Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Âm nhạc trong đời sống xã hội hiện nay

ÂM NHẠC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
HIỆN NAY
Trần Lệ Chiến

Cùng với chiều dài lịch sử và sự phát triển của đất nước, âm nhạc cũng có những chuyển dịch và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Giới âm nhạc xuất hiện nhiều gương mặt mới trong nhiều lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình có uy tín trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế của sự hội nhập và phát triển quá nhanh của nên kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các khía cạnh của đời sống âm nhạc đều có chiều hướng tụt dốc, đi xuống hay suy thoái mà phải nhìn nhận một cách khách quan và thực tế ở từng khía cạnh của đời sống âm nhạc hiện nay rằng:
Mặc dù âm nhạc đỉnh cao không phát triển quá rầm rộ như các dòng âm nhạc khác, nhưng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với dòng nhạc hàn lâm, các Học viện không chỉ đào tạo, tổ chức được nhiều chương trình biểu diễn, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc hàn lâm ở trong nước, quốc tế, cũng như tham gia trong nhiều chương trình biểu diễn của các dàn nhạc, nhạc trưởng nước ngoài, đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới mà nhiều nghệ sĩ, giảng viên, học viên của các đơn vị nghệ thuật cũng đã giành được những giải cao trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Cùng với sự phát triển của dòng nhạc hàn lâm, bác học thì dòng nhạc dân gian cổ truyền dân tộc với 5 di sản phi vật thể  là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Hát xoan, Quan Họ đã được Tổ chức văn hóa khoa học giáo dục Liên Hiệp Quốc – Unesco công nhận là những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - điều đó đã cho thấy sự nỗ lực không chỉ của các nghệ nhân dân gian, những người đang năm giữ báu vật sống mà còn khẳng định sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, những nhà quản lý trong việc tìm ra những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy những giá trị, những di sản văn hóa dân, dân tộc trong đời sống đương đại.
Nếu coi văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là những kênh giao tiếp quan trọng kết nối con người với cộng đồng, xã hội, thì mặt khác âm nhạc còn là phương tiện hữu hiệu nhất để giáo dục thẩm mỹ, tạo dựng nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì âm nhạc có những điểm tối và có phần đi chệch hướng, chệch khỏi trật tự xã hội, không theo thuần phong mỹ tục. Tính văn học, tính nhân văn, tính nghệ thuật đang bị đảo lộn và đôi khi đi ngược lại.
Sự đảo lộn ấy có lẽ xuất phát từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông đã dẫn đến sự phát triển mất cân đối trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn âm nhạc. Sáng tạo âm nhạc không còn dành riêng cho những người được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hoặc những người trưởng thành do tự học một cách bài bản, nghiêm túc mà trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ, mà chính nền kinh tế thị trường với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đẩy một bộ phận cấu thành của nền âm nhạc vượt ra khỏi chuẩn mực của đạo đức, của truyền thống dân tộc, tạo nên một dòng nhạc hỗn độn mà ở đó bao gồm (những tác phẩm mà giới chuyên nghiệp không nghe, không muốn nhắc đến) bởi rất nhiều lý do, nhiều yếu tố mà điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật không có gì để bàn. Có thể kể ra đây hàng loạt những ca khúc mà chỉ nghe tên gọi thôi cũng đã thấy nhiều điều phải suy nghĩ như: Bà xã tôi number one, Thà rằng anh không nhìn thấy, Yêu để rồi chia tay, Giấc mơ không phải là anh v..v
Nhạc thị trường tập trung một lực lượng không nhỏ những người làm nhạc theo kiểu công nghệ như: làm nhạc bằng phần mềm máy tính, chơi nhạc cũng bằng phần mềm âm thanh cài đặt sẵn trong máy tính, nhưng nhờ công nghệ ghi âm và bằng những phần mềm chỉnh âm chuyên nghiệp, hiện đại và cả công nghệ truyền thông (PR) muôn hình vạn trạng đã khiến cho thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn, không đi theo chuẩn mực, đồng thời các nhà quản lý cũng không biết phải định hướng thẩm mỹ hay đưa ra phương án tối ưu nào cho những chế tài xử phạt, bởi mọi chế tài, mọi định hướng của các nhà quản lý đều đang đi sau, khi mọi thứ đã trở nên không thể vãn hồi.
