Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Thân phận con người

Thân phận con người 

 “Thế giới cũng như con người, sinh ra, lớn lên rồi chết. Về già, con người đầy khổ đau và thế giới về già cũng đầy tai họa.” Tiểu thuyết La Mã sụp đổ của Jérôme Ferrari lấy cảm hứng từ bài giảng của Saint – Augustin vào năm 410, sau khi đế chế La Mã bị diệt vong, để đặt ra những vấn đề lớn mà con người hiện đại đang phải đối diện. Thế giới trong đó con người đang sống có là vĩnh cửu hay hứa hẹn một ngày tận thế? Con người sống trong thế giới đó có thực sự hạnh phúc, bình yên hay khổ đau, tuyệt vọng? Thể chăng rút ra một triết lý sống, một nhận thức rõ ràng về những gì con người đang làm để tránh nguy cơ bị diệt vong?
Cốt truyện tiểu thuyết này có vẻ như không có gì đặc biệt: Matthieu và Libero, hai sinh viên đang làm luận văn thạc sĩ triết học, quyết định từ bỏ giảng đường để trở về một ngôi làng trên đảo Corse xa xôi và tiếp quản một quán bar. Họ những muốn biến quán bar này thành một thiên đường trần thế trong đó con người có thể hưởng thụ một cuộc sống đầy lạc thú và đam mê. Ban đầu, mọi việc có vẻ rất tốt đẹp. Họ đã mang đến cho quán bar một không khí mới, hứa hẹn một thế giới tốt đẹp nhất có thể, “một xứ sở được ban phúc lành, tràn trề sữa và mật ong”. Người dân quanh vùng đến đây rất đông để ngập chìm trong rượu, âm nhạc và các thú chơi thâu đêm suốt sáng. Nhưng dần dà, thế giới mà Matthieu và Libero cố gắng kiến tạo chỉ là một lâu đài trên cát: tất cả sụp đổ không thể cưỡng lại được, con người sống trong đó trở nên sa đọa, dã thú với bao nhiêu thói hư tật xấu nảy sinh: nghiện ngập, ghen tuông, đàng điếm, trộm cắp, giết người v.v.. Khi đó, cái chết, ngày tận thế chỉ có thể là một tất yếu. Sự sụp đổ của quán bar phải chăng là sự sụp đổ của nền văn minh hiện đại ngồn ngộn cám dỗ vật chất, sự sung túc quá đỗi phải chăng đã đẩy con người rơi xuống vực thẳm của đam mê, dục vọng, vô cảm, bạo tàn, phi nhân tính?
Song song với sự sụp đổ của cả nền văn minh là sự sụp đổ của con người. Sự sụp đổ này thể hiện trước hết qua hai nhân vật là Matthieu, một kẻ thích cuộc sống “cô độc và trầm tư”, và Libero, một thanh niên đang “kinh bỉ chính mình” và khinh bỉ những gì còn lại. Cả hai khước từ những giá trị mà giáo dục và văn minh mang đến. Họ nhận ra sự vô nghĩa của triết học, của giáo dục, họ chống đối những gì gọi là hàn lâm, kinh điển, đạo đức. Họ tìm đến ngôi làng nơi đảo Corse xa xôi như để chạy trốn thế giới văn minh, trú ẩn trong một thế giới khác hoang sơ và nguyên thủy. Nhưng họ có thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của định mệnh? Họ có tránh được ngày tận thế đã được dự báo? Không! Họ bất lực mục kích sự suy sụp của chính con người họ, cơn ác mộng của cuộc sống, sự sa đọa của những người xung quanh, sự sụp đổ của cả thế giới. Trong thế giới mà họ đang sống, họ trở thành những kẻ xa lạ thực sự, xa lạ với chính mình và xa lạ với kẻ khác. Sự sụp đổ con người của chính họ là sự hoàn toàn mất kiểm soát (Matthieu sống trong mơ hồ, ảo mộng, Libero giết người một cách vô thức).
Đặc biệt, nhân vật Marcel, ông của Matthieu, người đi xuyên thế kỷ 20 để cảm nhận rất rõ sự suy sụp trong cơ thể mình cũng như sự suy vong của thế kỷ, của thế giới. Marcel sống vật vờ, lay lắt giữa sự sống và cái chết, hay nói đúng hơn, cuộc sống với ông chẳng qua là sự khắc khoải đợi chờ ngày kết thúc. Bị đày đọa về cả thể xác lẫn tinh thần, Marcel như chừng đoán biết sự xấu xa và tính khả tử của thế giới loài người.
Đọc tiểu thuyết này, người đọc không khỏi bị ám ảnh về sự phù du, bất ổn của thế giới mà chúng ta đang sống.
Thế giới hiện tại và thế giới xa xưa xen lẫn vào nhau trong tiểu thuyết tạo nên một bản hòa âm về số phận mong manh của con người. Để diễn đạt thông điệp mang màu sắc triết học đó, Jérôme Ferrari kết hợp một cách nhuần nhuyễn chất thơ và sự trần trụi trong những câu văn mình viết. Những câu văn dài, giàu sức gợi được Ferrari tài tình viết ra để miêu tả một thế giới huyễn hoặc, huyền thoại, nguyên thủy. Và khi cần, để miêu tả cuộc sống xô bồ hiện tại, nhà văn không ngại sử dụng những câu nói sống sượng, dung tục, cộc lốc.
Với tiểu thuyết này, Jérôme Ferrari đã xứng đáng đoạt giải Goncourt năm 2012, giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp để sánh vai với những Michel Houellebecq, Jean Echenoz, Pascal Quignard hay  Laurent Gaudé.
Nguyễn Duy Bình

