Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Nhạc sĩ thiên tài Beethoven

Nhạc sĩ thiên tài Beethoven

BS, Ts. Nguyễn Lam Thủy

VanVN.Net - Cũng như lịch sử, nền văn hoá của nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ, trong đó có nền văn hoá phục hưng là thời kỳ hoàng kim nhất của nền văn hóa nhân loại. Phải chăng thời gian đó hệ Mặt trời của chúng ta đi vào “quỹ đạo mùa xuân” trong giải Thiên Hà, nên đã tạo ra niềm cảm hứng lớn cho con người trong sáng tạo văn học, hội họa và điêu khắc, âm nhạc... Và đã đạt lên đỉnh cao nhất của nó, mà mãi đến ngày nay vẫn còn giá trị y nguyên của nó. Trong thời kỳ đó Beethoven cùng các nhà soạn nhạc thiên tài Bach, Mozart, Liszt, Chopin, Schubert... đã để lại cho nhân loại một khối lượng đồ sộ bao gồm nhiều thể loại âm nhạc.

Ludwig van Beethoven sinh ngày 16 (hoặc là ngày 17) tháng 12 năm 1770 tại làng nhỏ Rajna cạnh Bonn (Đức) trong một gia đình nghèo có truyền thống âm nhạc. Ông nội - Louis van Beethoven nhạc trưởng dàn nhạc cung đình Bonn. Bố - Johann van Beethoven lĩnh xướng cung đình Bonn, sau 3 năm kết hôn với Maria Magdalena Keverich sinh ra Beethoven. Gia đình Beethoven có 7 người anh em, nhưng cái nghèo và bệnh tật đã cướp đi 4 người em khi còn nhỏ tuổi.
Khi mới lên 8 tuổi Beethoven đã biểu hiện thần đồng về âm nhạc - chơi đàn piano. Năm 14 tuổi đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata cho đàn piano. Năm 1787 (17 tuổi) tìm đến Vienn (Áo) - thủ đô âm nhạc của thế giới hồi bấy giờ để hy vọng học hỏi người thầy Mozart. Rủi thay, chưa được 3 tuần phải trở về Bonn chịu tang người mẹ hiền, ít nói, dịu dàng và rất mực thương con. Đau thương mất mát đó đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sáng tác sau này của Beethoven. Mãi 1792 (22 tuổi) Beethoven một lần nữa từ giã nơi chôn rau cắt rốn của mình đến sống và làm việc ở Vienn, nhưng lúc này người thầy Mozart không còn nữa.
Như Goethe - nhà thơ Đức vĩ đại đã viết: “Cả cuộc đời Beethoven như một ngày trọn vẹn đầy dông tố”. Ở tuổi 31, Giulietta Guiccicand đi cầu hôn với bá tước Gallenderg; Giulietta Guiccicand là người yêu đầu tiên, với mối tình đẹp và nồng cháy nhất của Beethoven. Chưa tròn tuổi 35 ở Vienn đã hơn 30 lần chuyển nhà vì túng thiếu. Thượng đế thật nghiệt ngã và tàn nhẫn với Beethoven, đôi tai - giác quan qúy nhất của người nhạc sỹ cũng bị lấy đi, năm 1819 bị điếc hoàn toàn cả hai tai. Năm 1823 bắt đầu bị mù mắt và bệnh thống phong, năm 1825 xơ gan cổ chướng, năm 1826 viêm phổi và phù toàn thân. Chính năm đó Beethoven phải chịu 4 lần mổ đầy đau đớn. Sau một thời gian dài bệnh nặng 6 giờ 45 phút ngày 26 tháng 3 năm 1827 trút hơi thở cuối cùng không một lời từ biệt. Ba ngày sau hàng chục nghìn bạn bè, đồng nghiệp, những người ngưỡng mộ âm nhạc... trong số đó có nhạc sỹ  thiên tài Schubert và nữ nghệ sỹ lỗi lạc tài ba AnschỸTZ  đưa tiễN Beethoven đến nghĩa trang Wahringer, Vienn. Mãi 61 năm sau (1888) hài cốt Beethoven mới được đưa về nơi trang trọng của nghĩa trang Zentral, Vienn với mộ chí giản đơn không, một dòng chữ nào, chỉ duy nhất một từ: “Beethoven”.
Cuộc đời của Beethoven chẳng phải dài, 57 năm từ lúc sinh ra đến khi mất thiếu thốn về mọi mặt, thương tổn nặng nề về tinh thần và thể xác. Nhưng ở người nhạc sỹ thiên tài đó có nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng và nghiệt ngã của mình, đã cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới. Những năm tháng cuối đời lúc điếc, mù, lúc quằn quại trong đớn đau vẫn soạn nhạc. Beethoven đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ: 135 tác phẩm bao gồm các thể loại nhạc kịch (opera), nhạc múa (balett), 10 bản giao hưởng (symphony), nhạc thính phòng (camarazene), khúc cầu kinh (mise), song tấu (duo), tam tấu (trio), tứ tấu (kvartett), 15 bản sonata, tiền tấu, hát bè, phổ nhạc thơ...
Beethoven không chỉ là nhà nghệ sỹ tài ba piano, nhà soạn nhạc thiên tài, mà là người đầu tiên cảm nhận sâu sắc rằng: “Âm nhạc là tài sản văn hoá của nhân loại. Nó không phải là của riêng cho cung đình hay một nhóm người nào. Âm nhạc trước hết phục vụ quảng đại quần chúng”.
Cũng như Vichtor Hugo viết tác phẩm “Những người khốn khổ”, Beethoven viết bản giao hưởng số 3 “Anh hùng ca”, tác phẩm số 55 (No. III Symphony Eroica (Esz-dúr) op. 55) là một trong những giao hưởng nổi tiếng nhất, âm điệu khi trầm hùng, khi réo rắt, khi tha thiết ngợi ca các chiến sỹ cách mạng, ngợi ca nền cộng hoà đầu tiên của nước Pháp. Đó là cú đấm nặng nề giáng vào mặt Napoleon Bonapart trong buổi lễ phong vua.
Hơn ai hết, Beethoven là người yêu thiên nhiên tha thiết, yêu những làng quê êm đẹp, yêu mùa xuân, yêu những cánh rừng sắp sửa sang thu... thích tha thẩn ở những cánh rừng để nghe tiếng sào xạc của lá rừng, ở đồng nội để nghe khúc nhạc của đồng quê: Bản giao hưởng số 6 đồng nội, tác phẩm số 68 (No. VI Symphony “pastorale” op. 68), bản sonata “Ánh trăng” tác phẩm số 27 (sonata quasi una Fantasy, op. 27), bản sonata “Mùa xuân” tác phẩm số 24 (sonata op. 24)...