Sự bùng nổ của kinh tế thị trường đã không hoàn toàn đi đúng hướng theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” và vì thế, chính sự vượt rào ấy cũng đã khiến cho sự đa dạng về lợi ích kinh tế là mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự thay đổi về nhận thức tư tưởng, thẩm mỹ. Dẫn đến sự phân hóa, chênh lệch đáng kể trong quan niệm về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.  Cũng từ cơ chế thị trường đã nảy sinh ra một bộ phận những người làm nhạc để kiếm tiền. Họ dường như chỉ học cách kiếm tiền chứ không học cách sống, cách đối nhân xử thế mà vốn từ xưa đã trở thành đạo lý của người Việt. Một bộ phận nhỏ ấy sẵn có khả năng tiếp cận được công nghệ cộng thông tin, với những mánh khóe, chiêu trò khác người để “chơi trội” để sớm nổi danh nhờ công nghệ lăng xê.
Về phía nhạc sĩ:

Nếu như trước đây, một ca khúc ra đời không chỉ là sự trăn trở, thai nghén của người nhạc sĩ, mà nhiều khi tác phẩm hoàn chỉnh, nhiều người còn đem hát cho bạn bè nghe để mong nhận được sự góp ý, chỉnh sửa rồi mới đưa đến các đơn vị chức năng, và cũng phải qua biết bao khâu kiểm duyệt mới ra được với công chúng. Và họ cũng rất khiêm tốn rè rặt chứ không “nổ” như những người làm nhạc tự phong “nhạc sĩ trẻ” hiện nay.  Thậm chí, có những người chẳng cần học nhạc, hoặc có học cũng chỉ là đánh trống ghi danh để dựa vào cái “ mác” là Học viện này, Học viện nọ nhằm mưu cầu danh lợi.  Bởi họ cho rằng chỉ cần biết cách làm nhạc, đặt lời, cho ca sĩ thu thanh, up lên mạng, chỉ cần những tiểu xảo nhỏ trên các trang mạng xã hội thì cùng một lúc sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng chục ngàn người truy cập. Người truy cập có thể họ thích, có thể không thích, thậm chí bức súc, có người vì tò mò xem thực hư câu chuyện ra sao? nhưng nghiễm nhiên khi 1 người clik vào trang mạng hoặc đường link đó, có nghĩa là họ đã thành công. Cứ thế, càng nhiều người truy cập thì số tiền thu về từ nhà mạng càng nhiều ( không loại trừ khả năng giữa tác giả và nhà mạng  có sự ăn chia quền lợi). Họ chỉ cần túi nhiều tiền và không cần quan tâm đến công chúng, bởi nếu họ nghĩ đến điều đó, họ đã không thể đưa ra công chúng những tác phẩm thiếu tính nghệ thuật, thiếu tính nhân văn và thậm chí có những bài lời lẽ “ thô tục” khó có thể chấp nhận được.
Còn đối với ca sĩ thì sao?
Một bộ phận ca sĩ phòng trà, ca sĩ trẻ thiếu hiểu biết, hoặc cũng vì mưu sinh, một phần cũng lại do nể bạn bè, không đủ bản lĩnh, không đủ độ chín nên tặc lưỡi cho qua, ghi âm một vài bài, có một khoản thù lao cũng đỡ. Mặt khác nếu khi đưa lên mạng, được nhiều người truy cập thì họ cũng có phần thơm lây. Họ cũng chỉ nghĩ tới đó mà không nghĩ xem mình đang làm nghệ thuật, vì nghệ thuật hay chỉ coi nghệ thuật là mảnh đất màu mỡ mà may mắn, họ có thể kiếm tiền một cách dễ dàng mà không mất nhiều công sức. Chính vì thế, họ có thể làm bất cứ điều gì nhưng lương tâm vẫn không hề cảm thấy có lỗi, bởi họ chưa bao giờ từng nghĩ đến những hậu quả của nó mang lại sẽ gay tổn hại cho bản thân, cộng đồng và xã hội như thế nào?.
