Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Chân dung nhà giáo: Ba mươi năm ấy biết bao là tình...

Chân dung nhà giáo: Ba mươi năm ấy 

biết bao là tình... 



                Vừa tròn 30 năm, kể từ lần đầu tiên tôi được biết thầy. Ba mươi năm,   khoảng thời gian chưa dài song không phải là ngắn. Nó đủ cho ta trải nghiệm và nhận ra bao điều đáng nhớ đáng quên trong cuộc sống xô bồ, đầy bon chen tục lụy này.

ên.Năm 1983, tốt nghiệp Sau đại học tại khoa Văn trường đại học Sư phạm Vinh, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, và được giao chuẩn bị phần văn học Ấn Độ, Lào Căm Pu Chia. Với tôi, quả là một thử thách, bởi trước đó tôi được đào tạo để dạy văn hóa, văn học dân gian. Được thầy Từ Đức Trịnh, trưởng bộ môn Văn học nước ngoài, thầy Hoàng Tiến Tựu chủ nhiệm khoa động viên, khích lệ, tôi hăm hở dấn bước mà tuyệt nhiên chưa hình dung được về tương lai sẽ như thế nào.
Trước đó không lâu thầy Phùng Văn Tửu vào thỉnh giảng tại khoa Văn đại học Sư phạm Vinh. Qua thầy Phùng Văn Tửu, tôi được biết ở khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội, thầy Lưu Đức Trung đang thiết kế chương trình và biên soạn giáo trình Văn học Ấn Độ. Thầy Từ Đức Trịnh, thầy Hoàng Tiến Tựu đã nhờ thầy Phùng Văn Tửu giới thiệu tôi với thầy Lưu Đức Trung. Vậy là từ đây, trong tôi đã có thêm một người thầy mới, một người thầy mà đến nay tôi đã gắn bó suốt 30 năm trời.  Âu đó là cơ duyên.

