Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống...


ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG
TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

NSƯT  Nguyễn Hoà Bình

Hiệu trưởng Trường CĐNT Hà Nội

 
         Âm nhạc truyền thống là một nét văn hóa đặc trưng trong nền văn hóa Việt nam qua mọi thời kỳ. Trong xu thế hội nhập hiện nay nó còn là một thành tố quan trọng không thể thiếu được trong nền Âm nhạc đương đại. Sự phối kết hợp giữa Âm nhạc truyền thống và Âm nhạc đương đại không làm mất đi nét đẹp tổng thể của nền văn hóa chung, mà còn làm tăng thêm các giá trị của văn hoá trong quá trình phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, trên thực tiễn cho thấy tự thân nó không thể phát triển được mà còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố. Trong phạm vi giới hạn của bài viết và các yêu cầu đặt ra của sự phát triển, tác giả chỉ tiếp cận một số các yếu tố cơ bản từ hai lĩnh vực trọng yếu đó là: đào tạo và quản lý nhà nước.

          Tiếp cận từ lĩnh vực đào tạo cho thấy, việc phát triển Âm nhạc truyền thống chịu sự tác động của ba yếu tố cơ bản: đầu vào, đầu ra và quá trình tác động. Hiển nhiên ba yếu tố này đều nằm trong quá trình đào tạo và chịu sự tác động của hàng loạt các yếu tố khác ngay trong lòng hệ thống. Một số yếu tố cơ bản đã được tác giả chọn làm nội dung chủ yếu để nghiên cứu thảo luận trong bài viết này như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, chương trình và nội dung giảng dạy ( thuộc các yếu tố đầu vào); phương pháp đào tạo, liên kết đào tạo, đánh giá chất lượng, bảo tồn và phát triển (thuộc quá trình tác động). Ngoài ra, còn phải lưu ý đến các yếu tố thuộc đầu ra như: ý chí lập nghiệp của người học, nhu cầu & mục đích của nhà tuyển dụng, phương thức khai thác nguồn lực con người của nhà sử dụng, giá trị tăng thêm của sản phẩm đào tạo (hay sức lao động) thông qua các cơ chế chính sách của các tổ chức sử dụng sản phẩm (đều chưa được đề cập đến). Trong khi đó, đối tượng sản phẩm con người trong lĩnh vực nghệ thuật lại thuộc dạng đối tượng sản phẩm đặc thù, cần có những cơ chế thích hợp mới có thể khai thác, sử dụng và phát huy được những động lực tiềm tàng: dạng động lực tiềm ẩn cần phải có những biện pháp thích hợp kích thích, mới có thể tạo ra được các giá trị tăng thêm tương ứng. Khác hẳn với các dạng sản phẩm đào tạo khác, sản phẩm đào tạo từ lĩnh vực nghệ thuật phải được phát hiện, ươm trồng ngay từ giai đoạn đầu, kết hợp với sự tác động tổng hợp của các yếu tố trong suốt quá trình đào tạo từ đầu vào đến đầu ra mới có thể tạo ra một sản phẩm hoàn thiện. Và đây cũng chính là cơ sở để duy trì và phát triển các giá trị truyền thống đích thực ngay trong quá trình đào tạo hay nói cách khác rộng hơn là ngay từ trong các nhà trường nghệ thuật có đủ các điều kiện tích hợp các yếu tố tích cực của quá trình đào tạo đặc thù.
Tuy vậy, cho dù sản phẩm đào tạo ấy được tôi luyện trong một quy trình hoàn hảo, với tất cả những yếu tố đầu vào tối ưu nhất như có đội ngũ giảng viên ưu tú nhất, cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, nội dung chương trình đào tạo tiên tiến nhất,…Cùng với một hệ thống tối ưu các yếu tố trong suốt quá trình đào tạo như: phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại kết hợp phương pháp đánh giá chất lượng khoa học, chính xác, cùng với các biện pháp quản lý hiệu quả các nguồn lực tối ưu,…Mà thiếu đi sự tác động của các yếu tố đầu ra thì cũng khó có thể đạt được các định hướng cơ bản trong việc gìn giữ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có Âm nhạc truyền thống.
          Tuy nhiên, để giải quyết triệt để được sự tồn tại vốn có và hiện hữu trong Âm nhạc truyền thống hiện nay cần phải có cách tiếp cận tổng thể để xác định rõ căn nguyên, lý do nguồn gốc của sự vật hiện tượng mới có thể đặt ra một bài toán cho sự phát triển đúng hướng và đồng bộ. Bên cạnh đó, làm thế nào để bảo tồn và phát triển nền Âm nhạc nói chung, trong đó có sự góp mặt quan trọng của Âm nhạc truyền thống theo đúng định hướng đã được nêu trong nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam - Để tự thân nó có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển không phải là một bài toán đơn giản, cần thiết phải có sự phối kết hợp hài hòa giữa các yếu tố từ vi mô đến vĩ mô ở cả hai lĩnh vực: đào tạo và quản lý nhà nước. Và đây luôn là một trong những câu hỏi thường trực cho tất cả những người trong cuộc, những người luôn trăn trở cho sự phát triển đúng hướng của các giá trị truyền thống từ nền Âm nhạc, góp phần cho sự bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở phát huy các giá trị của nền Âm nhạc nói chung và Âm nhạc truyền thống nói riêng trong quá trình hội nhập.
          Đây cũng chính là cơ sở để tác giả tiếp cận từ lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo và phát triển Âm nhạc truyền thống trong thời kỳ hội nhập. Nội dung này sẽ tiếp tục được đề cập và bàn luận sâu hơn trong bài viết tới.
          Như chúng ta đã biết, hội nhập vừa mang đến những cơ hội, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho cho nền VH-NT nói chung và Âm nhạc truyền thống nói riêng. Đây vừa là cơ hội lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam, trong đó có các trường VH-NT được giao lưu và tiếp xúc với nền nghệ thuật đa dạng của Thế giới. Trong quá trình ấy, một mặt các trường VH-NT tiếp thu được những tinh hoa nghệ thuật của nhân loại áp dụng vào công tác đào tạo, mặt khác còn chịu sự tác động tiêu cực trong việc tiếp nhận các giá trị mới không được chọn lọc làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống. Đây cũng chính là những thách thức lớn trong tiến trình hội nhập. Từ thực tế trong nhiều năm qua cho thấy: sự pha tạp của nền nghệ thuật thiếu định hướng, thiếu sự lựa chọn và đầu tư không đúng mức, dẫn đến sự biến dạng về bản sắc trong thể hiện; sự lệch pha giữa đào tạo tài năng và phẩm chất, đạo đức của người nghệ sĩ; xu hướng chạy theo giá trị vật chất đơn thuần, lãng quên các giá trị truyền thống đích thực; sự phát triển mất cân đối về số lượng và chất lượng trong xu thế đào tạo hướng theo lợi nhuận, làm teo đi một số chuyên ngành giữ trọng trách duy trì bản sắc văn hóa dân tộc…Những hệ quả trên đây cũng cho thấy, sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật và đào tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có Âm nhạc truyền thống.
          Tôi thiết nghĩ, các nhà trường nói chung và trường VH-NT nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn về hiệu quả và chất lượng đào tạo trong một điều kiện hạn chế về cả bốn nguồn lực cơ bản trong xu thế hội nhập là: Nhân lực- Vật lực- Tài lực và Tin lực. Chúng ta đang đứng trước một thực trạng thiếu thốn về nguồn nhân lực giảng dạy với chất lượng cao, trong khi nguồn vật lực bị hạn chế: cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị hỗ trợ thiết yếu cho công tác giảng dạy và học tập không được đáp ứng đủ, thiếu hệ thống phòng thực hành, và thư viện, hệ thống giáo trình, giáo tài thiếu được cập nhật, bổ sung mới. Nguồn tài lực càng hạn chế do sự eo hẹp của nguồn ngân sách và các định mức không hợp lý khác cho các nguồn thu theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế thị trường. Nguồn tin lực thì gần như không đáp ứng các điều kiện tối thiểu cho công tác giảng dạy và học tập của cả người dạy lẫn người học, trang thiết bị công nghệ thiếu, không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để đảm bảo giờ truy cập thông tin mới phục vụ cho hoạt động chuyên môn và học tập…
       Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà nội cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy. Trong những năm vừa qua, nhà trường đang từng bước hoàn thiện, nâng cao các nguồn lực sẵn có và tiềm năng của mình nhằm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ chính trị được giao. Tận dụng nắm bắt kịp thời những cơ hội thuận lợi, hạn chế tối đa những thách thức, rủi ro với tinh thần đồng thuận cao nhất trong toàn nhà trường để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đào tạo, theo phương châm “Chất lượng và Hiệu quả”- Đây là định hướng quản lý cơ bản trong toàn bộ hoạt động của nhà trường và có thể được xem là bài học sâu sắc nhất qua 44 năm trưởng thành và phát triển. Năm nay, nhà trường đang chuẩn bị nhiều hoạt động để hướng đến lễ kỷ niệm chào mừng 45 năm ngày thành lập trường, chúng tôi rất thấm thía với những hệ quả của việc không biết tận dụng tối ưu các giá trị nguồn lực hiện có, cùng với việc khai thác kịp thời các cơ hội thuận lợi cho sự phát triển lâu dài và bền vững của nhà trường gắn với việc phát huy các giá trị truyền thống.
          Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu và rộng như hiện nay, các nhà trường nói chung và trường VH-NT nói riêng không thể đứng ngoài. Trường CĐNT Hà nội đang chuẩn bị những bước đi cần thiết cho công tác đào tạo đa ngành, đa nghề và phấn đấu phát triển ở bậc đào tạo cao hơn. Năm học 2011-2012 được xem là năm học quyết định của nhà trường trong việc đặt cơ sở nền tảng để thực hiện thành công kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020. Trong năm học này, nhà trường cũng đã hoàn thiện cơ bản các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dậy, học tâọ và nghiên cứu khoa học;  chất lượng nội dung chương trình đào tạo đã được chuẩn hóa và nâng cao; phương châm giảng dạy gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn đã được chuyển biến đáng kể; hoạt động ứng dụng CNTT được ứng dụng trong mọi hoạt động của nhà trường; hoạt động sáng tạo nghệ thuật được khuyến khích tối đa thông qua các cuộc thi, hội thi; đội ngũ cán bộ giảng viên được chú trọng đào tạo mới, đào tạo lại theo hướng chuyên sâu, gắn liền với việc phát huy tối đa các nguồn lực hiện có,…Đây thực chất là những hoạt động có chủ đích của nhà trường hướng tới việc nâng cao và hoàn thiện các yếu tố từ đầu vào đến đầu ra trong suốt quá trình đào tạo, nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần và đủ cho việc tham gia có hiệu quả vào các chủ trương chung của ngành để duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
          Chúng ta đều nhận thức rõ rằng, Việt nam có một nền Âm nhạc truyền thống lâu đời, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại- Đây là một sự kết tinh Âm nhạc của nhiều thế hệ trong suốt quá trình phát triển, tạo nên một vốn âm nhạc đồ sộ, mang âm hưởng của cuộc sống lao động, đời sống tâm linh và những phong tục tập quán của cộng đồng người Việt. Trong khối di sản khổng lồ ấy, Âm nhạc truyền thống đã góp phần tạo thêm sự đa dạng và phong phú, làm gia tăng thêm gia trị văn hóa của nó trong suốt quá trình phát triển. Chính vì vậy, muốn duy trì, phát triển chúng phải có những con người có năng lực và phẩm chất tương xứng - Những con người ấy, phải được đào tạo trong một môi trường chuẩn, với những điều kiện nhất định mới có thể bảo tồn được vốn di sản quý báu ấy. Tuy nhiên, thực trạng trong các nhà trường và công tác quản lý hiện nay đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức.
          Thực chất, hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng không chỉ tác động đến đầu ra của quá trình đào tạo, mà còn tác động lên toàn bộ đầu vào và các yếu tố khác trong suốt quá trình đào tạo. Vì vậy, để đảm bảo định hướng chung cho việc phát triển các giá trị văn hóa truyền thống cần phải có một giải pháp đồng bộ lên tất cả các yếu tố trong suốt quá trình đào tạo từ đầu vào đến đầu ra. Trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí, cần có sự lựa chọn, khoanh vùng, xác định các mục tiêu trọng điểm và mũi nhọn để tránh sự dàn trải, thiếu sự tập trung và thiếu đồng bộ gây nên sự lãng phí và đầu tư kém hiệu quả.
     Mọi sự phát triển đều phải có sự trả giá nhất định, điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định đúng giá trị của nó để đầu tư đúng hướng, đầu tư có kế hoạch, có mục đích rõ ràng và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cùng với ý chí quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị. Tôi hy vọng và tin tưởng sẽ đạt được mọi sự phát triển cho bất cứ vấn đề nào theo định hướng mà chúng ta đã đề ra!         
                       

                                                                          






1 nhận xét:

  Hoa lúa – Chùm thơ của Hoàng Xuân 14 Tháng Mười Hai, 2023 Cơn mưa xâu đêm/ sảy sàng /khoan nhặt mùa vụ bão giông… Hoa lúa (Tặn...