“CỌP KHÁNH HÒA”
NGÔ VĂN BAN
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp,
nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH
THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại
tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều
có ghi chép lại.
Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê
Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng
cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ,
chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn,
gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM
DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm
(gần 132 km)
Tác giả ghi chép đầy đủ, chi tiết những gì có,
những gì thấy trên đường đi, từ trạm này đến trạm khác. Trong đó, có những
đoạn đường đầy những cọp, beo, voi, tê giác. Với những đoạn đường đó, tác giả
lưu ý khách bộ hành nên đi ban ngày và tụ họp nhau lại cho đông rồi đi.
Từ trạm Hòa Mã đến trạm Hòa Lãng (khu vực huyện
Vạn Ninh), đến Giồng Cốt Lũng, hai bên toàn cây cối, có nhiều cọp
dữ và trâu rừng, người đi đường phải hết sức thận trọng. Đường đi từ
trạm Hòa Lãng đến trạm Hòa Huỳnh (khu vực huyện Vận Ninh), đến Lũng
Cát Lâm, đến Lỗ Sấu, ngày xưa có nhiều cá sấu, nhưng nay đã hết, chỉ sợ nhiều
cọp. Từ trạm Hòa Mỹ (huyện Ninh Hòa) đến trạm Hòa Cát (TP Nha
Trang), đến điếm cũ Hòa Bông, đi đến xứ Quán Cát, đường này có nhiều
cọp beo. Phía Tây điếm này có hai nhánh đường : Một nhánh đi đến
tổng Đồng Nô phủ Diên Khánh có nhiều cọp beo và voi rừng nhưng chẳng
ai dám đi, nay đã trở nên tắc nghẽn hoang phế. Tiếp tục đi đến đèo
Lũy Đá, đèo dài 200 tầm, núi này đất đá gồ ghề, cây cối hai bên rất rậm rạp
và có rất nhiều cọp beo. Đường đi đến điếm Quán Dổi, ruộng cát và
rừng tạp xen nhau, có nhiều cọp. Đường đi từ trạm Hòa Cát đến trạm Hòa Thạnh
(huyện Diên Khánh), đến quán cũ Cây Sung, ở đây thường có thú dữ nên
dẹp quán. Từ Quán Dù đến Dốc Cây Me rồi đến dốc Quán Đính, xứ Quán
Trà đến đầu địa giới phủ Diên Khánh, đường sỏi đá gập ghềnh, hai bên
là rừng cỏ tranh, có rất nhiều cọp dữ hay quấy nhiễu. Đền đèo
Tổng Nô rồi đến Lũng Tre, hai bên đường là rừng núi, nhiều cọp beo.
Đường đến
miếu Quá Quan cũng vậy, rừng ven chân núi, có nhiều cọp beo. Đi tiếp đến Cầu
Ngói, xã Phú Lộc, phía tây bắc gần rừng núi, có nhiều cọp beo. Từ trạm Hòa Thạnh
đến trạm Hòa Tân (huyện Cam Lâm), đến núi Hòn Diễn, có miếu Bà Chúa Ngọc (Bà
Thiên Y A Na) mới lập. Ngày xưa ở đây không có miếu, năm Đinh Tỵ (1797) vì
đường này có nhiều cọp beo nên khách buôn bán không dám qua lại, quan trấn
giữ Thành Diên Khánh là Khâm sai Chưởng tiền quân Bình Tây đại tướng quân
Quận công (tức Nguyễn Văn Thành, tướng của Nguyễn Ánh) mật cầu Chúa
Ngọc phu nhân hãy vì sinh nhân mà trừ nạn cọp beo rồi sẽ lập miếu
thờ. Quả nhiên vài hôm sau liền bắt được thú dữ, khách qua lại đông đúc như
trước, nên mới lập miếu thờ bà Chúa Ngọc ở đây, lệ cử một người làm từ, tục
gọi là miếu Hòn Diễn. Đường đi từ trạm Hòa Tân gần đến trạm Hòa Du
(huyện Cam Lâm), hai bên đường rừng ven chân núi, có nhiều tê giác, voi và cọp
beo, dân cư rất thưa thớt. Từ trạm Hòa Du đến trạm Hòa Câu, đến đường rừng
Suối Dứa, đường đi ven theo chân núi, có nhiều tê giác, voi và cọp beo. Đường
đi đến sông Du Quân, gần trạm Hòa Câu, hai bên là núi rừng có nhiều tê giác,
voi và cọp beo.
