Sâm Thương, nhà văn, biên kịch, một trong các người bạn
thân luôn có mặt bên Trịnh Công Sơn trong nhiều năm tháng sau cùng của cuộc đời
. Anh gửi toàn bộ tư liệu cho VCV nhân ngày giổ thứ 8 của Trịnh. VCV
THỜI THANH XUÂN
Một tháng sau hiệp ước Munich (1), Nhật bắt đầu cuộc Nam tiến
bằng việc chiếm đóng Quảng Châu, cô lập Hồng Kông khỏi đại lục Trung Quốc. Ngày
10.2.1939, bước đầu Nhật tiến chiếm các cứ điểm chiến lược ở biển
Đông đảo Hải Nam gần bờ biển Đông Dương thuộc Pháp và quần đảo
Sinam, Trường Sa.
Mùa Xuân năm 1939, Đức quốc xã kéo quân đến biên giới Tiệp
Khắc, và ngày 13.3 năm đó, xâm nhập vào thủ đô Prague của Tiệp Khắc. Một
tháng sau, ngày 7.4, quân đội Ý đánh chiếm lãnh thổ Albanie trong vùng
Balcan. Các quốc gia Tây Âu yếu thế, không có phương án đối phó,
đành phải quay về một số nước nhược tiểu ở miền đông để thiết lập một “phòng
tuyến cuối cùng để bảo vệ hòa bình”. Ngày 13.4.1939, hai chính phủ
Anh, Pháp ký với chính phủ Ba Lan một hiệp ước liên minh quân sự. Nhưng
ngày 28.4 1939, Đức xóa bỏ Hiệp ước bất xâm phạm với Ba Lan (2), và tuyên bố
bãi bỏ luôn cả Hòa ước Anh–Đức (3).
Ngày 25.5.1939, Hitler và Mussolini cùng
ký kết một Hiệp ước mang tên Pact of Steel (4) liên minh hai quốc gia Đức
-Ý về mọi phương diện. Đức quốc xã bắt đầu uy hiếp Ba Lan và lên tiếng
đòi lại hải cảng và eo đất Dantzig ở bên trong lãnh thổ quốc gia này. Chiến
Tranh Thế Giới thứ hai đã khởi đầu với những đau thương tang tóc
chưa từng có.
Trong khi đó, Việt Nam đang sống dưới ách thống trị của thực
dân Pháp, một nước Pháp đang chà đạp các dân tộc thuộc địa và run rẩy trước sức
mạnh của bọn Phát-xít Đức đang lớn dậy. Trịnh Công Sơn đã có mặt
trên “cõi tạm” này trong một bối cảnh chính trị thế giới
và quốc nội như thế đó.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Daklak,
cha là Trịnh Xuân Thanh, mẹ là Lê Thị Quỳnh. Thật ra, Daklak không phải quê
quán của anh, cha mẹ anh trước đây đều sinh sống tại Thừa Thiên- Huế, gốc
làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Thân sinh Trịnh Công Sơn là
một người yêu nước, không chấp nhận chế độ hà khắc và bạo ngược của thực dân
Pháp đối với đồng bào mình, nên đã có những họat động bí mật chống đối nhà cầm
quyền Pháp, ủng hộ những lực lượng kháng chiến. Nói đúng, ông
không đứng trong hàng ngũ những người Cộng Sản, mà chỉ là một người yêu
nước như bao nhiêu người Việt Nam yêu nước khác thời
đó. Do luôn bị mật thám của Pháp theo dõi và gây không ít khó
khăn, năm 1937, ông đã lặng lẽ đưa vợ vào sinh sống ở Daklak. Ở
đây, ông mở cửa hiệu may mặc Kam Tik trên đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Điện
Biên Phủ), cạnh rạp chiếu bóng Buôn Mê Thuột.
