhờ cây vĩ cầm độc tấu.

2. Trường phái Cổ Điển trong Nghệ Thuật.
Trường phái Cổ Điển được định nghĩa trong từ điển là trình độ cao nhất về Văn Chương và Nghệ Thuật, đặc biệt là phụ thuộc vào nền Văn Hóa Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã. Danh từ Cổ Điển mang hàm ý rằng trong quá khứ, con người đã đạt tới trình độ tuyệt vời về nghệ thuật và ngày nay những công trình văn học, nghệ thuật liên quan tới truyền thống cũ đều được coi là cổ điển.
Các nghệ sĩ cổ điển trong thế kỷ 18 tại châu Âu đã không quan tâm tới cá tính hay các kinh nghiệm cá nhân như là sơ liệu nghệ thuật của họ. Một công trình nghệ thuật tự bản thân nó đã có sẵn vẻ đẹp, điều hay mà không cần tới sự diễn tả của bản ngã người nghệ sĩ trong khi các nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn (romantic) lại coi Nghệ Thuật là một phương tiện để tự thể hiện và nét chính của nghệ thuật lãng mạn là sự nhấn mạnh vào cách biểu lộ cảm xúc. Trường phái cổ điển hướng về sự trong sáng của tư tưởng và vẻ đẹp của hình thể, coi trọng sự kiểm soát và kỷ luật nơi nghệ thuật, quan tâm tới tiềm năng trong cách diễn tả thuần lý, trong công phu gọt dũa tỉ mỉ và tầm nhận thức về vẻ đẹp lý tưởng. Tất cả căn bản của phong cách cổ điển đã khuyến khích người nghệ sĩ chú tâm vào các phẩm chất của trật tự, của sự thăng bằng và sự hòa hợp.

Nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ 18 mang các dấu ấn đặc thù, với các lâu đài nguy nga và các khu vườn rộng lớn, tất cả được xây dựng theo tỉ lệ cân đối, với các chi tiết trang hoàng tỉ mỉ. Vào giữa thế kỷ này, Vua Louis 15 của nước Pháp đã chủ xướng các lễ hội xa hoa tại Cung Điện Versailles, đồng thời các vương triều khác cũng ngự trị tại các quốc gia láng giềng: Frederic Đại Đế cai trị nước Phổ, Catherine là Nữ Hoàng của nước Nga và Maria Thérésa trị vì nước Aùo. Tại châu Aâu thời đó, giai cấp cai trị đã nắm quyền lực nhờ vào đặc quyền thừa kế. Xã hội của thời kỳ này tôn trọng quá khứ, đề cao truyền thống và hiện trạng được duy trì. Các nhà quý tộc đã coi trọng hình ảnh của các thần linh cổ xưa, đề cao thành tích của các vua chúa, các anh hùng hiệp sĩ vì đây là phản ánh của chính họ, của những gì quý phái, cao sang.
Do ảnh hưởng cổ điển, các nghệ sĩ cũng diễn tả những tư tưởng hướng về Hy Lạp và La Mã. Họa sĩ Jaques-Louis-David đã vẽ bức danh họa "Cảnh chết của Socrates" theo cảm hứng từ nghệ thuật và văn hóa Cổ Hy Lạp. Các cuốn tiểu thuyết của Samuel Richardson, Henry Fielding, Laurence Stern và Tobias Smolett... đã chứa đựng các tình cảm trưởng giả, giống như thơ phú của Thomas Gray, Oliver Goldsmith và William Cowper.

Nhưng dưới ánh vẻ hào nhoáng của các vương triều và trong các xã hội mà quyền uy đã được coi như thiên mệnh, đang âm thầm các sức mạnh bộc phá, làm lung lay nền móng của các chế độ cai trị. Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ là một đòn mạnh đánh vào chủ thuyết thần quyền của các vị vua chúa, rồi Cuộc Cách Mạng Pháp đã làm rung chuyển toàn thể châu Aâu. Thời kỳ cổ điển đã chứng kiến ngày tàn của các thể chế cũ và bình minh của châu Aâu hiện ra với các biến đổi chính trị, kinh tế, nhờ đó quyền lực được chuyển từ giai cấp quý tộc sang giai cấp trung lưu. Chế độ tư bản đang bành trướng nhờ Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ với các tiến bộ về Khoa Học, Kỹ Thuật, nhờ năng lực hơi nước, đường xe lửa, các nhà máy, các hầm mỏ...