Những âm điệu dịu dàng đã làm tan biến những ảo tưởng, đưa chúng ta về những phút giây êm đẹp và thanh bình của cuộc sống: Bản giao hưởng số 7, tác phẩm số 92 (No. VII Symphony (A-dúr) op. 92), Bản giao hưởng số 9, tác phẩm số 125 (No. IX Symphony (d-moll) op. 125), nhưng âm điệu hùng tráng, réo rắt, chốc lát đã khơi dậy trong lòng người nghe niềm cảm hứng, dạt dào tình yêu thương, lòng khoan dung, niềm khát khao hy vọng... Đó là những âm điệu vẽ ra một tương lai sung sướng và hạnh phúc tràn trề đang vội vã đến với người nghe.
Tháng năm cứ trôi đi, nhưng những bản nhạc của Beethoven  chẳng bao giờ ngừng phát, có những lúc hàng trăm đài phát thanh, truyền hình cùng phát những bản nhạc của Beethoven, chưa kể đến hàng trăm triệu băng nhạc của Beethoven có hầu khắp mọi gia đình châu Âu và Bắc Mỹ. Thật là một cống hiến vô giá cho nhân loại.
Khi nào con người còn vươn tới cái đẹp, cái thiện, tự do, hạnh phúc, tìm nguồn nghị lực, vinh quang ... thì lúc đó còn cần đến nhạc của Beethoven. Dù hôm nay âm nhạc có thêm nhiều thể loại mới, nhưng những bản giao hưởng, những bản sonata ... của Beethoven vẫn luôn đứng ở vị trí cao nhất trong nền âm nhạc thế giới. Nhạc của Beethoven sẽ mãi mãi nằm trong hành trang của nhân loại, đi dọc chiều dài lịch sử.

THIÊN TÀI ÂM NHẠC BEETHOVEN: TÌM HẠNH PHÚC TRONG KHỔ ĐAU BỆNH TẬT

TRƯƠNG TẤT THỌ

     Những người yêu nhạc cổ điển chắc sẽ không thể nào quên được tiếng dương cầm réo rắt làm say đắm lòng người với nhạc phẩm “Lettre à Elise” hay “Sonata quasi una Fantasia” (dạo khúc ánh trăng) của Beethoven. Ông là đại nhạc sư của nền âm nhạc thế giới, nhưng mấy ai biết được, ông cũng là người nghệ sĩ mang trong mình nhiều bệnh trong đó có cả bị điếc và không nghe được những âm thanh do mình sáng tạo nên cho nhân loại?
TÀI HOA NỞ TRÊN ĐAU KHỔ
Nhạc sĩ Beethoven (1770 – 1827)có tên là Ludwig van Beethoven, sinh ngày 16 tháng 12, năm 1770, tại Bonn, Đức quốc. Cuộc đời của Beethoven (Ludwig van Beethoven) là một chuỗi liên tiếp rủi ro, bất hạnh. Cha ông, một người đàn ông nghiện ngập đã “giúp” Beethoven “học nhạc” bằng những cuộc nhậu rượu thâu đêm và bắt con trai chơi đàn mua vui cho bạn nhậu. Mặc dù bị ép chơi nhạc trong nỗi sợ hãi và ghê tởm, nhưng cũng nhờ thế, mà từ rất sớm, Beethoven đã hình thành được “sự nhạy cảm” và khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế. Chính trong những buổi dạy với đòn roi, la hét của cha, cậu bé Ludwig đã sớm thể hiện tài năng lớn đồng thời cũng trở nên ương ngạnh, bất hòa với cha mình.
Đến năm 8 tuổi, Beethoven chính thức trình diễn cho công chúng xem. Sang năm 12 tuổi Beethoven trở thành một nhạc sĩ dương cầm xuất sắc, mang nhiều triển vọng cho tương lai và được Tòa Tổng giám mục tại Bonn mướn chơi đàn, mà mức lương Beethoven kiếm được cao hơn cha ông gấp bội. Tới năm 17 tuổi, Tòa Tổng giám mục thấy tiềm năng dương cầm đầy hứa hẹn của Beethoven nên bảo trợ cho ông sang Áo với mục đích theo thọ giáo kỹ thuật dương cầm cao cấp của tay đàn cự phách, lẫy lừng Mozart tại Vienna, khi ấy Mozart được 30 tuổi. Đến năm 1792, ông được 22 tuổi và ông trở lại Vienna, học đàn với các danh cầm như Haydn, Schenck, Albrechtsberger và Salieri.. Beethoven hầu như là người thất bại và cô đơn trên tình trường. Và chính vì không có vợ con ông đã dành toàn thời gian cho việc phát triển tài nghệ âm nhạc.
TÀI HOA, ĐA BỆNH
Đau khổ khi phát hiện mình khiếm thính,
Khi đường danh vọng của ông lên cao thì ngược lại sức khỏe của ông lại càng sa sút, yếu kém.
Kể từ năm 1798 đến 1801 ông nhận thấy tai mình không nghe rõ nữa, ông bị mất đi thính giác khi chỉ mới ba mươi tuổi. Ông bị điếc dần dần, bắt đầu là bằng nghe tiếng vo ve và ầm ừ trong lỗ tai rồi điếc đặc. Khi xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng, thính giả đã nồng nhiệt vỗ tay ông nhưng vì điếc Beethoven hoàn toàn dửng dưng với điều đó. Cuối cùng, có người phải kéo tay áo ông nhắc nhở và giúp ông quay lưng lại để ông có thể thấy đám đông hâm mộ mình. Ông đã khóc và đó là một trong những dịp hiếm hoi người ta thấy ông khóc.
Ông đành giã từ nghề nhạc sĩ trình tấu piano bậc thầy nên đâm ra khổ sở, tuyệt vọng, có ý định tự tử rồi quyết định sống ẩn dật, tránh né đám dông, quần chúng.
Những đau đớn thể xác vì nhiều bệnh
Trong cuộc đời của mình, Ludwig van Beethoven đã phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn về mặt thể xác. Nguyên nhân bệnh tật của ông cho đến hôm nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Ngoài chứng điếc tai, ông còn bị chứng viêm phổi, sưng gan, đau bụng hành hạ.
Khi nghiên cứu về Beethoven, nhiều người đã đi đến kết luận sức khỏe ông suy sụp ngay từ khi đang ở độ tuổi 20 và ngày càng trở nên tồi tệ. Ông thường đau bụng dữ dội, biểu hiện của nhiễm độc chì. Tới gần 30 tuổi thì ông bị điếc, nhưng do sức khỏe của Beethoven tồi tệ nên cũng có thể chính các phương pháp và các loại thuốc chữa trị đã khiến cơ thể ông bị nhiễm độc chì.
Có một thời người ta cho rằng Ludwig van Beethoven mắc bệnh giang mai bẩm sinh.
Biến đau thương thành hành động: Trở thành nhạc sĩ sáng tác
Nhưng sự kiên cường vươn lên trong đời, sự đam mê âm nhạc đã thôi thúc ông, đã buộc ông hướng tới tương lai  và coi điều bất hạnh của mình như một động lực để sáng tác, trở thành một Beethoven bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống lại số phận. Ông nói, việc ông bị điếc là thách thức lớn với ông, và ông nhất định chiến thắng. Ông tâm sự Tôi đã thoát khỏi nỗi u buồn và tôi sẽ là một người đàn ông chín chắn, thiết tha với cuộc sống. Bạn có thể nghĩ tôi đang cố tỏ ra hạnh phúc trong điều bất hạnh. Không! Tôi không cam chịu. Cuộc đời này đẹp lắm và tôi có hàng nghìn lý do để sống”.
Chính trong giai đoạn giao thời khi âm nhạc thoát thai từ cổ điển biến dạng sang khuynh hướng lãng mạn, Beethoven đã đóng góp tích cực cho trào lưu mới, ông dồn khả năng cảm thụ âm nhạc và viết lên những tác phẫm mới thật tuyệt vời như “Moonlight” hay “Waldstein”. Đây cũng là giai đoạn ông rung cảm từ con tim, tuy không nghe được, nhưng tưởng tượng ra và ghi lại thành nốt nhạc. Năm 1812 ông cho ra bài hòa tấu khúc số 7 (the Seventh Symphony) và bài số 8 ra đời sau đó không lâu.
Những ngày cuối cùng
Đầu tháng 12-1826, Beethoven trở lại Vienna, bệnh viêm phổi đã lui dần nhưng vài ngày sau, ông phải nằm liệt giường vì mắc chứng xơ gan, toàn thân Beethoven phù nề đáng sợ. Đầu tháng 3/1827, sức khoẻ của ông suy sụp nghiêm trọng,  5:45 chiều ngày 26/3/1827, tim Beethoven ngừng đập, hưởng dương 57 tuổi. Theo kết luận chính thức của y giới thời ấy, ông chết do xơ gan và tràn dịch khoang bụng.
An ủi cuối đời.
Cuộc đời ông chịu nhiều khổ sở về gia đình, về tình ái, và bệnh tật nhưng ở cuối đời, ngày đám tang của ông được tổ chức thật linh đình, trọng thể. Đã có gần 20,000 quan khách tiễn đưa và bạn đồng nghiệp là nhạc sĩ Franz Schubert đứng ra đọc điếu văn từ giã một thiên tài trong âm nhạc. Ông được chôn cất tại Wahring Cemetery. Năm 1888, hài cốt nhà soạn nhạc thiên tài được chuyển tới Zentral ( Vienna)  – nơi an nghỉ dành riêng cho những nghệ sĩ vĩ đại
NGHIÊN CỨU HỘP SỌ BEETHOVEN
Giữa tháng 11 năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Beethoven, thuộc Đại học San Jose (Hoa Kỳ) chính thức tuyên bố đã tìm ra hộp sọ của Beethoven. Đây là tài sản thừa kế của nhà doanh nghiệp Paul Kaufmann (người gốc Áo hiện đang sống tại Danville, California, Hoa Kỳ). Chiếc hộp sọ này gồm 13 mảnh (2 mảnh lớn phía sau sọ, 11 mảnh nhỏ) được khai quật năm 1863 rồi được cất giữ tại Pháp trước khi được chuyển giao cho Paul Kaufmann vào năm 1990. Qua nghiên cứu hộp sọ so sánh DNA với các mẫu tóc của Beethoven, một số giả thuyết về cái chết của Beethoven được củng cố như hàm lượng chì cao. Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Ludwig van Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Ludwig van Beethoven bằng X quang. Như vậy có thể nói ngay từ khi ông mới 20 tuổi Ludwig van Beethoven đã chịu đựng tác động rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì. Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc của ông có phải do nhiễm độc chì hay không. Các nhà khoa học cũng không tìm thấy thủy ngân trong cơ thể của Beethoven, như vậy có thể loại trừ giả thiết từ lâu nay rằng ông bị chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh thời đó thường được chữa trị  bằng thủy ngân
Gia tài âm nhạc của ông để lại cho hậu thế rất đáng nể gồm:Chín bản Giao hưởng từ 1 đến 9, 1 vở nhạc kịch “Fidelio”, 32 bản sonata cho piano, 5 bản concerto cho piano, 16 bản nhạc cho bộ tứ đàn dây; 16 bản sonata cho piano với nhạc cụ khác (cello, violin)…

 Ludwig van Beethoven
(1770 – 1827) 
    Là người đại diện cuối cùng của trường phái cổ điển thành Vienna, nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven đã có những đóng góp vĩ đại vào tiến trình phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới. Không có một di sản đồ sộ về số lượng như các bậc tiền bối của trường phái cổ điển thành Viên Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) hay Joseph Haydn (1732 – 1809) nhưng Beethoven đã đem đến cho thế giới âm nhạc một phong cách mới, phong cách anh hùng ca rực lửa và tràn ngập tinh thần tranh đấu, vươn tới tự do cùng những cách tân vĩ đại. Với sự cải cách mạnh mẽ về nội dung lẫn hình thức, ở hầu hết các thể loại âm nhạc như sonata, concerto và giao hưởng, Beethoven đều để lại dấu ấn thiên tài của mình. Cả cuộc đời của ông thực sự là bản anh hùng ca của một con người có nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn, thử thách và chiến thắng bệnh tật.
Ludwig van Beethoven sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Ông nội của nhà soạn nhạc thiên tài, Ludwig van Beethoven, giữ chức nhạc trưởng của nhà hát cung đình Bonn. Cha của nhạc sỹ, Johann van Beethoven, cũng là thành viên của dàn nhạc cung đình và là một bợm nhậu. Chính tật xấu này của Johann đã dìm gia đình ông và tuổi thơ Beethoven lâm vào cảnh địa ngục. Sau cái chết của người ông và sự nghiện ngập của người cha, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu nghiêm trọng, Beethoven đành phải thôi học từ rất sớm. Chính vì vậy, sau này, khi lớn lên, Beethoven đã nỗ lực học và tự học rất nhiều để tự bù đắp kiến thức cho mình. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, do sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Beethoven được học nhạc từ nhỏ. Dù được giảng dạy một cách tuỳ hứng trong roi vọt, tài năng thiên bẩm đã khiến cậu bé Beethoven biết chơi thành thạo đàn clavecin, violin, flute... Buổi biểu diễn đầu tiên của Beethoven trước khán giả thành Bonn là vào ngày 26-3-1778 với một bản concerto cho đàn clavecin.
Tháng 10-1779, Beethoven bắt đầu theo học môn đối vị và nghệ thuật bè trầm với Kh. Neefe và chịu ảnh hưởng lớn về quan điểm thẩm mỹ từ người thầy đáng kính này. Năm 12 tuổi, Beethoven được đưa vào dàn nhạc cung đình với vai trò trợ lý đàn organ cho Neefe. Trong thời gian này, Beethoven được Neefe hướng dẫn về Bình quân luật của Johann Sebastian Bach (1685-1750) và bắt đầu biết đến George Frideric Handel (1685-1759), tác giả mà sau này, Beethoven đặc biệt ngưỡng mộ.
Sự nghèo túng luôn là bạn đồng hành với Beethoven trong những năm tháng trưởng thành. Ngoài việc chơi cho dàn nhạc cung đình, ông phải đi dạy học để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy vậy, những ước mơ về một chân trời âm nhạc mới mẻ ngoài phạm vi thành Bonn vẫn không ngừng thôi thúc ông tìm đến với thành Vienna, học hỏi những nhà soạn nhạc danh tiếng. Mùa xuân năm 1787, chàng nhạc sỹ thành Bonn đã đến đây để tìm gặp Mozart và đáng tiếc là chỉ được gặp Mozart một lần duy nhất. Sau khi nghe Beethoven chơi ngẫu hứng bên phím piano, Mozart đã choáng váng trước tài nghệ phi thường: “Hãy nhìn kỹ chàng trai này, rồi cả thế giới sẽ phải nói về anh ta”. Điều đáng buồn là cuộc gặp gỡ giữa hai con người thiên tài này chỉ diễn ra ngắn ngủi bởi Beethoven phải vội vã rời Vienna về Bonn vì mẹ bị ốm nặng. Cái chết của người mẹ hiền hậu, nhẫn nại đã không chỉ khiến Beethoven rơi vào tình trạng tuyệt vọng mà còn kéo theo sự sụp đổ của gia đình, vốn luôn luôn được bà mẹ dày công vun đắp.
May mắn cho Beethoven và cũng cho nhạc cổ điển bởi trong những năm tháng này, Beethoven đã có được sự nâng đỡ tinh thần từ hai người bạn tốt như Stephan von Breuning và Franz Wegeler, những người sẽ tận tụy gắn bó cả cuộc đời với ông. Thông qua mối quan hệ bè bạn này, Beethoven đã tiếp xúc với giới trí thức thành Bonn, mở con đường lớn đưa ông đến với văn học cổ điển Đức, văn học Hy Lạp cổ đại, văn học Anh. Beethoven đặc biệt say mê và chịu ảnh hưởng lớn của Homero với các bản trường ca “Iliad”, “Odisea”, Plutarque với “Tiểu sử các danh nhân” và William Shakespeare với các vở kịch nổi tiếng của ông. Hai nhà thơ Đức đương thời là Goethe và Schiller cũng chinh phục được Beethoven.
Một sự kiện gây chấn động châu Âu thời bấy giờ cũng để lại dấu ấn sâu sắc cho Beethoven, đó là cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789. Những luồng tư tưởng tiên tiến từ cuộc cách mạng đã được Beethoven tiếp nhận hết sức hào hứng. Riêng cá nhân Napoleon được Beethoven hết sức ngưỡng mộ và thán phục. Có thể nói cuộc cách mạng Pháp 1789 đã góp phần thắp lên tinh thần rực lửa đấu tranh vì quyền tự do, bình đẳng của con người và phong cách anh hùng ca như các tác phẩm sau này của ông. Chính những biến động về tư tưởng đã giúp ông đi đến quyết định, rời thành Bonn vào tháng 11-1792 để đến với thành Vienna, trung tâm văn hóa của châu Âu thời bấy giờ. Giai đoạn ở thành Vienna sẽ là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành và bước thăng hoa trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của Beethoven. Ông đến với thành Vienna trong sự hào hứng của tuổi trẻ và niềm tin vào một môi trường học tập mới. Như các nhạc sỹ đương thời, Beethoven đã có được nhà bảo trợ cho quá trình theo đuổi nghệ thuật của mình, công tước Lichnowsky. Mặc dù nhận bảo trợ của Lichnowsky nhưng Beethoven trong mọi trường hợp vẫn giữ vững phẩm giá, lòng kiêu hãnh, lập trường kiên định về chính trị, quan điểm sống và coi đó là điều sống còn của cuộc đời mình.
Song song với quá trình sáng tác, Beethoven còn theo học các nhạc sỹ danh tiếng của thành Vienna để củng cố và hệ thống lại kiến thức âm nhạc của mình. Trong số các người thầy đáng kính ấy thì, nhà soạn nhạc vĩ đại Haydn, cha đẻ của giao hưởng, đóng vai trò quan trọng. Cũng phải nói thêm là đây cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ của Haydn nên nhà soạn nhạc già này đã không có nhiều thời gian dành cho Beethoven. Tuy nhiên, với vai trò của người đi trước, Haydn đã đưa ra những nhận xét xác đáng và những lời khuyên qúy báu về các tác phẩm mới sáng tác của Beethoven. Có một giai thoại kể lại rằng, khi Beethoven hỏi ý kiến thầy về các tác phẩm của mình, Haydn đã thốt lên sau những phút trầm tư suy nghĩ: “Anh gây cho tôi cảm tưởng về một con người có mấy cái đầu, mấy trái tim và mấy linh hồn”. Khi đã ổn định được cuộc sống và học tập thêm về âm nhạc, Beethoven bắt đầu ra mắt công chúng thành Vienna và nhanh chóng nhận được sự chú ý đặc biệt. Nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cũng đánh giá cao tài năng của ông và hào hứng cho rằng: “Người nghệ sỹ này đã bù đắp cho chúng ta sự tổn thất sau cái chết của Mozart”. Không chỉ sáng tác, Beethoven còn là người đầu tiên đưa ra một phong cách mới trong nghệ thuật chơi piano: phong cách anh hùng ca.
