Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Ngọt ngào những nét duyên xưa

Ngọt ngào những nét duyên xưa

“Từ Dạ cổ Hoài Lang đến Vọng cổ 32 nhịp”
Vẫn hào sảng, chắc khỏe và nhất là lửa nhiệt tình còn bừng bừng trong từng lời ăn tiếng nói, Giáo sư Trần Văn Khê, người canh giữ ngôi đền âm nhạc dân tộc lại tiếp tục gieo vào lòng khán giả tình cảm về những làn điệu quê hương qua từng câu chuyện về những bản vọng cổ ngọt ngào.
Hòa trong tiếng đàn tranh dịu nhẹ của nghệ sĩ Hải Phượng cùng nhóm nghệ nhân đàn kìm, đàn nhị, đàn bầu Huỳnh Khải, Văn Mô, Hoàng Kha, câu chuyện về một bản nhạc xưa cứ thế tuôn trào qua lời kế mộc mạc mà hóm hỉnh của giáo sư Trần Văn Khê. “Cho đến nay, ai cũng biết ông Sáu Lầu, tên đầy đủ là Cao Văn Lầu, sanh lối năm 1890 tại xã Thuận Lễ, tỉnh Tân An (nay là Long An) là tác giả của bài hát này nhưng ít có ai biết rõ năm suất xứ.
Trong bài báo Một cuộc phỏng vấn bất ngờ của nhà báo Thanh Cao đăng trong Dân Mới (ra ngày Chủ nhật, 20-12-1953), qua phần trả lời của nghệ nhân Sáu Lầu, có thể xác định tác phẩm ra đời vào năm 1919, trong lúc tác giả bị “khủng hoảng tinh thần” vì bị mẹ bắt buộc phải ly dị với người vợ sau tám năm chung sống mà không sanh con nối dòng. Ông buồn nhớ bạn tình lang nên đặt ra bài ca tên Hoài lang”.
Tuy nhiên, giáo sư Trần Văn Khê còn cho hay có nhiều giả thuyết xung quanh câu chuyện này, ví dụ “Một nhà nghiên cứu khác cũng nói lý lẽ như trên và thêm vô hai chữ Dạ cổ là tiếng trống ban đêm… Năm sáng tác thì ghi rõ là 1920 tại nhà đèn Bạc Liêu”. Ông còn dẫn lời giáo sư Thuyết Phong rằng: ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang vào khoảng 1919-1920, nhân dịp có một nhóm nghệ sĩ từ Huế vào trình diễn trong Nam để đáp lễ.
Danh ca Bạch Huệ
Đôi song ca trẻ Lê Tứ – Hà Như

Tuy nhiên, điều mà giáo sư Trần Văn Khê muốn gửi gắm không phải là xuất xứ của bài hát, mà là cái tình chân thực, cái ý thâm sâu của một bản tình ca cải lương bất hủ. Để rồi sau khi ra đời bản cổ nhạc theo điệu hành vân (nhịp 2) ý ngắn tình dài đã gây được một làn sóng hâm mộ trong và ngoài nước, được khán giả yêu thích, đồng thời được nhiều gánh hát cải lương giới thiệu qua giọng ca của các nghệ sĩ tài danh như cô Hai Đá, cô Ba Bến Tre, cô Bảy Phùng Há, Năm Châu, Tư Út…
Là quá trình phát triển lâu dài, phong phú của đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ, giáo sư Trần Văn Khê cho biết: “Từ Dạ cổ hoài lang, theo năm tháng đã xuất hiện những bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 độc đáo… bởi vốn dĩ cải lương miền Nam đã có tính động, biến hóa dễ dàng, huê dạng nhưng vẫn trên tình thần chân phương hoa lá”.
Minh họa cho những biến hóa ấy, hàng loạt bản vọng cổ bất hủ đã được trình bày bởi lớp nghệ sĩ nhiều thế hệ tham gia trong chương trình. Khán giả chưa kịp nén cảm xúc trước danh ca Bạch Huệ dù đã 70 tuổi nhưng vẫn ngọt ngào với dòng tâm cảm của Hành vân, Cang trường tuyết lệ… lại tiếp tục bị bất ngờ trước giọng hát “mùi như con gái quê” của chị Ngọc Tuyết, Việt kiều Mỹ với bài vọng cổ Thương về quê cũ (lời của Nam Bình được soạn giả Viễn Châu hiệu đính) đầy ấn tượng.
Rồi những giai điệu trữ tình của các bản cổ nhạc vang bóng một thời như Nhân sanh bách tuế, Tình mẫu tử, Tình anh bán chiếu… qua giọng hát của các nghệ sĩ trẻ Lê Tứ, Hà Như, Thanh Tuyết như đã tái hiện thời vàng son của cổ nhạc Nam bộ.
Toàn cảnh đêm sinh hoạt

Đêm sinh hoạt đã khép mà khán giả, người tổ chức vẫn còn nấn ná chưa muốn về. Ai nấy đều không khỏi xúc động khi biết tin giáo sư Trần Văn Khê dù vừa trở về từ bệnh viện tim nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò của người truyền lửa. Chúc cho con tim lúc nào cũng thổn thức vì âm nhạc dân tộc của ông luôn đập những nhịp an lành, bởi thế hệ hậu bối vẫn còn cần lắm một “Việt nhạc chi bảo”. Hẹn gặp lại lần sau, tại địa chỉ sinh hoạt văn hóa quen thuộc này, để cảm xúc của một thế hệ tiếp nối được lưu giữ và dâng tràn những giá trị văn hóa của tiền nhân.
Mỹ Phương (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những trang...