Vào giữa thế kỷ 18, nhiều phát minh khoa học đã ra đời chẳng hạn như máy se sợi của Hargreaves năm 1760, máy hơi nước của James Watt năm 1765, máy dệt của Cartwright năm 1785, máy cán bông gòn của Eli Whitney năm 1793... Bộ môn Khoa Học Thuần Lý đã có sự đóng góp của Benjamin Franklin tìm ra Điện Lực năm 1752, Priestly khám phá ra Oxygen năm 1774, Bác Sĩ Jenner hoàn chỉnh cách Chủng Ngừa năm 1796, nhà toán học Laplace đã tính toán cách vận hành của Vũ Trụ và pin Điện Cực được Alessandro Volta phát minh vào năm 1800. Sinh hoạt trí thức cũng có các đóng góp đáng kể như cuốn sách "Lịch sử nghệ thuật cổ" của Winckelman xuất bản năm 1764, Từ Điển Bách Khoa Pháp (1751-52) và Từ Điển Bách Khoa Britannica với ấn bản đầu tiên vào năm 1771.
Sinh hoạt trí thức của thời Cổ Điển như vậy đang đứng trước hai trào lưu đối nghịch. Một xu hướng là nghệ thuật cổ điển đang được tinh luyện trong đời sống nhưng cũng đang đi dần tới kết thúc, xu hướng kia là một cách sống mới đang vật lộn để chào đời.
Thế kỷ 18 còn được gọi là Thời Đại của Lý Trí (the Age of Reason). Các nhà triết học người Pháp như Voltaire, Diderot, Rousseau, Condorcet, d'Alembert... đã tạo nên Bộ Từ Điển Bách Khoa như một dụng cụ Khai Sáng, đã đề cao Lý Trí với mục đích tấn công vào nền trật tự đang hiện hữu trong khi giai cấp trung lưu chiếm dần các vị trí quan trọng trong cuộc nổi dậy.
Văn Hóa của thế kỷ 18 đã được đặt dưới sự bảo trợ của giới quý tộc vì Nghệ Thuật được coi là một thứ trang hoàng cho đời sống vương giả. Cuộc sống của các ông hoàng, các mệnh phụ được diễn ra nơi lâu đài, với các yến tiệc, các lễ nghi đòi hỏi tới sự lịch duyệt trong phong cách và vẻ đẹp trong kiểu mẫu. Các nghệ sĩ của thế kỷ 18 đã sống trong khung cảnh đó. Họ là những người phục vụ cho các vương triều, các ông hoàng bà chúa, để có được sự an toàn kinh tế và địa vị xã hội. Các nghệ sĩ vì thế đã sáng tác ra các tác phẩm theo đòi hỏi của giới quý tộc.
Về âm nhạc, các nhạc sĩ nam nữ thời đó sống nhờ vào các cung đình, họ là ca sĩ, nhạc công và giáo sư âm nhạc cho các gia đình quý tộc giàu có. Họ viết nhạc để phục vụ tôn giáo, hoặc soạn ra các bài thực tập âm nhạc dành cho nhạc sinh, hoặc sáng tác ra các bản nhạc để hát, để đàn trong các buổi giao tế xã hội của giới quyền quý.
Thời kỳ Cổ Điển của bộ môn Aâm Nhạc có thể được coi là từ năm 1750 tới năm 1825 với các tác phẩm của bốn bậc Thầy tiêu biểu, thuộc trường phái Vienna là Haydn, Mozart, Beethoven và Schubert. Trong thời kỳ này, nghệ thuật Aâm Nhạc đã kết nụ, nở hoa vì những thí nghiệm và khám phá, và các nhạc sĩ đã phải đứng trước ba thử thách, thứ nhất là thám hiểm vào phạm vi rộng lớn của hệ thống âm giai trưởng-thứ, thứ hai là làm hoàn chỉnh ngành âm nhạc tuyệt đối (the absolute instrumental music) và thứ ba là tận dụng các thể loại âm nhạc mới với các sonata đơn và kép, các trio, quartet, concerto, thể loại giao hưởng (symphony) và các loại nhạc thính phòng.
