Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre

Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre
Thiên nhiên ai cũng biết vừa hiền hòa vừa khắc nghiệt. Con người vừa nhận sự ưu đãi của thiên nhiên vừa phải tìm cách cải tạo và chế ngự thiên nhiên để tồn tại. Mấy thế kỷ gian khổ tạo dựng nên mảnh đất vườn, con người phải lao động cật lực và đổ ra biết bao nhiêu công sức. Họ lớn lên từ đối phó, tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Hoạt động vật chất là cơ sở sáng tạo văn hóa, nhưng hoạt động văn hóa lại có vai trò thúc đẩy hoạt động vật chất phát triển.
1.
Đất Bến Tre là đất cù lao, cuối sông, cận biển. Đất phù sa từ sông Cửu Long bồi đắp mỗi năm một ít, trải qua nhiều thế kỷ, cùng với sức lao động của con người, cồn bãi hoang vu mới trở thành vườn tược, đất đai trù phú như ngày nay.
Toàn bộ địa hình Bến Tre là ba cù lao bằng phẳng có độ cao từ 2 đến 3 mét trên mặt nước trung bình. Phần có độ cao ở về phía Đông Nam, gần biển. Đất thấp dần về phía Bắc - Tây Bắc, thấp nhất là triền sông Tiền và các triền sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Cửa Đại từ đầu nguồn đổ xuống.
Kiến tạo tự nhiên của địa hình Bến Tre thuở xa xưa tính từ đầu nguồn trở xuống là đất phù sa trầm thủy cặp ven sông, rừng rậm, giồng cát, rừng ngập mặn và bờ biển trên là bãi cát dưới cửa sông là cát lẫn với phù sa.
Ngày xưa, từ vị trí ba cù lao của Bến Tre có thể đến miền Tây và miền Đông Nam Bộ bằng ghe thuyền đi sông, ra miền Trung và xuống vùng mũi Cà Mau bằng ghe thuyền đi biển. Ngược lại từ miền Trung vào, miền Đông xuống và miền Tây lên người ta cũng sử dụng những phương tiện tương tự. Từ khi có tàu thủy, sự giao lưu càng thuận tiện và tấp nập hơn nhiều.
Đặc điểm địa lý nầy của Bến Tre có liên quan trực tiếp đến nguồn gốc cư dân và quá trình khai phá những cù lao hoang vắng trở thành đất đai xóm làng trù phú như ngày nay. Người khai phá và cải tạo đất. Đất đai và cuộc sống hình thành trên đó, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội hình thành tính cách con người. Mối quan hệ cụ thể giữa con người và con người, lao động và môi trường, môi trường và cuộc sống quyết định các hoạt động kinh tế và sinh hoạt văn hóa có tính phổ biến đồng thời vừa có tính đặc thù.
Từ thuở xa xưa phần lớn các cù lao còn ngập nước. Nhiều vùng rộng lớn là đất trầm thủy, nê địa. Rừng bụi hoang vu, sông rạch chằng chịt, muỗi mòng, thú dữ (cọp, trăn, rắn, sấu, heo rừng...) từ đầu cù lao xuống đến bờ biển nơi nào cũng có. Những tên đất, tên sông thuở ông bà mới đặt chân đến khai phá đất cù lao còn lại cho đến nay như: Giồng Hổ, Giồng Heo, Giồng Rọ, Rạch Mây, Rạch Cái Gấm, Cái Trăn, Cái Sấu, Chẹt Sậy, Tắt Hang Chuột, Ngã Ba Lạc, v.v... đã nói lên tình trạng hoang dã của thuở xa
xưa ấy.
2.
