Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Kỷ niệm về "Nhà thơ của mùa xuân & tình yêu"

Kỷ niệm về "Nhà thơ của mùa xuân & tình yêu"

TS Chu Huy Sơn

Trên giá sách của gia đình nhà Việt Nam học hàng đầu người Nga: GS-TS Niculin Nicôlai Ivanôvích (Trưởng ban Văn học Á - Phi của Viện Văn học thế giới Gorki trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam giá trị. Trong đó thấy cả sách do Xuân Diệu và một số nhà văn nước ta gửi tặng. Tôi gặp một cuốn sách có bút tích của Xuân Diệu: “Tặng chị Ivêta Glêbôva thân quý” cùng chữ ký bay bướm quen thuộc của nhà thơ. Phía dưới trang, Xuân Diệu ghi đầy đủ: “Hà Nội, Tết Ất Mão (2/1975)”.
Bà Ivêta Glêbôva là vợ của GS Niculin. Cả hai ông bà là đồng soạn giả cuốn Từ điển Việt - Nga (gần 36.000 từ, xuất bản tại Mátxcơva, 1961) mà theo đánh giá của nhiều người, cho tới nay, vẫn chưa có cuốn từ điển nào thuộc loại này, vượt được. Đầu năm 1975, đúng dịp Tết Nguyên đán, bà Ivêta Glêbôva sang thăm Việt Nam và được gặp Xuân Diệu. Hôm chúng tôi tới thăm, ông bà vẫn nhắc những ấn tượng rất tốt đẹp về “Nhà thơ của mùa xuân và tình yêu” của Việt Nam.
... Dạo ấy vào một ngày cuối xuân, tôi ở trong nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam lên tỉnh miền núi Yên Bái làm tin, ảnh chuyên đề về đề tài nông nghiệp - cuộc vận động đồng bào vùng cao định canh định cư. Tại nhà khách của UBND tỉnh, chúng tôi gặp nhà thơ Huy Cận (bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa). Vốn thích văn học, yêu thơ, nên với tôi đây là một dịp may hiếm có. Ở nhà khách, chúng tôi có nhiều dịp đàm đạo với nhà thơ. Khi chia tay, Huy Cận dặn khi nào về Hà Nội thì nhớ ghé nhà chơi. Ông đọc địa chỉ nhà mình bằng hai câu văn vần: “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ/ Ai yêu thì đến, hững hờ thì đi”.

Hết đợt công tác ở Yên Bái, trở về Hà Nội, vào một buổi tối, tôi đến thăm nhà Huy Cận. Vẫn dáng niềm nở có phần xuề xòa thường nhật, Huy Cận tiếp tôi ở phòng của nhà thơ Xuân Diệu, bấy giờ ở cùng nhà ông. Thật may mắn, tôi được gặp cả hai nhà thơ lớn cùng một lúc trong khung cảnh gần gũi, thoải mái.
Chỗ ở của Xuân Diệu chỉ có một buồng - vừa là nơi ngủ, vừa là phòng làm việc, tiếp khách, phòng ăn. Giá sách lớn cũng ở đó. Về sau, được biết trong căn phòng này còn có một ngách nhỏ chứa đồ vặt. Nơi đây có kê một chiếc bàn và một ghế băng. Những người đã trở nên thân quen (mà phần lớn là thanh niên) hoặc người tới sau có thể vào đây đọc sách mỗi khi nhà thơ bận tiếp khách quan trọng. Tôi cũng đã mấy lần vào đây và được Xuân Diệu đưa cho đọc những quyển sổ thơ tình chép tay của ông mà chưa thấy công bố bao giờ.
Ít lâu sau, tôi được cơ quan Việt Nam Thông tấn xã cử đi Cuba học tiếng Tây Ban Nha và văn học châu Mỹ Latinh. Thỉnh thoảng tôi vẫn dịch thơ gửi về đăng báo ở Hà Nội, trong đó có bài Cây đàn ghi ta của Víchto Hara (nhạc sĩ Phan Nhân đã phổ nhạc bài thơ này của Phêlích Pita Rôđrighết thành bài hát cùng tên). Trở về nước, tôi sang giảng dạy văn học châu Mỹ Latinh ở Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, vẫn tiếp tục dịch thơ gửi đăng trên Tạp chí Tác Phẩm Mới do Xuân Diệu làm Tổng biên tập.
Một hôm, tôi nhận được thư của Xuân Diệu, nhắn ra nhà chơi và tham gia dịch thơ Nicôla Ghiden(*). Hôm sau, tôi đạp xe xuống 24 Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Xuân Diệu nói đại ý: Dịp sang thăm Cuba, anh Cù Huy Cận nhận với Nicôla Ghiden sẽ dịch và xuất bản tác phẩm của nhà thơ Mỹ Latinh này ở Việt Nam. Nhưng anh ấy bận, nên Xuân Diệu phải thực hiện lời hứa.

Ông đề nghị, hàng ngày hết giờ làm việc ở cơ quan thì tôi tới nhà ông để dịch thơ, cố gắng làm xong trong một tháng. Việc của tôi là đối chiếu bản dịch tiếng Việt với nguyên bản tiếng Tây Ban Nha (Xuân Diệu dịch qua bản tiếng Pháp). Tôi cũng dịch từ nguyên bản một số bài. Bản dịch nào không phải chữa thì đứng tên riêng. Còn bản nào Xuân Diệu phải gia công nhiều thì cuối bài dịch đề tên hai người, tên tôi đứng trước, rất sòng phẳng.
Về dịch thơ, Xuân Diệu nêu quan điểm rõ ràng - đó là công việc của những nhà thơ. Bài thơ dịch phải trung thành với ý của nguyên tác. Người dịch không được gò vần, tỉa tót, gọt đẽo quá mức mà thay đổi mất bài thơ. Ông lấy ví dụ cụ thể: Một bài thơ hay như thể nàng thiếu nữ đẹp. Nếu trang điểm quá cầu kỳ tới mức loè loẹt... thì không còn là một phụ nữ đẹp nữa, có khi còn chẳng nhận ra đấy là phụ nữ.
Đọc thơ, Xuân Diệu nắm được tứ và thần thái tác phẩm rất nhanh; ông cho rằng, tác phẩm của những nhà thơ lớn như N. Ghiden đều chứa đựng logic nghệ thuật nội tại. Từ ngữ trong bản dịch phải lột tả cho được điều ấy. Có thể lấy bài Mía làm ví dụ: “Người da đen/ gắn mình trong đồng mía. Tên Yăngki/ phởn phơ trên đồng mía. Đất mỡ màu/ lặng nằm dưới đồng mía. Máu đỏ thắm/ chảy ra ngoài chúng ta!”. Hãy lưu ý những từ “trong”, “trên”, “dưới”, “ngoài” ở bản dịch của Xuân Diệu!
Những ngày làm việc gần Xuân Diệu, tôi thấy ở ông một tấm gương về lao động nghệ thuật cần mẫn, sống chân thành, đôn hậu, chu đáo với hết thảy mọi người. Đêm nào Xuân Diệu cũng làm việc đến khuya. Món bồi dưỡng ban đêm thường là 1-2 quả trứng ngâm trong thuốc Bắc (do ông tự chế). Khi suy nghĩ và viết căng thẳng, ông có thói quen tự đấm tay lên đầu, miệng nói: “Đau óc quá!”. Có lần nhà thơ bảo tôi: “Thấy việc gì làm được thì cố gắng làm khi còn trẻ. Đến khi sờ lên đầu thấy nắm tuổi to thì khó làm lắm!”.

Nửa thế kỷ lao động cật lực cho thơ-văn, Xuân Diệu cống hiến cho văn học nước nhà gần 50 đầu sách, thực hiện hơn 400 cuộc bình thơ ở khắp mọi miền, viết báo, biên tập, làm công tác xã hội... Quan điểm sống của Xuân Diệu rất rõ ràng: Sống là để làm việc có ích cho đời. Ông ví mình như một quả cam: “Cái quả cam này đã vắt hết/ Hiến cho non nước, hiến người thân”. Và: “Tôi là một trái cam, hãy vắt kiệt lấy nước của nó - đó là những dòng thơ tôi”.
Xuân Diệu luôn sống hồn nhiên, như chẳng biết tới già nua bao giờ. Ông vui suốt buổi khi gặp một người dân bình thường thể hiện lòng quý trọng nhà thơ: Nhận ra thi sĩ Xuân Diệu đi mua hoa, bà lão bán hàng chọn giùm ông những bông hoa hồng đẹp nhất; người bán nước mía ven đường nhất quyết không lấy tiền một ly nước mát biếu nhà thơ. Về nhà, ông hồ hởi kể với người thân: Mình đang còn có ích!
Thế rồi, ông lại ngồi vào bàn cặm cụi viết như chưa từng biết mệt mỏi là gì.
Xuân Diệu buồn và phản ứng tắp lự khi đang buổi bình thơ mà có người mất trật tự vì một lý do gì đó (cho dù lý do ấy có thể thông cảm). Có lần, ông đọc đi đọc lại câu thơ của mình: “Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá khoai”.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ lớn Xuân Diệu thể hiện một cách minh bạch quan niệm thế nào là hạnh phúc - một câu hỏi lớn cho hôm nay và mai sau mà người đời chẳng dễ thống nhất cùng nhau!


Nhà thơ Xuân Diệu khi trẻ.
Nguồn: Internet.
Thật hiếm thấy nhà văn nào lại quý trọng lớp người viết văn trẻ như Xuân Diệu. Chưa thấy ai tới hỏi về thơ mà ông từ chối tiếp đón ân cần. Khách ra về, việc đưa tiễn là thói quen của nhà thơ; nhiều khi tiễn bạn văn tới tận gốc cây hoàng lan, hay bóng của vòm cây phía trên cổng rồi đứng lại đàm đạo hồi lâu. Như có sự sắp đặt trước của định mệnh, tác phẩm kỳ công cuối cùng của Xuân Diệu là bản tham luận Sự uyên bác với việc làm thơ, được công bố tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ III vào sáng ngày 19/2/1985 ở Hà Nội (chỉ sau hơn mười tiếng đồng hồ, nhà thơ trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô).
Khi nhà văn Lữ Huy Nguyên đọc hết dòng cuối của nguyên tác: “Xin cảm ơn sự theo dõi của các bạn! Xuân Diệu” thì cả hội trường lặng đi, chỉ còn nghe rõ tiếng nấc sụt sùi. Phải chăng, dòng chữ này thay cho tập hồi ký Tôi xin cảm ơn cuộc đời mà nhà thơ dự định viết, nhưng chưa kịp bắt đầu!

Trong bài viết này, thấy cần nói đôi dòng về một người phụ nữ (chưa thấy được nhắc đến trong các bài viết về Xuân Diệu) mà nhiều năm tháng đã tận tình chăm lo cho đời sống của nhà thơ. Đó là u Khang. Bà hơn tuổi Xuân Diệu, từ nông thôn ra Hà Nội giúp việc cho nhà thơ đã lâu và sống cho đến cuối đời ở đây. Theo cách gọi của Xuân Diệu, chúng tôi đều gọi bà là u Khang.
Cứ tối tối, sau khi cơm nước xong, bà lại từ phòng riêng phía nhà bếp đi lên, lễ phép nói với Xuân Diệu: “Thưa bác! Ngày mai bác ăn gì?”. Biết “thực đơn” (bao giờ cũng rất đơn giản), rồi nhận đủ tiền cho ngày mai sau khi tính toán tiền chợ hôm nay còn lại. Bà vui khi thấy Xuân Diệu ăn ngon miệng và buồn khi trong nhà có chuyện chẳng lành. Ngày ấy, đang còn chế độ bao cấp, một hôm kẻ gian vào nhà lấy đi toàn bộ tem phiếu mua thực phẩm cung cấp của Xuân Diệu. Bà lo lắng, bới tìm khắp các xó nhà, tiếc mãi như chính mình bị mất tài sản quý.
Trong đời sống thường ngày, Xuân Diệu căn cơ, sòng phẳng, nhưng cũng rất chu đáo, luôn quan tâm đến những người xung quanh một cách thật cụ thể. Một lần tôi về thăm quê ở vùng trung du tỉnh Phú Thọ. Khi trở ra Hà Nội, mẹ tôi gửi biếu Xuân Diệu quả mít duy nhất có trong vườn nhà năm ấy. Mãi mấy hôm sau, tôi từ trường Đại học Sư phạm ở Cầu Giấy ra nhà Xuân Diệu vẫn thấy quả mít còn đó tuy đã chín lắm. Ông nói: “Đợi em ra cùng ăn. Năm nay trên ấy mất mùa hoa quả”. Nhà thơ còn hẹn chờ dịp thuận tiện sẽ lên thăm cha mẹ tôi ở Phú Thọ và nói chuyện thơ để cả làng nghe cho có “tiếng thơm”.