Từ trạm Hòa Câu đến gần trạm Hòa Thuận (thị xã Cam
Ranh), giáp biên giới phủ Bình Thuận (nay là ranh giới Khánh Hòa – Ninh
Thuận), đường này nằm ven chân núi, có nhiều tê giác, voi và cọp beo.
Qua những ghi chép của Lê Quang Định, ta thấy người xưa đi lại trong tỉnh
thật là lắm gian nan, nguy
hiểm khi đoạn đường có nhiều tê giác, voi và cọp beo như thế.
Đại Nam Nhất Thống Chí – Tỉnh Khánh Hòa của Quốc Sử Quán triều Nguyễn (3)
cũng đã ghi rõ 3 địa điểm có nhiều cọp, đó là
1. NÚI PHÚ NHƯ : “tục
gọi là núi Ổ Gà ở cách huyện (huyện Tân Định, tức là huyện NINH HÒA
ngày nay) 64 dặm về phía Bắc, cây cối um tùm, có nhiều cọp, người đi đường
phải đề phòng, tục gọi “cọp Ổ Gà”, tức là núi này. Nay càng ngày càng được
khai khẩn rộng rãi, dần dần trừ được nạn cọp “.
Tại núi Phú Như này có đèo Bánh Ít, còn gọi là
đèo Hà Thanh, cách thị trấn Ninh Hòa 3 km về phía Bắc, quốc lộ 1A chạy ngang
qua. Nguyễn Đình Tư trong Non nước Khánh Hòa đã cho ta biết “ nơi này
cây cối rậm rạp, cọp beo lui tới rất nhiều và gây tai họa cho khách đi đường.
Dân chúng phải làm miếu để thờ, thường gọi là miếu Ông Cọp “ (4). Miếu
Ông Cọp (dân địa phương kiêng gọi cọp, gọi là hổ nên gọi là Miếu Ông Hổ) ở
đèo Bánh Ít này gắn liền với một sự tích về gương nghĩa khí, lòng
dũng cảm của một người phụ nữ ở địa phương. Đó là Bà Huỳnh Thị Nghĩa.
ĐNNTC-KH chép, Bà là : “người huyện Quảng Phước, 47 tuổi, đi cùng
chồng vào núi hái củi, người chồng bị cọp vồ, bà lấy dao củi chém cọp cứu
chồng, người ta khen người có nghĩa. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) được ban
thưởng “. Sau khi quần nhau với cọp dữ, Bà kiệt sức và tắt hơi. Dân làng
đi tìm và mang thi thể Bà về chôn cất và lập miếu thờ ở lưng chừng đèo Bánh
Ít. Bà là người thôn Vạn Thiện, xã Ninh Đa, huyện Ninh Hòa ngày nay.
Ngôi
Miếu thờ Bà được dân làng gọi là Miếu Bà, nhưng cũng có người gọi là Miếu Ông
Hổ. Ngôi Miếu trải qua thời gian, không được trùng tu nên dần dần đổ nát, hư
sập, hoang tàn. Đến năm 2002, dân làng Vạn Thiện cùng nhau đóng góp tiền di
dời và xây dựng lại ngôi miếu trên một gò đất cao ngay cạnh đình làng và đặt
tên là Miếu Hậu Thổ. Nguyễn Đình Tư còn kể “ cũng tại núi này, xưa
kia có hai mẹ con vào núi hái củi. Chẳng may bị cọp vồ, cô con gái vì thương
mẹ đem hết sức bình sinh cầm dao chém cọp lia lịa. Cọp phải thả mồi bỏ chạy
…” (4).
2. NÚI XÍCH THỐ : “ở phía Tây Bắc huyện
Tân Định (huyện Ninh Hòa ngày nay) 24 dặm. Miền này đất đỏ, núi rừng
trùng điệp, có nhiều loại : hổ, báo, tê giác, voi ..”.
3. NÚI DIỄN SƠN : Nội
dung giống như trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê
Quang Định như đã trích ở trên. Nguyễn Đình Tư còn kể thêm về con cọp, đó là
“ con cọp đầu đàn, sống trên trăm năm. Nó chỉ có ba chân lành, còn
một chân trước bị què, nhưng khỏe mạnh hung dữ vô cùng “ (4). Miếu thờ Bà
Thiên Y ở gần Ga Cây Cầy (huyện Cam Lâm) bây giờ, xưa, hàng năm, quan đầu
tỉnh phải tới đây để cúng tế.
Trong Non nước Khánh Hòa, Nguyễn Đình Tư còn cho ta biết tại núi HOA SƠN,
huyện Vạn Ninh, dưới chân núi có truông, gọi là Truông Hụt, ở đây có nhiều
cọp. “Sở dĩ có tên Truông Hụt vì xưa kia, nơi này có nhiều cọp. Khách bộ
hành thường đi qua bị cọp vồ. Ai qua được trót lọt thì cũng ví như người ấy
đã chết hụt vậy “ (4).
Quách Tấn, trong một bài báo(5) cho biết tại Thành phố Nha Trang cũng có cọp,
qua câu thơ của cụ Trần Khắc Thành : Phước Hải xuân về cọp thưởng hoa. (…).Vùng
Phước Hải xưa kia là một rừng mai vàng, mỗi bận xuân về mai nở trùm cả trăm
mẫu đất “. Sau này, rừng mai bị tàn phá. “ Khi rừng mai còn rậm, cọp ở núi
Huỳnh Ngưu tức Đồng Bò, thường xuống tìm mồi “ đã được nhà thơ cho rằng cọp
thưởng hoa.
Nói về Cọp Khánh Hòa trong thơ, ta còn thấy
trong vài bài thơ khác của một số người đi qua tỉnh Khánh Hòa đã để lại trong
thơ bóng dáng của con vật hung dữ này. Nguyễn Thông (1827-1884), người đã
từng làm quan Án Sát Khánh Hòa. khi qua tỉnh, giữa đường, ông làm bài
thơ Khánh Hòa đạo trung (Giữa đường qua tỉnh Khánh Hòa, trong đó có câu Nhất
lộ tùng hoàng kiêu hổ báo / Sổ gia yên hỏa tập ngư tiều (Tung hoàng
hổ báo tre đầy nẻo / Xen kẽ ngư tiều khói mấy chơi). Trong một bài thơ khác,
bài Thứ Hòa Mã dịch (Đóng quân ở trạm Hòa Mã, ở huyện Vạn Ninh), có câu : Hổ
tích kình ba thập bát trình / Thiên nhai độc dạ lữ hồn kinh (Sóng
kình dấu cọp trải qua / Hành trình mười tám dặm xa cách vời). Một
nhà thơ khác, ông Nguyễn Tư Giản (1823-1890), đỗ tiến sĩ, làm quan ở Nội Các
triều Nguyễn, trong bài thơ Tống Tỷ Bộ Nguyễn Hy Phần dự cáo quy
Khánh Hòa (Thơ tiễn ông Hy Phần (tên chữ củaNguyễn Thông) ở Bộ Hình cáo
quan về Khánh Hòa), có câu Đại Lãnh văn viên cô nguyệt hạ / Nha Trang
xạ hổ loạn vân gian (Đi qua núi Đại Lãnh nghe vượn kêu dưới ánh trăng lạnh /
Ở đất Nha Trang bắn cọp trong đám mây lồng) … Như thế, cọp Khánh Hòa
nhiều đến độ đã đi vào thơ văn.
Người đời trước kể chuyện cọp, người đời sau
cũng có chuyện cọp để kể. Chuyện Cọp Khánh Hòa cũng đã được Lê Quang Nghiêm,
nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã đi đây đi đó trong tỉnh, thu nhặt, ghi
chép thành chuyện và ông đã kể lại trong sách Những chuyện kể dân gian Khánh
Hòa (6). Chuyện kể có 3 phần : Phần I kể chuyện cọp ở vài nơi trong tỉnh.
Phần II nói về địa thế mội trường trong tỉnh thích hợp cho cọp sinh sống.
Phần III nói riêng về cọp ở Hòn Dữ ở huyện Diên Khánh và cọp Ổ Gà ở huyện
Ninh Hòa.
Ở phần I kể chuyện cọp, có những chuyện:
- Chuyện Ông Thầy thuốc và gia đình nhà cọp tại
Truông Láng Chu Láng Nhớt, quãng giữa Dốc Thị và Dốc Đá
Trắng ở huyện Vạn Ninh. Chuyện ông thầy thuốc người Nghệ An bị bốn
con cọp chận đường, thầy cầm cây dù vừa giương lên sập xuống chỉa về phía gia
đình nhà cọp làm chúng hoảng hồn chạy nhanh vào rừng, vừa chạy vừa té phân
đầy đường.
- Chuyện Dậy Bộ Hổ là chuyện đông người vào rừng đánh mõ, thùng thiếc, la ó
đuổi cọp tránh xa để tìm xác người bị cọp bắt tha đi. Chuyện xảy ra tại thôn
Đại Điền, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh.
- Chuyện Bà lão ở đèo Bánh Ít (tại Núi Phú Như, huyện Ninh Hòa nắm đuôi con
gấm trước cửa nhà, la lớn cho dân làng đuổi đánh và giết được.
- Chuyện Một người dùng bay tóm được nhiều gấm,
cọp Ổ Gà vào thập niên 40, đó là ông giáo Nhân ở Phước Đa,
huyện Ninh Hòa.
Ở Phần II, tác giả cho ta biết cọp có nhiều nơi
trong tỉnh, ở rừng núi đèo Cả, Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh), vùng
rừng núi huyện Ninh Hòa. Dân Vạn Ninh, Ninh Hòa đi địu (tìm trầm kỳ) một số
người bị cọp bắt. Ở bãi đất hoang gần núi Một Vạn Ninh, có sân trâu, nhiều
chuồng nhốt trâu khá kiên cố để ngăn cọp bắt trâu. Nhưng cũng có những con cọp
tinh ranh, lợi dụng sự mục nát của dây cột cửa, bứt ra, vào bắt trâu cõng đi.
Ở tại sở lưới đăng Vĩnh Y Hồ Na (huyện Vạn Ninh) có lập miếu thờ Ông
Hổ. Ở xóm biển Hòn Khói (huyện Ninh Hòa) cọp thù người thường đụng sập nhà
tranh vách đất của dân, nên dân gọi là Ông Đụng. Tại xã Ninh Thủy, huyện Ninh
Hòa có lần cọp kịch chiến với trâu của ông Xã Đẹt. Cũng tại đèo Bánh
Ít, ông Ba Chia, năm 12 tuổi đi chăn trâu, chứng kiền trâu húc cọp
mà sợ đến ị ra đầy quần. Trên đoạn đường từ Ninh Hòa vào Nha Trang xưa kia
còn đất rừng, cọp thường đón đường bắt người. Đoạn đường từ đèo Rù Rì đi lên
Diên Khánh qua xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang cũng có cọp rình mò. Từ núi Hòn
Khô, cọp cũng thường xuống vùng Đồng Đế. Tác giả cũng cho biết tại phía đông
Chợ Đầm (khi chưa có chợ mà còn đầm) có một lạch nhỏ từ đầm chảy vô, hai bên
cây cối um tùm, thường có cọp ở xóm Xưởng (phường Phương Sơn) ban đêm mò
xuống đón đường các bà rỗi từ Xóm Cồn gánh cá qua lạch đến bán cá tại Sinh
Trung, Phường Củi … Cọp Xóm Xưởng cũng là mối đe dọa cư dân Chợ Mới, Cầu Dứa,
Phường Củi, Lư Cấm … Tại Hòn Tre Nha Trang, có cọp còn có loài khỉ dữ
tợn nữa. Cọp ở dãy Đồng Bò Thượng hoạt động trên địa bàn khá rộng từ Võ Dõng
(TP Nha Trang) lên Võ Kiện, khu Suối Đổ, vào Cầu Lùng, Cống Ba, Suối Hiệp,
Suối Dầu … Trên địa phận huyện Diên Khánh, khu vực Tứ thôn Đại Điền, Am
Chúa, Suối Ồ Ồ, Hòn Ngang có rất nhiều cọp thường bắt người và trâu bò. Vùng
Phú Cốc (xã Diên Lâm) có con cọp ba chân rất hung dữ. Nó xuất hiện nhiều nơi,
vào tận huyện Cam Lâm bây giờ, ăn thịt nhiều người. Rồi vào Cam Ranh, nhiều
vùng còn rất hoang vu, đầy cọp và thú dữ. Ở Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh có
chuyện cọp ăn “đặc sản biển”, do dân sợ cọp chuyển qua đảo Bình Ba sinh sống,
cọp không có thức ăn, ra bãi dùng tạm … cua ốc để sống, có khi nước thủy
triều lên, cọp chạy không kịp bị chết ngộp.
Phần III nói về cọp ở Hòn Dữ, thuộc khu vực xã
Diên Lâm, huyện Diên Khánh. Núi tên Dữ vì thú dữ nhiều nhất trong vùng rừng
núi trong tỉnh. Còn tại Ổ Gà, dân các làng xung quanh đi vào rừng núi tìm gỗ
thường bị cọp vồ. Xin trích ra đây phần Cọp Ổ Gà vùng Ninh Hòa cho
bạn xem ninhhoatoday.net thưởng thức, để nhớ về một quê hương nhiều
…. cọp :
“ CỌP Ổ GÀ
Một vùng có nhiều cọp hơn các nơi khác trong
tỉnh Khánh Hòa là cụm núi Ổ Gà thuộc ba làng Hà Thanh – Ninh Đông – Ninh Ích.
Nghe ba tiếng Cọp Ổ Gà đã lạnh xương sống vì từ xa xưa đến thập niên
90 cọp đã gây khá nhiều tai họa tang tóc cho nhân dân.
Cụm núi Ổ Gà gồm hai dãy núi thấp trải dài hai
bên một thung lũng rộng, phía đông nam đèo Bánh Ít. Một eo hẹp trong dãy núi
– như eo cổ chai – nơi đây dây mấu như rừng nên còn gọi là Eo Lỗ Mấu. Trong
thung lũng cây rậm bịt bùng, ngày xưa dân đi núi thường bị lạc không biết
đường về, người địa phương vào tìm, lần mò trong rừng tối om như trong buồng
kín nên đặt tên Thung lũng Buồng Tầm.
Dù biết núi Ổ Gà trăm phần nguy hiểm, người ta
vẫn lao vào, đem mạng sống đổi bát cơm vì tài nguyên thiên nhiên tại đây có
nhiều gỗ quý, gỗ tạp, gỗ to làm cột đình, cây làm nhà, tre gai, dây mấu ngư
dân dùng đan lưới, khoai mài (vị thuốc đông y có tên Hoài Sơn), mật ong rất
nhiều….. Dân ba làng Hà Thanh, Ninh Đông, Ninh Ích và người tha phương vào
kiếm ăn tại núi Ổ Gà từng nhóm đông mà vẫn không tránh khỏi tai họa, chết vì
cọp beo quá nhiều. Một phần bị mất tích, một phần được dân làng Hà Thanh tìm
được xác mang về, trong số này có những người lạ không rõ lai lịch, đem chôn
tại nghĩa địa phía Bắc đèo Bánh Ít. Sau khi có chuyện cọp bắt một lần ba
người tại Buồng Tầm thì thung lũng có tên mới : Buồng Tầm Ba Mạng.
Dân ba làng quanh cụm núi Ổ Gà điêu đứng vì cọp
beo. Riêng làng Hà Thanh bị tai họa nhiều hơn vì có thêm đám cọp Hòn Hèo mò
xuống phá phách các xóm Tiên Du, đèo Bánh Ít.
Tảo mộ thí và nghĩa cử của một nhà giàu
Tại nghĩa địa phía bắc đèo Bánh Ít mỗi năm có
một số mộ vô chủ – của người phương xa đến kiếm ăn tại cụm núi Ổ Gà chết vì
cọp, không rõ lai lịch. Thương xót những kẻ bạc phước chết nơi xa lạ mà vợ
con khơng biết để thờ cúng và chăm sóc mồ mả, nên vào tiết Thanh Minh hàng
năm làng Hà Thanh tổ chức lễ cúng cơm đơn giản tại nghĩa địa cho vong linh
những người chết vô thừa nhận. Họ là những người tình nguyện đến làm cỗ, đắp
đất tu bổ những mộ vô chủ sau khi làm xong việc tảo mộ thân nhân. Và một nhà
giàu trong làng tự nguyện cất một chùa ngoài đèo Bánh Ít, đặt tên Thanh Minh
Tự và cúng một sào ruộng cho chùa làm huê lợi, để làng cử một thầy tu trụ trì
trông nom hương khói, cúng kiến cầu siêu cho vong linh của tất cả những người
tử nạn vì cọp beo chôn tại nghĩa địa trên.
