Phạm Duy người nhạc sĩ của muôn đời
HẢI VÂN
Từ
bao giờ không biết, chữ số X vốn chỉ có trong toán học bỗng hân hoan thơ thới
đi dạo giữa cuộc đời, bỗng xuất hiện giữa phố thị đông người bằng những danh ký
tự nghe đầy ẩn tính phương trình, như thế hệ 6x, thế hệ 7x, thế hệ 9x, …v.v…
Lần đầu tiên đọc thấy, nhìn thấy, nghe thấy những danh ký tự này tôi không hiểu
lắm, nhưng có một người thuộc thế hệ 2x lại không hề lạ lẫm chút nào. Ông nhắn
anh Cường - con trai của ông - nói với tôi nguyên văn như sau: “… nói
cho con bé ấy biết 6x là thập niên 60, 7x là thập niên 70… Thế hệ 9x là thế hệ
của những người sinh ra trong thập niên 90…v.v…” Tôi nghe xong, có
chút liếng khỉ bảo: “…. anh hỏi hộ em, bác trai thuộc thế hệ mấy x?”
Không ngờ ông trả lời “thế hệ 2x.” Sau này mỗi khi có dịp nhắc lại giai
thoại thế hệ x, anh Cường kể: “Bố anh cười ghê lắm, khi xưng mình là
thế hệ 2x.” Một bậc trưởng bối thuộc thế hệ 2x, nhưng tâm hồn rất trẻ, luôn
tự nhận mình có thuật cải lão hoàn đồng nhờ siêng năng workout, nhờ chuyên tâm
tập thể dục hàng ngày, thật rất đáng ngưỡng mộ. Ông càng đáng ngưỡng mộ hơn
nữa, vì tự đề ra cho mình một thời khóa biểu sinh hoạt phong phú, linh động,
sôi nổi suốt hai mươi bốn giờ. Ngày nào cũng vậy. Năm này qua năm khác ông vẫn
là ông, với một chương trình làm việc vô cùng đầy tròn và bận rộn.
Nếu
gặp ông ở quán xá, ở các bữa tiệc, ở những nơi huyên náo, đôi khi người ta phải
tự hỏi: Lẽ nào một người ăn to nói lớn, dễ bị kích động, rất hay giận dữ như
ông…, lại là tác giả của những bản tình ca bất tử..?Bản chất và tính khí của
ông “đáng sợ” như thế đấy, nhưng ông đích thực là cha đẻ của “Tình Ca,”
“Thương Tình Ca,” “Trường Ca Việt Nam,” “Kỷ Vật Cho Em,” “Nghìn Trùng Xa Cách,”
“Màu Tím Hoa Sim,” “Cô Hái Mơ,” “Tiếng Sáo Thiên Thai,” “Đưa Em Tìm Động Hoa
Vàng,” “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Bên Cầu Biên Giới,” “Kỷ Niệm,” “Thuyền Viễn Xứ,”
“Thà Như Giọt Mưa” …v.v…Di sản hơn nghìn tác phẩm của ông, không thể kể hết
trong một sớm một chiều, càng không thể nói qua loa ngắn gọn về nội dung hay
xuất xứ của những tác phẩm này. Bởi vì mỗi một người con tinh thần trác tuyệt
ấy, đều được ông “sinh thành” trong từng bối cảnh đặc biệt khác nhau.
“Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh
khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương…” Anh khách lạ đi
lên đi xuống là ai, là người nhàn du ghé thăm Pleiku, để biết ở đây buổi
chiều quanh năm mùa Đông… Hay anh khách lạ đó chính là nhạc sĩ, người cảm
nhận “…Phố núi cao phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi
dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nào, lòng vẫn bâng khuâng.” Nhạc sĩ
không chỉ bâng khuâng vì còn một chút gì để nhớ để quên, mà bâng khuâng vì đã
khóc cười theo vận nước nổi trôi, trong suốt cuộc hành trình của riêng ông trên
cõi đời này. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru
những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng
rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi! Tiếng
mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!”
Người nhạc sĩ tài hoa, tha thiết yêu thương chữ quốc ngữ, đã nhấn phím tơ buông
những lời làm cảm động lòng người “Tôi yêu tiếng ngang trời. Những câu hò
giận hờn khôn nguôi. Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi. Vững tin vào mộng đẹp ngày
mai.” Niềm tin bất biến về tương lai xán lạn của dân tộc, của đất nước đã “thoắt
nghìn năm thành tiếng lòng tôi,” không chỉ đóng ấn trong lòng ông dấu tích
tình yêu tuyệt vời dành cho quê hương, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến tình hoài
hương của người viễn xứ. Tôi xa nhà đã lâu. Những đêm mưa dài như thế kỷ luôn
thấm buồn. “Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi. Đời nhịp sầu lỡ bước. Bước
hoang mang rồi. Quay lại hướng làng Đà Giang lệ ướt nồng. Mẹ già ngồi im bóng.
