Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Bến sông xưa

Bến sông xưa
 Đã lâu tôi không trở lại cái vùng quê ấy, vùng quê đã nuôi tôi suốt một thời thơ ấu.
Theo lời mời của một đồng nghiệp rằng: “Gần tết lên quê tôi chơi, bắt con gà ta về làm cỗ giao thừa”. Tôi nghĩ gà ta thì mua ở đâu cũng được, nhưng tấm lòng của người bạn thì khó mà mua được. Kể ra tầm 28, 29 tết mà lặn lội lên tận cái vùng quê xa mấy chục cây số ấy cũng hơi ngại, nhưng bởi lẽ nhà bạn tôi lại chính là vùng quê ấy - cái nơi có con sông nông giang bốn mùa đầy ắp nước mà tôi đã từng tắm táp nô đùa trong suốt thời trẻ dại.
Nghĩ đến đó tôi lại thấy lòng bồi hồi, thấy hứng khởi muốn được trở lại nơi đó một lần, giống như đi trên chuyến tàu về lại tuổi thơ.
Con sông nông giang vẫn vậy, đã qua nửa thế kỷ rồi, vẫn hiền hòa trong trẻo như chẳng thèm để ý đến thời gian. Tôi rong ruổi trên con đường đê đã được kè đá đổ bê tông, mà ngày trước đầy cỏ mọc và nham nhở vết chân trâu. Bây giờ hàng quán mọc lên san sát, cứ ngỡ khó mà tìm được cái bến sông ngày trước, nhưng rồi tôi vẫn nhận ra, chỉ có điều, bến sông giờ hoang vắng quá. Những phiến đá đã xanh rêu, nước trong văn vắt, lạnh lẽo đến rợn người. Tôi rẽ vào một quán nước xin bát chè xanh nóng hổi uống cho ấm bụng, bà bán nước bảo: Chỉ có trà khô pha sẵn thôi, tôi đành ngồi nhâm nhi từng ngụm nhỏ chén nước chè đắng chát mà thấy lòng cũng chát đắng như  đang trở về quê cũ mà chẳng gặp người xưa.
Lúc đó tôi chỉ là một cô bé con theo mẹ đi sơ tán đến cái vùng sông nước ấy. Ban đầu nhìn thấy sông, tôi còn sợ hãi dúm người lại. Mẹ kéo tôi ra sông tắm, tôi cứ chùn lại nhất quyết không chịu thả người xuống nước mà đòi ngồi trên bờ để mẹ múc từng chậu nước lên để tôi tắm. Tôi nhớ lúc đó lũ trẻ đang bơi lội dưới sông, cười um lên, chúng lêu lêu tôi. Thế là tôi chỉ còn cách tắm ở nhà, mà như vậy thì nước đâu cho đủ? Hồi đó cả xóm ven sông không nhà ai đào giếng. Sáng sớm hầu như nhà nào cũng đi gánh nước. Mà có lẽ còn một điều nữa, sau này tôi mới hiểu, bến sông còn là nơi để giao lưu, là cái cớ để gặp gỡ nhau. Tất cả đều được giải tỏa, đều được chia sẻ dù là niềm vui hay nỗi buồn. Tôi cũng vậy, hồi đó tuy còn bé, nhưng tôi cũng thích ra bến sông chơi, vì ở đó lúc nào cũng có người, tôi có thể vừa hóng chuyện người lớn, vừa xem bọn trẻ tập bơi. Rồi tôi không thấy sợ sông nữa. Tôi hay ngồi trên bờ thả những chiếc lá, trên đó là những mảnh giấy cắt hình người, rồi những cánh hoa, có khi là một con châu chấu, con chuồn chuồn đã bị cắt cánh… mà tôi tưởng tượng ra là đoàn thuyền đang chở hoàng tử, công chúa đi đến một xứ xở thần tiên. Trẻ con chẳng mấy chốc mà thân nhau. Tôi nhanh chóng được lũ trẻ trong làng rủ ra sông tắm, rồi tập bơi, tất nhiên chỉ tập ở ngay bến. Lúc đầu tôi chỉ dám bước xuống đến bậc thứ hai của bến, rồi dần dần đến bậc thứ ba, rồi bước cho ngập đến ngang vai, rồi túm lấy bờ đá mà thả người cho nổi lên theo dòng nước.