Tháng 3 năm 1984, tôi ra Hà Nội gặp thầy, xin thụ giáo. Cầm lá thư giới thiệu của Thầy Từ Đức Trịnh tôi rụt rè gõ cửa phòng 76/ nhà D6 khu tập thể Giảng Võ. Mở cửa đón tôi là một người thầy nhỏ nhắn, ngước nhìn tôi với một ánh nhìn ấm áp, gần gũi như đã thân quen từ trước. Bao hồi hộp, lo âu, rụt rè của một chàng trai tỉnh lẻ ở tôi đã vợi đi. Đọc lá thư thầy Từ Đức Trịnh gửi, thầy cho tôi biết là đã được thầy Phùng Văn Tửu thông báo khoa Văn trường đại học Sư phạm Vinh có ý định gửi tôi nhờ thầy bồi dưỡng chuyên môn. Sáng đó, tôi ngồi nghe thầy nói về những dự định và cả định hướng cho công việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Ấn Độ ở các trường đại học. Quả tình lúc đó tôi chỉ biết nghe, và chưa có một ý niệm rõ ràng về tương lai. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là sự gần gũi, chân tình, nhân hậu, say mê công việc. Điều đó đã cho tôi niềm tin để dấn bước trên con đường đầy chông gai thử thách. Dưới sự hướng dẫn của thầy, tôi đã vào thư viện trường đại học Sư phạm Hà Nội làm thẻ, lên thư viện làm danh mục tài liệu tham khảo và bước đầu tiếp xúc với một vài bài viết về văn hóa, văn học Ấn Độ của Cao Huy Đỉnh, Đào Xuân Quý. Một phần do công việc, thêm vào đó, việc ăn ở khó khăn, tôi lưu lại Hà Nội không lâu. Tuy nhiên, con đường chuyên môn phía trước của tôi dường như đã khá rõ ràng.
Tháng 5/1985, khoa Văn trường Đại học sư phạm Vinh mời thầy vào thỉnh giảng cho sinh viên khóa 24. Tôi đón thầy ở Vinh lòng tràn ngập niềm vui, pha chút tự hào với sinh viên và những đồng nghiệp trẻ trong khoa. Nhà trường đã mời thầy về phòng khách, dù không khang trang nhưng khá thoải mái và tiện nghi hơn rất nhiều so với khu tập thể giáo viên. Thật bất ngờ, thầy đã cảm ơn sự chu đáo của nhà trường và bày tỏ nguyện vọng về ở với gia đình tôi trong khu tập thể giáo viên. Với vợ chồng tôi, đó là niềm vui xen lẫn với nỗi lo trước nghĩa cử ấy của thầy.
Ngày đó, vợ chồng tôi ở trong căn phòng 12 m2 của khu tập thể giáo viên. Nắng, nóng, gió Lào, thiếu nước... quả là trăm bề thiếu thốn, khó khăn. Thầy đã sống với vợ chồng tôi như thế trong vòng một tuần lễ. Lần đầu tiên được gần thầy, sống với thầy trong một căn phòng nhỏ, tôi đã cảm nhận được ở thầy một thứ tình cảm đặc biệt. Vừa là tình nghĩa thầy trò, vừa là tình bố con, đồng nghiệp... Mỗi buổi sáng ngồi nhâm nhi chén chè ướp hương hoa nhài, thầy lại nhìn vợ chồng tôi bằng ánh mắt trừu mến. Tôi cảm nhận được trong ánh nhìn ấy ẩn chứa bao điều thầm kín, riêng  tư... Chuyến công tác kết thúc, chúng tôi tiễn thầy ra xe về Hà Nội. Một tuần sau, tôi nhận được thư thầy, lá thư đề ngày 20/5. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được thư thầy, một lá thư dài 8 trang được viết với nét chữ mềm mại, chan chứa tình cảm. Thầy viết: “chiếc xe khách rời bến, thầy ngoảnh lại nhìn thành phố Vinh lần cuối, đưa mắt tìm hai em để chào tạm biệt lần nữa, nhưng bóng hai em đã lẫn vào sương tan... có cái gì đó làm cho thầy bồi hồi xao xuyến. Một tình cảm cha con, một tình nghĩa thầy trò đọng lại trong ký ức...”.
Kể từ đây, tôi đã trở thành học trò của thầy, bên cạnh các anh, chị đang học Sau đại học, chuyên ngành Văn học nước ngoài ở trường đại học Sư phạm Hà Nội. Mấy tháng sau, tôi được thầy cho phép ra Hà Nội theo học hai chuyên đề của thầy và thầy Nguyễn Tấn Đắc. Tôi học được ở thầy nhiều điều, không chỉ những kiến thức chuyên môn, mà còn bao điều nằm ngoài sách vở. Năm 1989, tôi được nhà trường cử ra Hà Nội ôn thi nghiên cứu sinh đi học nước ngoài. Đây là thời gian tôi về ở với thầy trong căn hộ nhỏ thân quen bên bờ hồ Giảng Võ. Đó là những tháng năm gian khó, không chỉ với riêng tôi.