Nếu nói rằng các nhạc sĩ bậc thầy như Haydn, như Beethoven, thuộc trường phái cổ điển thì cũng chưa hẳn chính xác. Các nhạc sĩ thuộc trường phái Vienna đã thí nghiệm một cách táo bạo và không ngừng dùng các vật liệu âm nhạc trong tầm tay. Lúc đầu họ phải quy phục các nguyên tắc của các thể loại đã có từ trước, rồi về sau đã diễn tả tình cảm nội tâm qua các tác phẩm. Cũng vì thế các bản nhạc của Haydn hay của Beethoven vào thời kỳ đầu đã mang nhiều sắc thái cổ điển hơn, trong khi Schubert ở cuối giai đoạn lại mang màu sắc trữ tình. Cho nên danh từ Cổ Điển có thể bao hàm ý nghĩa của sự toàn hảo, sự huy hoàng của Aâm Nhạc vì các bậc Thầy của thời đó đã trình bày, đã sáng tác ra các bản giao hưởng, concerto, sonata, trio, quartet mà sau này được coi là những mẫu mực không vượt qua được.
Âm Nhạc của trường phái Vienna còn có các giai điệu vừa lịch lãm, vừa ca ngợi, thường căn cứ vào các câu 4 nhịp đối xứng có đoạn kết rõ ràng nhờ đó âm nhạc dễ dàng thâm nhập vào tâm hồn thính giả. Các giai điệu cổ điển này vừa có thể dùng để ca hát, vừa dùng cho nhạc cụ, đã đi từng bước ngắn, nhẩy các quãng hẹp lại bám rễ vững vàng vào cung khóa (key). Sự trong sáng của bản nhạc được nổi bật nhờ các câu nhạc lặp lại và nhờ cách dùng thường xuyên các tiếp khúc (sequence) hay sự nhắc lại một mẫu câu nhạc bằng giọng cao hơn hay trầm hơn. Các câu nhạc vừa đối xứng, vừa cân đối nên dễ làm cho người nghe thưởng thức được phong vị của giai điệu.
3. Trường Phái Lãng Mạn và các nét đặc thù.
Trong thời kỳ Phục Hưng, các nghệ sĩ Cổ Điển tin tưởng rằng các nhân tài Hy Lạp và La Mã đã khám phá ra các định luật thẩm mỹ có giá trị vĩnh viễn nhờ đó các họa sĩ, nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ chỉ việc tuân theo, và các văn nghệ sĩ cổ điển đã áp đặt các quy luật này trong thế kỷ 18 nhờ họ làm việc trong các triều đình và các hàn lâm viện.
Từ năm 1750 trở về sau, những người đầu tiên của phong trào Lãng Mạn bắt đầu xuất hiện và nhân vật gây được nhiều ảnh hưởng nhất là Jean Jacques Rousseau (1712-78) do các lời biện hộ cho các đặc tính tự do, cảm xúc và bản chất tốt đẹp của thiên nhiên. J. J. Rousseau còn đề cao tinh thần cá nhân chủ nghĩa (indivialism) coi cá nhân tách biệt khỏi các người khác. Nhà tư tưởng người Pháp này đã từng nói: "Tôi thì khác với mọi người, nếu tôi không tốt hơn thì ít nhất cũng khác biệt" (I am different from all the men I have seen. If I am not better, at least I am different). Trong khi xã hội phương tây thay đổi về các quan niệm chính trị và xã hội thì văn chương và các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, phê bình cũng tiến hóa theo. Phong trào Lãng Mạn từ từ phát triển, đã ảnh hưởng và làm giàu rất nhiều cho nền văn hóa tại châu Âu.