Theo những tài liệu mà chúng ta được biết, cư dân người Việt bắt đầu đến khai phá các cù lao ở Bến Tre vào khoảng thế kỷ XVII. Đến giữa thế kỷ XVIII thì đã có ấp trại, xóm làng tương đối đông đúc. Đầu tiên, người ta chọn những nơi có thế đất cao ráo và có nguồn nước ngọt để cư trú và sản xuất. Đất giồng có lợi thế là cao ráo dễ khai thác, có nguồn nước mưa và nước ngầm (tức nước giếng mà độ sâu chỉ đào xuống đất khoảng 2 - 3 mét), trồng được hoa màu ngắn ngày, khí hậu tương đối ít độc địa hơn vùng rừng rậm, nê địa. Giồng là nơi lớp người đi trước có điều kiện trụ lại, tổ chức cuộc sống và tiếp tục tiến hành khai thác các vùng còn hoang vắng. Từ thế đứng trên đất giồng, người ta tiến hành khai hoang phá rừng mở ruộng cấy lúa, hoặc cấy lúa xen với trồng màu và tiến xa hơn nữa cuộc chinh phục thiên nhiên đi tới các vùng rừng rậm còn đang ngập nước, cồn bãi theo ven rạch, triền sông. Mục tiêu sau cùng nầy đòi hỏi nhiều thou thách, công sức và sáng kiến của người dân khai phá và từ đó đất cù lao phát sinh một vùng kinh tế quan trọng: đất vườn.
Trải qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm tiếp xúc với thiên nhiên vùng đất mới, con người đã rút ra những kết luận quan trọng: Đất cù lao là đất phù sa. Vùng ngập nước ven rạch, ven sông là nơi lắng đọng phù sa màu mỡ nhứt. Đất cù lao không cao hơn mặt nước, nhưng dòng chảy của các con sông lớn theo chế độ bán nhựt triều, ngày đêm hai con nước lớn ròng, con người có khả năng cải tạo vùng nê địa thành đất trồng trọt có đủ nước tưới thường xuyên mà không sợ ngập úng.
Sáng kiến đào mương, lấy mương đắp liếp, mương càng sâu liếp càng cao, đã tạo ra một cảnh trạng mới. Vùng ngập nước lùi dần, mương và liếp mở rộng nhanh chóng ở các ven rạch, ven sông, nghề vườn xuất hiện. Đầu tiên vườn còn là kinh tế gia đình, vườn bao bọc xung quanh nhà ở, về sau vườn phát triển lên thành vùng chuyên canh.
Nếu như trên giồng thích hợp với các loại hoa màu long thực, dâu tằm, bông vải, dưới ruộng là cây lúa nước, thì ở trên liếp vườn lại rất thích hợp với các loại hoa quả miền nhiệt đới. Đầu tiên người ta trồng trên liếp vườn các loại cây ăn trái chủ yếu là dừa, cau, chuối, sau đó di thực các loại cây ăn trái khác về trồng thí nghiệm và thực sự đã đạt được kết quả khả quan. Cam, quít, chanh, bưởi, xoài, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mận, ổi, v.v... trồng trên đất vườn hết sức tốt tươi và đem lại cho người làm vườn hiệu quả kinh tế và đời sống rất phong phú.
Sự tốt tươi, trù phú của vùng đất ngập nước nay được nâng cao lên bằng bờ liếp, xung quanh bao bọc bởi một hệ thống mương vườn vừa có tác dụng tưới tiêu tự chảy, vừa có tác dụng thường xuyên bồi đắp phù sa cho cây trồng đã giúp cho người trồng tỉa phát hiện giá trị lớn lao của nghề làm vườn và kinh tế vườn, một nghề rất mới trên đất cù lao.
Nghề làm vườn xuất hiện và mau chóng phát triển, đã thu hút đông đảo cư dân vào hướng khai thác các ven rạch, ven sông, từ vàm đến ngọn. Một bước ngoặt quan trọng xảy ra trong nông nghiệp trên đất cù lao: sự phân công tự nhiên giữa nghề ruộng và nghề vườn. Bước ngoặt này đưa đến hai đặc điểm quan trọng: Trong nông nghiệp bắt đầu có sự phân công lao động mới và đi vào chuyên canh với hiệu quả kinh tế lớn hơn so với tình trạng chỉ có độc canh cây lúa. Kinh tế vườn khi phát triển thành vùng chuyên canh đã đi vào sản xuất hàng hóa.
Từ kinh tế tự cấp tự túc chuyển sang kinh tế hàng hóa là một bước tiến quan trọng. Kinh tế hàng hóa gắn liền với mở rộng lưu thông và trao đổi sản phẩm. Quan hệ giữa người với người, giữa vùng nầy với vùng khác ngày càng phát triển theo yêu cầu mới. Sông nước mênh mông là thế mạnh về giao lưu của vùng vườn thuở xa xưa đường bộ chưa phát triển mấy. Giao lưu kinh tế đồng thời với giao lưu văn hóa. Thông tin trong sản xuất và đời sống phát triển tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trên đất cù lao. Kinh tế hàng hóa giúp cho người xưa hiểu rõ hơn vấn đề tích lũy trong sản xuất và để tái sản xuất theo nhu cầu mới trong cuộc sống. Giao lưu được mở rộng là điều kiện để con người học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau về ăn, ở, tổ chức đời sống, hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa.
3.
Nếu như cư dân người Việt có mặt trên đất cù lao từ thế kỷ XVII do các luồng di dân khan hoang từ các tỉnh miền Trung đến, thì nghề vườn có thể đã xuất hiện khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Khi người Pháp đến chiếm Bến Tre (1867) thì ở đây nghề vườn đã khá phát triển, ở tổng Minh Lý thuộc cù lao Minh, vườn đã thành vùng chuyên canh tập trung, có người đã trồng đến hằng mẫu vườn với nhiều cây trái khá phong phú, mà người Pháp cho rằng “hữu ích và kỳ lạ, như dừa lùn, cau, trầu và những loại cây trái của xứ Cao Miên, của bán đảo Mã Lai và của Nam Triều”(1).
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì trong các đời vua nhà Nguyễn, hằng năm đến mùa trái cây, các quan trấn vùng Gia Định đưa những loại trái quý về kinh đô để tiến Vua. Những loại trái quý ấy chắc hẳn lấy từ các vườn cây trái tập trung ở ven sông Đồng Nai và sông Tiền mới được khai phá.
Vườn Bến Tre xuất hiện sớm ở đầu trên cù lao Minh và cù lao Bảo (Bắc Mỏ Cày và Sóc Sãi) với nhiều loại cây trồng xen nhau. Dần dần vườn phát triển theo ven sông Cổ Chiên, Ba Lai, Cửa Đại dài theo hai bên sông Bến Tre (có đoạn gọi là sông Giồng Trôm), từ vùng nước ngọt đến vùng nước lợ và hình thành những vườn dừa tập trung. Dừa An Hóa (Ba Lai), dừa Ba Châu nổi tiếng vì trồng tập trung, nhiều trái và có chất lượng cao (dừa đặc biệt thích nghi với vùng nước lợ, sai trái, cơm dày và hàm lượng dầu cao hơn dừa trồng ở các vùng khác). Phát hiện được sự thích nghi này, cư dân Bến Tre đã chú ý rất sớm về hiệu quả của cây dừa trong nghề làm vườn và ý thức được phương hướng đi vào chuyên canh.
Theo một vài tài liệu cũ, ở cù lao Minh và cù lao Bảo: “năm 1899 có 4.000 ha dừa và 10.000 ha cây trái khác”. “Bến Tre bán ra bốn sản vật chính: lúa, cơm dừa khô, lụa, cau và trầu”(2).
Có thể trên những cù lao thuộc Bến Tre trồng dừa sớm, dừa tập trung, sản phẩm dừa được đưa đi trao đổi nhiều nơi, nên ở các nơi khác người ta thường gọi Bến Tre là xứ dừa.
Sự hình thành vùng đất vườn, xây dựng nên hệ sinh thái mới đẩy lùi tình trạng bùn lầy nê địa, sinh hoạt gò bó, bịnh tật, thú dữ lan tràn, đã đem lại cho con người một cuộc sống ổn định, khí hậu hiền hòa, thích nghi với việc ăn ở lâu dài. Vườn cây mở ra, cư dân vùng vườn càng thêm đông đúc, nhà cửa khang trang, xóm làng trù phú. Cảnh quan sông, vườn, ruộng nối liền nhau, trên bến dưới thuyền tấp nập, vang vang tiếng haut giọng hò là một sự đổi mới hoàn toàn so với thời dân cư thưa thớt, rừng bụi, sông rạch ngăn cách việc giao lưu đi lại kinh tế hoàn toàn tự cấp. Đó là một kỳ công cải tạo và sáng tạo thiên nhiên, sáng tạo môi trường sống của người Việt ở Bến Tre trải qua hằng thế kỷ lao động nhọc nhằn vất vả, không biết bao nhiêu con người đã ngã xuống vì công việc chinh phục thiên nhiên đầy gian khổ nầy.
Thuở ban đầu chinh phục vùng hoang vắng buộc người ta phải sống quần cư thành từng xóm để tương trợ đùm bọc lẫn nhau. Lao động phá đất lập vườn là một loại lao động hoàn toàn thủ công và vô cùng nặng nhọc. Phải có những con người cường tráng, có quyết tâm, biết tổ chức lao động tập thể với hiệu suất rất cao mới có thể biến cồn hoang, bãi bùn, lùm bụi ngập nước thành vườn tược khang trang cao ráo. Tình làng nghĩa xóm, lao động tập thể đã làm cho ý thức cộng đồng của người dân khai hoang ngày thêm củng cố. Quá trình lao động gian khổ càng làm cho con người thiết tha gắn bó với đất đai, vườn tược do chính họ làm nên.
Tạo nên mảnh vườn là sáng kiến cải tạo thiên nhiên cộng với sức lao động cần cù nhẫn nại. Xác định cơ cấu cây trồng trên đất vườn và phát triển nghề làm vườn đòi hỏi con người phải tìm tòi phát hiện những bí ẩn sinh học của các loại cây trồng, biết di thực và lai tạo các giống cây trồng thích hợp trên vùng đất mới, biết bố trí cây trồng sao cho sự phát triển đạt được hiệu quả kinh tế cao nhứt đối với từng vùng đất. Kinh nghiệm đã có về nghề làm ruộng, trồng giồng, không thể áp dụng cho nghề làm vườn. Điều kiện sản xuất mới đòi hỏi con người phải biết suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, phát hiện cái mới. Cần cù nhẫn nại chưa đủ mà còn phải có kiến thức cần thiết trong sản xuất. Lao động không giản đơn mà lao động phải thông minh. Chính do đặc điểm nầy mà người lao động nghề vườn sớm phát hiện và biết khai thác nhiều tầng sinh thái, từ khai thác đơn giản ba tầng đã tiến đến khai thác năm tầng. Ngày nay trong một khu vườn công thức nuôi trồng: dừa, cây ăn trái, tổ ong, mô nấm, liếp rau, ao cá, chuồng gia súc không còn là điều mới lạ, mà là công thức nuôi trồng phổ biến. Nghề vườn còn chia ra hai ngành: ngành trồng cây và ngành ương cây. Khu vực Cái Mơn - Vĩnh Thành ngành ương cây, chiết và ghép cây, lai và tạo giống cây phát triển từ những năm 30. Ngành ương và ghép cây thể hiện một bước tiến quan trọng của nghề vườn, từ kinh nghiệm tiến đến kết hợp kinh nghiệm với tri thức khoa học. Trong vòng ba thế kỷ, ba cù lao hoang vắng đã trở thành ruộng vườn, làng xóm trù phú như ngày nay quả thật là một kỳ công của lao động tập thể, một chiến công chinh phục thiên nhiên hết sức vĩ đại của các thế hệ con người đã nối tiếp nhau khai phá đất Bến Tre.
