Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Cánh chim rừng không mỏi - Cái nhìn nhân văn về cuộc sống

CÁNH CHIM RỪNG KHÔNG MỎI- CÁI NHÌN NHÂN VĂN VỀ CUỘC SỐNG

Bùi Thị Hương Thảo

      So với những cây bút phóng sự “ gạo cội” như Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân….. cái tên Đỗ Doãn Hoàng - hiện là phóng viên phụ trách mảng phóng sự của báo Lao Động  nổi lên như một hiện tượng - một hiện tượng bền bỉ, ám ảnh và ấn tượng. Những phóng sự anh viết đã thể hiện một cách sâu sắc chuyện đời, chuyện nghề và câu chuyện của chính con người anh. Bạn đọc đã được biết đến một số tập ghi chép, phóng sự, bút ký của anh như: Trần gian còn một thứ nghề, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, 27 phóng sự xã hội, Kí sự đồng rừng, Nến cong và lửa thẳng, người đàn bà tử tế. và gần đây nhất, anh cùng với Nhà xuất bản Thanh Niên đã giới thiệu đến bạn đọc  tập bút kí - phóng sự mang tên Cánh chim rừng không mỏi.
Đọc Cánh chim rừng không mỏi của Đỗ Doàn Hoàng, ấn tượng ban đầu đến từ một lối viết chân thật, sống động và đậm chất nhân văn. Cả tập sách bao gồm 17 bài viết, mối bài viết là một mảnh đời, một số phận khác nhau, không đơn thuần chỉ là số phận của riêng con người mà có khi đó còn là số phận của hàng trăm cây rừng bị “ chém giết” không thương tiếc. Thông qua những câu chuyện về cuộc đời, số phận của các nhân vật trong  Cánh chim rừng không mỏi, tác giả đã tái hiện một cách chân thực nhất những góc khuất của xã hội, những mảng màu đen trắng đâu dễ gì ta biết được để từ đó góp lên tiếng nói cảm thông, bênh vực cho họ đồng thời cũng kêu gọi xã hội chung tay giúp đỡ. Một số phần hồi âm được in dưới bài viết chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động của bài viết đối với dư luận xã hội. Đó có thể là câu chuyện về “cặp vợ chồng già ngoài 90 tuổi cứ bình thản, tội tình chống lại bóng ma bệnh tật của mình để tiếp tục cơm bưng nước rót nuôi đứa con gái tật nguyền đã gần 40 tuổi” (“Lá vàng” không dám rụng).
Đó cũng có thể là câu chuyện về “thế giới cùng khổ, lấm láp giữa thiện và ác ở Sa Pa”  (Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa). Nếu không đọc Cánh chim rừng không mỏi của Đỗ Doãn Hoàng có mấy ai biết được rằng Hoa hậu xứ Mường -  Hà Thị Tẻo một thời xa hoa, lộng lẫy lại chết trong nghèo khổ, chết trong nhưng cơn vật vờ them thuốc phiện  (Lãng mạn với hoa hậu xứ Mường). Nạn phá rừng đã trở thành một thực trạng  nhức nhối của xã hội cũng được Đỗ Doãn Hoàng đề cập đến trong các bài viết: “Khóc rừng trên nóc nhà Đông Dương”, “Choáng váng với rừng ở Mường Nhé”, “Phá rừng triệu năm tuổi”.
Điều đặc biệt nhất của “ Cánh chim rừng không mỏi” là tác giả đã tái hiện rất thành công một thời kì thương đau của lịch sử dân tộc bằng một câu chuyện rất cảm động, rất nhân văn về quá trình hóa giải hận thù đã tồn tại 40 năm của một con người. Tác giả đã tìm đến “Tên cai tù tàn ác nhất lịch sử Việt Nam” để biết được rằng chiến tranh đẩy con người tàn ác đến thế chứ bản thân cai tù chưa hẳn đã muốn làm như vậy. Sau đó, tác giả lại đến gặp“Người về từ địa phủ” đề nói với ông rằng “dù gì thì tội ác, đau thương cũng đã qua đi. Dù gì thì cũng không thể lấy oán mà trả oán để ân oán chập chồng”. Cuối cùng, câu chuyện kết thúc một cách có hậu. Không còn ranh giới của sự thù oán, tất cả đều thanh thản. Đây mới thật sự là công việc của một nhà báo chân chính.
Để có được tập bút kí  - phóng sự “ chất lượng” như chúng ta có hôm nay, tác giả đã phải trăn trở, trải nghiệm rất nhiều. Có một điều nhiều người vẫn hay lầm tưởng rằng:  để viết được một tác phẩm bút kí - phóng sự hay đơn giản chỉ là việc giỏi phát hiện ra một đề tài nóng bỏng nào đấy của xã hội rồi cứ thế tường thuật lại trên trang giấy. Tuy nhiên, sự thật lại không hẳn như thế.  Cái hay của Cánh chim rừng không mỏi là ở chỗ tác giả đã tái hiện những câu chuyện rất “Đời” bằng “những con chữ biết nhảy múa, có sức lay động”. Đúng như chính tác giả đã tâm sự ở những trang cuối cùng của cuốn sách: “Một phóng sự hay không thể chỉ là cái việc người viết nói ra một sự thật bỏng rẫy nào đó, rồi cứ thế xuống dòng, kiến nghị cơ quan chức năng… Cái mà công chúng trông chờ nhiều nhất ở nhà báo, có lẽ vẫn là việc nhà báo xông pha, nhà báo sử dụng cái mà (cửa miệng) chúng ta vẫn quen gọi là quyền lực thứ tư của mình để làm việc gì đó thể hiện trách nhiệm công dân chân chính, trách nhiệm xã hội của người cầm bút”.






1 nhận xét:

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những...