Phong trào Lãng Mạn (the Romantic movement) được coi là một cuộc cách mạng chống lại phong trào Cổ Điển (classicism) và thời đại Khai Sáng (the Enlightenment), bởi vì phong trào Cổ Điển đã đặt ra các tiêu chuẩn và quy luật như hài hòa, cân đối, yên tĩnh, lý tưởng hóa, còn thời đại Khai Sáng đặt niềm tin vào tính thuần lý (rationality), trật tự và một số giới hạn.  Sau đó phong trào Lãng Mạn lên tới cao độ vào thập niên 1790, đặc biệt tại nước Anh và nước Đức. Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã gây nên niềm tin rằng các cải cách căn bản có thể thực hiện được trong các đời sống văn hóa và nghệ thuật nhưng rồi các biến cố và hậu quả bạo lực tại nước Pháp đã làm cho các nhà cải cách người Anh và người Đức theo trường phái Lãng Mạn phải thất vọng. Sau đó phong trào Lãng Mạn đã lấy lại được sức mạnh cho tới năm 1840, là năm phong trào Hiện Thực (realism) dần dần ló dạng.
Phong trào Lãng Mạn bao gồm niềm tin tưởng vào sự phong phú tình cảm, vào trí tưởng tượng không giới hạn và vào đặc tính tức thời (spontaneity) trong đời sống cá nhân và nghệ thuật. Tại nước Đức, các nhân vật chủ trương lãng mạn trong hai thập niên 1770 và 1780 đã tự gọi là “Nhóm Bão Tố và Căng Thẳng” (the “Storm and Stress” = Sturm und Drang) và nhiều nghệ sĩ lãng mạn thuộc đầu thế kỷ 19 đã sống cuộc đời tình cảm với cường độ rất cao: điên khùng, tự tử, đấu gươm tới chết và các bệnh kỳ lạ. Các nghệ sĩ này đã theo đuổi cuộc sống “du sinh” (bohemian), để tóc dài và đầu bù xù không chải, nằm ngủ trong các căn gác xép lạnh lẽo. Họ chối bỏ vật chất, tiện nghi và tìm lối thoát bằng thứ tinh thần cao vời của nghệ thuật. Họ là những người cuồng tín theo cá nhân chủ nghĩa, tin tưởng rằng nhờ vào bản chất tự do mà họ có thể làm phát triển các tiềm năng con người. Các văn nghệ sĩ lãng mạn đi tìm một thứ vũ trụ không giới hạn, tìm kiếm những gì không biết, không thể biết và không thể đạt tới được.

Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa trường phái cổ điển và trường phái lãng mạn là quan niệm tổng quát về "thiên nhiên" (nature). Trường phái cổ điển không quan tâm tới "thiên nhiên". Theo tác giả Samuel Johnson thuộc thế kỷ 18: “một cọng cỏ luôn luôn là một cọng cỏ, đàn ông và đàn bà mới là đề tài tìm hiểu của tôi”. Các văn nghệ sĩ thuộc trường phái cổ điển đã mô tả thiên nhiên là đẹp và không cầu kỳ, giống như một khu vườn được trồng tỉa cân đối trong khi các họa sĩ, nhà văn, nhà thơ lãng mạn say sưa vì thiên nhiên, đôi khi họ còn coi thiên nhiên là đáng sợ, khi nổi sóng, giống như trong bức họa “Chiếc Bè của Medusa” (The Raft of the Medusa) của họa sĩ Théodore Géricault, qua đó mô tả các người sống sót trôi dạt trên mặt biển giông bão.
Phần lớn các văn nghệ sĩ lãng mạn coi sự phát triển của nền kỹ nghệ mới là một cách tấn công xấu xa, tàn nhẫn vào thiên nhiên đáng yêu và vào bản chất của con người. Vì vậy họ phải đi tìm các lối thoát, tại miền hồ vắng thanh khiết của miền bắc nước Anh, trong khu rừng hoang sơ của châu Phi... Họ tránh xa các nơi kỹ nghệ hóa mới. Các nhà máy thép, các xưởng dệt vải... bị coi là những nơi có lửa cháy của địa ngục, mặt trăng trong khung cảnh thuộc khu kỹ nghệ mang màu máu, các ngôi sao rơi xuống đất tại nơi này.