Trong thời gian này, Beethoven tập trung sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc quy mô nhỏ tuy nhiên, ở các tác phẩm ấy đã xuất hiện dấu ấn của thiên tài, tiêu biểu như Piano sonata số 8 giọng Đô thứ "Pathetique" (1799), số 14 giọng Đô thăng thứ "ánh trăng" (1801), số 17 giọng Rê thứ "Tempest" (1801), overture “The Creatures of Prometheus” (1801)...
Sự hoàn chỉnh về nội dung và hình thức của khúc mở màn cho vở ballet “The Creatures of Prometheus” đã đưa overture trở thành một tác phẩm khí nhạc độc lập, tiền thân của loại tác phẩm giao hưởng một chương, giao hưởng có tiêu đề sau này. Riêng về sonata, Beethoven đã đem lại cho thể loại này một tầm vóc mới. Trước đây, các bậc tiền bối của ông đã sáng tạo ra thể loại sonata chưa có sự tương phản lớn giữa các chương và bản thân trong một chương cũng chưa thể hiện sự phát triển rõ nét giữa các chủ đề. Về sự sáng tạo của Beethoven ở thể loại sonata, các nhà hoạt động âm nhạc sau này đã cho rằng, Beethoven đã làm rõ phần triển khai cơ cấu các chủ đề, phân tích và tổng hợp các nét đấu tranh kịch tính, mạnh mẽ để tạo nên phần trung tâm của tác phẩm. Beethoven còn sáng tạo ra phần coda (phần kết) với nhiệm vụ là tổng kết tác phẩm bằng những nét chấm phá đầy rõ nét. Với tính chất kịch tính cao, thể hiện không chỉ giữa các chương mà phản ánh được sự phát triển nội tại trong từng chương này, Beethoven đã tạo ra sự phát triển mới về cả về nghệ thuật và tư tưởng trong các tác phẩm âm nhạc thính phòng.
Tài năng của Beethoven đã được khẳng định và một tương lai rực rỡ đã đến với nhà soạn nhạc thiên tài này. Khi người ta những tưởng bước đường nghệ thuật và cuộc sống riêng tư của Beethoven sẽ suôn sẻ thì bất hạnh đã đổ ụp xuống đầu ông. Lần này, không phải là sự túng quẫn về tài chính mà lại là bệnh tật. Căn bệnh điếc đáng nguyền rủa đã trở thành vật ngăn cách ông với tất cả. Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về căn bệnh kỳ lạ này ở người nhạc sỹ thiên tài và lý giải nguồn gốc căn bệnh. Đến nay, có nhiều cách lý giải căn bệnh này của ông, một trong những cách đó là việc tập trung cao độ trong quá trình sáng tác chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn bệnh điếc của Beethoven. Điều đau xót hơn cả với nhạc sỹ là trước khi mắc căn bệnh này, ông có thính giác tinh tường, nhạy cảm đến mức hiếm có. Nỗi thống khổ về bệnh tật đã hành hạ ông và dẫn đến sự tuyệt vọng. Thậm chí, ông đã nghĩ đến việc tự tử. Tất cả những dằn vặt, đau đớn, đấu tranh nội tâm của nhà soạn nhạc được thể hiện qua bản di chúc Heiligenstadt nổi tiếng viết vào tháng 10-1802. Tuy nhiên, chiến thắng được bản thân, ý chí và nghị lực của Beethoven đã đưa ông đến với những thành công mới với những tác phẩm in đậm những phẩm chất tốt đẹp này. Ngay từ lời đề tựa bản giao hưởng số 2 giọng Rê trưởng op 36 đã cho thấy rõ điều đó: “Tôi muốn nắm lấy cổ số mệnh. Tuyệt vời biết bao nếu như ta có thể sống ngàn lần cuộc sống này!”.
Sau thời kỳ Heiligenstadt, Beethoven trở lại với âm nhạc với tinh thần và tình yêu cuộc sống của một con người hoàn toàn mới. Chính nét mới mẻ này đã đem lại sức sống và tầm vóc tư tưởng mới cho các tác phẩm của ông giai đoạn sau này. Những cách tân táo bạo, đưa hình thức và nội dung của các tác phẩm âm nhạc thoát khỏi lối mòn của các bậc tiền bối đã giúp Beethoven vươn tới đỉnh cao trong nghệ thuật, đặc biệt ở tác phẩm sáng tác từ năm 1803. Bản giao hưởng số 2 giọng Rê trưởng op 36 được coi là cầu nối của hai giai đoạn sáng tác nghệ thuật trước và sau năm 1803. Và các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, đỉnh cao trong giai đoạn trưởng thành của Beethoven chính là các tác phẩm: Piano Sonata No.21 giọng Đô trưởng "Waldstein", Piano Sonata số 23 giọng Pha thứ "Appassionata", vở opera “Fidelio” và chùm 7 bản giao hưởng. Trong số các tác phẩm này, bản giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng "Eroica" có số phận đặc biệt không chỉ vì trước ngày công diễn, Beethoven đã xóa lời đề tặng Napoleon trên bản tổng phổ mà là sự cân đối và đẹp lạ thường của nó. Các nhà phê bình âm nhạc đều đánh giá cao tác phẩm này, coi đó là cột mốc mở ra đỉnh cao mới của nền âm nhạc giao hưởng thế kỷ 19. Sáng tác vĩ đại này không những có quy mô lớn mà còn có tư tưởng, khát vọng lớn lao vượt tầm thời đại. Tại tác phẩm này, chương menuetto kiểu cách đã được thay thế bằng chương Scherzo tươi vui (trước đây, trong bản giao hưởng số 1 Beethoven từng thế chỗ menuetto bằng Scherzo).