Tôi còn mượn cả quần của mẹ, buộc chặt một đầu rồi bơm khí theo cách khoát nước của bọn trẻ vào hai ống quần rồi túm lại thành một chiếc phao. Theo kiểu này, tôi cũng nổi được trên mặt nước, nhưng khi phao hết hơi, không tránh khỏi nhiều hôm phải uống một vài hớp nước, may mà lũ bạn lôi vào kịp. Mẹ không khuyến khích tôi bơi, bà sợ, vì có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nhưng tôi đã ngấm nước sông rồi. Tôi say mê dòng sông, nhất là những chiều hè, tôi không thể không ra sông vùng vẫy cùng lũ bạn.
Tôi đã biết bơi và chẳng khác gì những đứa trẻ của xóm bên sông. Cũng trần như nhộng nhảy ào ào xuống sông, cũng cười khanh khách khi bị người lớn quát bởi làm nước bắn tung tóe.
Tuổi thơ ngọt ngào trôi qua nhanh chóng, sông thì vẫn vô tư, nhưng tôi thì không còn vô tư nữa, tôi đã trở thành thiếu nữ. Tôi đã biết tắm bằng cách để nguyên cả quần áo và thay bằng chiếc váy quấn (giống chiếc xà rông của người Thái) ngay ở bến sông y hệt các cô gái làng. Bến sông đã trở nên thân thuộc, gắn bó với tôi như một người thân, một ngày mà chưa ra bến sông tôi thấy như thiêu thiếu một cái gì đó.
Có lẽ bến sông còn cho tôi nhiều kỷ niệm nữa, nếu như không có một ngày tôi phải rời xa. Đó là ngày giặc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, toàn bộ dân sơ tán được trở lại quê nhà. Mẹ giục tôi thu xếp đồ đạc để ngày mai thuê xe bò chở về, mà phải đi từ 3 giờ sáng vì xe bò đi rất chậm, tuy có vài chục cây số nhưng chắc phải chiều mới đến nơi. Tự dưng tôi thấy buồn khôn tả, mặc dù cả nhà tôi ai cũng phấn khởi vui mừng vì sắp được trở về nhà mình. Tôi ra bến sông giặt giũ lần cuối. Bến sông vẫn đông vì đang vào dịp sắp Tết Nguyên đán, người ta ra sông kỳ cọ đồ đạc, đánh rửa mâm bát, giặt giũ chăn màn. Có nhà đã rửa sẵn lá dong để chuẩn bị gói bánh. Không khí tết đã tràn ra cả bến sông, bởi những lời trao đổi, thăm hỏi nhau về cái tết sắp tới. Riêng năm nay còn một điều khác nữa, đó là tiếng chào chia tay của những người sắp xa nơi này.
Tôi vẫn không quên được cái không khí bến sông lúc đó, nó cứ bổi hổi bồi hồi và ấm áp đến lạ, mặc dù đang tháng chạp gió lạnh đến run người. Tôi cứ giả vờ ngồi ở bến sông thật lâu, với đám quần áo không nhất thiết phải giặt, tôi cố đợi một người bạn, chắc bạn sẽ ra sông như mọi lần. Mọi người đều chào tạm biệt ở bến sông. Tôi cũng vậy, cũng muốn chào bạn một câu: “Ngày mai tôi về”, thế thôi, tuổi 15 biết nói gì được nhỉ. Sang năm, vào học kỳ mới, chỗ ngồi bên trái bạn không phải là tôi nữa.
* Ba tôi:  Chúng tôi  (Tiếng địa phương)
Cẩm Hương
Theo http://vanhoadoisong.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...