Trịnh Công Sơn không phải là đứa con đầu của cặp vợ chồng
trẻ từ Huế vào đây định cư. Sơn có một người anh tên Trịnh Xuân
Dương, sinh trước Sơn ba năm tại Huế, nhưng chưa được hai tháng tuổi thì mất.
Trịnh Công Sơn nghiễm nhiên trở thành con trai trưởng trong
gia đình họ Trịnh (5). Nhưng gia đình Sơn cũng không ở
Daklak được lâu, bốn năm sau khi Sơn ra đời thì gia đình quay trở về Huế, ngụ
tại Bến Ngự.
Mùa hè năm 1944, sau khi nước Pháp được giải phóng, De
Gaulle và nước Pháp tự do phải đối mặt với vấn đề xây dựng một chính sách
chung đối với đế chế thuộc địa Pháp trong thời hậu chiến. Chính sách cơ bản của
Pháp là muốn hất cẳng quân phiệt Nhật, quay trở lại Đông Dương, tập trung vào
việc tạo ra một cơ cấu chính trị, trong đó toàn thể đế chế đều được đại diện,
nhưng thực chất quyền kiểm soát chủ yếu vẫn nằm trong tay các chính quyền bảo
hộ.
Mùa Thu năm 1945, Trịnh Công Sơn lên sáu, tuổi cắp sách đến
trường thì chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu, Nhật đầu hàng Pháp và Cách Mạng
tháng tám bùng nổ. Sơn theo học trường tiểu học Trần Quốc Toản
(Thành Nội, Huế ), nhưng chỉ học ở đây một năm, rồi chuyển về học trường Nam
Giao. Thời gian này gia đình Sơn ở Bến Ngự. Qua khỏi cầu Bến Ngự
là đường Phan Chu Trinh, đi thẳng là đường Nguyễn Hoàng, nay đổi là đường
Phan Bội Châu. Qua đường rầy xe lửa, đi thẳng lên dốc, hẻm đầu tiên bên trái
có giếng nước là nhà Sơn. Nay là số 43B Phan Bội Châu, Huế.
Cũng cần nói thêm, cách nhà Sơn không xa, có hai địa điểm rất
quan trọng đối với tuổi thơ của Sơn mà thỉnh thoảng Sơn vẫn nói tới trong chỗ
thân tình. Địa điểm thứ nhất: quay trở lại cầu Bến Ngự, thay vì đi thẳng đường
Nguyễn Hoàng, đến đường Phan Chu Trinh rẽ trái, khoảng 50 mét là đồn
Hiến binh Pháp. Nơi đây là chỗ tạm giam những người bị tình nghi
có tham gia hoạt động chống đối chính quyền bảo hộ. Hằng đêm, người
dân sống quanh
khu vực này vẫn thường nghe tiếng la hét, giẫy giụa của những tù
nhân bị tra khảo, hỏi cung. Đặc biệt, phía trước bờ rào của đồn Hiến
binh có một cây cóc, quanh năm trái xanh trĩu nặng. Không biết có
phải vì những trái cốc xanh chọc thèm hay vì một lý do tiềm ẩn nào khác, mà
đám trẻ, trong đó có Sơn, mỗi khi đi ngang qua thường tìm cách lấy
đá ném vào, cho đến khi bọn Tây trong đồn xách súng ra, cả đám mới chịu bỏ chạy.
Địa điểm thứ hai trên đường Nguyễn Hoàng, qua khỏi đường rầy
là một con đường nhỏ dọc theo đường xe lửa. Ngay ngã tư này, bên
trái có một cây bàng cổ thụ, thân cây to lớn, tàng lá che cả
một khoảng trời. Có những buổi sáng sớm, dân chúng nhốn nháo, tụ tập
trước cây bàng đó để chứng kiến những xác người chết, Tây có ta có, bị chém treo ngành,
đầu quoặt ngược, với hàng chữ bằng máu viết lớn trên ngực áo hay
trên băng vải: “Đây là hình phạt dành cho những tên Việt gian bán
nước” hoặc “Tên xâm lăng, cướp nước phải đền tội”. Những hàng chữ
và hình ảnh này vẫn luôn gây sự xôn xao chú ý của dân
chúng sống quanh vùng, kể cả đám học sinh nhỏ tuổi như Sơn hồi đó. Những
lần như thế, trước khi đến trường, Sơn theo chân một vài đứa bạn lén lút theo
dõi cảnh tượng đó, rồi tản đi một mình với những suy nghĩ có lẽ chưa được định
hình…
Một thực tế khác, trực tiếp tác động đến suy nghĩ và hành động
của Sơn, bắt anh phải nhìn thẳng vào sự thật lịch sử. Đó chính là
cuộc đời và thân phận nghiệt ngã của thân sinh anh. Theo như lời
Sơn kể thì từ 1945 đến 1949, năm năm liền, năm nào thân sinh anh cũng bị bắt
giam trong lao Thừa Phủ, Huế mỗi khi tình hình có dấu hiệu biến động.
“Thời
gian này, tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được
vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi, một năm trước khi cả
gia đình cùng kéo nhau vào Sàigòn” (6). Nhìn thấy hình ảnh cha tiều
tụy với thân thể đầy những vết đòn roi hiểm ác khi bước ra khỏi cổng nhà tù,
anh đã nghẹn ngào ôm chặt lấy cha, lòng đầy đau thương và phẩn hận. Những ấn
tượng đó chẳng bao giờ phai nhạt trong ký ức anh. Nó sẽ theo đuổi, bám chặt lấy
anh trong cuộc sống cũng như trong sáng tác của anh sau này.
Sơn và thế hệ của anh vẫn còn quá nhỏ để hiểu biết và trách
nhiệm về tất cả những biến động lịch sử đang diễn ra trước mắt.
Năm 1949, nói là “cả gia đình kéo nhau vào Sàigòn “, nhưng
thực tế, để thuận lợi cho việc khuếch trương buôn bán, thân sinh anh cho mở
văn phòng giao dịch ở Sàigòn; ông đưa Sơn, Hà vào trước, những người còn lại
năm sau mới vào. Ban đầu, Sơn cùng gia đình ở đường Calmette, Tân Định (nay
là Đinh Công Tráng) một thời gian, rồi chuyển đến đường Dypre (một đường nhỏ
cắt ngang đường Nguyễn Trãi) và cuối cùng dọn đến đường Parinol (nay là đường
Đặng Trần Côn). Vào Sàigòn, Sơn học lớp nhất trường Hưng Đạo, Cống Quỳnh (1949-1950).
Lên cấp hai, Sơn chuyển qua chương trình Pháp ở Jean
Jacques Rousseau cho đến khi thi xong Brevet (1950-1954).
Khoảng tháng tám 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết,
cả gia đình Sơn quay về Huế, mở cửa hàng Thanh Tâm ở đường Hàng Bè (Huỳnh
Thúc Kháng), sau đó chuyển về số 79 B đường Gia Long (nay là Phan Đăng Lưu )
giao dịch và phân phối phụ tùng xe đạp, xe gắn máy cho các đại lý ở Huế
và các vùng phụ cận.
Trở lại Huế, Sơn học ở Lycée Francais một năm, năm sau chuyển
qua trường Providence (Thiên Hựu), tốt nghiệp Tú tài 1 (Bac I ) niên khóa
1955-1956. Trường Providence là một trong ba trường tư thục lớn thuộc Giáo hội
Thiên Chúa giáo. Thời đó, ở Huế những ai được theo học trường Providence,
Pellerin (nam) hay Jeanne D’Arc (nữ ) đều là những gia đình khá giả. Trong
thời gian này, Sơn đã bắt đầu tiếp cận với những tác phẩm của Alfred de
Musset, Alphonse Daudet , Anatole France, Saint Exupery v.v …
Dù học trường Pháp, được giáo dục theo chương trình Pháp,
Sơn và thế hệ anh đều cùng chứng kiến đất nước bị chia cắt, sông Bến Hải làm
lằn mức phân ranh Bắc Nam. Một lần nữa, anh và thế hệ của anh chưa phải
là những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng đau thương đó. Bởi
anh chưa đủ trí khôn để tìm hiểu lý do tại sao lớp cha anh mình cầm súng bắn
vào nhau, coi nhau như thù địch.