Tiếp sau thành công của bản giao hưởng số 3 là những chùm tác phẩm chói sáng của Beethoven với các bản giao hưởng được liệt vào hàng kinh điển trong kho tàng âm nhạc giao hưởng thế giới với các thể loại: kịch tính, bi kịch, ngợi ca thiên nhiên, sử thi: giao hưởng số 4 giọng Si giáng trưởng được nhạc sỹ Schumann ví như “cô gái Hy Lạp mảnh dẻ giữa hai người khổng lồ phương Bắc”, giao hưởng 5 giọng Đô thứ được mệnh danh là giao hưởng định mệnh, giao hưởng số 6 giọng Fa trưởng "Pastorale" được gọi là bản giao hưởng đồng quê, giao hưởng số 7 giọng La trưởng, giao hưởng số 8 giọng Pha trưởng và đỉnh cao giao hưởng số 9 giọng Rê thứ. Có câu chuyện về bản giao hưởng số 9 rằng nếu có người ngoài trái đất nào tới thăm hành tinh xanh của chúng ta thì để giải thích về con người, chỉ cần cho họ nghe bản giao hưởng số 9 này. Câu chuyện này đã nói lên được tính chất sử thi, tầm vóc và quy mô của tác phẩm. Có thể nói bước tiến về nghệ thuật của Beethoven là kết quả của quá trình học hỏi không mệt mỏi trong những năm tháng ở thành Vienna và cũng như sự chín muồi về tư tưởng của ông. Sâu xa hơn, đó còn là kết quả của quá trình phát triển âm nhạc giao hưởng mà các bậc tiền bối đã gây dựng lên, trong đó có sự phát triển của dàn nhạc giao hưởng, yếu tố giúp thể hiện các ý tưởng âm nhạc của ông. Về xã hội, tác động mạnh mẽ nhất đến Beethoven giai đoạn này là vẫn là luồng tư tưởng do cuộc cách mạng 1789 đem lại. Tuy Napoleon đã phản bội lại cách mạng song lý tưởng về một xã hội con người với con người sống trong tự do, bình đẳng, bác ái vẫn rực sáng trong ông.
Sẽ là không đầy đủ nếu không nhắc đến vị trí của các bản overture và 5 bản concerto cho piano với dàn nhạc, 1 bản concerto bộ ba cho piano, violin và cello, bản concerto duy nhất viết cho violin và dàn nhạc trong sự nghiệp âm nhạc của Beethoven. Với sức biểu đạt mạnh như một bản giao hưởng, các tác phẩm này của ông được đánh giá cao bởi sự súc tích, cô đọng, tính khái quát và mối quan hệ chặt chẽ giữa các chủ đề. Bằng tài năng của mình, Beethoven đã chứng minh rằng với những thể loại tác phẩm khí nhạc có quy mô nhỏ cũng có sức sống và tầm vóc như các tác phẩm lớn. Đây sẽ là tiền đề cho các nghệ sỹ thế hệ sau không tiếp tục khai phá để cho ra đời nhiều thể loại mới, làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc cổ điển. Riêng bản concerto cho violin duy nhất của ông cũng trở thành bản concerto kinh điển cho thể loại này.
Thành công về nghệ thuật nhưng cuộc sống riêng tư của ông lại không mấy may mắn. Mặc dù luôn luôn khao khát một mái ấm gia đình thực sự nhưng chưa khi nào, Beethoven gặp được người bạn gái tri âm, tri kỷ, sẵn sàng cùng ông đi hết cuộc đời. Ông từng có nhiều mối tình, phần lớn đều bất hạnh và có cái kết ảm đạm giống nhau bởi theo nhận xét của nhiều người thì vẻ bề ngoài không mấy hào hoa phong nhã, tính cách độc đoán (ảnh hưởng của bệnh điếc) và nhất là không có một gia sản hấp dẫn đã loại ông ra khỏi tầm ngắm của các thiếu nữ thời đó. Cũng phải nói thêm rằng, tuy có tính cách độc đoán, thậm chí có phần khắc nghiệt, nhưng với bạn bè, bao giờ ông cũng cư xử hết sức chân thành và đây là một trong những đức tính đẹp nhất của ông.
Cả cuộc đời của Beethoven là quá trình học tập, sáng tác không mệt mỏi và chiến đấu vượt qua số phận, qua những đắng cay thử thách của cuộc đời. Trong những ngày cuối đời, trên giường bệnh, ông vẫn không nguôi nghiền ngẫm đến đề tài của bản giao hưởng số 10. Dự định này đã mãi mãi không thể thực hiện được bởi trái tim nhà soạn nhạc thiên tài đã vĩnh viễn ngừng đập vào ngày 26-3-1827. Ông mất đi để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy trong âm nhạc. Không chỉ thành Vienna mà cả thế giới âm nhạc rơi lệ tiễn đưa người anh hùng... Beethoven tuy không còn nữa nhưng với những người yêu nhạc cổ điển thì hình ảnh Beethoven với ánh mắt rực lửa, đầy thách thức trên gương mặt cương nghị đang sải những bước dài mạnh mẽ, cương quyết vẫn còn đó trong âm nhạc và cuộc đời.
Thanh Nhàn (nhaccodien.info)



Beethoven, Người Nhạc Sĩ Lãng Mạn 
Việt Hải 
Nhạc sĩ Beethoven có tên đầy đủ là Ludwig van Beethoven, sinh ngày 16 tháng 12, năm 1770, tại Bonn, Đức quốc. Cha là Johann Beethoven và mẹ là bà Maria Magdelena van Beethoven. Johann là một ca sĩ ca giọng cao nam (tenor) trong nhà thờ. Vì hoàn cảnh nghèo của gia đình, cha của Ludwig mong sao cho con mình sẽ là cậu bé thần đồng như gương của Mozart đi lưu diễn đó đây vòng quanh Âu châu lấy tiền phụ gia đình. Nhưng Ludwig không thể hiện được ý muốn của cha, người cha đâm ra chán nản. Vã lại cha Ludwig vốn nghiện rượu say sưa làm cho cậu bé đâm ra lạc lõng, rồi cậu bé Beethoven trở nên ương ngạnh, bất hòa với cha mình. Đó là những ngày mới lớn khổ sở của Ludwig van Beethoven.