Có một kỷ niệm mà cả gia đình tôi còn nhớ mãi: Nhà thơ Xuân Diệu đạp xe đến dự lễ cưới của chúng tôi tổ chức ở sân tập thể khối phố gần chợ Ngọc Hà (Hà Nội). Món quà mà ông trao tặng thật là quý vô giá. Đó là hai bài thơ tình. Khi Xuân Diệu đọc thơ, rất đông bà con khu phố tới lắng nghe, vỗ tay tán thưởng hồi lâu. Trong số thính giả hôm ấy có cả những em bé chưa hiểu thơ, nhưng cũng chạy tới để tận mắt mình được ngắm nhìn bác Xuân Diệu kính mến với tất cả lòng ngưỡng vọng thơ ngây.
Trong tháng dịch thơ Nicôla Ghiden, có đêm tôi phải nghỉ lại ở nhà Xuân Diệu vì đường về Cầu Giấy vừa xa vừa vắng. Xuân Diệu tự tay lấy giường xếp, chăn màn cho tôi, dặn mắc màn cẩn thận kẻo muỗi đốt. Ông cũng không quên nhắc phải khoá xe đạp cho yên tâm. Sau đó ít lâu, mẹ tôi qua Hà Nội trên đường vào Nam thăm con gái - đang là giảng viên văn khoa trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Biết tin, Xuân Diệu bảo tôi: “Mời cụ vào nhà nghỉ ngơi cho đỡ mệt rồi mai hãy lên tàu!”. Mẹ tôi cứ xuýt xoa, cảm kích mãi trước thịnh tình ấy!
Năm 1981, tập Thơ Nicôla Ghiden được xuất bản tại Hà Nội (Nhà xuất bản Văn Học). Với tôi, đây là một kỷ niệm đẹp và cũng là dịp học tập được nhiều điều ở nhà thơ lớn.
Đầu năm 1985, Xuân Diệu tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô. Khi ấy, tôi đang làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp. Chẳng ngờ lần ra thăm nhà thơ ở khách sạn Mátxcơva này lại là lần cuối cùng tôi được găp ông. Nhà thơ Xuân Diệu qua đời ngày 18/12 năm ấy, tôi nhận tin qua tờ báo Văn Nghệ của Việt Nam.
Suốt ngày hôm ấy, tôi bồn chồn không yên. Cứ nghĩ đến Xuân Diệu là nước mắt lại ứa ra không sao cầm được. Thế là hẹn ước của ông về thăm quê tôi và nói chuyện thơ cho dân làng Tiên Châu (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) của tôi nghe chẳng bao giờ có thể thực hiện được nữa! Mãi tới giờ, mỗi khi nghĩ tới điều này, tôi lại thấy ân hận vì chưa thu xếp được dịp để đón mời ông.
Xuân Diệu “Giã từ... cõi thực để vào hư” - như nhà thơ tự nói về mình trong bài thơ Không đề, đến nay đã trên hai chục năm trời. Hơn hai mươi mùa xuân đã đi qua! Thi đàn Việt Nam dường như vẫn còn đó một khoảng trống vắng…!!




(*)
Nicôla Ghiden (1902-1988): Nhà thơ lớn châu Mỹ Latinh, người cầm đầu trường phái “thơ đen” (poesia negra) và “thơ lai” trong nền văn học bằng tiếng Tây Ban Nha, nguyên là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Cuba, người rất có cảm tình với Việt Nam, đã sáng tác một số bài thơ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.




1 nhận xét:

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...