Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Hoàng Thu Dung và những "Điều không đơn giản"

Hoàng Thu Dung và những "Điều không đơn giản"(*)
Hoàng Thu Dung là cây bút được độc giả biết đến nhiều ở thể loại truyện dài. Kể từ tiểu thuyết đầu tay "Chia ly là màu tím" may mắn được chuyển thể thành hai tập phim rất ăn khách(**) vào những năm đầu của thập niên 90, đến nay sách Hoàng Thu Dung có mặt nhiều ở các thư viện, quầy cho thuê. Những "Tiểu thư đi học", "Khung trời mơ ước", "Đêm quỳnh hoa", "Mùa thu hoa tím", "Kỷ niệm sân trường" là những tiểu thuyết dành cho tuổi học trò. Nhẹ nhàng, dí dỏm pha lẫn đôi chút triết lý, những câu chuyện tình học trò của Hoàng Thu Dung rất được bạn đọc trẻ yêu thích. Mặc dù xác định viết sách là để kiếm sống, nhưng so với một số cây bút của dòng "văn học thị trường" rộ lên rồi lịm tắt nhanh chóng, sự tồn tại lâu dài của Hoàng Thu Dung trong lòng độc giả hơn mười năm qua cũng nói lên một điều: dù là "văn học thị trường" cũng có quy luật sàng lọc và đào thải.
Thế nhưng sở trường của Hoàng Thu Dung chính là ở thể loại truyện ngắn. Từ truyện ngắn đầu tay "Nỗi buồn" (Ấp Bắc chủ nhật năm 1991), Hoàng Thu Dung đã tạo được ấn tượng về một lối viết hồn nhiên duyên dáng, và cách nhặt nhạnh, khai thác những chi tiết ngộ nghĩnh từ cuộc sống đời thường. Chúng ta còn bắt gặp cái nhìn ấy, cách thể hiện ấy qua nhiều truyện ngắn sau nầy của chị như: "Điều không đơn giản", "Rạn vỡ", "Cúng", "Không phải là trò chơi"… Với "Điều không đơn giản", chị đã đạt giải B (không có giải A) cuộc thi do Ủy ban kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang tổ chức năm 1992. Tuy chỉ là một giải thưởng của ngành, nhưng "Điều không đơn giản" không dừng ở mức độ phản ánh, minh họa, những điều tưởng chừng như "đơn giản" lại là ước mơ hạnh phúc của một thời thiếu nữ, của cả một đời người. Và đằng sau cách kể lể dí dỏm, tưởng như đùa cợt, là tiếng thở dài, là nỗi trăn trở mang đến cho người đọc sự suy gẫm, cảm thông. Có lẽ đó cũng là một cách thể hiện rất riêng của Hoàng Thu Dung.
Truyện nào của chị hầu như cũng được mở đầu bằng những câu đầy ấn tượng kiểu như: "Ly lấy chồng vì không thể không lấy…" (Tòng phu), "Hình như trên đời nầy, mọi cuộc chia ly đều nhuộm màu tím ngắt! Không có sự đổ vỡ nào mang màu hồng, kể cả những cuộc chia tay mà ta vô cùng muốn!" (Không phải là trò chơi),"Nàng đứng yên như hóa đá, sững sờ trước bằng chứng phản bội…" (Rạn vỡ), "Tan học, nó lầm lũi về nhà, cái nơi mà nó rất sợ khi phải về…" (Thằng bé không mồ côi)… Từ những cách "nêu vấn đề" như vậy, tác giả lôi cuốn người đọc bởi sự dẫn giải sinh động đầy chi tiết, những chi tiết chắt lọc, qua cái nhìn tinh tế, ý nhị mà không phải người viết nào cũng dễ dàng có được. Miêu tả về ngôi nhà ổ chuột, trong một xóm lao động nghèo, tác giả viết: "Đó là một "cung điện nguy nga" tọa lạc tận cùng của con hẻm nhỏ xíu. Mùa mưa đi học được lội bủm bủm nghe rất vui tai. Thi vị nhất là những đêm đang ngủ, bỗng có những giọt nước rơi bụp xuống mặt. Thế là cả "hoàng gia" táo tác lên. "Phụ vương" leo lên nóc chắn mái lá. "Mẫu hậu" bồng "ấu chúa" tìm chỗ an toàn náo mình. Còn chị em chúng tôi, hai "hoàng tử" và năm "công chúa" quýnh quáng thu dọn chăn màn…" (Điều không đơn giản). Với lối viết duyên dáng, dí dỏm, Hoàng Thu Dung dẫn dắt người đọc từ đầu đến cuối câu chuyện. Đọc Hoàng Thu Dung, kể cả đọc tiểu thuyết, ít khi muốn rời trang sách, vì qua những câu chuyện tưởng chừng như rất bình thường, với cách dẫn giải lắm lúc như bỡn cợt, bao giờ tác giả cũng kết thúc ở những điểm nhấn tạo sự suy gẫm, bất ngờ. "Lại thế đấy, người lớn nếu không muốn giải thích chuyện gì, thì cứ bảo đợi lớn lên sẽ hiểu. Vậy thì từ bây giờ đến lớn, tôi phải loay hoay tự hỏi: tại sao nhà tôi đông anh em mà bà bún ú đó không cho anh Huy cưới chị tôi. Người lớn có cách lập luận khó hiểu quá!" (Điều không đơn giản). Xen lẫn trong mạch truyện hồn nhiên, ta bắt gặp rất nhiều những câu "triết lý" kiểu như: "Những tên con trai ngu ngốc trên đời nầy, đừng có bao giờ ngốc nghếch mà thú nhận với người yêu những cuộc tìm hoa thầm lén… Tình yêu không có chỗ cho những cảm xúc nhơ bẩn rẻ tiền…" (Từ một trò đùa), "Nàng biết mình đã lấy lại tất cả, nhưng đồng thời trong lòng nàng có một điều gì đó đã ra đi vĩnh viễn.
Một nỗi mất mát đớn đau… Dù đã tha thứ nhưng vết rạn cũng đã rõ hình thù trên chiếc cốc thủy tinh chứa đầy hạnh phúc. Chỉ cần một chút mạnh tay thôi…" (Rạn vỡ)...
Là hội viên Hội VHNT từ năm 1991, Hoàng Thu Dung là cây bút sáng tác rất đều tay. Ngoài thể loại tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, truyện ngắn của chị thường xuyên xuất hiện trên các báo Ấp Bắc, Văn Nghệ Tiền Giang, Thanh Niên, Phụ nữ  TP. HCM, Tiếp thị & gia đình…
Năm 1998, Hoàng Thu Dung được mời tham dự Hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc tại Hà Nội. Truyện ngắn của chị đã được tuyển chọn trong Tuyển tập những nhà văn trẻ toàn quốc (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1998).
Cuối năm 2004, được sự tài trợ của Hội VHNT Tiền Giang, tập truyện ngắn đầu tiên "Điều không đơn giản" (nhà xuất bản Văn nghệ TP. HCM) của chị đã được ra mắt bạn đọc. Chỉ với dung lượng 80 trang, gồm 9 truyện ngắn tuyển chọn qua hơn 10 năm cầm bút, Hoàng Thu Dung đã mang đến cho bạn đọc ấn tượng về sự tươi tắn, hồn nhiên pha lẫn chút lắng đọng của sự suy gẫm về những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại tác động đến từng ngóc ngách cuộc sống, tâm hồn của mỗi con người.
Khi được hỏi: "Bên cạnh viết tiểu thuyết để kiếm sống, chị còn đeo bám thể loại truyện ngắn hơn 10 năm qua, theo chị, công việc nào là quan trọng, đòi hỏi nhiều tâm huyết hơn?", Hoàng Thu Dung trả lời: "Viết một tiểu thuyết, hay truyện ngắn, đều đòi hỏi sự nỗ lực, đòi hỏi lao động cần thiết của từng thể loại. Tôi nghĩ, lãnh vực nào cũng có độc giả riêng và cần cái "tâm" của người cầm bút. Với tôi, chuyện viết lách dù là để kiếm sống, hay là để tự khẳng định mình, luôn là vấn đề "không đơn giản".
 (*) Nhà xuất bản Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh.
(**) Tình nàng áo trắng, Đôi ngã đường tình (Hãng phim Phương Nam)
Cỏ May


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...