Đến năm 8 tuổi, Beethoven mới chính thức trình diễn cho công chúng xem. Sang năm 12 tuổi Beethoven bỗng trở nên là một tay chơi dương cầm xuất sắc, mang nhiều triển vọng cho tương lai và tòa Tổng giám mục tại Bonn mướn chơi đàn, mà mức lương Beethoven kiếm được cao hơn cha ông gấp bội. Tới năm 17 tuổi, Tòa Tổng giám mục thấy tiềm năng dương cầm đầy hứa hẹn của Beethoven nên bảo trợ cho ông du hành sang Áo với mục đích theo thọ giáo kỹ thuật dương cầm cao cấp của tay đàn cự phách, lẫy lừng Mozart tại Vienna, khi ấy Mozart được 30 tuổi. Mozart thấy ngay tài năng đang lên của Beethoven, nên chỉ dẫn thêm. Ông ở và học nghề với Mozart được hai tháng thì chẳng may ông nhận được tin mẹ ông qua đời. Ông vội vã quay trở lại Bonn chịu tang mẹ. Đến năm 1792, ông được 22 tuổi càng say mê đàn hơn và muốn thăng tiến thêm, ông trở lại Vienna, lần này ông theo học kỹ thuật đàn từ các tay dương cầm nổi danh của Vienna như Haydn, Schenck, Albrechtsberger và Salieri. Cùng năm đó cha ông qua đời, là người anh cả ông đem hai người em trai về nuôi bên Áo. Người em kế Kaspar Karl Beethoven sau này trở thành thầy giáo dạy âm nhạc, người em út Nikolaus Johann Beethoven trông coi một cửa tiệm bán thuốc do Ludwig giúp đỡ. Trong thời gian ở tại Vienna, giới thưởng ngoạn âm nhạc xem ông là tay dương cầm quý giá. Tài nghệ ông mỗi lúc mỗi điêu luyện, tên tuổi vang dội tại Âu châu. Có điều là ông đã va chạm nặng với Haydn, người đã từng hướng dẫn ông khi trước. Khi ông cho là ông không học được điều chi mới lạ ở Hayd. Ngược lại Haydn chứng minh là bài Đại hợp tấu số Một (the First Symphony) mà Beethoven sáng tác mang âm hưởng nhạc của Haydn và Mozart, tức Beethoven đã ảnh hưởng phong cách viết nhạc của 2 người này. Có dư luận đàm tiếu cho là Beethoven là người tự cao và khó chịu. Sự thực điều đó hầu như là đặc tính chung của nhiều ngôi sao hay các vì tinh tú trị vì trên đỉnh cao của danh vọng và vinh quang. Người ta cũng ghi nhận là Mozart cũng có tính khó chịu và tự mãn về mình. Vì mặc cảm bị cho nhạc ông mang nặng âm hưởng nhạc người khác, ông quyết định đi tìm sự mới lạ khi hướng tương lai mình vào chân trời nhạc lãng mạn. Nói tới nhạc Beethoven, ta không thể không bỏ qua hai bài độc tấu dương cầm "Sáng Trăng" (piano sonata "Moonlight") và bài độc tấu dương cầm "Waldstein" mà ông thực hiện trong khoảng 1801 và 1802.
Thuở ban đầu Beethoven yêu người con gái tên là Elisa, ông tương lòng say đắm để cho ra tác phẩm bất hủ "For Elise". Sách nói rằng ông có tướng tá nhỏ thó người, tóc thường để bù xù trông như người nghệ sĩ lãng tử, bất cần đời và thê thảm hơn nữa ông bị thẹo rỗ hoa mè trên mặt. Năm 1795 ông yêu cô ca sĩ trẻ đẹp, duyên dáng chuyên hát nhạc opera là Magdalene Willmann tại Vienna, ông ngỏ lời xin cầu hôn, nhưng nàng thẳng thừng từ chối, vì cho rằng ông là người xấu trai và tính tình lại lập di. Từ đó Beethoven hầu như là người thất bại và cô đơn trên tình trường. Và chính vì không có vợ con ông dành toàn thời gian cho việc phát triển tài nghệ âm nhạc.
Ở đây người viết xin mở ngoặc bàn sơ về 3 giai đoạn chính của âm nhạc cổ điển Tây phương khởi sự từ 1600 dến 1910 là:
* Giai đoạn Baroque - ảnh hưởng bởi nền văn minh kiến trúc và nghệ thuật: 1600 đến 1750, điển hình trong số 38 nhạc sĩ tiêu biểu trong nhóm này có nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, người Đức, 1685 - 1750.
* Giai đoạn nhạc cổ điển (1750- 1820), giai đoạn nhạc chú trọng về nhạc cụ, tức nghe tiếng đàn thánh thót âm nhĩ, hơn là chú trọng tình cảm nội tâm. Những nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn này như: Franz Joseph Haydn, 1732 - 1809, người Áo, Wolfgang Amadeus Mozart, 1756 - 1791, người Áo, Ludwig Van Beethoven, 1770 - 1827, người Đức.
* Giai đoạn lãng mạn: (1820- 1910), giai đoạn nhạc được viết chú trọng về tình cảm cá nhân, diễn tả ước muốn của lòng mình hay diễn tả tâm tư yêu nước, lòng ái quốc hay lòng yêu quê hương. Đại diện cho nhóm này gồm các nhạc sĩ: Frédéric Chopin, 1810 - 1849, người Ba Lan, Felix Mendelssohn, 1809 - 1847, người Đức, Franz Schubert, 1797 - 1828, người Áo, Johannes Brahms, 1833 - 1897, người Đức, và Piotz Ilyitch Tchaikovsky, 1840 - 1893, người Nga. Nhiều sử gia âm nhạc cho tên Beethoven là người đứng đầu nhóm lãng mạn này.
Người ta nói rằng Beethoven ở ngay giai đoạn chuyển tiếp từ âm nhạc cổ điển sang khai phá để phát sinh ra trường phái âm nhạc lãng mạn. Ngược dòng thời gian của thế kỷ 18 trường phái lãng mạn là những hấp lực muốn phá bỏ những luật lệ cứng rắn của chính quyền hay những điều lệ chuyên chính của các vua chúa áp đặt lên người dân. Hai lãnh vực văn chương và hội họa đi tiên phong bức bỏ gông cùm hướng về một chân trời mới, mở rộng cánh cửa lãng mạn để thõa mãn những nhu cầu của tâm tư, những ước mơ vượt thoát vòng kiềm tõa của xã hội khắt khe đương thời.