Mái tóc tuyết sương. Mong con bạc lòng” Tôi nghe “Thuyền Viễn Xứ” của ông,
lòng riêng cảm nhận… Thật xa, trùng dương nhấp nhô sóng vỗ. Thật gần, bến đợi
mòn mỏi tịch liêu. Sóng thinh lặng, xóa nhòa dấu chân người còn in trên cát.
Sóng nhặt khoan trầm bổng. Sóng cuốn theo chiều gió, tạo thành cung bậc âm u.
U-u-u…! Sóng và gió hoà tấu. U-u-u…! Sóng và gió cùng hát. Lời ca vang động đất
trời. Lời ca cất lên, từ tiếng lòng ai đang than khóc: “Chiều nay sương khói
lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang
thuyền qua xứ người.”
Khúc cầm phổ nhặt khoan, êm ái, trầm bổng, du dương. Tưởng như không gian xám
là khuôn nhạc có năm hàng kẻ. Trên năm hàng kẻ ấy, từng cung bậc ẩn hiện âm
hưởng triều sóng ngân nga, từng cung bậc trình tấu tiếng tơ lòng của người tha
hương, phiêu bồng đất khách.Chỉ thấy sóng chao mặt nước, ảo hiện hình bóng thôn
xưa. Không cần chiều buông, trường giang cũng thành biển nhớ. Thuyền ra khơi,
ngày về không ước hẹn. Bốn phương mây trắng gieo vần hoài hương. Tám hướng bão
giông, bờ tao ngộ hóa hiện bến phân ly. Nửa đời mộng thực phân vân. Nửa đời
viễn xứ bụi trần xót xa: “Thuyền ơi! Viễn xứ xa xôi. Một lần qua dạt bến lau
thưa. Hò ơ! Giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về.” Niềm
quê sực nức lòng quan ải. Giây lát dừng chân cuộc viễn trình (1). Thuyền
thả neo bãi vắng. Dò tìm một thoáng hương xưa. Nắng mưa ấm lạnh đời phiêu bạt.
Một nửa trăng rơi chén rượu cay. Giọng hát thiên thu, khiến suối nguồn xa vắng.
Chiều mưa ngàn về, để nhung nhớ sầu dâng. Phải chăng người nhạc sĩ tài hoa của
thế hệ 2x cũng chính là người viễn xứ, từng tự hỏi: Còn chăng đường ra cửa
biển. Còn chăng hải phận nối liền với bến ngày xưa. Thuyền mong về cố lý. Lữ
khách lặng nhìn hoa sóng bay. Đời thường không như nguyện. Hôm qua và hôm
nay, đã là dấu hỏi u buồn. Dấu hỏi u buồn của hôm qua và hôm nay, cùng hội tụ ở
ngày mai, có thêm dấu chấm than dài. Lữ khách soi bóng mình trên giòng nước. Vỗ
mạn thuyền bi ca. Người nhạc sĩ tài hoa của thế hệ 2x, cũng chính là người viễn
xứ, trở về quê hương như lá rụng về cội, như nước chảy về nguồn. Ông đã an giấc
ngàn thu hôm Chủ Nhật 27 Tháng 1 năm 2013. Thân tứ đại bây giờ phiêu diêu tự
tại, an tâm hòa nhập vào linh hồn đất mẹ thân yêu.
Ngàn lời để nói về ông cũng không đủ. Ngàn lời để nói về ông cũng bằng thừa.
Bởi vì tự riêng di sản hơn nghìn ca khúc của ông, đã minh họa rất rõ về Phạm
Duy Còn Đó Nỗi Buồn, như đề tựa tuyển tập của nhà văn và cũng là họa sĩ Tạ Tỵ
viết về ông. Người nhạc sĩ của thế hệ 2x đã lên đường hát rong ở một cõi ngoài
mây trắng đông hiên, lại bắt đầu tình trong ý ngỏ hiện tiền thân xưa ở một nhân
duyên đặc biệt khác. Ông không chỉ là người của thế hệ 2x, ông là người hát
rong tuyệt vời, là nhạc sĩ kỳ tài của hằng muôn thế hệ, từ bây giờ cho đến ngàn
sau. Muôn người thương tiếc ông. Muôn người của muôn thế hệ trân quý tiễn đưa
ông vào cõi vĩnh hằng, bằng khúc “Xuân Ca” bất tử:
“Xuân tôi ơi! Sức xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta xuân còn hơi xuân
Thì xin, thì xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần!”
Nguyện chúc Nhạc Sĩ Phạm Duy xuôi miền vĩnh phúc trong tiếng “Xuân Ca,”
để bắt đầu một nhân duyên mới giữa đường xưa mây trắng.
(1). “Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai.” Thơ của Vũ Hoàng Chương
hãng máy bay eva air
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
mua ve may bay hang korean air
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich