Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Dòng sông ký ức

DÒNG SÔNG KÝ ỨC

"Nàng có ba người anh đi bộ

đội những đứa em nàng

có em còn chưa biết nói...."
      Ký ức tuổi thơ con tràn ngập trong những lời ru, câu hát và cả những bài thơ dài như Hai sắc hoa ti-gôn, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Màu tím hoa sim… mà Ba ngâm cho nghe mỗi tối. Khi Ba ngâm đến bài Màu tím hoa sim, con hay cắt ngang và sửa thành "... người anh đi bộ..." như thế. Ký ức tuổi thơ của con chỉ có Ba, từ nhỏ đã theo Ba, đến lúc lớn thêm một chút, có thể nhớ rõ ràng mọi việc thì mẹ có em, con bám theo Ba luôn từ đó, từ việc ăn uống, tắm gội, học hành gì cũng Ba. Vào lớp một, sáng sáng Ba vừa chải đầu, thắt tóc cho con vừa dặn dò kỹ càng mọi thứ trước khi đặt con lên xe đạp chở đến trường. Bây giờ con vẫn nhớ như in những lời dặn cẩn thận lặp đi lặp lại mỗi sáng của ba: phải chăm, không nghịch, phải nghe lời cô, rồi đến các tình huống đột xuất như nếu đang học mà mệt hay thấy đau ở đâu thì phải thưa cô ngay, .... Ngày nào cũng vậy, nghe đi nghe lại đến thuộc lòng, sao Ba nhắc hoài, giờ con cũng đã có con và hiểu tại sao ngày ấy Ba hay "nói nhiều" đến thế. Ba học cùng con theo từng lớp, hướng dẫn những bài khó, sửa từng chữ, từng câu, từng lỗi phát âm trong lời nói hàng ngày để khi viết chính tả khỏi bị sai, nên dù anh em con sinh ra và lớn lên ở miền quê này nhưng giọng nói thì có khác một chút với các bạn chung quanh. Rồi đến những bài thủ công cắt dán, vẽ hình, đan lát…, thế nào con cũng "rủ" Ba phụ góp ý tác phẩm, có những bài Ba phải góp công vào, xong ba chê chương trình dạy sao kỳ quá, mới nhiêu đây tuổi mà bảo phải làm những cái này...
Cứ thế, dẫu mẹ là giáo viên, nhưng chưa từng một lần con phải nhờ mẹ giúp, vì lúc nào con cũng đã có Ba, và chỉ tin tưởng mỗi Ba mà thôi. Tuổi thơ của con trôi qua êm đềm trong tình thương yêu của ba mẹ. lớn dần lên cũng những ký ức vẹn nguyên cho đến tận bây giờ. Giữa thời buổi sắn khoai nhiều hơn gạo, công sức lao động của Ba một ngày chỉ bằng hai ký lúa, lương đi dạy của Mẹ chỉ được hơn mười cân gạo mỗi tháng mà nhiều khi còn bị quy ra thành bắp hay bột mì. Vậy mà anh em con ngày nào cũng có cơm trắng để ăn, áo quần lành lặn để đến trường, có đủ dầu lửa để thắp đèn học bài mỗi tối, có được mái nhà vững chãi để ở, không bị đói rét là nhờ vào sự nỗ lực phi thường của Ba và Mẹ, đặc biệt là Ba, người đã mất trắng cả công việc, thu nhập, niềm tin, tương lai sau ngày đất nước thống nhất. Vì anh em con, Ba đã nén chặt lòng mình, vượt qua tất cả, gieo vào con suy nghĩ lạc quan, để con luôn thấy mình may mắn hơn nhiều người khác. Và may mắn nhất trong đời con là con đã có Ba, người bạn đã cùng con đi suốt một quãng đường, luôn sẵn lòng cho con tất cả mọi thứ.
Vậy mà con lại bỏ Ba ra đi vào cái ngày mưa gió ấy. Mưa gió tầm tã vậy mà sao con vẫn đi, có lẽ là số phận an bài như thế, tránh cho con giây phút phải đột ngột đối diện nỗi đau mất mát, chia lìa chăng? Đang nghỉ dưỡng bệnh suốt hơn hai tuần, chưa đi làm lại được, vậy mà sáng đấy con vẫn đội mưa vào Nha Trang học nghị quyết, hoàn toàn có thể xin vắng được, thế mà con cứ đi. Điềm xấu đã được báo trước vậy mà con không nhận ra, sáng bước chân xuống giường, té cái ầm, ngồi dậy ngẩn ngơ, không hiểu tại sao vì không vấp, chân không tê, tự nhiên lại đổ xuống giống như lúc ấy chân con không có, Ba nghe vậy xuýt xoa bảo con "lấy dầu xoa đi con, chai dầu nhỏ xíu bằng ngón tay đó", Ba có nhiều thuốc, dầu, chai dầu đấy hồi con đi Thái Lan mua về cho Ba, Ba rất thích dùng, nên Ba bảo con lấy. Và đấy là câu cuối cùng trong đời con nghe ba nói với con. Mẹ nói lại là ngày hôm ấy Ba cứ hỏi, trông chừng con về. Vậy mà sáng vội vã đi, chiều con lại về DK mà không về với Ba. Từ khi đau yếu, lúc anh hai còn ở xa, Ba luôn chờ con, có mệt đến mấy Ba cũng chờ con về đưa đi viện, vậy mà hôm đó ba không thèm chờ con và mãi mãi không còn chờ con nữa.
Dẫu sao cuộc đời cũng khéo sắp xếp, con vẫn còn được an ủi đôi phần. Đang làm việc tất bật, sáng đi tối về, đột nhiên con phải nghỉ bệnh nằm nhà, thời gian đấy Ba cũng không phải vào viện cấp cứu, thế là cha con mình đều được ở nhà cùng nhau suốt thời gian trước khi chia lìa vĩnh viễn.
Mất thì đau nhưng con cũng hiểu không thể giữ Ba mãi mãi, thôi đành dỗ lòng mình, nếu mình còn nhớ thì ba còn bên cạnh. Mẹ và mấy anh em con vẫn nhắc đến ba hàng ngày, nên dù cháu ngoại được sinh ra sau khi ba mất nhưng với cháu ông ngoại vẫn rất thân quen, gần gũi, cháu chỉ chính xác được di ảnh nào là của ông ngoại trong nhiều ảnh thờ trên bàn, lật album đám cưới mẹ, cháu mừng rỡ chỉ ông ngoại nè, các đồ dùng của ba vẫn được cháu xác định sở hữu trong lời nói hàng ngày như: tủ của ông ngoại, sách của ông ngoại...
Thời gian trôi đi, có nhiều thứ sẽ phai nhòa, con cũng đã quên đôi điều về quá khứ, nhưng dòng sông ký ức về Ba vẫn êm đềm chảy quanh đời con, ngân nga những điệu hát, lời thơ ngày cũ, bề bộn lo toan nào cũng trôi qua khi con tìm về dòng sông ấy. Dòng sông bắt nguồn từ khi con được sinh ra.                                     Trần Thị Phân






1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...