Trích đoạn:
“Bởi vì thế giới đã biến mất vào thời điểm bức ảnh này được chụp, vào mùa hè năm 1918, để còn lại cái gì đó minh chứng cho sự khởi đầu và cả sự kết thúc, thế giới đó đã biến mất mà không ai nhận ra, và trước hết thứ Marcel ngắm nhìn suốt cả cuộc đời chính là sự vắng mặt của ông, một trong những sự vắng mặt bí ẩn nhất, đáng sợ nhất được cố định vào ngày hôm đó trên giấy bằng muối bạc, ông làm việc ấy bằng cách dõi theo vết tích trên nền màu trắng sữa của bức ảnh tối dần ở ngoài rìa, trên những gương mặt của mẹ, của anh trai và các chị gái,
trên cái mếu mặt dỗi hờn của Jeanne-Marie, trong sự hiện diện con người đầy vô vị, đáng thương của họ, trong khi mặt đất đang sụp xuống dưới chân họ, không cho họ một sự lựa chọn nào khác là bồng bềnh như những bóng ma trong một không gian mờ mờ ảo ảo, mênh mông bất định, không lối thoát mà cũng chẳng có định hướng, thậm chí tình yêu nối kết họ với nhau cũng không thể cứu họ thoát khỏi không gian đó, bởi vì khi không có thế giới, bản thân tình yêu cũng bất lực. Trên thực tế, chúng ta không biết thế giới là gì, sự tồn tại của các thế giới phụ thuộc vào cái gì. Hẳn đã được ghi đâu đó trong vũ trụ quy luật bí hiểm đang chi phối sự hình thành, sự lớn lên và sự kết thúc của những thế giới đó.
Nhưng chúng ta cũng biết điều này: để một thế giới mới nảy sinh, trước hết thế giới cũ phải chết đi đã. Và chúng ta cũng biết rằng khoảng cách giữa hai thế giới đó có thể vô cùng ngắn ngủn hoặc trái lại, dài lâu đến mức, trong nhiều chục năm trời, con người phải học cách sống trong sầu não, đau buồn để cuối cùng tất yếu nhận ra rằng họ không thể sống, và xét cho cùng, họ chưa bao giờ sống. Thậm chí chúng ta cũng có thể nhận ra những dấu hiệu gần như không thể nhìn thấy báo hiệu rằng một thế giới vừa biến mất, không phải tiếng rít của những trái phá băng qua những cánh đồng toang hoác của miền Bắc, mà là tiếng cửa trập mở ra,
chỉ hơi quấy động ánh sáng rung rinh của mùa hè, mà là bàn tay hao gầy và đầy chai sạn của người phụ nữ trẻ giữa đêm khuya thanh vắng đang nhẹ nhàng khép lại một cánh cửa nhẽ ra không phải mở ra cuộc đời chị, hay là cánh buồm hình vuông của một con tàu đang lướt sóng trên Địa Trung Hải trong xanh, ở ngoài khơi Hippone, từ La Mã mang đến một cái tin không thể tưởng, đó là con người vẫn sống, nhưng thế giới của họ không còn.”
Nguồn: http://gocnghe.blogspot.com/





1 nhận xét:

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...