4.
Kinh tế vườn phát triển, đồng thời trên cơ sở của sinh hoạt kinh tế đó, đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân miệt vườn cũng đổi mới và phát triển. Hoàn cảnh mới, sinh hoạt mới, nảy sinh tình cảm, tâm tư, cách làm, thói quen mới. Người lao động miệt vườn ngày ngày cặm cụi đào mương đắp liếp, bồi đất lên gốc cây trồng, chăm chút từng chiếc mầm xanh, say sưa với chùm trái chín. Đêm đêm họ thích thú ngắm nhìn sông nước, bóng dừa pha với ánh trăng, mùi bông dừa, bông bưởi, bông cau, đưa hương thoang thoảng, lòng rộn rã với tiếng chày giã gạo khuấy động vườn khuya tĩnh mịch, bâng khuâng nghe giọng hò chèo ghe lên bổng xuống trầm, bàng bạc ngân vang giữa trời cao sông rộng.
Nghề vườn khác hẳn với nghề ruộng. Dừa ngày càng cao, sào chiếc sào đôi không với tới. Người làm vườn muốn giựt dừa phải dùng đến câu liêm, dừa quá cao thì leo lên ngọn bẻ trái. Giựt dừa phải có sức mạnh nâng chiếc câu liêm dài năm, bảy thước lên ngang ngọn dừa, một động tác giựt phải đổ cả một buồng dừa từ năm đến chục trái. Họ leo dừa nhanh như sóc và chuyền trên đọt dừa từ cây nầy sang cây khác ngoạn mục như một tiết mục xiếc. Lao động miệt vườn có sức khỏe chưa đủ mà đòi hỏi phải thật nhanh nhẹn,dẻo dai.
Đất vườn, sông rạch mương xẻo như mắc cửi, bước ra khỏi nhà là gặp cầu. Từ nơi nầy sang nơi khác, đi chợ, đi xóm, thăm hỏi lẫn nhau phần nhiều phải đi xuồng, xuồng bơi, xuồng chèo, xuồng moat chèo, xuồng hai chèo. Giỏi đi cầu khỉ, giỏi chèo chống, bơi xuồng là đặc điểm của người miệt vườn từ già chí trẻ. Cầu khỉ không dài nhưng qua cầu phải điềm tĩnh, nhẹ nhàng, nhanh, và phải biết phối hợp các động tác thăng bằng cần thiết. Chèo xuồng, chèo ghe, không phải chỉ có còng lưng, ưỡn ngực, mà người chèo phải biết bố trí các động tác cân đối nhịp nhàng, uyển chuyển, khoan thai khi điều khiển mái chèo khua mặt nước. Có lẽ do sinh hoạt hằng ngày, thói quen sử dụng các động tác qua cầu, bơi xuồng, chèo xuồng, con người miệt vườn có dáng đứng dáng đi khỏe khoắn, gọn gàng, khoan thai, uyển chuyển.
Môi trường đổi mới, cuộc sống phong phú hiền hòa, miệt vườn sớm nổi tiếng là nơi nước ngọt cây lành, trai xinh gái đẹp.
Nhà cửa miệt vườn vẫn giữ dáng dấp nhà cửa của làng quê Việt Namtruyền thống, nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ, khang trang. Trước nhà là sân hoa với hàng rào cắt gọn bằng cây cảnh, phổ biến nhà nào cũng có bồn hoa, chậu cảnh được tạo dáng khá công phu, chăm sóc hết sức cẩn thận, người ta cho rằng đó là những nhân tố cần thiết làm đẹp cửa đẹp nhà, thêm niềm vui cho cuộc sống. Sau nhà là ao cá, mương tôm và chuồng trại chăn nuôi. Ngày giỗ, ngày tết, ngày thường, khi cần thiết, nhà vườn có đủ cả hoa quả, thịt cá.
Người miệt vườn thích trang trí trong nhà các loại tranh phong cảnh. Trên vách, giữa bàn thờ ông bà, người ta thường treo tranh, tứ thời, tứ bình, những loại tranh theo các đề tài cổ điển: tùng lộc, hoa điểu, mai hạc v.v... Nét độc đáo là giữa nhà thường có một bức tranh sơn thủy cỡ lớn, trong tranh có mái nhà thân thuộc, cội cây, cầu nước, dòng sông uốn khúc, xa xa là chiếc buồm trắng giữa dòng nước biếc, in bóng non xanh, man mác một khoảng trời bao la xa thẳm, sâu sắc tình quê, đượm hồn non nước.
Con người sinh ra và lớn lên trên đất vườn lao động rất cần cù và thích cuộc sống êm đẹp, hiền hòa, tao nhã. Họ rất hiếu khách, cởi mở, chân tình, quý người phương xa như thân thuộc. Đất vườn trù phú, cảnh vật hữu tình, người miệt vườn đẹp nết, đẹp người, chân tình, hiếu khách, đã thu hút số đông người thành thị về thăm quê vườn trong những ngày nghỉ, ngày Tết. Có những người cán bộ hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, hằng chục năm sống với nhân dân, với những bà má người chị miệt vườn vẫn thấy ấm cúng như đang sống tại gia đình mình.
Người miệt vườn siêng năng, chăm làm, ham học hỏi. Lao động và cuộc sống đòi hỏi họ phải cần mẫn và thông minh. Họ rất say sưa tìm tòi những bí ẩn sinh học của cây trồng để bồi dưỡng, thuần hóa và cải tạo nó. Từ thuở xa xưa chỉ có cây dừa, cây cau, cây chuối, dây trầu là những loại cây trồng phổ biến, ngày nay tập đoàn cây trồng trên đất vườn hết sức phong phú. Mỗi loại cây qua sự thuần dưỡng của con người cũng đều có sự phát triển, đổi mới, hơn hẳn về số lượng và chất lượng so với nguồn gốc cũ. Cải tạo và sáng tạo tự nhiên là nét độc đáo của người lao động miệt vườn.
Thiên nhiên ai cũng biết vừa hiền hòa vừa khắc nghiệt. Con người vừa nhận sự ưu đãi của thiên nhiên vừa phải tìm cách cải tạo và chế ngự thiên nhiên để tồn tại. Mấy thế kỷ gian khổ tạo dựng nên mảnh đất vườn, con người phải lao động cật lực và đổ ra biết bao nhiêu công sức. Họ lớn lên từ đối phó, tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Hoạt động vật chất là cơ sở sáng tạo văn hóa, nhưng hoạt động văn hóa lại có vai trò thúc đẩy hoạt động vật chất phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà thuở xa xưa ở miệt vườn nầy đã sớm xuất hiện những con người hiếu học, thông minh, có học vấn cao nổi tiếng cả vùng lục tỉnh. Ngày nay cũng chính những con người miệt vườn ấy, đã sớm thấy vai trò của khoa học, tìm đến với khoa học, rất cần mẫn và thông minh trong việc tiếp thụ và ứng dụng khoa học vào cây trồng. Họ đang dẫn đầu phong trào tạo ra lúa cao sản, dừa cao sản, mía cao sản, đưa dây hồ tiêu và cây ca cao vào đất vườn, biết khai thác ba tầng sinh thái trong đất vườn, biết thí nghiệm và thuần hóa các loại cây công nghiệp khó trồng để đổi mới cơ cấu cây trồng, mở đầu cho bước phát triển mới: công nghiệp hóa từ nông nghiệp đất vườn. Con người lớn lên cùng với sự trù phú của thiên nhiên được cải tạo và sáng tạo. Đời nọ qua đời kia, nhạy bén và sáng tạo trong đời sống nối tiếp thành truyền thống. Thừa hưởng những thành quả lao động sáng tạo của ông cha truyền lại để rồi tiếp tục tiến xa hơn, người miệt vườn thực sự có lòng tự hào chính đáng về quê hương tươi đẹp của mình.
Người dân miệt vườn, tuy cuộc sống có đổi mới do kinh tế vườn trù phú, nhưng vẫn giữ vững bản sắc thuần hậu, chất phác, hun đúc hào khí Đồng Nai của cha ông truyền lại, yêu đất, yêu vườn, thương người, thong nước. Phong trào yêu nước chống Pháp trên đất cù lao kéo dài đến đầu thế kỷ XX vẫn có mặt của người miệt vườn. Lòng yêu nước đã thử  thách bản lĩnh và tài năng của họ. Từ khi có Đảng, cho đến trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bám dân, cách mạng sống trong long dân miệt vườn. Đảng lãnh đạo nông dân chống đế quốc, địa chủ cường hào, giành quyền lợi. Cách mạng đã đem lại cho người làm vườn quyền làm chủ miếng vườn mà bọn địa chủ cường hào tay sai đế quốc đã cướp đoạt của họ. Người nông dân miệt vườn đã biến mảnh vườn thành căn cứ địa cách mạng giữa lòng dân, bảo tồn cán bộ, che giấu bộ đội, vây hãm quân thù. Giặc phá vườn, cào nhà, gom dân, người dân vườn dũng cảm bám vườn đánh trả quân thù bằng tất cả bản lĩnh, tài năng và trí sáng tạo của họ. Đạo quân tóc dài bao vây tấn công quân thù giữa chợ Mỏ Cày trong những ngày đầu nổ ra phong trào Đồng Khởi, nhân dân miệt vườn Giồng Trôm sử dụng bè cây kết bằng hằng trăm cây dừa phá sập cầu Bình Chánh trên tỉnh lộ 26, Nguyễn Văn Tư sử dụng ong vò vẽ, Lê Chính làm giàn mang - ênh phối hợp với lựu đạn gài, Hoàng Lam mang thuốc nổ lội sông đánh tàu giặc, v.v... là những điển hình đánh giặc với kiểu cách độc đáo của dân miệt vườn. Mỹ dùng thuốc độc hóa học hủy diệt cây vườn, người miệt vườn phát triển nghề trồng mía phủ xanh địa hình giữ vững thế chiến tranh du kích. Mía xen dừa, vườn Bến Tre thêm thế mạnh mới về kinh tế, phát triển ngành làm đường, bảo đảm cuộc sống của bộ đội và nhân dân trong thời kỳ chiến tranh và mở rộng giao lưu kinh tế sau nầy.
Ba thế kỷ lao động và chiến đấu đầy gian khổ của mấy thế hệ cư dân trên đất cù lao đã tạo dựng nên đất vườn và rèn luyện bản sắc con người miệt vườn. Thừa hưởng truyền thống của cha ông, thế hệ con cháu người miệt vườn được hun đúc sâu sắc thêm lòng yêu nước, yêu quê hương, gắn bó với đất đai, cây trồng, cần cù, thông minh, ham học, ham làm, quý trọng đạo lý và tình người, hào hiệp, mến khách, biết lo xa, dám làm việc lớn.
Quá khứ và hiện tại, bản lĩnh và tài năng, lao động sáng tạo và đấu tranh cách mạng đã tạo cho con người miệt vườn dáng đứng Bến Tre rạng rỡ niềm tự hào chính đáng.
Tìm hiểu đất vườn và  con người miệt vườn là để góp phần hiểu rõ chiều sâu những gì đã nuôi dưỡng, phát huy và sáng tạo truyền thống Việt Namtrên vùng đất mới.
Quá khứ và hiện tại chuẩn bị hành trình cho bước tiến tương lai
(1) và (2) Exeur sions et reconnaissances
(1880) và Guide annuaire
illustré de la Cochinchine (1899) do
Nguyễn Duy Oanh trích dẫn trong
“Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam” xuất bản 1971.
Huy Khanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...