Từ đó các nhạc sĩ bên lãnh vực âm nhạc không bỏ lỡ cơ hội, họ chạy theo những tư duy mới, cái âm hưởng mang một làn gió mới vào trong âm nhạc. Với Beethoven, ông nghe cuộc cách mạng Pháp khi người dân đứng lên đòi dân chủ, người dân phải được làm chủ lấy quê hương của mình, Beethoven bị mê hoặc theo cao trào của Âu châu vươn lên thời bấy giờ. Nếu Shakespeare tài ba bên văn chương khi đặt bút sáng tác những tác phẩm tiêu biểu lãng mạn thì Beethoven chẳng kém chi khi cho ra những nhạc phẩm đại hòa tấu thật xuất sắc, ví dụ như the Fifth Symphony được xem như tương đương với tác phẩm Hamlet của văn hào Shakespeare, cũng là đồng tác giả của các tuyệt tác phẩm "A Mid-Summer Night's Dream" và "Romeo and Juliette". Beethoven sáng tác những bài đại hợp tấu cho bi kịch và hài kịch. Ông hoàn tất bài the Fifth Symphony từ 1803-1809 và the Sixth Symphony trong khoảng một năm tròn (1807-1808). Những tác phẩm này tạo cho danh tiếng và tài nghệ ông lên cao thêm.
* Khúc quanh quan trọng của đời Beethoven:
Kể từ năm 1798 đến 1801 ông nhận thấy tai mình không nghe rỏ nữa, ông được bác sĩ chẩn bệnh là cho biết là ông bị điếc tai. Còn gì đau khổ hơn khi một người nhạc sĩ không còn sử dụng được đôi tai mình như thính âm nhĩ để nghe và sáng tác nhạc? Ông đâm ra khổ sở, tuyệt vọng có ý định tự vẫn và rồi ông quyết định sống ẩn dật, tránh né đám dông, quần chúng. Trong di chúc tuyệt mạng thương tâm khi gửi cho các em ông, mang tên "Chúc thư Heiligenstadt" (Heiligenstadt Testament). Ông thố lộ sự tuyệt vọng và không thiết tha với cuộc sống nữa. Chính chúc thư này là sự giải tỏa nỗi muộn phiền nội tâm để ông chuyển hướng trong âm nhạc, để từ đó ông tự tìm phương hướng đi khác cho đời mình. Trong giai đoạn giao thời này khi âm nhạc thoát thai từ cổ điển biến dạng sang khuynh hướng lãng mạn, Beethoven đã đóng góp tích cực cho trào lưu mới, ông dồn khả năng cảm nhận ông viết lên những tác phẫm mới thật tuyệt vời như "Moonlight" hay "Waldstein". Giai đoạn mà ông rung cảm con tim, tuy không nghe được, nhưng tưởng tượng ra và ghi lại nốt nhạc. Trong 3 năm từ 1801 đến 1803 ông cho ra 3 symphonies đầu tiên. Với sự chào đời của the Fifth Symphony, năm 1910 nhạc sĩ Ernst Hoffmann đem ra trình diễn ở Berlin, gây sự thành công rực rỡ cho ông cũng như gia tăng danh tiếng thêm cho Beethoven. Đến năm 1914 hầu như khắp Âu châu các chính khách đầy quyền lực và các khách thưởng ngoạn âm nhạc đều biết tên tuổi của ông, và họ càng thích nhạc của ông hơn. Năm 1812 ông cho ra bài đại hợp tấu số 7 (the Seventh Symphony) và bài số 8 ra đời sau đó không lâu. Trong giai đoạn mà Beethoven có những sáng tác sung mãn này, ba tác phẩm khác là Egmont (1810), Die Ruinen von Athen (1811) và Konig Stephan (1811) được chào đời. Các sân khấu âm nhạc Đức, Áo và các xứ khác tại Âu châu đón nhận những tác phẩm của ông một cách thật nồng nhiệt.
Hai bản đại hợp tấu nổi danh sau cùng của ông là Missa Solemnis, được làm để đón chào sự nhậm chức Tổng giám mục của cha Archduke Rudolf tại địa phận Olmutz, và bài đại hợp xướng số 9 (the Ninth Symphony known as the Choral Symphony). Thành công rồi lại thành công nối tiếp theo nhau. Khi đường danh vọng của ông càng lên cao thì ngược lại sức khỏe của ông lại càng sa sút, yếu kém. Ngoài chứng điếc tai, ông còn bị chứng viêm phổi và sưng gan hành hạ. Ông giã từ cõi đời ngày 26 tháng 3, năm 1827, hưởng dương 57 tuổi.
Nếu nhạc sĩ Mozart đã nghiễm nhiên trở thành một thần đồng lỗi lạc khi ông 5 tuổi rưởi. Mozart đã thành công hái ra tiền phụ giúp cha mẹ khi còn rất bé. Nhưng khi ông mất đi, Mozart lại là người nghệ sĩ rất nghèo. Đám tang ông rất khiêm nhường, ông được chôn cất trong khu nghiã trang của người dân nghèo. Tương phản, Beethoven khi nhỏ tài nghệ phát triển chậm hơn, điều này khiến cho cha ông thất vọng. Cuộc đời ông chịu nhiều khổ sở về gia đình, về tình ái, và bệnh tật lại theo đuổi ông. Nhưng ở cuối đời, ngày đám tang của ông được tổ chức thật linh đình, trọng thể. Đã có gần 20,000 quan khách tiễn đưa và bạn đồng nghiệp là nhạc sĩ Franz Schubert đứng ra đọc điếu văn từ giã một thiên tài trong âm nhạc.
Điều mà nhiều nhà xã hội học nhận xét về Beethoven là ông thương mẹ cha và hai em, dù là lúc nhỏ ông có bất đồng với cha khi người cha đòi hỏi ở ông một khả năng siêu việt, phi thường mà ông chưa có sẵn. Giới viết sử âm nhạc cho ông là người học nhạc và phát triển tài năng lẹ làng, vì từ 12 đến 17 tuổi ông đã đi đôi hia trong bước tiến nhảy vọt của mình. Điều đặc biệt đáng ghi nhận, Beethoven là người nhạc sĩ được liệt kê vào cả hai nhóm gồm nhóm nhạc cổ điển và nhóm nhạc lãng man. Tên tuổi ông lên ngay ở giai đoạn cuối của thời đại nhạc cổ điển và thực vậy ông cũng là người tiên phong đóng góp cho sự phôi thai của thời đại nhạc lãng mạn phát triển về sau.

Việt Hải

1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...