Các nhân vật thuộc trường phái lãng mạn còn say mê bộ môn "lịch sử ", coi nơi đây là cách thay đổi theo thời gian, vừa cơ hữu (organic), vừa linh động, không còn thuộc trạng thái tĩnh như quan niệm của các nhà thông triết (philosophes) trong thời kỳ Khai Sáng (Enlightenment) thuộc thế kỷ 18. Các khảo sát lịch sử đã khuyến khích sự phát triển các ước vọng quốc gia (national aspirations), đã khiến cho vài dân tộc tìm kiếm các tầm vóc quan trọng, chẳng hạn như dân tộc Đức và các sắc dân thuộc miền Đông Âu. Theo nhà sử học người Anh Lord Acton, phong trào Lãng Mạn là một bước tiến mang tính định mệnh nhất trong trào lưu tư tưởng của châu Âu.
Vào đầu thế kỷ 19, tinh thần lãng mạn đã thể hiện qua cách nhận thức về vẻ đẹp của các "khu vườn Anh" (English garden), tại nơi này không còn cách trồng tỉa cân đối, cách xếp đặt công phu nữa. Nhiều người đã bắt đầu đánh giá cao loại phong cảnh tự nhiên, mang vẻ hoang dã, phóng khoáng. Về kiến trúc, đường nét cổ điển với cách đối xứng và phức tạp đã nhường chỗ cho tính bất quy tắc và sự đổi mới về chi tiết. Cách thưởng thức nghệ thuật đã thay đổi từ năm 1764 với sự xuất hiện của lối kiến trúc Gothic mới.
Trường phái cổ điển và trường phái lãng mạn có thể được coi là hai cực của nền nghệ thuật. Tinh thần cổ điển đi tìm kiếm sự trật tự, sự cân đối, sự trong sáng của đề tài trong khi tinh thần lãng mạn lại đặt nặng sự xa lạ, tính ngạc nhiên và tình cảm ngây ngất (ecstasy), nhìn cuộc đời với tính chủ quan, khác hẳn yếu tố khách quan của tinh thần cổ điển. Chính vì thế nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche trong các bài viết về nghệ thuật, đã so sánh hai tinh thần cổ điển và lãng mạn bằng hình ảnh của Apollo, vị thần Hy Lạp của ánh sáng và đo lường, tương phản với Dionysus, vị thần của lòng đam mê và tính say sưa. Cả hai đặc tính trái ngược cổ điển và lãng mạn đã là hai xung lực căn bản của bản chất con người.
Cách nhận thức mới về nghệ thuật đã làm nẩy sinh ra một thế giới xa xôi với thế giới "quen thuộc và mỗi ngày", và trường phái lãng mạn đã khác biệt với trường phái cổ điển về sự “xa lạ và xa vời” (strangeness and remoteness). Do đó Walter Pater đã định nghĩa trường phái lãng mạn là "sự thêm vào vẻ đẹp chất liệu xa lạ" (the addition of strangeness to beauty).
Một nét vẻ đặc biệt khác của trường phái lãng mạn (romanticism) là tính không giới hạn (boundlessness). Nghệ thuật lãng mạn lùi về quá khứ và hướng cả về tương lai, trải rộng tầm vóc phủ lên thế giới và lan ra vũ trụ. Trong khi các quy tắc cổ điển chú trọng đến tính trật tự, sự cân bằng về kiểm soát và sự hoàn hảo trong các giới hạn được hiểu rõ, thì trường phái lãng mạn lại ca ngợi tính tự do, sự say đắm, các chuyển động để theo đuổi những gì đạt tới được và không bao giờ đạt tới được. Nghệ thuật lãng mạn bị ám ảnh bởi tinh thần mong đợi, ước vọng về một hoàn thành rất xa vời.
Các nhà thơ lãng mạn đã chống lại các hình thức theo quy ước cũ, họ thiên về lề lối kỳ lạ, hoa mỹ, say đắm. Tại nước Đức, một nhóm các nhà văn trẻ đã theo gót các nhân vật danh tiếng như Goethe và Schiller, đã tạo nên một loại thơ trữ tình (lyric) mà tượng trưng là nghệ thuật của Henrich Heine, đây là một trong các nhà thơ được các nhạc sĩ lãng mạn ưa thích. Một phong trào tương tự cũng diễn ra tại nước Pháp, dẫn đầu là nhà văn danh tiếng nhất Victor Hugo và nhà thơ danh tiếng nhất Alphonse Lamartine. Tại nước Anh, các nhà thơ trữ tình gồm có Gray, Cowper và Burns, Wordsworth và Coleridge, Byron, Shelley và Keats.
4. Trường phái Âm Nhạc Lãng Mạn.
Các thời kỳ lịch sử của bộ môn Aâm Nhạc được phân biệt bằng các trường phái hay giai đoạn trong đó một đường hướng diễn tả âm thanh đã được thịnh hành. Các nhà nghiên cứu đã dùng các danh từ như "cổ điển" và "lãng mạn" để phân biệt về tác giả, tác phẩm và thời kỳ. Trong các năm từ 1770 tới 1800 và đôi khi tới tận 1830, nét nhạc của các nhạc sĩ lừng danh như Haydn, Mozart, Beethoven đã mang nhạc vẻ "cổ điển". Danh từ này hàm chứa các ý nghĩa về sự toàn hảo, tiêu chuẩn, dùng làm mẫu mực cho các sáng tác âm nhạc về sau. Việc phân loại cũng đã được căn cứ vào số lượng nhạc âm (musical sound) bị giới hạn, vào cách hòa âm căn bản, do cách xử dụng nhịp điệu (rhythm) và nhạc thức (form) và do cả cách truyền cảm đi từ nhạc sĩ sáng tác qua nhạc sĩ trình diễn tới thính giả.
Các nhạc sĩ sáng tác đã thí nghiệm, làm biến đổi và làm phát triển cách diễn tả âm nhạc từ các nguyên tắc căn bản. Như thế, cách nhận thức về mỹ thuật nói chung và về âm nhạc nói riêng đã thay đổi theo thời gian và trường phái "lãng mạn" dần dần xuất hiện. Về âm nhạc, sự phân chia rõ ràng giữa cổ điển và lãng mạn đã không có một mốc thời gian nhưng khi xét các khuynh hướng nghệ thuật của thế kỷ 18, các nhà phê bình cho rằng thế kỷ đó đã có những dấu nét đặc biệt, khác biệt với trào lưu nghệ thuật của thế kỷ sau.
Trong các bộ môn nghệ thuật, Aâm Nhạc là thứ dễ diễn tả, dễ bộc lộ nhất. Nhờ âm thanh và nhịp điệu, âm nhạc đã mô tả các cảm xúc, ấn tượng, làm lộ ra những xúc động nội tâm. Aâm Nhạc đã dùng thứ ngôn ngữ riêng để nói lên thứ hình ảnh hiện thân của thế giới cũng như các cảm xúc trong cuộc đời của mọi người. Aâm nhạc được định nghĩa là một loại ngôn ngữ không phải là lời nói thông thường. Các nhạc cụ vì vậy đã trở nên một phương tiện, một thứ xe chuyên chở tư tưởng và tình cảm. Các nhạc sĩ lãng mạn đã khéo léo phối hợp âm nhạc với lời nói, thành lời ca, hòa vào tiếng đàn như trong thể nhạc Lied, một loại bài hát đã được sáng tác thành công vào thế kỷ 19 bởi Schubert, Schumann, Brahms và Hugo Wolf, hay trong loại nhạc kịch trường (music drama) của Wagner. Ngoài ra còn có loại nhạc chương trình (program music) phối hợp với thơ, với cách mô tả, cách tường thuật, cách bắt chước các âm thanh tự nhiên và các âm thanh chuyển động, đã dùng tới các hình ảnh tưởng tượng và được diễn tả ra bằng âm thanh.
Nhạc chương trình của thế kỷ 19 khởi đầu bằng bản "Giao Hưởng Đồng Quê" (Pastoral Symphony) của Beethoven, kéo dài tới giữa thế kỷ với các nhạc sĩ Mendelssohn, Schumann, Berlioz, Liszt rồi với các nhạc sĩ đại diện của cuối thế kỷ là Debussy và Richard Strauss. Các nhạc sĩ của thời đại này đã cố gắng bằng cách dùng âm thanh, liên kết một câu chuyện, một bài thơ, một hoạt cảnh với một bản nhạc lãng mạn.