Riêng đối với công chúng:
Qua thực tiễn đời sống, qua công việc và qua báo chí, tôi nhận thấy: bộ phận công chúng nghe, xem những chương trình truyền hình, phát thanh, hay các liveshows ca nhạc kém chất lượng nghệ thuật có lẽ chỉ tập trung ở một bộ phận giới trẻ, mà hầu hết ở ở khu vực nông thôn, hoặc những vùng ngoại ô thành phố, một bộ phận là dân cư ở những nơi mà nhờ  “bán đất” bỗng dưng trở thành “tỷ phú”, thành “ông chủ” mà bản thân cái “phông” văn hóa, kiến thức nền tảng không đủ để có thể nhận diện một cách sâu sắc và đầy đủ về mọi mặt của đời sống xã hội, về những điều cần, những thứ được và mất ngay của chính bản thân. 
Đi tìm nguyên nhân
Mọi khúc mắc đều có ngọn nguồn của nó. Và với tôi thì chính sự xuống dốc không phanh của nền giáo dục Việt Nam đã góp phần không nhỏ làm cho xã hội trở nền hỗn loạn như ngày hôm nay. Giáo dục với quá nhiều những bất cập từ con người, từ giáo trình, giáo án, từ phương pháp, kỹ năng .v.v bởi mãi đi theo lối mòn, thiếu tính sáng tạo, không bắt kịp được với đời sống xã hội vốn sôi động và đầy sắc màu.
 Trong thời đại khi mà chỉ cần một cái nhấp chuột là mọi thứ cần tìm, cần biết đã hiện ra trước mắt, vậy mà học trò, từ cấp 1 cho tới tận đại học, thậm chí là cao học vẫn cứ phải ngôi im phăng phắc nghe thầy giảng mãi một giáo án cũ, không thực tế, không có tính tương tác và như vậy học cho có, chứ kiến thức trao, nhận chẳng đáng là bao. Lâu dần máy tính và mạng internet đã trở thành công cụ hữu hiệu của một bộ phận giới trẻ. Họ ăn máy tính, ngủ máy tính, mọi thứ cũng từ máy tính, làm nhạc, chơi nhạc, thậm chí hát phô (chênh) chỉ cần một thao tác trên máy là mọi thứ đã trở nên hoàn hảo… chính những công cụ ấy đã khiến cho con người trở nên vô cảm, thiếu vốn sống, thiếu kỹ năng sống, thiếu sự quan sát và óc sáng tạo… nên quanh quẩn cũng chỉ nghĩ được mấy thứ ngôn từ “què cụt” không đầu, không cuối.
Nếu như giáo dục chính trị, tư tưởng thiên về lĩnh vực triết học, về lý trí, trang bị cho con người có được nhận thức đúng thế giới quan nhân sinh quan thì giáo dục thẩm mỹ làm cho con người có tư cách, đạo đức hơn và như thế mỗi cá thể sẽ góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Điều đó sẽ làm cho cuộc sống trở nên yên bình, hài hòa, con người trở nên thân thiện, tinh tế, thế giới tinh thần trở nên ổn định, cân bằng và toàn diện hơn. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, việc định hướng hay giảng dạy môn sáng tác, lý luận phê bình hay biểu diễn nhạc cụ tại các Học viện, các trường có đào tạo âm nhạc thì còn có những điểm sáng đáng ghi nhận, nhưng riêng đào tạo thanh nhạc, nhất là nhạc trẻ, thực tế co khoa nhạc nhẹ, nhưng vẫn thiếu những giảng viên đào tạo nhạc nhẹ đúng nghĩa, bởi không giống như âm nhạc cổ điển quan trọng ở kỹ thuật thanh nhạc mà với nhạc nhẹ, ngoài kỹ thuật còn cần phải có rất nhiều yếu tố khác để có thể trở thành ca sĩ nhạc nhẹ chuyên nghiệp và bản lĩnh. Vì thế, nếu các ca sĩ thuộc dòng nhạc nhẹ hầu hết sau khi học cổ điển, có thiên hướng nhạc nhẹ thì chuyển sang hát dòng nhạc nhẹ, hoặc kết hợp. Người có trình độ nhận thức, bản lĩnh sân khấu và ham học hỏi sẽ có cơ hội khẳng định mình, còn thì dường như mờ nhạt. Chính sự mờ nhạt ấy cũng đã khiến một bộ phận chạy theo thị hiếu và hiệu ứng đám động, họ phải tự đánh bóng tên tuổi bằng các scandal, bằng các chiêu trò trên các trang mạng xã hội.
Góp một tiếng nói đi tìm giải pháp
Âm nhạc ngày nay không chỉ là sáng tạo, biểu diễn, cho thỏa đam mê, vì những giá trị nhân văn... Với sự bùng nổ của thông tin, sức chuyển tải, lan tỏa nhanh đến không biên giới của truyền thông, cộng vào đó là sự phát triển vô hạn của khoa học kỹ thuật, người nghe nhanh chóng được tiếp cận với sản phẩm âm nhạc nhưng chính người nghe cũng chóng chán, thị hiếu thưởng thức dễ thay đổi.
Từ sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sự điều hành vội vã không đi theo một lộ trình nhất định để đưa ra một định hướng đúng đắn của cả “hệ thống” đã khiến cho nền kinh tế thị trường phát triển quá nhanh mà không lường trước được những bất cập trong đời sống xã hội, khiến cho nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều người trong xã hội bị ảnh hưởng. Một bộ phận giới trẻ có xu hướng sống ích kỷ, buông thả, sống vì bản thân nhiều hơn vi lợi ích của gia đình, dòng tộc và xã hội. Họ không còn đủ bình tĩnh, tỉnh táo để cân nhắc cái gì nên, cái gì không nên.
Tất cả theo tôi tập trung chủ yếu ở mấy yếu tố:
1. Do hoàn cảnh đời sống và sự phát triển xã hội tạo nên
2. Do Giáo dục chậm phát triển, không theo kịp xu hướng chung của xã hội, của đất nước khi hội nhập quốc tế.
3. Từ sự xuống cấp của giáo dục, sự phân hóa giàu nghèo của đời sống xã hội đã khiến cho trình độ dân trí có sự chênh lệch ngày càng cao.
4. Từ 3 yếu tố vừa nếu trên đã có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến trình độ nhận thức và cảm thụ văn học, nghệ thuật và âm nhạc, bởi có cung ắt có cầu.
Xét cho cùng là do lỗi hệ thống mà ra. Vai trò của các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý chưa thực sự sát với thực tế; không theo kịp sự phát triển và hội nhập;  mọi  quy định, nghị định còn trồng chéo, buông lỏng, không mang lại hiệu quả dẫn đến nhiều kẽ hở trong hoạt động sáng tác, truyền thông; Quý chế biểu diễn thì có những quy định khiến cho nhiều người phải “dở khóc, dở cười”…
Mặc dù Đảng và Nhà Nước ta luôn khẳng định đầu tư cho giáo dục và đào tạo phải theo hướng và đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, phải theo nhu cầu phát triển của xã hội. Cần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước và trong xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nói và làm là hai việc hoàn toàn khác biệt và là khoảng cách quá xa mà ta có thể thực hiện được.
Là người làm công tác âm nhạc, đồng thời cũng là một nhà báo, tôi nghĩ vì nhiều lý do mà chúng ta phải tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị để bàn, để nói lên thực trạng xã hội trong đó có âm nhạc, nhưng chắc chắn giới chuyên môn sẽ chẳng ai phải lo ngại đến mức thái quá rằng liệu âm nhạc VN sẽ đi về đâu? Bởi đó là tất yếu của cuộc sống, của xã hội phát triển.
Mọi thứ đều tiến về phía trước, đi tìm cái mới. Tuy nhiên trên con đường đi ấy, nếu gặp sóng to sẻ đẩy thuyền lên đỉnh con sóng gió và nếu người lái thuyền bình tĩnh xứ lý thì con thuyền ấy chỉ chao nghiêng chứ không thể bị chìm nghỉm. Vậy tại sao chúng ta phải lo lắng khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam, mái nhà chung của chúng ta có tới gần 1.300 người làm công tác âm nhạc ở tất cả các lĩnh vực ở 63 tỉnh thành, thậm chí ở cả nước ngoài, tại sao phải lo lắng khi những “con sâu” đang khoác chiếc áo đi mượn chỉ là con số ít ỏi. Bởi nếu quan sát ta sẽ thấy, có rất nhiều tác giả trẻ như: Đỗ Bảo, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Bảo Lan, Lưu Thiên Hương, Tạ Quang Thắng… với những sáng tác mang đậm bản sắc dân tộc và cũng rất tươi mới, phù hợp với đời sống đương đạiv.v hay những ca sĩ, nhóm nhạc đã và đang góp phần phát huy những giá trị truyền thống nhưng cũng có nhưng tư duy mới mẻ trong âm nhạc như: nhóm nhạc Dòng thời gian là các em tuổi đời còn rất trẻ (đều sinh năm 1985) hát theo phong cách Opera Pop, hay những nhóm nhạc kết hợp phong cách dân gian đương đại như: “Cỏ lạ”, Thủy Triều Đỏ.v.v.v và còn rất nhiều những gương mặt thuộc giới trẻ họ vẫn đang nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống, góp nhặt những tinh túy của âm nhạc truyền thống để làm giàu thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Mặt khác nhiều sân chơi ca nhạc (tuy cũng còn những điều phải bàn) nhưng cũng đã khơi gợi tình yêu âm nhạc truyền thống, âm nhạc cách mạng trong giới trẻ mà một ví dụ điển hình, đấy là ca khúc “ Chiếc khăn Piêu” (Chiếc khăn rơi) của nhạc sĩ Doãn Nho ra đời năm 1956, đã đạt tới 380 phiếu bình chọn của bạn yêu nhạc và trở thành bài hát được yêu thích tháng 11/2012 qua giọng hát của ca sĩ Tùng Dương. Điều đó chứng tỏ, lớp trẻ không quay lưng với âm nhạc truyền thống, cách mạng, bởi cái gì là giá trị thì vẫn vẹn nguyên giá trị và đi cùng năm tháng… Như vậy thì không thể nói toàn bộ giới trẻ có biểu hiện lệch lạc, mà chỉ là một bộ phận rất nhỏ thôi đang có biểu hiện lệch lạc, suy thoái. Lôi một phần ở họ nhưng phần nhiều là do công tác quản lý yếu kém, cộng thêm một bộ phận những người làm báo “lá cải” và công nghệ thông tin đã tác động để trở thành hiệu ứng đám đông. Cái đám đông ấy tôi cũng chỉ ví như một đám mây đen không thể che lấp cả bầu trời, và chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng sẽ khiến nó tan biến.
Tại sao chúng ta phải nghĩ tìm cách gì để ngăn chúng lại? Thời gian ấy, chúng ta hãy nghĩ làm thế nào để tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực mà có nằm mơ cũng không bao giờ những kẻ ngạo mạn, háo danh, vô thực có thể làm được.
                                                                        Hà Nội 15/12/2012


1 nhận xét:

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...