Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Kiên trì, khổ luyện, đam mê, khát vọng... làm nên Marie Curie


Kiên trì, khổ luyện, đam mê, khát vọng... 

làm nên Marie Curie

 NGUYỄN MẠNH QUANG
     Sinh trưởng tại Balan, trong thời kì xã hội phong kiến phụ thuộc, nhưng Marie Curie không cam chịu cảnh sống bị kìm hãm, trói buộc, thân phận thấp hèn, đã ra sức học tập, hướng tuổi trẻ vào lý tưởng cao cả, ước mơ trở thành một nhà hoá học, một nhà vật lý học lớn của nhân loại.

Maria Skłodowska-Curie (sinh ngày 7/11/1867 - mất ngày 4/7/1934) là người Pháp gốc Ba Lan. Tên tuổi của bà chói sáng trong lịch sử vật lý học và hoá học thế giới với hai lần nhận giải Nobel (Vật lý năm 1903 và Hóa học năm 1911).
Cuộc đời bà là những trang đầy mồ hôi, nước mắt và vinh quang. Nhớ đến bà, không chỉ riêng tôi, mà biết bao người trên thế giới này phải ngưỡng bởi nghị lực phi thường và chí hướng của một người phụ nữ đam mê khoa học.
17 tuổi - làm nghề gõ đầu trẻ
Ngày 12/6/1883, tốt nghiệp trung học với thứ hạng nhất, Marie (lúc đó là Mania) từ giã mái trường trung học ở đại lộ Cra-cô-vi, khoác tay bố, ông rất tự hào về thành tích học tập của con gái.
Thời kì này, nước Balan chịu ảnh hưởng to lớn của Nga Sa hoàng nên thẳng tay đàn áp những phần tử cách mạng ái quốc, đày ải, cầm tù họ. Trong hoàn cảnh ấy, cô bé Marie chỉ mới 17 tuổi đã cùng với chị gái Brô-ni-ca tham gia dạy trong trường "đại học di động".

Những lớp học bí mật được mở, tránh sự truy quét của bọn mật thám. Marie nhận nhiệm vụ đọc sách cho những nữ công nhân ở một xưởng may.
Khi xong hết những giờ ôn tập cho các học trò ở ngoài phố, những bài học cho các công nhân ở các xưởng và những giờ học lén lút về giải phẫu học ở trường "đại học di động", thì cô đóng cửa ngồi trong buồng, đọc và viết.
Marie Curie
 (Nguồn ảnh: Academy of Achievement)
Sau những tháng ngày hoà mình vào những buổi dậy ấy, Marie đã nghĩ đến sẽ sang Paris du học. Nhưng tiền đâu mà đi? Sang đó mình sẽ sống ra sao? Tất cả làm cô đắn đo. Nhưng mình sẽ có tiền để đi. Mình sẽ làm gia sư để kiếm tiền. Nhất định mình sẽ làm được.
Một buổi sáng tháng 9/1885, Marie tới trung tâm giới thiệu việc làm. Gặp bà giám đốc, cô bé đã gắng ăn mặc để già trước tuổi, nhưng vẫn không sao che giấu nổi vẻ thơ ngây của cô gái sắp 18 tuổi:
- Cô cần gì?
- Tôi tìm 1 chỗ dạy học tư...
- Cô thạo tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Ba-lan và tiếng Anh phải không?
- Thưa bà vâng. Tôi vừa mới ở trường trung học ra với huy chương vàng.
- Thế ý cô thế nào?
- Bốn trăm rúp một năm và bảo đảm ăn ở....
- À, thế cô bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- 17 tuổi.
Cô bé đỏ bừng mặt và nói tiếp với một nụ cười:
- Sắp 18 tuổi rồi.
Buổi phỏng vấn thành công ngoài mong đợi, để rồi 4 tháng sau đó, cô chính thức rời xa gia đình đi làm gia sư cho nhà ông bà D. Xduy-ki, một chủ điền ở nơi cách xa quê hàng trăm cây số.
Và Marie đã làm ở đây suốt 3 năm trời. Vẫn những thói quen như ngày nào, cô hăng say dạy cho lũ học trò nhỏ của mình những kiến thức cô có. Tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh, Marie lại say mê đọc và nghiên cứu nhiều loại sách.
Mỗi tháng, Marie gửi cho chị Brô-ni-a 15 rúp để góp sức cùng cha nuôi chị ăn học ở Paris. Và trong huyết quản của cô gái trẻ ấy, ngọn lửa đến Paris vẫn cháy mãnh liệt.
1,3 rúp/ngày học đại học
Năm 1892, Marie đến Paris học ở trường đại học Sorbonne với số tiền có được chỉ 40 rúp/tháng. Trong khi đó, bao nhiêu thứ tiền phải chi: nào tiền nhà, tiền ăn, tiền quần áo, tiền sách vở, tiền ghi tên ở đại học... Đó là bài toán vô cùng khó giải. Nhưng bao giờ Marie cũng tìm thấy đáp số: Đó là tạo cho mình một cuộc sống khắc khổ...
Phòng trọ của cô rẻ tiền và thiếu tiện nghi. Đó là một gian buồng không có điện, không có nước và không đun nấu... chỉ có duy nhất chiếc lò sưởi giúp chống lại mùa đông giá lạnh với giá 20 quan/tháng.
Để tiết kiệm đến mức có thể, dù thời tiết có buốt giá đến mấy, Marie cũng chọn giải pháp đi bộ đến trường để khỏi phải tiêu thêm tiền đi xe buýt. Cô không cho phép mình có cảm giác rét để khỏi phải mua thêm than. Vì thế, cả mùa đông cô chỉ dùng một bao tải than.
Cô cũng hạn chế đốt đèn. Tối đến, cô sang thư viện Xanh Giơ-nơ-vi-e-vơ, ở đó có đèn sáng, ấm áp.
Cứ thế, cô gái Balan nghèo, hai tay ôm đầu, có thể làm việc cho đến 10h đêm, mãi đến khi thư viện đóng cửa.
Về nhà, cô chỉ cần đủ dầu để thắp đèn đến 2 giờ sáng, học cho đến khi mắt đỏ hoe lên vì nhọc, cô mới rời sách, lăn vào giường ngủ.
Trong sinh hoạt hàng ngày, cô không bao giờ vào cửa hàng thịt, cửa hàng ăn vì giá đắt. Cả tuần, cô chỉ ăn bánh mì phết bơ và uống nước chè. Đến nỗi, có lần cô ngất xỉu ở trên lớp.
Sống như vậy, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, nhưng Marie vẫn say mê học tập vì sự tiến bộ của mình. Cô tự nghĩ mình có thể đọc được tất cả những cái gì mà người đời khám phá ra.
Cô theo học các lớp toán, lý, hoá. Cô dần làm quen với kỹ thuật thực hành khoa học. Có một bằng cử nhân chưa đủ, Marie quyết định thi 2 bằng, bằng cử nhân toán và bằng cử nhân vật lý.
Và ông trời đã không phụ công của người có chí: sau ba năm học tập, cô đã đỗ đầu trong kỳ thi ra trường và được cấp bằng Cử nhân Khoa học năm 1893 và năm sau, đậu thứ nhì trong kỳ thi lấy văn bằng Cử nhân Toán.
Chất Radi - Cuộc "truy tìm" không mệt mỏi
Marie và chồng Pierre Curie. Ảnh: atomicarchive.com
Cuối năm 1987, Marie vừa mới ở cữ xong đã trở lại làm việc. Tuy phải đảm trách công việc của một người vợ trông nom nhà cửa, chăm sóc con nhỏ... nhưng bằng nghị lực và sự cố gắng phi thường, Marie đã tìm ra chất Radi, phát minh quan trọng bậc nhất trong khoa học hiện đại.
Với tính ham học hỏi và tìm hiểu cặn kẽ mọi vấn đề, bà đã đọc đi đọc lại công trình nghiên cứu của nhà vật lý học Hăng-ri Bếch-cơ-ren công bố năm 1896. Trong công trình đó, ông đã nghiên cứu chất Urani và phát hiện ra rằng các muối urani tự toả ra, không cần tác dụng của ánh sáng.
Để rồi, hàng loạt những dấu hỏi hiện lên trong đầu nhà nữ bác học này. Bà tò mò, không biết đâu là nguyên nhân của hiện tượng phát quang ấy; năng lượng ấy ở đâu mà ra... Và chính từ đây, bà bắt đầu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm và gian lao!
Điều làm tôi khâm phục chính là tinh thần không ngại khó, ngại khổ của Marie. Hoàn cảnh có khổ ải như thế nào cũng không thể ngăn nổi bà trên con đường chinh phục cái mới.
Khi bắt đầu con đường tìm kiếm lời lí giải cho những thắc mắc, bà đã gặp bề bộn những khó khăn. Nhờ vảo các mối quan hệ, nhưng Marie cũng không thể tìm cho mình một phòng thí nghiệm ưng ý.
Cuối cùng, ông hiệu trưởng trường đại học Sorbonne cũng đồng ý để bà sử dụng một gian nhà kho của trường làm nơi thí nghiệm. Đó là một gian phòng bề bộn, ám khói, vừa dùng làm kho chứa hàng, vừa dùng để trang bị kĩ thuật.
Dù vậy,  nữ bác học không hề nản lòng. Dù trang thiết bị thiếu thốn và môi trường làm việc chật hẹp, nhưng với chuỗi ngày dài đắm say với những thí nghiệm, cuối cùng bà cũng đã có được những kết quả hết sức khả quan.
Trong bài tường trình khoa học đăng báo Khoa học ngày 12/4/1898, bà viết:"Hai quặng Urani: ôxít Urani và phốt-phát Urani có hoạt tính hơn Urani nhiều, hiện tượng ấy rất đáng chú ý làm cho tin tưởng rằng các quặng ấy có thể chứa đựng một chất có hoạt tính hơn Urani nhiều".
Và bà đã tự chứng minh rằng chất ấy nhất định phải có. Nó phải là một chất hoàn toàn mới.
Từ đây, khi nghiên cứu đã có kết quả ban đầu, chồng bà, ông Pierre, một nhà vật lý học nổi tiếng đã gác mọi công việc lại để dốc sức cùng với vợ mình tìm ra chất mới.
Hai đôi bàn tay, hai khối óc đã làm cho sức làm việc tăng lên gấp đôi. Và đôi vợ chồng phi thường này đã khiến giới khoa học phải sửng sốt khi công bố báo cáo tiếp theo vào ngày 26/12/1898.
Trong báo cáo, họ viết: " ...Những lý do mà chúng tôi vừa kể trên cho phép chúng tôi tin rằng chất phóng xạ mới chứa đựng một nguyên tố mới, mà chúng tôi dự định đặt tên là Radi..."
Nhưng cho đến thời điểm đó, chưa một nhà khoa học nào được trông thấy Radi cả. Chưa ai biết trọng lượng nguyên tử của chất Radi. Giới các nhà hoá học, họ nói rằng họ chưa tin có sự tồn tại của chất ấy. Trừ khi vợ chồng bà Marie chỉ cho họ thấy chất Radi trước mắt họ.
Và thế là, ông bà Marie lại phải cật lực làm việc suốt hơn 4 năm nữa.
Marie Curie với các con, bên phải là con gái lớn Irene Joliot-Curie, người sau này cũng giành được một giải Nobel. Ảnh: munich-photonics.de
Gác sang một bên hạnh phúc gia đình, bà Marie cùng chồng lại miệt mài với hàng ngàn thí nghiệm trong gian phòng chật hẹp, ẩm ướt trước kia. Hoàn cảnh bắt buộc họ phải như thế.
Về sau, bà kể lại: "Chúng tôi không có tiền, không có phòng thí nghiệm và không có người giúp việc để làm cái công việc quan trọng và khó khăn ấy... Tuy nhiên, chính ở trong cái nhà kho cũ kỹ và nghèo nàn ấy mà những năm trời tốt đẹp nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc sống của chúng tôi đã qua đi hoàn toàn dành cho công việc.
Nhiều khi tôi nấu ăn tại chỗ để khỏi phải ngừng một vài động tác cực kỳ quan trọng. Nhiều khi tôi dành cả ngày để quấy một chất đang sôi, bằng một cây gậy sắt cao ngang tầm người, đến đêm tôi mệt rã người ra..."
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, 1 năm, 2 năm... rồi 3 năm, nhưng bà và chồng không hề nản lòng. Chất Radi càng bí mật, càng tìm lại càng lặn mất tăm, lại càng cuốn hút họ lao vào làm việc cật lực hơn.
Khi công việc đã tiến gần tới đích, chồng bà hình như không còn đủ kiên nhẫn. Ông khuyên Marie tạm dừng ở đây.
Nhưng làm sao có thể tạm dừng? Bản tính tìm hiểu đến cùng vẫn mãnh liệt cháy trong Marie, bà quyết tâm sẽ đi đến cùng dù con đường phía trước có gian lao, lâu dài tới đâu.
Trời không phụ lòng người, mất gần 4 năm sau ngày bà Marie cùng chồng báo cáo sự có mặt của chất Radi, Mari eđã chiến thắng trong cuộc phiêu lưu đầy khổ ải ấy. Bà đã làm ra được 1/10 gram Radi nguyên chất, và bà đã tính ra trọng lượng nguyên tử của chất mới đó là 225.
Từ đây, các nhà khoa học bấy lâu nay vẫn nghi ngờ nghiên cứu của Marie đã cúi đầu trước sự cố gắng phi thường của một phụ nữ. Chất Radi chính thức được xác nhận sự tồn tại.
Mới 38 tuổi đã goá chồng, bà phải nuôi 2 con nhỏ và chăm sóc bố chồng 80 tuổi. Dù đau khổ vì cảnh mẹ goá con côi, nhưng bà đã vượt qua tất cả để đảm nhận trọng trách thay chồng một cách xuất sắc. Đồng thời tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học, không ngừng phát triển tri thức của mình.
"Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí..." (Nikolai Alexeevich Ostrovsky - Thép đã tôi thế đấy). Marie Curie chính là một người như thế, không bao giờ chấp nhận sống hoài, sống phí. Và bà viết lên những trang sử huy hoàng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phụng sự nhân loại.
Nhân loại sẽ mãi ghi nhớ công lao của bà - một nữ bác học lừng danh!.









1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...