Thế kỷ 19 cũng gặp sự chuyển tiếp về thính giả và sự bảo trợ âm nhạc. Loại thính giả đồng nhất, thường có văn hóa cao và số lượng hạn hẹp như giới quý tộc, đã được thay thế bằng giới trung lưu đông đảo hơn nhưng không đồng nhất, không có trình độ cao về thưởng thức âm nhạc. Các bảo trợ về âm nhạc của các hầu tước, bá tước, các cung đình cũng bị nhường chỗ cho các hội hòa nhạc (concert societies) và các đại hội âm nhạc (musical festivals). Nhạc sĩ sáng tác vào thế kỷ 19 đã đứng trước một sân khấu rộng lớn hơn, phải cố gắng làm sao cho nhạc phẩm của mình được nhiều người nghe và hiểu. Sự tương phản về tính phổ thông của thời đại này đối với thời đại trước đã được thể hiện qua các sáng tạo đồ sộ của Meyerbeer, Berlioz, Wagner, Strauss hay Mahler, hay qua các bản nhạc dương cầm ngắn của Schubert, Mendelssohn và Chopin.
Trường phái lãng mạn của thế kỷ 19 còn có một nét đặc thù, đó là sự khác biệt giữa các nhạc sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử. Các nhạc sĩ độc tấu với tài nghệ xuất sắc đã xuất hiện như Paganini về vĩ cầm và Liszt về dương cầm. Đã tăng thêm các tiêu chuẩn chuyên nghiệp khiến cho sang thế kỷ 20, vai trò của nhạc trưởng trở nên rất quan trọng và nhạc trưởng đôi khi còn được gọi là "nhà độc tài của dàn nhạc".
Các cải tiến kỹ thuật vào thế kỷ 19 đã làm phát minh ra các nhạc cụ mới, chẳng hạn như các kèn saxophone và tuba. Việc thêm các "van" (valves) vào loại kèn đồng (brass instruments) đã cho phép kèn tù và (horn) thổi được các giai điệu của Wagner và Tchaikovsky. Đàn dương cầm cũng nhờ các tiến bộ khoa học mà có một khung căng dây đàn (frame) đúc bằng gang, các dây đàn cứng cáp hơn và to dài hơn nên đã phát ra các âm thanh lộng lẫy hơn, sâu đậm hơn. Nhờ cây đàn dương cầm với các âm thanh từ nhẹ (soft) tới mạnh (forte), Liszt đã trình tấu các bản nhạc thuộc trường phái lãng mạn khác với các bản sônát của Mozart vào thế kỷ trước.
Trong thế kỷ trước, nhạc sĩ sáng tác cũng là nhạc sĩ trình diễn. Mozart và Beethoven đã trình bày các concerto của chính mình giống như Franz Liszt diễn tấu nhạc phẩm "Tưởng Khúc Hungari" (Hungarian Rhapsodie) hay Niccolo Paganini với các giai điệu vĩ cầm mang âm sắc quái dị. Sau đó, các nhạc sĩ trình diễn tài ba dần dần diễn tấu các nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ sáng tác khác.
Trong thời kỳ lãng mạn của thế kỷ 19, đàn dương cầm đã đóng một vai trò quan trọng trong bộ môn âm nhạc. Tại châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ này, cây đàn dương cầm trở nên nhạc cụ chính trong gia đình, đã hấp dẫn các nhạc sĩ tài tử vì khả năng của đàn có thể diễn tả vừa giai điệu, vừa hòa âm, khác với các loại nhạc cụ dây và gió.
Các bậc thầy về các nhạc bản dương cầm của thế kỷ 19 gồm Schubert, Chopin và Liszt, Mendelssohn, Schumann và Brahms… những nhạc sĩ đại tài này đã khai thác các nguồn vô tận của đàn dương cầm và diễn tả một cách xúc tích vẻ lãng mạn và kịch tính bằng các nhạc phẩm trữ tình.



   Franz Shubert




1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...