Người giữ bình yên
Bài đoạt giải nhất Nhạc Trịnh trong tôi 2013
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình
yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi
dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá
đời". (Trịnh Công Sơn)
Tôi nghe nhạc Trịnh đến bây giờ đã gần sáu năm.
Năm ấy, tôi hãy còn là một cô bé mười bốn tuổi. Thuở đó, khi chúng bạn say sưa
với những bài nhạc sôi động, tươi vui thì tôi và cậu bạn thân đã ngồi cùng nhau
hát nghêu ngao “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Hôm nay tôi nghe”…rồi cùng
thiếp đi dưới một gốc cây, trong sự im lặng của những tế bào diệp lục và ánh
nắng chiều dần phai. Đó mãi là một trong những khoảnh khắc yên bình nhất ở thời
áo trắng mà tôi từng được có.
Tôi vẫn còn nhớ một lần kia, trong giờ ra chơi
của tiết học đội tuyển văn năm lớp chín, thầy tôi đã hỏi tôi rằng: “Em nghe
nhạc Trịnh nhiều, thế có chắc là hiểu hết ca từ của Trịnh chưa? Em có hiểu câu
hát: “Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” là gì không?”. Lúc
thầy hỏi xong, tôi chỉ khẽ gật gật và bẽn lẽn cười nói rằng em chỉ hiểu đây là
câu hát về sự chia xa.
Nhưng những năm tháng sau này, khi tôi nghĩ lại,
lá xanh rồi vàng, tươi rồi úa tàn. Chẳng phải đại diện cho sự tàn phai sao?
Chẳng phải đó là cái chuyển mình của sự hoài vọng bỗng thành phôi pha? Tôi nhận
ra là, mình đã trả lời được câu hỏi được đặt ra năm tôi mười lăm tuổi. Ra là
nhạc Trịnh là một loại nhạc có chiều sâu, mà cứ qua mỗi giai đoạn nhỏ của đời
người, người ta sẽ đi sâu hơn vào được một chút, thấm thía nhiều, khám phá
thêm, thấu suốt hơn, rồi lại tiếp tục từ đó mà trưởng thành.
Tuổi trẻ của tôi đã lớn lên như thế, lớn lên một
cách an lành, sáng trong pha lẫn chút u buồn. Nhiều người ngạc nhiên và hỏi tôi
rằng sao lại chọn nghe nhạc Trịnh ở tuổi như em, tôi chỉ mỉm cười bảo em đơn
giản muốn gửi những trăn trở và lo âu của một thời thiếu nữ vào đâu đó cho đỡ
chếnh choáng về sự trưởng thành và những hoài vọng.
Tôi muốn trải nghiệm những bước trưởng thành đầu
tiên bằng những cảm thức thân phận, những tuyệt-vọng-rực-rỡ, những niềm yêu đời
thiết tha. Tôi mong mình có thể bằng cách này, hay cách khác dấn thân vào đời
sống ngoài kia, tôi khao khát được tiến ra biển lớn dù biết càng rời xa tuổi
nhỏ, lại càng thấm thía những bão bùng.
Sau những giông bão của tuổi đôi mươi, tôi càng
nhận ra mình đến lúc thôi hoài nghi mà tin, yêu nhiều thêm nữa, vì chỉ có những
thứ ấy mới có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời. Lòng tin vào con
người, vào lòng lành, vào hy vọng hay sự cứu rỗi vốn chẳng phụ bạc ai. Chúng ta
chỉ đang trong quá trình thật sự thấu hiểu nó, ngạc nhiên, ngạc nhiên để rồi
trưởng thành.
Tôi muốn mình cũng có thể như những bài ca của
Trịnh, vẫn còn đủ sự bao dung và lòng nhẫn nại đối với chính mình, cũng như
sáng suốt và tỉnh táo, cũng như nhiệt tình và khát khao sau tất cả.
Tôi từng đọc một cuốn sách của Raxun Gamaztốp,
có một đoạn trong cuốn sách ấy, Raxun viết rằng khi một người chiến sĩ dựa lưng
vào vách đá thì sẽ thấy vững lòng hơn. Vì khi anh ta đứng giữa một không gian
mênh mông, anh ta không thể đề phòng phía sau của mình, còn khi dựa vào vách đá
lớn, anh ta sẽ thấy bình tâm hơn nhiều.
Có lẽ đây cũng chính là lý do mà những năm tháng
ấy, tôi đã chọn nhạc Trịnh làm một trong những chỗ nương tựa của tâm hồn. Để dù
ngoài kia có bão lớn, gió to, ước mơ tan vỡ, tình cảm không như ý, thì vẫn còn
nơi chốn để quay về nương náu và nhắc nhở mình nhớ rằng ngay cả tuyệt vọng cũng
có thể đẹp như một bông hoa. Vậy nên hà cớ gì mà không cho mình một cơ hội để
tìm thấy trong lòng yêu sự sống dù có đôi khi buồn bã kia một niềm vui nào đó
để giữ cho đời người khỏi giấc ngủ triền miên chưa kịp tới?
PHẠM GIANG PHƯỢNG THƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét