Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Sắc thu Hà Nội qua bài hát của Trịnh Công Sơn

Sắc thu Hà Nội 

qua bài hát của Trịnh Công Sơn

      Có lẽ, không ai còn xa lạ gì với ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong bài hát, người nhạc sĩ tài hoa đã nhắc đến những “mảng màu” đặc trưng nhất của Thủ đô khi bước vào mùa thu.
 “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.” 
Hà Nội lãng mạn, nhẹ nhàng với cây cơm nguội, một loại cây có tên gọi rất đỗi giản dị. Bình thường, cây cơm nguội có lá xanh mướt, đến mùa thu thì lá chuyển dần sang sắc vàng rồi rụng dần theo những cơn gió. Mỗi khi lá rụng, cả con phố như được trải một tấm thảm vàng, hễ có người đi qua là âm thanh xào xạc lại vang lên.
Qua những con phố như Yên Phụ, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo hay ven hồ Gươm khi mùa thu về, không khó để bắt gặp sắc vàng dịu nhẹ của lá cơm nguội. Dù ít thôi nhưng cũng đủ để khiến người ta lưu luyến, bịn rịn và không thể nào quên.
Mùa thu Hà Nội không chỉ có sắc vàng của cây cơm nguội mà còn có cả sắc đỏ của bàng. Có lẽ cây bàng không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, đặc biệt là lứa tuổi măng non. Cây bàng thường được trồng trong các trường học. Thậm chí, cây bàng còn đi vào môn văn của các em học sinh.

Tuổi thơ của mỗi người đều có bóng dáng của loại cây gần gũi này. Sau thời kì trụi lá vào mùa đông, mùa xuân, những chiếc lá xanh mơn mởn bắt đầu nhú lên và trổ ra  những tán lá to bản tỏa bóng râm vào mùa hè. Thu đến, những chiếc lá xanh được thay màu áo mới, đỏ rực cả một khoảng trời. Với các nhóc con, thích nhất là được “chén” những quả bảng chín vàng.
Cùng nhau ngồi dưới gốc “cây bàng lá đỏ”, cùng nhau ăn quả bàng và cùng nhau vui cười. Đó là một trong những kỉ niệm đẹp đẽ nhất của tuổi thơ…
Nhắc đến Thủ đô ngàn năm văn hiến không thể không nhắc đến “băm sáu phố phường” với những căn nhà cổ nằm san sát cạnh nhau. Trước đây, những ngôi nhà ở Hà Nội thường được lợp ngói đỏ. Trải qua năm tháng, lớp ngói đỏ này dần chuyến sang nâu, điểm vào giữa đất trời một nét trầm đậm hương vị thời gian.
“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Hà Nội mà không có hoa sữa, một loài hoa có mùi hương vô cùng đặc trưng. Hoa sữa ngập tràn trên các con đường của Hà Nội, níu kéo bước chân của những ai đang vồn vã, để họ chậm lại, chậm lại, tận hưởng cái mùi hương ngan ngát của loài hoa màu sữa ấy không chỉ bằng khứu giác mà còn bằng cả tâm hồn.
Mùa thu Hà Nội còn có sắc xanh của cốm. Thức quà dân gian này trải qua bao nhiêu thăng trầm vẫn bền bỉ xuất hiện trên những con phố của Thủ đô. Ai đã thưởng thức qua cốm Vòng chắc hẳn sẽ yêu ngay hương vị bình dị ấy.

“Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.”
Đi trên đường Thanh Niên vào một buổi chiều mua thu sẽ hiểu vì sao con đường này được gọi là “con đường tình yêu”. Đứng trên vỉa hè, ngoảnh mặt ra hồ Tây, hứng cái ráng chiều mê hoặc lòng người và phóng tầm mắt ra những con sóng lăn tăn nhuộm ánh nắng vàng, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy mình đã chứng kiến một cảnh tượng đẹp nhất trong đời.
Hồ Tây còn đi vào trái tim mỗi người vào mỗi buổi sớm, khi sương khói còn bảng lảng quanh mặt hồ, và những bầy sâm cầm đen vỗ cánh tung bay giữa bầu trời. Tuy vậy, “màu đen” trong ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dần biến mất. Nguyên nhân là do tình trạng săn bắt ồ ạt. Không biết đến khi nào, trên mặt hồ Tây lại đầy ắp bóng dáng bé nhỏ của những chú sâm cầm, để “màu đen” mãi trường tồn trong câu hát của Trịnh Công Sơn, trường tồn cùng mùa thu Hà Nội?
Đông Hoa - Tổng hợp





1 nhận xét:

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...