Sau hiệp định Genève cuộc chém giết tạm ngưng không lâu, tổng
tuyển cử giữa hai miền được ấn định vào năm 1956 bị hủy bỏ, máu lại tiếp tục
đổ, xác đồng bào tiếp tục ngã xuống. Sơn và thế hệ của anh lớn lên
trong khung cảnh tưởng như thanh bình của chế độ Ngô Đình Diệm. Tất
cả đều được nuôi dưỡng, giáo dục tại miền Nam, do chính quyền miềnNam đảm
nhận. Chữ giáo dục ở đây tôi dùng theo nghĩa rộng, bao hàm cả hệ
thống thông tin, tuyên truyền.
Một sự thật không ai có thể phủ nhận được, đó là chính quyền
Ngô Đình Diệm đã tiếp nhận nửa phần đất bên này trong tay thực dân Pháp do sự
dàn xếp của người Mỹ với một xã hội mà trong đó những giá trị cũ đã đỗ vỡ, hủy
hoại. Bi đát là miền Nam không tìm thấy một hệ thống lý
thuyết nào thay vào chỗ trống. Thật ra, chính quyền Ngô Đình Diệm
cũng đã ý thức được sự thiếu hụt đó và đã nổ lực bù đắp bằng cách xây dựng một
học thuyết, nhưng thực chất học thuyết đó chỉ là một sự mô phỏng và vay mượn
chủ nghĩa Nhân Vị (Personnalisme) của Emmanuel Mounier (7) .
Thực tế đã cho thấy chủ nghĩa Nhân Vị của chính quyền Diệm
không đáp ứng được nhu cầu lịch sử dân tộc, không phù hợp với những biến chuyển
chung của nhân loại, bao hàm như một tư tưởng chủ đạo làm nền tảng để quan niệm
và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, dù dụng tâm chủ yếu của chính quyền
Ngô Đình Diệm là muốn rèn luyện cho thế hệ trẻ của mình một tinh thần chống Cộng,
nhưng không thể phủ nhận nền giáo dục đó đã góp phần tạo được những ý hướng tốt
đẹp như đề cao lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống xâm lăng và lãnh thổ
Việt Nam là một dải đất hình chữ S chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, chứ
không phải chỉ nửa nước với hình thù kỳ dị như đã được vẽ trên các bản đồ của
các căn cứ quân sự Mỹ, hay trong sách giáo khoa bậc tiểu học do chính phủ Hoa
Kỳ gửi tặng vào thời kỳ đó.
Dù chỉ đề cao bằng lời nói, những bài học đó cũng có một
tác dụng thật vô cùng quan trọng và lâu bền trong tâm hồn những thế hệ trẻ ở
miềnNam. Hình ảnh một Nguyễn Huệ, một Hoàng Hoa Thám, một Phan
đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực v.v… vẫn là hình ảnh chói
sáng với gương anh hùng cứu nước.
Suốt thời kỳ đó, Sơn và những người cùng thế hệ với anh đã
bị che đậy, bị cấm đoán để không biết gì về cuộc kháng chiến chống Pháp lần
thứ hai mà trong đó những thế hệ cha anh họ tham dự. Họ không biết
gì về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngoài những điều mà chính quyền Ngô Đình Diệm
muốn họ biết.
