Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Vì sao giới trẻ không thích nhạc truyền thống?


Vì sao giới trẻ không thích nhạc

 truyền thống?


"Nói chung âm nhạc truyền thống không thu hút được giới trẻ, bởi giới trẻ hiện nay đa số chỉ thích nhạc techno, hip - hop, dance... Nhìn chung đa số các nước trên thế giới, nhạc cổ truyền đều chùn bước trước loại nhạc trẻ...", GS - TS Trần Quang Hải nhận định.
GS - TS Trần Quang Hải, con trai của GS - TS Trần Văn Khê, ông hiện sống ở Pháp, là người đã giành nhiều giải thưởng quốc tế về các công trình nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam, châu Á và hát đồng song thanh của Mông cổ.
Ông đã có khoảng 3.500 buổi biểu diễn nhạc truyền thống tại 150 đại nhạc hội ở 50 quốc gia, giảng dạy về âm nhạc châu Á ở 100 trường đại học trên thế giới. Nhân dịp về Việt Nam nói chuyện về Rao và đàn ngẫu hứng âm nhạc truyền thống Việt Nam và giới thiệu lối hát đồng song thanh (tối 12/12 tại 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP. HCM). Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng ông.
Là người nghiên cứu lâu năm về âm nhạc truyền thống của các nước trên thế giới, GS có nhìn nhận như thế nào về âm nhạc truyền thống Việt Nam so với các nền âm nhạc truyền thống của một số nước khác?
Trước hết âm nhạc truyền thống mỗi dân tộc có một màu sắc riêng, nhưng một trong những điều tôi chú ý là hầu như nhạc truyền thống của các nước trên thế giới đều không có “rao” và “dạo” mà chỉ có Ấn Độ và Việt Nam có điều này. Đó cũng là yếu tố thiên biến vạn hoá mỗi lần trình diễn lại những bản nhạc của âm nhạc truyền thống 2 nước này.
Tình hình sinh hoạt âm nhạc truyền thống ở Việt Nam hiện nay là không thu hút được đông đảo công chúng, còn các nước khác thì thế nào, thưa GS?
Có thể nói, hiện nay Ấn Độ là nước có truyền thống mạnh và âm nhạc truyền thống của họ thu hút được đông đảo công chúng, kể cả công chúng trẻ. Indonesia cũng thế, trên đảo Bali có khoảng 2 - 3 triệu người nhưng có đến 5.000 dàn nhạc Gamelan, mỗi làng nhỏ của họ đều có một dàn nhạc cổ truyền. Còn lại những nước khác, nói chung âm nhạc truyền thống không thu hút được giới trẻ, bởi giới trẻ hiện nay đa số chỉ thích nhạc techno, hip - hop, dance... Nhìn chung đa số các nước trên thế giới, nhạc cổ truyền đều chùn bước trước loại nhạc trẻ...
Theo GS, lý do tại sao họ lại không thích âm nhạc truyền thống của nước mình?
Bởi tuổi trẻ chỉ thích những gì mới mẻ mà không thích những cái cũ, điều này do từ việc giáo dục âm nhạc, ngoài ra cũng là do ảnh hưởng của sự “gieo rắc”văn hoá Tây Phương cũng đều hay hơn.
Theo GS những người làm âm nhạc truyền thống phải làm gì để thu hút được công chúng (nhất là công chúng trẻ) trong bối cảnh xã hội hiện nay?
Đây là căn bệnh chung của cả thế giới, không thể nào thực hiện được, nếu không có một đường lối nghiêm túc để truyền bá nhằm thấy cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống. Và quan trọng là phải tạo môi trường để những người làm âm nhạc truyền thống có được cuộc sống tốt. Nếu những người truyền bá âm nhạc truyền thống học xong mà không bảo đảm được cuộc sống của chính họ thì sẽ không có ai theo nghề. Hiện nay một số nước ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan... nhạc cổ truyền của họ không còn nữa.
Lối hát đồng song thanh của Mông Cổ rất độc đáo, được cả thế giới ca tụng, còn ở ngay tại Mông Cổ “số phận” của nó thế nào?
Cách đây 40 năm trước khi tôi phát hiện ra lối thoát này, trên toàn xứ Mông Cổ có 20 người biết hát. Nhưng khi đông đảo người Tây Phương ưa thích và tìm cách học, xứ Mông Cổ thấy đó là một nguồn lợi rất lớn nên khuyến khích giới trẻ học và “chế” thêm nhiều kỹ thuật hát đồng song thanh. Hiện nay ở Mông Cổ có 3.000 người thành thạo lối hát này, và Mông Cổ có mấy chục đoàn đi hát trên thế giới, mỗi buổi diễn của họ có cả ngàn người đến xem, đó là một truyền thống được sống lại nhờ Tây Phương.
GS có thể nói thêm về công trình nghiên cứu hát đồng song thanh mà Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã tặng GS Huân chương Bắc đẩu bội tinh?
Có thể nói rằng tôi là người đã làm sống lại truyền thống hát đồng song thanh bên châu Âu, nhưng tôi còn dùng kỹ thuật của xứ này áp dụng vào một lĩnh vực khác chứ không đơn thuần bắt chước người Mông Cổ để hát một loại nhạc của người Mông Cổ. Tôi dùng kỹ thuật của người Mông Cổ để hát hay hơn người Mông Cổ (dĩ nhiên trước đó tôi phải học tường tận những kỹ thuật của họ, hát được nhạc của họ). Thời gian học hát đồng song thanh trước đây tại Mông Cổ phải mất cả năm trời, nhưng ngày nay với phương pháp của tôi, người học chỉ cần mất vài tiếng đồng hồ. Lối hát đồng song thanh dựa trên một âm cơ bản được kéo dài, theo quy luật âm học sẽ có rất nhiều âm thanh khác tồn tại xuất phát từ âm cơ bản đó mà tai chúng ta không thể nghe được. Tôi có nhiệm vụ tách những âm đó ra và giúp cho người học có thể làm rõ từng âm thanh mà họ muốn, để nhiều âm thanh như thế nối tiếp nhau thành một giai điệu song hành cùng âm cơ bản ngân dài. Để làm được điều này người học phải khắc phục được miệng, lưỡi, môi, hơi thở và vận khí công để tạo ra âm thanh mà mình muốn.
Ngoài ra tôi còn áp dụng đồng song thanh vào Yoga cho âm nhạc điều trị học, hoặc giúp những người hư dây thanh quản có thể nói chuyện được.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
(Nguồn: TT & VH)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...