Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Vân Long một đời thơ, một tấm lòng

Vân Long một đời thơ, một tấm lòng
(Vân Long- tác phẩm, NXB Hội nhà văn 2010)
Tôi bồi hồi, xúc động khi đọc những dòng nhà thơ Vân Long viết trong Tự bạch, mở đầu tuyển tập thơ của ông: Đã ngoài vòng thất thập cõi nhân sinh, tôi tự coi như mình đã …chơi xong cuộc chơi thơ, xin đóng gói lại cả những thiếu hụt, ước mơ lẫn những gì làm được, mong độc giả có người hiểu được mình mà lượng thứ!
Thật khiêm nhường, chừng mực, thật Vân Long!
Là bạn vong niên với ông hai chục năm nay, tôi rất yêu quý Vân Long, người anh cả, người thơ hiền, dịu dàng và sống chí tình trên ba phương diện sau:
- Vân Long, một nhà thơ tên tuổi, viết đều, viết khoẻ.
- Vân Long, một con người đôn hậu, chí tình.
- Vân Long, một người anh, người bạn tốt, thuỷ chung, chu đáo.
Nhớ khoảng 1994, 1995, khi ấy tôi đang là trưởng ban biên tập, giữ   chân tiểu lại của toà soạn nên có nhiều cơ may được tiếp xúc rộng rãi với các độc giả và nhất là các bạn viết. Anh đã gây cho tôi một ấn tượng rất đẹp. Một sáng thu, Hà Nội se lạnh, anh từ Gia Lâm về ghé vào chỗ tôi chơi. Một lúc sau có thêm ông bạn già Băng Sơn tới. Nhìn cái dáng gầy gầy, hiền hiền của Vân Long, với cái vầng trán rộng đến không biên giới của anh, tôi tò mò hỏi: “Anh Vân Long quê gốc ở đâu?” “Mình ở Khoái Châu!” À ra vậy! Tôi cảm thấy lý thú và nẩy ra một bài thơ tặng ông anh, trong đó có mấy câu:
Thơ như mật ủ trong lòng nhãn
Đậm sắc phù sa đất Khoái Châu
Người thơ trên cánh đồng thơ ấy
Lầm lũi cày như những xá đầu
Năm tháng trôi đi, Vân Long và tôi ngày càng gắn bó. Anh là một trong những cây bút thường xuyên có mặt trên các trang Giáo dục - Thời đại với đủ mọi thể loại, tất nhiên thơ vẫn là phần nhiều. Tôi rất quý Vân Long, thường cùng ông la cà nơi quán bia còm đầu phố Hàng Bài vào những buổi chiều sau giờ tan công sở cùng với các vị lão làng Ngô Quân Miện, Phan Kế An…Bên cốc bia, ai cũng trở nên phong độ, mặt đỏ tưng bừng, chuyện vui như Tết…
Bây giờ, trước mặt tôi là Tuyển thơ Vân Long với 500 trang dày dặn cùng lời đề tặng và cái chữ ký loằng ngoằng của ông trông thật trẻ trung và dí dỏm. 55 năm  thơ với 269 bài được tuyển, tỷ lệ tuyển theo thời gian là 5 bài/năm.Bài thơ đầu viết năm 1954, bài chót năm 2009 khi nhà thơ sang tuổi 75- vừa mới vào thu. Người thơ ấy tôi chắc vẫn còn viết tiếp và viết khoẻ.
Vân Long là một nhà thơ tài hoa, đa cảm, song lại rất chừng mực trong đời sống. Ông làm thơ tưởng như khá dễ dàng, ở mọi nơi mọi miền đất ông qua, mọi sự vật mà ông tiếp xúc, ông hướng chúng vào tầm ngắm của tư duy: Một dòng sông Cấm, một miền quê Hưng Yên, một thành phố Việt Trì, nhất là Hải Phòng những tháng năm khói lửa bộn bề, tất cả đều đi vào thơ ông, sống động, suy tư trên trang giấy. Có được điều này là do ông nắm bắt rất nhạy thần thái của sự vật và thể hiện chúng ra bằng ngôn ngữ thi ca.
Viết về mỏ đá Tràng Kênh, ông hạ bút:
Ở đỉnh cao này, chim cũng ngại bay qua
Con dê núi leo chuyền vất vả
Chỉ có màu nguyên thủy đá xanh
Và sắc trắng sơ khai hoa trinh nữ
Đó là tài, tài tình của thi sĩ.Thơ như vẽ. hiện lên một bức tranh thủy mặc, đặc tả được cái hồn cốt của Tràng Kênh: núi cao, hoang dã, còn là một di tích lịch sử, nơi Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng đánh trận Bạch Đằng: Những buổi mù trời sóng nước vang âm/ Tưởng nghe tiếng quân reo từ quá khứ…Trên cái nền hoang sơ và thiêng liêng
ấy, những người thợ khai thác đá lặng lẽ chuyển về nhà máy xi măng hàng vạn tấn đá cho công cuộc xây dựng và hàn gắn đất nước ngay dưới tầm bom của không lực Mỹ, có đợt thành phố Hải Phòng và ngoại vi bị oanh kích ngày ba bốn trận: Chúng tôi gửi đá cho nhà máy/ Phản lực Mỹ ruợt những khoang đá ấy/ Nhưng xi măng từ sắc đá xanh ngời/ vẫn đến từng con đập, mảnh sân phơi. Đó là những con người vĩ đại một cách khiêm nhường!
Vân Long rất sở trường về lập tứ. Bài thơ ngay từ mấy dòng đầu đã mở ra cả một không gian thơ có định hướng, hiện lên rõ nét, giầu tính hội họa:
Sao sáng trăng tròn in đáy nước.
Chèo khua xao động cả mây trời
Cát vàng thêm ánh trăng vàng giát
Nặng một thuyền vàng xé nước trôi
(Vàng sông Thao – 1961)
Mở đầu Hương sắc mùa hè thì:
Mây trắng dừng bên cửa sổ
Hoa phượng soi vào nắng sắc da cam
Chùm nụ xinh gói từng giọt lửa
Nhỏ dần từng giọt giữa không gian
Đây là Pleiku mấy câu dạo đầu:
Pleiku ăm ắp gió
Nâng mình lên gần trời
Những đường đèo uốn khúc
Ném tôi vào xa xôi…
Có thể dẫn ra hàng chục, nhiều chục bài thơ nữa. Đó chính là cái tài, tài năng phát hiện nhạy bén, định hình, “gói” sự vật lại trong vài mươi con chữ của thi nhân. Tứ thơ là cái trục để thơ nương tựa, để từ đó triển khai ra toàn thể, khiến bài thơ vũng vàng, tập trung ý, tránh được sự miên man. Đó là điểm rất quan trọng để xác định tài năng của người làm thơ. Có lẽ vì vậy mà thơ Vân Long thường kiệm lời, sức nặng thơ ông hằn sâu trên từng con chữ, mạch thơ đằm, ánh lên sức mạnh của trí tuệ, của tư duy mẫn tiệp, của cảm quan minh triết Á Đông…
Một bài thơ khác thể ngũ ngôn, vẻn vẹn 120 chữ dùng mà rất hay, rất lạ!
Bạn cũ xa lâu ngày
Gặp nhau trên đất lạ
Mừng không thể bắt tay
Ôm nhau thì mới hả
(Gặp bạn)
Sao lại không thể bắt tay? Ôm nhau thì mới hả!  Thế mới đúng! Thế mới thật! Cái nghịch lý nho nhỏ hiện lên trong câu chữ, đã diễn tả rất đúng cái tâm thế, tâm thái của hai kẻ tri âm 15 năm gặp lại. Chuyện sự nghiệp, chuyện đời/ Tí tách như ngô nở cũng lột tả được cái thần của thời khắc gặp nhau. Đọc đến mấy câu này tôi cứ hình dung ra cảnh hai người bạn nằm gác chân lên nhau mà trò chuyện, tíu tít đến bối rối, niềm vui như bủng ra, như òa vỡ. Từ “tí tách” được dùng rất đắc địa. Đây là cuộc hội ngộ cảm động có bộn bề tâm trạng, nhưng chỉ có niềm vui, kể cả chuyện buồn cũng nhanh nhanh được khỏa lấp. Đọc vài câu đó ta hiểu được tình bạn giữa hai con người bền chắc, sâu sắc đến nhường nào? Chỉ cần nhìn nhau, chỉ cần tâm cảm!
