Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Thương khói lam chiều

Thương khói lam chiều

Ngày nhỏ, tôi là một đứa con nít mê khói. Suốt một tuổi thơ ruộng đồng, khói phủ tràn ngập tâm hồn tôi, cay xè đến tận tâm can những sợi khói nhỏ ấp iu những buồn vui. Cứ sau vụ gặt, cánh đồng lúa vàng hôm nào trước ngõ nhà chỉ còn trơ gốc rạ. Nắng vài hôm, đám gốc rạ ấy khô lại, chúng tôi bứt rạ dồn thành từng đống nhỏ rồi đốt. Lửa rơm cháy phần phật, gặp gió phất lên cao một màu vàng rực.
Và khói, khói như mây nhỏ tỏa ra từng đụn nồng nàn mùi bùn đất phù sa, mùi phân chuồng, sương mai, và mùi nắng gió những ngày vắng mưa. Quanh đống gốc rạ cháy bỏng ấy, chúng tôi nhảy múa và ca hát những lời đồng dao đến khản cổ, mồ hồi, mồ kê ra đầm đìa áo quần. Khói hắt lên mặt, lên mắt mũi cay xót một niềm thích thú kỳ lạ. Có đứa nghịch còn lén cho ớt bột vào đám lửa, cả lũ ho sặc sụa, vấp ngã dúi dụi xuống chân ruộng ẩm ướt, còn đọng những vuông nước mưa nhỏ. Để cho đám cháy tỏa nhiều khói, cả bọn tỏa ra đi tìm những đám lúa lép, đổ dồn quanh đám lửa. Lúa lép gặp lửa già, nổ lép bép, tỏa một thứ khói un hương thơm mùi cơm cháy nấu bằng trả đất. Đốt rơm ngày lên đồng là một trò chơi thú vị nhất của tuổi thơ nghèo khó. Chúng tôi gần như tự do giữa một cánh đồng mênh mông, chỉ có trời xanh cao vời vợi, chỉ có nắng mênh mang và gió nồm thổi lồng lộng đến tận chân trời xa hút. Nếu bắt được cá hay lượm được trứng vịt đẻ sót trên ruộng, thì lấy lúa non đắp quanh rồi nướng vùi trong đám lửa đang cháy rần rật. Cá và trứng chín, đập bỏ phần bùn đã thành đất nung, bẻ chia nhau miệng đứa nào cũng đầy tro than đen nhẻm. Có nhớp nháp thì còn đó con sông làng bốn mùa nước xanh trong mát rượi. Chỉ cần nhảy ùm xuống bơi vài chục sải tay là người sạch làu làu.

Không gì đẹp bằng những buổi chiều mùa hè khi mặt trời chưa tắt, bóng khói lam chiều, tỏa ra từ những mái bếp tranh nghèo. Giữa bầu không gian tịch mịch, khói bếp như là hình ảnh sinh động, sự sống duy nhất làm cho tạo vật mờ ảo hơn. Ngọn khói mỏng có lúc leo lét như một ánh lửa nhỏ, bò dọc theo lưng mái tranh đẫm sương chiều, rồi gặp gió bung ra bãng lãng thành một vùng lớn lam nhẹ lơ lửng trên trời cao. Ký ức tuổi thơ tôi khó có thể quên hình ảnh đẹp như một bức họa ấy. Từ con đường nhỏ rợp bóng tre xanh, phóng tầm mắt về tận cuối làng chỉ thấy độc một màu khói lam chiều bãng lãng trên những mái tranh. Màu khói thiết tha nhung nhớ đến thắt lòng. Ký ức ngủ yên bỗng như con chim trời trỗi dậy giang đôi cánh rộng đập thảnh thốt vào giữa vùng nhớ ngày xưa. Nhờ gì như nhớ làng quê : cánh đồng, con đường nhỏ và một bầu trời quang đãng. Ở đó, trong bóng khói lam chiều tà có mẹ, qua tháng năm hao gầy vẫn bên trời một vóc hạc xương mai.
Bóng mẹ nhạt nhòa trong ngọn khói lam chiều khiến lòng xót xa. Như thể bóng khói lam dịu buồn trong ký ức là hình ảnh mẹ trong một hiện thân của cõi vô thường. Sự tương cận của hình ảnh khói lam chiều và dáng mẹ, chợt cận nhân tình và bao trùm lên quê hương. Sợi khói nhỏ nhoi mà huyền hoặc ấy đã chuyển tải trọn vẹn một thông điệp sầu nặng của tâm hồn : dẫu đã từ giã tuổi thơ ruộng đồng, nhưng chưa một ngày tôi xa những sợi khói lam chiều, xa cõi ngày xưa với biết bao thương nhớ. Và quê nhà xa lắc bất chợt trở về mỏng manh một sợi khói nhỏ vướng vào mắt cay xè.
Nguyễn Xuân Hoàng





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...