Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Đặng Thai Mai - một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, một học giả uyên bác

Đặng Thai Mai - một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, một học giả uyên bác






Giáo sư Đặng Thai Mai là một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, mộc học giả uyên bác, một nhà hoạt động xã 
hội có uy tín của 

                                                                                                                                                                                                                     Cố giáo sư Đặng Thai Mai (trái) trong                                                                                                      một cuộc mạn đàm cùng nhà văn                                                                                                              Quách Mạt Nhược (Trung Quốc)
nước ta trong thế kỷ 20.
Ông sinh ngày 15-12-1902 tại làng Khương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng có truyền thống yêu nước. Cụ nội đậu cử nhân, làm tri huyện ở Thanh Hóa, khi Pháp đến đánh chiếm, đã cáo quan về nhà dạy học, nhất định không cộng tác với giặc. Thân sinh là ông Đặng Nguyên Cẩn đậu Phó bảng, làm đốc học tỉnh Nghệ An và là người lãnh đạo phái Minh xã (thực chất là theo đường lối cách mạng công khai) ở Nghệ Tĩnh vào những năm 1906 -1908, bị thực dân Pháp bắt đầy ra Côn Đảo với án tù chung thân. Sau 13 năm, Đặng Nguyên Cẩn được trả lại tự do và chỉ hơn 1 năm sau thì qua đời.
Lúc nhỏ, Đặng Thai Mai học chữ Hán, sau học chữ Pháp ở Quốc học Vinh; năm 1924, tốt nghiệp trung học, rồi vào học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1928, ông được bổ nhiệm dạy ở trường Quốc học Huế. Năm 1929, ông gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1930, ông bị Pháp bắt và bị tù treo. Sau đó, lại bị bắt lần thứ hai với 3 năm tù. Hết hạn tù, ông ra Hà Nội cùng với Hoàng Minh Giáp lập trường tư thục Thăng Long và sinh sống bằng nghề dạy học tại trường này.
Năm 1936, ông là hội viên Hội truyền bá quốc ngữ, và được Đảng cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ, đơn vị tỉnh Quảng Nam (thay cho ông Phan Thanh, đảng viên Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương, bị bệnh chết). Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và viết báo tiến bộ, cách mạng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp công khai ở Hà Nội.

Năm 1944, ông viết “Văn học khái luận” được dư luận xem là một công trình học thuật có ý nghĩa minh họa, phát triển “Đề cương văn hóa” của Đảng. Trong tác phẩm này, tác giả đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề lý luận văn học như: định nghĩa văn học, vấn đề nguyên tắc và vấn đề sáng tác, nội dung và hình thức của văn học, điển hình và cá tính, vấn đề tự do trong văn nghệ, tinh thần quốc gia và văn học. Ông là người đầu tiên viết về lý luận văn học theo quan điểm mác xít ở nước ta và nổi tiếng ngay sau khi tác phẩm đựơc xuất bản. Ông còn viết các cuốn: Lỗ Tấn, thân thế và sự nghiệp (1944); tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại (1945), Lôi Vũ, Nhật Xuất, A.Q (Dịch).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ lúc thành lập cho tới ngày ông qua đời), Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học….

Xuất thân từ một nhà giáo, dù có trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, nhưng niềm say mê trong công việc “trồng người” của một người thầy yêu nghề vẫn thường trực bên ông. Đặng Thai Mai có cái đức tính học suốt đời và dạy người suốt đời không mệt mỏi. Có lần, ông chống can, chậm rãi lên cầu thang, rồi khẽ kéo ghế, ngồi khuất hàng giờ sau cánh cửa lớp để nghe giáo sư Cao Xuân Huy giảng Lão Tử chăm chú như một học trò.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều người đã được giáo sư Đặng Thai Mai đào luyện tại gia. Nhiều cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Hà Nội cũng được giáo sư đặt lịch cho đến nhà để dạy thêm. Dưới sự dìu dắt của ông, nhiều người hôm nay đã trở thành giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ…
CÁC TÁC PHẨM CHÍNH CỦA
GIÁO SƯ ĐẶNG THAI MAI
Văn học khái luận; Lỗ Tấn, thân thế và sự nghiệp; tạp văn trong văn học Trung Quốc hiện đại; Lôi Vũ; Nhật Xuất; A.Q (dịch); Triết học phổ thông; Giảng văn Chinh phụ ngâm; Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa phục hưng; Lịch sữ triết học phương Tây; Lịch sử văn học Trung Quốc; Văn thơ Phan Bội Châu; Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20...
Đặc biệt bộ ba tác phẩm “Trên đường học tập và nghiên cứu” từng được coi như loại sách “gối đầu giường” cho các văn nghệ sĩ. Ngoài ra, còn có Hồi ký Đặng Thai Mai (phần đầu) do Nhà xuất bản Tác phẩm Mới ấn hành (1985) một năm sau khi ông qua đời).
          Đặng Thai Mai đến với văn học rất muộn. Tuy được học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp từ nhỏ, lại ham học,  nhớ rất nhiều sách  đông,  tây , kim cổ,  kiến thức sâu rộng,  nhưng mãi đến   khi ông 42 tuổi, mới xuất bản được tập sách đầu tay (Văn học khái luận).
Trong các công trình nghiên cứu của mình, Đặng Thai Mai đã tỏ một vốn kiến thức sâu rộng, một quan điểm vững vàng, một ngòi bút sắc sảo pha lẫn chất hài hước thâm thúy. Giáo sư Đặng Thai Mai đã để lại một số tác phẩm tuy không nhiều, nhưng là những tác phẩm có giá trị văn học rất cao, có thể làm chuẩn mực cho các công trình nghiên cứu sau này.
Về đời tư, Đặng Thai Mai lập gia đình năm 1926. Vợ ông là bà Hồ Thị Toan, con gái cụ Hồ Phi Thống, một nhân sĩ yêu nước, tác giả cuốn sách “Nhân đạo quyền hành”, rất nổi tiếng trước năm 1945. Ông bà có 6 người con (5 gái, 1 trai): Phó giáo sư Sử học Đặng Bích Hà (SN 1928), Phó giáo sư Văn học Pháp Đặng Thị Hạnh (SN 1930), nhà giáo ưu tú, Giáo sư tiến sĩ Văn học Việt Nam Đặng Thanh Lê (SN 1932), nhà giáo ưu tú Phó Giáo sư, tiến sĩ văn học phương Tây Đặng Anh Đào (SN 1934), nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng (SN 1939), và Phó Giáo sư, tiến sĩ Sinh vật học Đặng Xuyến Như (SN 1945).
Đặc biệt, trong các chàng rể của giáo sư Đặng Thai Mai, có 3 người mang quân hàm cấp tướng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Phạm Hồng Cư Trung tướng Phạm Hồng Sơn.
Giáo sư Đặng Thai Mai đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh (1982); giải A giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 (cuốn Hồi ký); giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - 1996). Ông mất năm 1984) tại Hà Nội.
Nguyễn Xuyến


;

1 nhận xét:

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương

Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài báo khoa học, tản văn…...