Nhưng nhìn sâu mắt nhau
Thấy còn nguyên vẻ sáng
Biết bạn sống ra sao
Mười lăm năm dĩ vãng!
Thơ Vân Long không thiên về sự hoành tráng. Thơ ông đẹp trong vẻ đẹp trí tuệ, đằm thắm của lối tư duy minh triết phương Đông. Trong bài thơ, điểm xuyết, lấp ló những ngôn từ đẹp lung linh, trong sự chuẩn mực và sang trọng như những nụ hoa, mới điểm dăm ba trên cây đào mùa xuân. Đó là sự tinh tế, là sự chọn lọc, là sự độc đáo. Một lối viết, một cách thể hiện riêng của cá tính và ngòi bút Vân Long theo kiểu ý tại ngôn ngọai vậy!
Là một người yêu thơ Vân Long, tôi đọc ông khá đều và kỹ, liên tục trong nhiều năm tháng. Đọc trong những tập thơ ông tặng, đọc ở những bài thơ đăng tải trên báo. Tôi nhận thấy sự bứt phá trong thơ ông qua từng chặng đường thơ. Một sự đổi mới bền bỉ âm thầm mà rất hiệu quả, điều đó ở tuổi ông đâu phải dễ dàng! Ta chỉ cần nhớ lại nhiều  nhà thơ thuộc thế hệ ông, cứ thưa dần, vắng mặt dần trên các trang báo, trên các xuất bản phẩm. Khoảng nửa thế kỷ trôi qua, biết bao thăng trầm, biến động của thời cuộc!  Mỗi giai đoạn từ hoà bình sang chiến tranh, tạm ngưng tiếng súng trên nửa nước được mưoi năm, lại phải đối phó với các kiểu chiến tranh phá hoại trên đất liền, phong toả thủy lôi trên cảng biển, bao gian nan mới có ngày thống nhất đất nước. Có lẽ từ ngày thống nhất đất nước, những người viết mới có điều kiện và thời gian nhìn rộng ra thế giới, thơ thế giới chuyển động ra sao khi ta mải đánh giặc giữ nhà? Nhưng chưa kịp thư tâm, lại bùng phát chiến tranh Tây Nam, chiến tranh biên giới Bắc.
Nhiều nhà thơ thế hệ ông đã không theo kịp những đòi hỏi mới trong mỗi giai đoạn, đành nhường bước cho những cây bút mới xuất hiện, những cây bút không bị những hệ lụy, những nếp chai mòn, thương tật của quá khứ…Kể cả trong không khí Đổi Mới, nhiều người thế hệ ông phấn hứng, muốn cầm bút trở lại, nhưng lực đã…bất tòng tâm!
Còn với Vân Long, sau Tia nắng 1962 tập trung những đề tài xây dựng trên nửa nước, ông đã hòa mình ngay vào thế hệ thơ chống Mỹ Hải phòng, với những bạn trẻ kém ông hàng chục tuổi. Hải Phòng vừa là hậu phương lớn, vừa là chiến tuyến phía Đông khi không lực Mỹ phong tỏa thủy lôi, quyết cắt đứt con đường vận chuyền ngoại viện  và đánh phá  thăm dò tuyến xuất phát của những đoàn tàu không số đưa vũ khí vào Nam. Ông lại có một mảng thơ lực lưỡng: Thành phố trong tranh, mấy bài thơ dài mang không khí sử thi: Hải Phòng đêm mùa thu 1967, Chuyện kể về một vùng biển nóng mà nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn đã nhận định (Người sục tìm trong khoảng biếc thi ca, tạp chí Nhà Văn 10-2010): “Tôi yêu những “ký họa thơ” của Vân Long, giờ đây đã trở nên vô giá về những nét sinh hoạt Hải Phòng thời chiến: Còi báo yên khai mạc phòng triển lãm/ Khách yêu tranh khoác cả súng vào xem.”…
Bài thơ Đubai được viết năm 1996 khi ông 62 tuổi. Đọc Đubai, không chỉ đọc một bài thơ hay mà tôi thấy hành trình đổi mới thơ trong suốt 40 năm cầm bút của ông:
Thèm rời bỏ máy bay
Để cưỡi lạc đà
Nhấp nhô trên cát
Đubai rung lục lạc
Vòm trời xanh mắt mèo
Câu thơ khoẻ khoắn, ý thơ lạ ngay từ dòng thứ nhất, như hút ta vào vùng đất Đubai huyền sử. Nhà thơ muốn rời xa phần đời hiện đại bộn bề, mà ngược dòng thời gian của nhân loại. Câu thơ ăm ắp những mời gọi, những ảnh hình đẹp, gợi cảm lạ lùng, hấp dẫn, đầy sức trẻ trung. Khi viết những dòng thơ này, rõ ràng tâm hồn Vân Long rất sung mãn, hứng khởi. Nhà thơ vẫn hăm hở trong mọi cuộc hành trình, săn lùng những hình ảnh mới, bổ sung tiếp cho bộ sưu tập đồ sộ trong hành trang thơ của mình.
Đặt Đubai trong hệ thống thơ của Vân Long hay đặt ngay cạnh bài thơ ông viết sau đó mười năm Thời gian II, ta sẽ thấy sự bứt phá ngoạn mục của Vân Long trên con đường Đổi Mới, trẻ hoá thơ của ông: 
Thoáng đã trưa
Giấc muộn
đã chiều
Thời gian ăn mòn ký ức…
Lem lém điếu thuốc cháy
Ta búng lên trời
đầu mẩu thời gian…
Đây là điều rất đáng mừng! Thơ Vân Long thực sự đang tiếp tục vươn tới trong cái vườn thẩm mỹ đa sắc hương của thơ Việt hiện đại. Hình như những chuyến xuất ngoại sang những phương trời Âu-Á-Phi xa xôi ít nhiều có tác động đến ngòi bút thi nhân? Hay có một lý do nào khác nữa? Không phải ngẫu nhiên khi qua thành phố Saint Peterbourg cố đô của nước Nga thời Sa Hoàng xưa mà Vân Long viết:
Anh đâu còn là anh thuở ấy
Nước Nga này đâu phải nước Nga xưa
Dòng Nhêva trôi, nước không trở lại
Câu thơ bay rạo rực dưới sương mờ
Phải chăng những biến động dữ dội của lịch sử nhân loại, của thực tại đã tác động mạnh vào tư duy thơ, bản lĩnh thơ, thôi thúc Vân Long tiếp tục bứt phá và hồi xuân ở tuổi 70 hôm nay? Có thể nói chùm thơ xuất ngoại của Vân Long  là một chùm thơ hay và đẹp xuất thần, mở ra một chân trời mới, không gian mới cho thơ Vân Long. Sẽ còn hiện diện lâu trong lòng bạn đọc những Đubai, Tiếng hát một thời, Gợi nhớ, Metro và chùm thơ về Trung Quốc…
Vân Long là một con người nghĩa tình cả trong đời thường và trong thơ. Từ rất lâu, tôi biết Vân Long chơi rất thân, đến mức tri âm, tri kỷ với các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Phan Kế An…các anh thường quy tụ sinh hoạt hàng tuần trong một quán bia hơi. Đó là sinh thời hai đàn anh Trần quân và Ngô quân. Tôi cũng khá thân với mấy đại ca, thỉnh thoảng theo chân các ông anh, chầu rìa trong các cuộc vui, bia bọt nhì nhằng. Mỗi ông mỗi nết, nhưng dường như có những nét nhân bản nào đó đã hút các ông lại với nhau thành một tình bạn trọn đời…
Rồi Vân Long chuyển cư đến vùng thập tam trại, trẻ hóa hội bia   bằng các nhà văn tuổi lục tuần Hoà Vang, Trịnh Thanh Sơn, kém anh đến một con giáp. Rồi không hiểu sao hai nhà văn trẻ này cũng vội ra đi để anh lại với mấy bạn văn xứ Thanh, xứ Đoài mà sự gặp gỡ hàng tuần để trao đổi những suy nghĩ, những thông tin văn học và nhân học như một nhu cầu không thể thiếu. Vân Long có hàng trăm bài thơ đằm thắm tặng bạn bè người thân: Băng Sơn, Trúc Thông, Thanh Hào, Tô Hà, Tạ Vũ, Văn Cao, Quang Dũng, Thọ Vân, Trịnh Hoài Giang, Hoàng Ân  và nhiều người khác. Cứ đọc những bài thơ ông viết đề tặng bạn, biết ông là người vừa quảng giao vừa chọn lọc. Tình bạn với ông như phù sa nồng nàn tươi rói chất liệu cuộc đời, là một mảng quan trọng trong sự nghiệp thơ Vân Long.
Đọc tuyển thơ của ông tôi hết sức ngạc nhiên, từ ngạc nhiên đến sửng sốt khi nhận ra sức đi, sức viết dẻo dai bền bỉ của ông. Hàng trăm miền đất ông đã qua từ cực bắc đến cực nam Tổ quốc, lên Tây Nguyên, xuống miền Trung, ra Quảng Ninh, cắm sâu ở Hải Phòng, máu thịt với Hà Nội…Ông đã bao lần xuất ngoại, tiếp tục những hành trình ngọan mục. Dường như ông làm thơ dễ dàng với độ nhạy bén, sắc sảo của người nghệ sĩ đích thực. Tạng Vân Long rất hợp với thơ: sâu lắng và đa cảm. Ông viết khoẻ và có duyên thơ, giữ bền ngọn lửa thơ.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến mảng thơ viết cho thiếu nhi của ông. Đây là một mảng thơ rất sáng giá, có nhiều bài hay được viết ra trong suốt một phần tư thế kỷ (1970-1996). Xưa nay làm thơ hay đã khó, làm thơ hay cho trẻ em đọc lại càng thiên nan vạn nan. Cứ xem ở nước ta, 100 năm qua có được mấy nhà thơ chuyên viết cho trẻ? Trên thế giới điều này cũng xẩy ra tương tự, viết truyện còn có dăm tên tuổi, còn thơ thì lác đác, nghèo nàn. Ở tuyển này, Vân Long chọn 31 bài thơ dành cho con trẻ, cũng đủ thành một tập. Điều đáng nói là chất lượng. Những bài thơ Muối, Con voi em vẽ, Ngàn cây số hoa, Mèo con vào thơ, Chuyện lạ, Buổi sớm ở Mường Động, Bác trâu hiền là những bài thơ hay cho lứa tuổi nhỏ. Cái khó là nhà thơ phải biết nhập thần và xuất đúng với điệu tâm hồn, nếp cảm nếp nghĩ của trẻ, tự nhiên thoải mái, không khỉên cưỡng. Nhà thơ Vân Long đã nhập vào thế giới trẻ thơ, sống với trẻ, coi các em như người bạn ngang hàng. Tâm hồn thi nhân hẳn phải thật trẻ, quan trọng hơn là yêu trẻ, và biết cách yêu!   Thử dẫn một bài:
Mèo con vào thơ
Bố em đang ngồi viết
Mèo con tót lên bàn
Ghé răng cắn ngòi bút
Rồi nằm đùa giữa trang
Bố mắng yêu mấy câu
Dừng tay không viết nữa
Dường như bố không nỡ
Phá trò vui của Mèo!
Hôm sau đọc thơ bố
Có con mèo nghịch tinh
Hoá ra Mèo tự mình
Nhẩy vào bài thơ đó!
Hai trăm sáu mươi hai bài thơ trong một tuyển tập? Đó là nhiều hay ít? Tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Quan trọng là thơ Vân Long từ hơn nửa thế kỷ qua luôn sống trong lòng bạn đọc, được bạn đọc yêu quý, trân trọng. Và còn quan trọng hơn nữa là hiện tại, ở tuổi 76, Vân Long vẫn rất sung sức, khoẻ khoắn, vẫn viết được nhiều câu thơ hay, tứ lạ, say đắm lòng người. Tôi dám cuộc rằng ở ngưỡng bát tuần, chắc chắn ngòi bút của Vân Long vẫn dẻo dai trên con đường thi ca vạn dặm sang trọng và gian khổ...
Trần Đăng Thao


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...