Chùa Thanh Minh Tự bị phá hủy trong thời kỳ
kháng chiến chống Pháp và làng Hà Thanh bỏ lệ tảo mộ thí từ đó.
Sau Phần III, tác giả cho ta biết bản chất của
cọp, nhảy cao chụp xuống nên rất sợ cây nhọn dựng đứng. Cọp chưa ăn thịt
người thì sợ người, nhưng đã ăn rồi thì trở nên hung dữ. Chuyện săn bắn cọp
của người Pháp, người Việt vào những năm 30-40 cũng được tác giả kể lại. Cuối
cùng, tác giả kết luận: “Tiếng cọp Khánh Hòa vang dội từ xa xưa đến
giữa thập niên 90 này chỉ còn là dư âm một thời tung hoành ngang dọc của cọp
và thú dữ tỉnh Khánh Hòa”.
Chuyện Cọp Khánh Hòa là như thế !
(1) LÊ QUANG ĐỊNH, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa
Chí, Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu, NXB Thuận Hóa, Huế, 2005.
(2) Dinh Bình Hòa đổi từ Dinh Bình Khang từ năm
1803, Gia Long thứ 2, có cương giới phía Bắc giáp đèo Cả, phía Nam giáp Bình
Thuận. Năm 1808, đổi lại là TRẤN BÌNH HÒA và năm 1832, Minh Mạng thứ 13, là
TỈNH KHÁNH HÒA, gồm có 2 phủ, 4 huyện.
(3) Đại Nam nhất thống chí – Tỉnh Khánh Hòa
hiện nay có 2 bản dịch căn cứ vào bản in đời Tự Đức (1848-1883) và bản in đời
Duy Tân (1907-1916). Hai bản có những khác nhau về một số địa danh, số liệu.
Bản dịch bản in đời Tự Đức do Phạm Trọng Điềm dịch và Đào Duy Anh hiệu đính,
do nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế tái bản năm 1992, tỉnh Khánh Hòa nằm ở Tập 3.
Bản dịch bản in đời Duy Tân do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn Hóa – Bộ Văn
hóa Giáo dục Sài Gòn xuất bản năm 1964, tỉnh Khánh Hòa nằm trong Quyển 10-11.
Ở đây, người viết dùng bản dịch của 2 bản in để bổ sung cho nhau.
(4) NGUYỄN ĐÌNH TƯ, Non nước Khánh Hòa, NXB
Sông Lam, Sài Gòn,1969
(5) Tạp chí Trầm Hương, Sở Văn Hóa – Thông Tin Khánh Hòa, số
tháng 7/1989.
(6) LÊ QUANG NGHIÊM, Những chuyện kể dân gian
Khánh Hòa, Hội Văn học Nghệ Thuật Khánh Hòa xuất bản, 2004. (Cụ Lê Quang
Nghiêm sinh năm 1925 tại Đồng Tháp, trú tại Nha Trang, mất năm 2005. Hội viên
Hội VHNT Khánh Hòa, Hội viên Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam. Trước 1975, Cụ
có tác phẩm biên khảo đầy giá trị : Tục thờ cúng cuả ngư phủ lưới đăng Khánh
Hòa (1969). Và tác phẩm những chuyện kể dân gian tại Khánh Hòa xuất bản
trước 1 năm Cụ mất, 2004. Tuy già yếu, nhưng Cụ viết rất nhiều và năm Cụ mất
là năm Cụ vừa hoàn thành tập biên khảo do Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam tài
trợ kinh phí ).
|
Trả lờiXóavé máy bay eva air khuyến mãi
vé máy bay đi california
korean air vietnam office
mua vé máy bay đi mỹ giá rẻ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich