Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

“Nhắm mắt nhìn trời” như là cách tự vấn

“NHẮM MẮT NHÌN TRỜI” NHƯ LÀ CÁCH TỰ VẤN

Hoàng Thúy Ngân
Tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời (Nxb Trẻ, 3/2014) của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy được xây dựng trên nền bối cảnh vùng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa dưới cái nhìn của nhân vật chính là nhà văn - nhà báo Nguyễn. Anh nhìn phố với nỗi xót xa, chán chường trong sự đối chọi đầy mâu thuẫn giữa cuộc sống hiện đại với lối sinh hoạt truyền thống, giữa nhu cầu tinh thần hiện đại với tín ngưỡng dân gian.
Trong tổ phóng viên văn hóa của tờ “Đất ấm” nơi Nguyễn làm việc, anh đánh thân với Thành, một cậu phóng viên chuyên chạy sự kiện. Tính cách trái ngược nhau, kẻ nhanh nhẹn, người lạc hậu nhưng vì cùng cảnh ngộ người “hàng tỉnh” lại có chút đồng cảm thân phận, nên vô tình (hay cố ý), cả hai đã dính vào phi vụ đất đai ở xóm Liên Minh. Để có được hai ngôi nhà tạm bợ cạnh nhau, chờ thời cơ chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, Thành và Nguyễn đã trải qua bao chuyện dở khóc, dở cười. Chính từ cuộc dấn thân bám trụ đất thủ đô của hai anh chàng tỉnh lẻ ấy, lớp vỏ hiện thực dưới ngòi bút cực thực của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy được bóc tách trần trụi, phơi bày sự xâm thực và phân tách rạn vỡ của văn hóa làng khiến con người chới với giữa những dòng chảy…
Với hệ thống nhân vật đa dạng, đủ thành phần: Tâm cá mặt quỷ, Trí đền bù, Nậu sếch, Nhợn cứt, Thiện lác, Hiền cave…, tiểu thuyết Nhắm mắt nhìn trời đã dựng lên bộ mặt thật của cuộc sống hôm nay với đủ chuyện búa xua, kệch cỡm: đề đóm, đất đai, đĩ điếm, buôn danh, bán cứt, chùa chiền, lang băm lọc lừa… một cuộc sống buộc chúng ta phải nhìn, phải nghĩ bởi “chưa khi nào những bất ổn xã hội lại đáng báo động như bây giờ, con giết cha, vợ chém chết chồng, bác sĩ ném xác bệnh nhân, giới trẻ chạy theo những giá trị ảo, sách văn học bị quay lưng, học để kiếm tiền quan trọng hơn học để làm người…”
Không ngần ngại để nhân vật nhà văn, nhà báo, trí thức ngang hàng với tầng lớp dưới đáy của xã hội, rồi thẳng thắn bóc mẽ những tha hóa trong một bộ phận trí thức (qua nhân vật nhà thơ Hát), nhà văn đã bóc tách nhân vật của mình trong bi kịch lương tâm. Những nhà trí thức được ăn, được học, được giáo dục nên họ không chỉ khổ về đời sống như bà đồng nát, gái làng chơi…mà họ còn bị giằng xé giữa giá trị văn hóa và đời sống thực. Bước vào thế giới của Nguyễn, người ta dễ liên tưởng đến bi kịch của giới trí thức trong những tác phẩm của Nam Cao.
Tuy nhiên, thời nào thì có bi kịch của thì đó. No đủ đến mức thừa mứa cũng là bi kịch. Bi kịch của Nguyễn là nhìn thấy bi kịch của người khác, là bi kịch của người thất bại trong nỗ lực chống lại cái ác, cái xấu, lại còn bị quấn vào guồng quay đó. Anh dường như không đủ năng lượng cần thiết, hoặc quá biết giới hạn trách nhiệm của mình, trong việc theo đuổi những tiếng gọi tính thiện của đời sống, nên đã chấp nhận sự chất vấn tất yếu của lương tâm. 
Ở một góc nhìn nào đó, có thể gọi Nhắm mắt nhìn trời là hành trình “tôi đi bán tôi” bởi nhân vật có phần đồng dạng với tác giả. Nguyễn đã phải mở mắt nhìn đời, nhìn cuộc chạy marathon trong hành trình làm công dân thành phố rối rắm không biết đâu là điểm kết của Thành, nhìn sự “bố đời” của thằng buôn cứt người cai ngõ Liên Minh, nhìn sự ti tiện khôn ngoan của Trí đền bù…rồi "Nguyễn nhắm mắt... Khi nhắm mắt, bầu trời chỉ là một màu đen kịt. Hai chân Nguyễn co lên, tay thu trước ngực như hình một bào thai. Mọi thứ ngừng lại, kể cả hơi thở. Và giấc ngủ đậu xuống. Nguyễn đã thực sự trở lại với hình hài nguyên sơ trong một vũ trụ u minh tự thuở sinh thành"Cuối cùng, Nguyễn đã nhắm mắt để chiêm nghiệm cuộc đời, để nhẹ lòng sau những bi kịch và tuyệt vọng. Còn nhà văn, người chứng kiến và dựng lại câu chuyện đó, hẳn cũng mở mắt để đối diện với thực tại, đi tìm căn nguyên của sự nhơ nhớp…, và đồng thời, ở chiều ngược lại, nhắm mắt để tự vấn bản thân phải làm gì, con người phải làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn?
Những câu chuyện thời sự, những “pha” dàn xếp đủ mùi xã hội trong tiểu thuyết được Nguyễn Xuân Thủy kể bằng giọng văn hài hước, thú vị xen lẫn chua xót. Không mĩ lệ hóa, không thơ ca hóa, nhà văn đã lặn sâu vào bể đời để khắc họa bộ mặt phố thị, bộ mặt con người trong sự mệt mỏi, nhem nhuốc như nhau. Đấy có thể nói là một quan niệm nghệ thuật viết bám chặt đời sống, lấy đời sống như nó là trong sự tự vấn, tự kể một cách nghiêm túc. Đọc Nhắm mắt nhìn trời, ta có thể tin vào bước đường tiểu thuyết tiếp theo của Nguyễn Xuân Thủy, nhà văn vốn từng được biết đến với các tiểu thuyết  Sát thủ onlineBiển xanh màu lá..


  
     
Bottom of Form

1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...