Mùa đông năm đó, Hà Nội dường như lạnh hơn mọi năm. Trong căn phòng nhỏ ở gác 5, thầy đã nhường cho tôi chiếc giường nhỏ phía ngoài để ngủ và tiện cho việc đọc sách. Khát vọng đổi đời, thêm vào đó là ý thức khẳng định mình, đã giúp tôi có ý chí, nghị lực để vượt qua thiếu thốn, vất vả. Nhiều đêm vừa chợp mắt, tôi đã thấy đèn trong phòng thầy bật sáng. Thầy lặng lẽ vào bếp chuẩn bị bửa ăn sáng cho hai thầy trò. Thầy không muốn tôi thức dậy sớm, vì biết đã nhiều đêm tôi mất ngủ. Dạo đó, Hà Nội thường mất nước, nhất là ở các tầng 4,5 của các chung cư như ở Giảng Võ. Thường là vào khoảng 3 giờ sáng thầy, trò lại phải thức dậy, xuống tầng 3 xách nước.
Nhiều đêm mệt, tôi ngủ quên,   thầy đã lặng lẽ làm công việc nặng nhọc ấy mà không một lời trách cứ. Sáng sớm khi tôi tỉnh dậy, hai thùng phi trong bếp đã đầy ắp nước, còn thầy đang lúi húi chuẩn bị bữa sáng, chờ tôi. Vốn không phải là người đa cảm, song quả thực những lúc ấy tôi xúc động vô cùng. Tôi cảm nhận được ở thầy một thứ tình cảm thiêng liêng của những người ruột thịt. Và cho đến bấy giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ấy. Để khỏi phụ lòng thầy, sau hai vòng thi ở Bộ Giáo dục và Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp, tôi đều đạt kết quả cao. Song, do nhiều lý do, tôi đã không được ra nước ngoài học tập. Việc đèn sách của tôi bị gián đoạn. Buồn, chán, và thất vọng, tôi trở về Vinh trong cái nhìn nặng trĩu ưu tư của thầy. Thời gian đó, chuyên ngành văn học Ấn Độ chưa có mã ngành nghiên cứu sinh trong nước. Tôi được gợi ý chuyển sang mã ngành khác, song tôi đã từ chối. Trong những lý do để tôi từ chối, có lý do tôi không muốn xa thầy, tôi muốn đi theo con đường mà thầy đã khai mở.
Mấy năm sau tôi được chuyển vào làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học châu Á ở khoa Văn trường đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy là một trong hai người hướng dẫn tôi. Tôi không phải là nghiên cứu sinh đầu tiên, và không hẳn là “môn đệ” được thầy kỳ vọng nhiều nhất. Song, tôi là nghiên cứu sinh nam duy nhất trong số 5 người thầy hướng dẫn. Những lần gặp gỡ, những cuộc trao đổi đã giúp tôi hiểu hơn về tình cảm của thầy giành cho tôi. Đó không chỉ là tình cảm thầy trò, đồng nghiệp mà còn là tình bạn vong niên. Tình cảm ấy, lối ứng xử ấy của thầy đã khiến tôi xúc động và có thêm tự tin trong công việc giảng dạy, nghiên cứu của mình. Chút ít thành công tôi có được trong nghiên cứu, giảng dạy trong mấy chục năm qua đều gắn liền với tình cảm ấy, thái độ ấy của thầy.
Đã nhiều đêm nay tôi ngồi đọc lại những bức thư thầy gửi cho vợ, chồng tôi trong ba mươi năm qua. Với gia đình tôi, hơn 20 bức thư thầy gửi  là kỷ vật, được nâng niu gìn giữ cùng với những bức ảnh của thầy dù có bức đã phai màu theo năm tháng. Có những lá thư tràn ngập niềm vui, cũng có lá thư ngổn ngang nỗi niềm, buồn vui lẫn lộn... song tất cả đều chan chưa yêu thương, sâu nặng nghĩa tình. Trong lá thư đề ngày 20/12/1989 thầy đã viết “Hạnh là lớp con cái của mình, nhưng Hạnh lại là đồng nghiệp của mình, là bạn vong niên của mình”. Một tình cảm như vậy, một cách hành xử như vậy, quả không dễ gì có được. Đi qua bao thăng trầm, buồn vui, tôi đã nhận ra rằng, mọi cái rồi sẽ qua đi, chỉ tình người và sự yêu thương còn lại. Với tôi thầy – Phó giáo sư, nhà giáo ưu tú Lưu Đức Trung là người như vậy.
       Vinh, ngày cuối thu, 2013
 Nguyễn Văn Hạnh 
PGSTS. P. Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Vinh.






1 nhận xét:

Bích Khê trong trường thơ loạn

Bích Khê trong trường thơ loạn Ra đời tại Bình Định, trường thơ Loạn đã thu hút những tài năng nghệ thuật, đặc biệt tạo ra một dòng thơ lạ...