Sơn cũng như nhiều đứa trẻ cùng tuổi khác, đã sống và lớn
lên bên sông Hương, núi Ngự. Hằng ngày, nhìn thấy vết tích trên những
thành quách cổ kính, cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, những chuyến đò
ngang, những con đường chạy dài thẳng tắp với hai hàng cây long não lá xanh,
những chùm phượng vỹ đỏ rực, những tà áo trắng, những chiếc nón lá nghiêng
nghiêng ngày ngày cắp sách đến trường, những cơn mưa rả rích kéo dài… Bên tai
Sơn vẫn nghe tiếng cầu kinh niệm Phật, tiếng chuông chùa buổi sáng buổi chiều,
những câu hò nhịp nhàng từ giữa sông vọng lại càng làm Sơn đắm chìm trong thế
giới mơ mộng, khát vọng của riêng mình. “Thuở ấy, tôi
là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài
hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười
hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một
phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát ” (8).
Ngày 17.6.1955, thân sinh Sơn đã cùng với ông Lộc
Lợi và ông Lê Văn Tông (em trai mẹ Sơn ) mỗi người mỗi xe
trên đường đi Quảng Trị- Huế với kế hoạch mở rộng mạng lưới làm
ăn. Trong khi ông đang điều khiển chiếc vespa trên đường thì
bị một chiếc xe hàng đụng phải và ông đã mất mấy tiếng đồng hồ sau khi được
chở đến bệnh viện.
Trước nay, tất cả kinh tế gia đình do cha anh đảm
đương. Ông chính là trụ cột của gia đình. Mọi chu cấp
cho anh và các em ăn học, một cuộc sống đầy đủ, có thể nói phong lưu hơn phần
lớn những người cùng trang lứa với anh, nhất là ở một thành phố nhỏ và trầm lặng
như Huế đều do một tay ông sắp xếp. Ngay từ thời đó, gia đình Sơn
là gia đình đầu tiên có được một chiếc máy hát đĩa, khi thứ máy móc mới này bắt
đầu xuất hiện. Cha mất, đối với Sơn là một biến cố quan trọng. Chính
Sơn đã thú nhận:” Thời thơ ấu tôi luôn luôn bị ám ảnh về cái chết. Trong
giấc ngủ hằng đêm tôi thường thấy cái chết của ba tôi” ( 9).
Trong thời gian chịu tang cha, Sơn quy y ở chùa Phổ Quang,
lấy pháp danh là Nguyên Thọ. Có thể trong nỗi đau mất mát quá lớn Sơn
tìm đến Phật Tổ như một sự nương tựa của tâm hồn. Thực ra, đối với
Phật giáo, Sơn vốn có duyên nợ. Theo như Sơn cho biết, ngay từ thuở
bảy, tám tuổi, Sơn đã có thói quen một mình mang sách vở vào vườn
chùa ngồi học, đọc sách, suy nghĩ hoặc tập ngồi chép kinh Phật bằng
chữ Hán. Chính tư tưởng Phật giáo đã thấm dần trong máu huyết Sơn,
giúp Sơn tiếp cận và thấu hiểu được cái tâm của mình, cái tâm của người, điều
khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người.
Hết hè 1956, sau khi tốt nghiệp Tú tài 1 (Bac 1) Sơn một
mình vào Sàigòn học ban triết (classe Philo) ở Jean Jacques Rousseau. Từ
đây, Sơn có những chuyến đi dài. Sơn không còn ở tuổi mười lăm non
trẻ để phải mơ ước làm người lớn. Sơn có thể thực hiện cái mộng “ lãng
du trong người, cứ lên đường và đi. Đi để có một khoảng cách với
quê nhà, với tình yêu, đi để có một cái gì để lại phía sau. Đi để
có những lá thư gửi về, để có thêm những nỗi nhớ nhung, những lời than thở ”
(10) .
Sơn có một đặc tính nổi bật, đó là thích “ăn ngon mặc đẹp”.
Có lẽ phát xuất từ quan niệm giáo dục của mẹ Sơn, một phụ nữ mang đặc trưng
Huế quý phái và đảm đang. Đối với bà, bữa cơm khi được dọn lên
bàn, không chỉ ngon, nhiều món mà còn phải đẹp, màu sắc thức ăn phải hài hòa
mỹ thuật. Ngay từ năm học lớp mười (troisième) áo quần
của Sơn lúc nào cũng thẳng nếp, giày bóng loáng, tóc chải láng mượt. Đi
chơi, đi học và ngay cả khi ở nhà, khi ngồi vào bàn ăn đều rất lịch
sự, tươm tất. Thói quen đó Sơn vẫn giữ cho đến khi mất. Do
đó, những khi ốm đau trên giường bệnh, Sơn không thích ai đến thăm viếng. Sơn
không muốn hình ảnh của mình không đẹp trong mắt người khác, nhất là với phụ
nữ. Bởi vì đối với Sơn:” Con người đẹp nhất đối với tôi là thiếu nữ,
với những vẻ đẹp theo cách nhìn của tôi “ (11). Và “(…) Bởi nó (
nhan sắc-ST ) làm cho con người thấy cuộc đời là đẹp, là đáng tồn tại để ngắm
nhìn. Là thật đáng sống bởi vì không thể có một lời hứa hẹn thiên đường nào
đòi hỏi con người phải yêu thương hơn nơi đây. Quê hương là em. Các em làm
sinh nở cuộc đời. Và từ đó cuộc đời mới biết hát ca” (12).
Ở tuổi mới lớn, Sơn cũng có những mối tình lãng đãng, sương
khói, hoàn toàn không có gì cụ thể. Dường như cả thế hệ của Sơn ở Huế đều như
vậy, “yêu một mái tóc , một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau,
thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em
không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường “ (13).
Về mặt cơ thể, Sơn có một đặc điểm không mấy người biết.
Khác với chúng ta, Sơn có đến ba trái thận. Không biết sự khác biệt này có ảnh
hưởng gì đến tính cách và năng lực của Sơn? Có lẽ điều này phải nhờ đến những
nhà chuyên môn giải thích.
Có một điều trái ngược với suy nghĩ của nhiều người khi bắt
gặp hình hài ốm yếu của Sơn sau này. Thời trai trẻ, Sơn có một thân hình rắn
chắc, khoẻ mạnh, thích chơi thể thao. Sơn không chỉ luyện tập điền kinh, mà
còn học cả Vô Vi Nam đến đai nâu.
Trong chuyến về thăm nhà giữa năm học, một lần Sơn dợt chơi
với Hà, em trai kế của Sơn. Hà đã tung một đòn vai, Sơn ngã xuống sàn, cùi chỏ
Hà vô tình đập vào ngực Sơn làm vỡ mạch máu phổi. Sơn phải nằm dưỡng bệnh hơn
cả năm trời. Đây chính là nguyên nhân chuyển biến cuộc đời Sơn
sang một hướng khác. Nói như Nguyễn Du:
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Những ngày tháng trên giường bệnh, Sơn ngấu nghiến đọc
Apollinaire, Marcel Pagnol, Jacques Prevert, Rabindranath Tagore, Marcel
Proust v.v… trước khi đọc Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Albert Camus, Jean
Paul Sartre, Heidegger, Merleau Ponti… Sơn đặc biệt yêu thích những tác phẩm
của Albert Camus, truyện Kiều của Nguyễn Du và triết lý Phật giáo. Sơn đọc đi
đọc lại nhiều lần. Sơn không chỉ tiếp cận với văn học, thi ca mà còn mày mò,
tìm hiểu dân ca Việt Nam, âm nhạc của người da đen: blues, gospel v.v…
Sơn từng thổ lộ với một vài người bạn thân thiết của anh: “Khi
rời khỏi giừơng bệnh, trong tôi đã có một một niềm đam mê khác –âm nhạc. Nói
như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát
khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức,
trổi dậy” (14).
Trong một bài viết, Trịnh Công Sơn đã khẳng định con đường
anh đã đi trong quá khứ: “Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi
nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm
thôi thúc bên trong… Đó là những năm 56-57, thời của những giấc mộng ngổn
ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt
như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên
trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…”
“Dạo ấy ba tôi mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sàigòn
này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá
nhẹ. Có lúc tôi bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc
“xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt
ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong
tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.”
“ Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành
trong tôi một quan niệm rõ rệt: sống là sống với người khác và muốn có cảm
thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn
đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn
mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ
thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở nay tôi có thể bày
tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống” (15).
Vào thời điểm này, Trịnh Công Sơn sắp bước qua tuổi mười
chín. Hành trang của anh nặng trĩu trên đôi vai và trong trái tim cả một tuổi
thơ đi qua trong chiến tranh. Trước mặt anh, không gian mở rộng dần, cuộc chiến
tranh tàn khốc tiếp nối sẽ phủ chụp xuống thân phận của đồng bào anh và của
chính anh. Các vấn đề của cuộc sống, của chiến tranh, của con người,
của thời đại đan chen vào nhau, tác động giao thoa đã hình thành nơi Trịnh
Công Sơn một nhân cách đặc biệt trước khi chính thức nhập cuộc. Anh sẽ sống
như thế nào và làm gì để chứng minh sự hiện hữu của mình trước cuộc đời?
Nhân giỗ lần thứ 3 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
1.4.2004
(1) Hội nghị Munich nhóm họp ngày 29.8.1938 giữa
Hitler (Đức), Mussolini (Ý), Neville Chamberlain (Anh) và Edouard Daladier
(Pháp). Hitler cam kết Đức không còn tham vọng xâm chiếm các lãnh thổ khác ở
châu Âu.
(2) Ngày 2.6.1934, Đức và Ba Lan ký Hiệp Ước bất xâm phạm.
(3) Ngày 3.9.1938 tại Munich, Hitler và Chamberlain (Thủ Tướng
Anh) ký Hòa ước Anh- Đức xác định nguyện vọng của hai dân tộc là không bao
giờ muốn tiến hành cuộc chiến tranh với nhau nữa.
(4) Liên minh Đức –Ý tháng 5.1939: Liên minh chặt chẽ về quân
sự và kinh tế sản xuất thời chiến.
(5) Kế tiếp Sơn là hai người em trai: Trịnh Quang Hà (1941),
Trịnh Xuân Tịnh (1944) và năm người em gái gồm Trịnh Vĩnh Thúy (1947), Trịnh
Vĩnh Tâm( 1950), Trịnh Vĩnh Ngân (1952), Trịnh Hồng Diệu (1953 ) và Trịnh Vĩnh
Trinh (1956), em gái út.
(6) Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn người hát rong qua nhiều thế
hệ, NXB Trẻ 2003 tr.27.
(7) Emmanuel Mounier (1905-1950) nhà triết học và nhà văn
Pháp. Sáng lập tạp chí Esprit, cơ quan ngôn luận của chủ nghĩa Nhân Vị
(Personnalisme), người đã ảnh hưởng lên Ngô Đình Nhu.
(8,9) Trịnh Công Sơn, Nhạc và Đời, NXB Tổng Hợp Hậu
Giang,1992
(10) Trịnh Công Sơn,Trịnh Công Sơn, Tỏ Tình với cuộc sống,
Sóng Nhạc, Bộ mới số 1.1999
(11) Trần Hữu Lục, Không nói được trong âm nhạc thì nói trong
hội họa, Tuổi Trẻ số 212 (23.10.1990) .
(12) Trịnh Công Sơn, Hồng nhan, Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh.Xuân
1993
(13) Trịnh Công Sơn, Bạt, Lời của Hoa Hồng, tập thơ của
Trần Hữu Lục, NXB Trẻ, 1998
(14) Tư liệu chưa xuất bản.
(15) Trịnh Công Sơn, Sđd, NXB Tổng Hợp Hậu Giang, 1992
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét