Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Bích Khê: Thơ và thời gian

Bích Khê: Thơ và thời gian 
(Tập thơ Tinh huyết)
Thời gian là một chuỗi dài vô hạn vì chưa ai tìm được điểm tận cùng hay bắt đầu của thời gian. Tuy thế, người ta có thể tạo cho thời gian những giới hạn, đó là biên thành của quá khứ, hiện tại, tương lai, là vùng tuổi của con người…
Nếu Kant cho thời gian là sắc thái của tâm hồn, Bergson cho thời gian là những hoài niệm và Proust là những cảm thức về bao điều đã mất thì Bích Khê thời gian chính là những bước chân người đi vào đời chông gai và sạn đá. Mỗi bước chân là một bước phiêu lưu qua bao miền đất hứa và cũng có thểà qua bao miền sa mạc hoang vu nắng cháy.Van Gogh đã có lúc từ bỏ giáo hội với vai trò tôn nghiêm của mình để đến Borinage - miền nam Bỉ quốc - nhận chịu những nỗi đắng cay rồi trở thành kẻ uất ức điên cuồng…
Mỗi bước chân đi vào đời đánh dấu một sự đổi thay của tạo vật. Do đó, thời gian là khoảng mới gắn liền với không gian. Kim Định chia thời gian làm ba lĩnh vực : thời gian khoa học, thời gian tâm lý, thời gian sinh lý (1). Còn Bích Khê thời gian là cuộc đời, là bước chân đi vào đời để tìm đủ mọi yếu tố nào đó mà vượt thoát.
Nhưng vượt thoát để làm gì? Vượt thoát khỏi cái gì? Và vượt thoát để đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà cũng chính là ý nghĩa trong việc đi tìm thời gian của Bích Khê. Ông cố gắng thoát ra ngoài sự ràng buộc của xác thân, của xứ sở, của cái gì có và đang có. Rời bỏ một xứ sở thân yêu để đến nơi xa lạ, rời bỏ dãy núi xanh để đi về biển muối, rời bỏ vườn lá thắm để vào bãi cỏ hoang, rời bỏ căn nhà thân thuộc để đến một thành phố quạnh hiu…Đó cũng là cách vượt thoát. Có thể nơi đến chỉ có trong tưởng tượng, chưa hẳn đã hiện rõ trong không gian …Vượt thoát là một hình thức đi tìm. Với Bích Khê, thời gian thực sự có xảy ra khi cuộc đi tìm vẫn triền miên và thắm thiết, vẫn trường kỳ và vô hạn, vẫn diễm tuyệt và vô biên. Thời gian là cái gì mời gọi, sau cuộc mời gọi là kỷ niệm, kỷ niệm là ký ức và ký ức là thời gian. Nó đi suốt hàng vạn niên chu kỳ. Mỗi chu kỳ là một giới hạn, một giới hạn là mỗi điểm thời gian và mỗi phân tử cấu thành mỗi chu kỳ là một khoảng thời gian.
Khi nói về Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục viết: }…thi sĩ thấy một cảnh tượng, nửa thức nửa ngủ như trong giấc mơ, tất cả không gian biến thành một màu vô hạn, tất cả thời gian lẫn lộn quá khứ với hiện tại, cảnh La Phù lúc này cũng là Hồng Sơn trong ký ức. Ở đây không hẳn là u buồn, không hẳn là nhớ nhung để mong mỏi một quá khứ yêu dấu trở lại. Đây là cái phút buồn nhớ đời dâu bể biến đổi với cái phút cảm thấy nó hư không vô bờ bến vậy ~. Thời gian ở đây không hạn định nên nó luân lưu đến một bờ vô định và trở lại cũng ở một bờ vô định. Song ký ức con người có thể phân chia ranh giới gần xa. Những chuỗi đời thân yêu của quá khứ lần lượt trở về rạo rực trong ký ức tùy theo lúc nhớ và đối tượng gợi nhớ của mình. Những gì đã qua với đầy ắp kỷ niệm đều là những nét thân yêu tác động thăm thẳm vào hồn người mỗi khi nhớ lại. Cho nên khi mơ về một vùng diễm tuyệt, quá khứ đôi khi cũng trở thành hiện tại mà là hiện tại vàng son vì không tìm được trong hiện tại của cuộc đời. Cái hiện tại của quá khứ ấy cũng là hiện tại của tương lai với ước mơ về viễn xứ. Viễn xứ là một miền đất lạ, một xứ thần tiên hay xứ sở của tương tư. Viễn xứ cũng có thể là chốn La Phù hay cảnh Hồng Sơn. Nhưng dù ở đâu, viễn xứ vẫn là nơi bí hiểm mà thi sĩ cần đi vào khám phá:
Thơ tôi bay suốt một đời không thấu
Hồn tôi bay biết bao giờ mới đậu
(Bích Khê –Tinh Huyết)
Dòng thơ vẫn đi mãi theo thời gian và nhờ thời gian dẫn dắt. Nơi giao thoa của thời gian là chân lý, là mỹ thể. Để giới hạn tính chất vô định của thời gian, Bích Khê đã tìm những điểm cho thời gian cư ngụ, đó là những biến cố. “Bàn tay ngà” là biến cố hiện tại của thời gian. Trong quá khứ, thời gian cũng đã tác động nhiều lần trên bàn tay người con gái. Tác động ấy bây giờ mất đi nhưng vẫn còn lại trong ký ức. Từ bàn tay nhỏ bé nằm nôi đến bàn tay búp măng dậy thì, từ bàn tay đỏ bỏng đến bàn tay trắng hồng, từ bàn tay vô tình đến bàn tay hữu tình là những biến cố do thời gian tác động và biến đổi tính chất đầu tiên của con người hiện hữu: 
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà
Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động có nhạc trong giây…
(Bích Khê – Nhạc - Tinh Huyết)
Thơ bay rồi đậu. Thời gian bay rồi đậu, rồi bay. Giới hạn của thời gian ở đây là bàn tay ngà. Nếu không có giới hạn thì không có những dòng thơ và khoảng thơ. Dòng thơ là nhịp cầu giao cảm giữa ngươì và người trong khoảnh khắc đối diện. Bích Khê đã thực sự lấy thời gian để bắt nhịp cầu giao cảm giữa ông và Song Châu, giữa ông và Thanh Thủy, giữa ông và Ngọc Kiều, giữa ông vàMinh Sim … Và dòng thơ nằm yên trên giấy chính là nhịp cầu giao cảm giữa người đọc và người viết , giữa tác phẩm và người thưởng ngoạn. Cũng có thể dòng thơ là nhịp cầu nối liền giữa hữu thể ( Être) và hư vô (Néant), giữa giới hạn và vô biên, giữa sự sống và sự chết. Không có thời gian thì không có dòng thơ, không có dòng thơ thì không có Bích Khê:
THỜI GIAN - DÒNG THƠ - BÍCH KHÊ - BÍCH KHÊ - DÒNG THƠ - THỜI GIAN
Khoảng thơ là bước tiến của thời gian; rõ hơn, nó chính là bậc thang cho thời gian tiến bước. Cho nên trong sự đột biến của từng biến cố- ngay cả trong dòng thơ và khoảng thơ - ta vẫn thấy có sự mâu thuẫn và phức tạp ở trong đó.
Mâu thuẫn chính là bước tiến của sáng tạo, bởi mâu thuẫn là sự xung đột nội tâm, “Nước mắt ly sầu hay giả dối? ”(2) là một sự mâu thuẫn đưa đến ngờ vực “Chỉ có mình cô khóc với cô? ”(3). Tại sao lại ngờ vực khi biết rằng trong bất cứ vở tuồng nào diễn viên cũng chỉ đóng vai trò lập lại? Những động tác của diễn viên không phải xuất phát từ tâm can họ mà theo mô thức nào đó của vỡ tuồng? Có lẽ Bích Khê cho rằng tiếng khóc của cô đào hát bộ là tiếng khóc từ đáy lòng của chính cô ta. Mặt khác, có thể ông cũng cho là tiếng khóc giả dối. Đó là hai ý tưởng trái ngược nhau đang xung đột trong tâm trí của Bích Khê. Bởi xung đột nên ông lê bước đi tìm:
Tôi đi tìm đẹp trên sân khấu (4)
Bích Khê muốn đi tìm cái đẹp, đó là sự khát khao đi tìm chân lý và mỹ thể của ông. Mỗi bước đi là một ước mơ khoác chiếc áo mới cho thơ, đôi khi là hướng vọng bằng sự mộng mơ :
A ha! Mê luyến những hình tiên nga ?
(Bích Khê - “Mơ Tiên” - Tinh Huyết)
Đi tìm là nỗi khát vọng và đằng sau nỗi khát vọng ấy là bao điều phức tạp.
Phức tạp là sự kết hợp những cái không thuần nhất, không hoàn hảo, bị mê hoặc giữa chân và hư, giữa mộng và thực. Nói như Hàn Mặc Tử : “Nhìn vào sự thực thì sự thực sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu”.
Không hoàn hảo là vì ngay trên cùng một lối đi, thi sĩ lại thấy hiện ra trước mắt một vùng tương tư, một vùng mộng mơ khác.
Thơ bay, thơ bay vô bàn tay ngà
Thơ ngà ngà say, thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động có nhạc trong giây…~ 
(Bích Khê – Nhạc - Tinh Huyết)
Diễn tả sự chậm bước của thời gian. Trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long viết: “Bắt đầu từ đây thi nhân kéo chúng ta lướt thướt trong cõi u hoài, trong thế giới hào quang, gây cho ta những điệu đàn hòa dịu, ngọt ngào, vô cùng cảm khoái.” Ở điểm này ta thấy nhà phê bình họ Nguyễn đã thật sự để cho lòng mình nương theo điệu nhạc trong thơ Bích Khê. Chính tiếng đàn hòa tiếng nhạc trong giây êm ả đã khiến cho tâm hồn thi sĩ lâng lâng, quên đi thực tại, quên đi thời gian. Nói cách khác, ý thức thời gian trong thơ ông lúc này mờ mịt, tiếng nhạc dẫn ông vào một không gian xa lạ, vào một thời gian hỗn tạp, lẫn lận giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Đôi khi thời gian vận hành chậm rãi theo từng bước đi của nhạc, bắt đầu từ bàn tay ngà, dừng lại ở bàn tay ngà, rồi đi vào nơi hoa mộng. Ở đó có cung Hường, có đào Động. Tiên nương từng lớp xiêm y rực rỡ, vũ khúc theo tiếng nhạc như xa xăm, như gần gũi tạo nên một khung cảnh mơ hồ.
Trong bài Thi vị, phải chăng Bích Khê chia thời gian thành các thời kỳ, mỗi thời kỳ là một biến cố:
THỜI GẶP NHAU:
Bắt đầu là sự chao động tâm hồn của thi nhân qua từng biến cố tình yêu. Thời gian ở đây được tô màu, màu vàng và màu vàng diễn tả một trời tương tư vàng úa. Đoàn Phú Tứ cũng đã từng tô màu cho thời gian qua bài Màu thời gian:
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Mỗi người có quyền tạo cho thời gian một màu sắc. Người Pháp thường bảo: thời gian màu xanh, nhưng ai cấm người Việt bảo: thời gian màu vàng, màu hồng, màu tím,…Màu thời gian của họ Đoàn là màu nhớ lại, “nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa màu tím và màu hoa lẫn lộn với tình yêu”. Màu thời gian của họ Đoàn là màu kỷ niệm. Hoa tím là kỷ niệm của mối tình thắm thiết xưa của thi nhân. Họ Đoàn còn rắc lên thời gian một mùi hương đặc biệt, đó là Hương thời gian. Hương thời gian “ là thứ hoa kia mà cũng là tình yêu, một thứ tình yêu đã qua lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng ”.
Hoa tím tỏa ra mùi hương đặc biệt, không nồng như hương lài, hương lý mà lại thanh thanh. Thời gặp nhau ở trong Thi vị là thời bắt đầu một cuộc tình có đủ nhân chứng - người yêu với người yêu:
Lá vàng rơi
(Tôi khóc anh ơi !)
Đàn rung tiếng
Người yêu đương ngồi… 
(Bích Khê - “Thi Vị” - Tinh Huyết)
Thời gian của Đoàn Phú Tứ có màu, có hương. Thời gian của Bích Khê giàu hơn nữa, có đủ sắc - hương - thanh. Sắc - hương - thanh là sự kết hợp toàn vẹn của dòng kỳ gian. Màu Thời gian vàng là màu lá đầu thu, lá sầu đông, lá ngô đồng vàng rụng. Cả không gian đều là lávàng rụng, mang màu ảm đạm thu về. Đó là màu vàng của lá úa, là màu của tương tư, màu cách biệt, chia xa:
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỉ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
Cách xa là nỗi nhớ, nỗi nhớ là mối chân tình. Thời gian đi xa vạn dặm với nỗi mong chờ:
Nước sông Tương một dải nông sờ
Cho kẻ đấy người đây mong mỏi
 (Cao Bá Quát - “ Giai nhân nan tái đắc”)
Nỗi mong chờ ở đây đã kết trái, nên hương thời gian đượm vẻ ngùi ngùi. Ngùi ngùi là cảm thức của người yêu chứ không phải là mùi của lá; nó chính là hoài niệm :
Ôi nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
(Bích Khê - “Tỳ bà” - Tinh huyết 
Ngọc Kiều và lời thề cá nước tưởng gắn bó keo sơn nhưng bây giờ nó trở thành mây khói hoàng hôn. Và vườn lá ngọc, sắc hoa thắm đã bị thời gian rũ tàn, còn lại màu vàng úa với buổi chiều hoang:
"Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng!
Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông!” 
(Bích Khê – “ Tỳ bà ” – Tinh huyết) 
Đó là buổi chiều thu hiu quạnh, lá thu vàng, sương thu lạnh và hương thời gian vẫn là hương ngùi ngùi. Bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, hai câu cuối cho ta cảm nhận được hương thời gian cách xa và nhớ nhung:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sư nhân sầu”
(Tản Đà dịch:Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
Đó cũng là hương ngùi ngùi, mùi hương lẫn lộn giữa thời qúa khứ và hiện tại, mùi hương lan nhẹ vaò mắt ta khiến lệ buồn rưng rưng…
Tiếng đàn và tiếng đàn là những âm thanh chen lẫn giữa mùi hương, nhưng sắc thái của nó biến đổi theo thời gian. Trong thời gian, tiếng đàn là không phải là biến cố ở ngoài đời mà là biến cố trong lòng người . Trong không gian tiếng đàn không phaỉ vùng quê hương còn lại cuả kẻ ở mà là ý thức hiện hữu cuả người đi.
Khúc Tỳ bà được gảy lên, tiếng đàn run run, dìu dặt, du dương… ngưng lại, đượm một nỗi buồn diệu vợi, buồn vạn đại cưa sự cách biệt chia ly. Tiếng đàn cất lên để nói rằng “Ta đang sống”, đang sống trong hy vọng và đau khổ, trong thổn thức và luyến lưu:
“Khách ngồi lại cùng em đây gối lả!
Tay em đây mời khách ngã đầu say!”
(Xuân Diệu - “Lời kỹ nữ”)
Yêu để sống, sống để tìm nhau, để yêu nhau để bơ vơ để cô đơn - cô đơn là ý nghiã của tình yêu - có yêu nhau mới có sự khát khao tìm kiếm, đợi chờ. Karl Jaspers nói: “Yêu nhau là kiếm tìm nhau đầu rừng cuối bể mỗi bước một bơ vơ.”
Tiếng đàn đưa thời gian vào nơi xa xăm, huyền diệu. Âm thanh của tiếng đàn đang cuộn lấy không gian, dẫn dắt ta vào thế giới ảo huyền, một thế giới chen lẫn chân, hư:
“Tình tang tôi nghe như tình lang” 
(Bích Khê – “ Tỳ bà ”- Tinh Huyết)
Đó là thế giới mộng mơ của Bích Khê. Tìm cái đẹp trong thời gian qua hình hài cùa mỹ nữ, qua âm thanh của tiếng đàn, qua sắc màu của hoa lá. Thời gian ở đây là thời gian buồn, âm thanh não nuột, hình ảnh vàng phai và hương vị đắng cay ngùi ngùi; nhưng thế giới này vẫn mang đến cho ta nét đẹp hư huyền, nhẹ nhàng như trong vũ trụ Đường thi . Phải tế nhị ta mới có thể đi vào vườn thơ của Bích Khê, vì thi sĩ đi tìm thời gian ở đây là đi tìm cái đẹp trong Dòng thơ và Khoảng thơ. Đây là cái đẹp u buồn, thê thiết của ngàn đời và khơi dậy mối sầu nhân thế đang lắng đọng trong hồn ta. “Đàn rung tiếng, người yêu đang ngồi” cho ta thấy hình ảnh người con gái đang gởi lòng theo tiếng nhạc. Tiếng đàn làm trỗi dậy tiếng than thầm muôn thuở và muôn nơi trong lòng vạn vật, khiến cho thời gian mang màu sắc ảm đạm, màu sắc của “một trời yêu thương tha thiết, một trời tương tư, một trời âm hưởng buồn não buồn nê” (5):
“Vàng rơi! Vàng rơi! thu mênh mông!” làm cho tâm hồn ta rung động nhẹ nhàng mà thấm thía; ta còn thấy tất cả những gì xa vắng của một người cô đơn trong chiều thu lá rụng.
“Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông!” đã nâng hồn ta lên chiều cao, sâu, rộng, đưa hồn ta vào cõi bơ vơ. Hai kẻ yêu nhau đồng bơ vơ với nhau nên dễ dàng gặp nhau trong chốn bơ vơ của vũ trụ. Ai bảo Bích Khê không bơ vơ? Ai bảo Ngọc Kiều không bơ vơ?.
THỜI NHẬN DIỆN:
Không còn là lá vàng rơi mà là mảnh trăng sơ huyền, trăng cuả thời kỳ vừa chớm, ánh sáng đơn sơ rơi xuống một vùng trời ước lệ,môi trường thích hợp cho buồi hẹn hò.Và cũng từ đây, tiếng đàn Chánh Thú (6) được gảy lên, máu huyết trào đầy mấy ngón tay…Rồi thôi!. Con trăng sơ huyền chênh chếch phía Tây, còn lại khỏang không gian tình yêu.Trăng sơ huyền là trăng hò hẹn, hò hẹn một cuộc tình mới chớm như nụ tầm xuân, một mai thức dậy trăng đi từ cuối hôm, người tình đi từ cuối trời tương tư, còn đây là kỷ niệm:
“Trăng vàng rơi
(Tôi khóc anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng
Người yêu đâu rồi…”
(Bích Khê - “Thi Vị”- Tinh Huyết)
Mấy câu thơ trên không phải là những câu tuyệt tác - có thể nói như Quách Tấn: giá trị chỉ ngang gỗxoài, gỗ trầm (7) nhưng ai dám bảo không có thời gian tính ở đây? Có người cho rằng, khi tìm hiểu tư tưởng cuả tác giả qua những bài thơ người ta khoác cho thơ một bộ áo mới đôi khi khác với điều tác giả nghĩ suy. Điều nầy có thể lý giải được khi nó không phải là tác phẩm nghệ thuật; đã là tác phẩm nghệ thuật điều kiện cho nó hiện hữu là phải có người thưởng ngoạn và do nơi người thưởng ngọan. Người thưởng ngọan có quyền tái tạo một thế giới nào đó lấy từ tác phẩm đã được viết ra.Tác giả là kẻ luì lại, là kẻ thoát xác trước tác phẩm của mình; tác giả-con người sáng tạo - lại chính là người vô thẩm quyền nhất trong việc bình luận tác phẩm cuả mình.Tác già là kè đả nhập thể vào tác phầm cuả mình, nhập thể vào từng chữ, từng câu, nhập thể để tác phẩm-vật sở hửu cuả nhà văn - chính là nhà văn. (8)
Bích Khê đã có những mối tình đi qua đời mình. Song trong lòng ông luôn có những mâu thuần với chính mình.Tưởng mình yêu Bích Thủy tha thiết nhưng ông đâu biết rõ nổi tha thiết ấy chính là để bù đắp nổi trống vắng thiếu Song Châu. Cho nên không lạ gì khi Bích Thuỷ bàn chuyện hôn nhân thì Bích Khê tỏ vẻ dè dặt .Bích Thuỷ đâm ra thất tình. Nàng thường gọi tên Bích Khê ,viết tên Bích Khê trên cát biển. Thất tình. Bích Thuỷ lâm bệnh. Bích Khê nghe tin liền viết bài Ngón giai nhân: 
“Đây em, gượng khúc tranh nầy
Mới lên trục gấm nét mày đã cau
Em ơi! Nhấn mạnh thời đau
Em ơi! nhấn nhẹ khôn lau nét buồn
Tiếng mau e ruột như cồn
Lại trong tiếng đục luống hờn bấy thân
Tình anh lụy ngón giai nhân
Sống lìa nay được ấy ngần đoàn viên”
Còn đối với Ngọc Kiều, Bích Khê yêu tha thiết. Ngọc Kiều là một nữ sinh học lớp đêm của trường Bích Khê đang dạy. Nàng rất đẹp, có gương mặt hiền lành, đôi mắt buồn như mơ báo trước một điều tan vỡ. Bài Mộng cầm ca là bài thơ đầu tiên ông viết cho Ngọc Kiều, nhờ Thanh Phương - một học sinh nhỏ nhất lớp - chuyển cho nàng:
“Không gian tơ, không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa …Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở cuả hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt,- ứ muôn nơi?
Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng
Ngọc Kiều ơi! - hồn đếùn bến xa khơi!…
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! Nầy khúc Lạc mai hoa
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu tỳ bà; (…) 
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tơ ngọc?
Vú non non? Da dìu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc?
Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm! ”
(Bích Khê - “Mộng Cầm ca”- Tinh Huyết)
Đọc thơ Bích Khê Ngọc Kiều rưng rưng cảm động. Nàng đáp lại tình ông rất chân thành. Mối tình đó mỗi ngày một khắng khít giữa hai người. Họ cùng thêu dệt những mộng mơ hạnh phúc. Bích Khê đã làm rất nhiều thơ tặng nàng. Đó là những bài thơ tuyệt tác như: Tỳ bà, Aûo ảnh, Nhạc, Tâm hồn, Hiện hình, Hoàng hoa… Con tim Ngọc Kiều như đã thuộc về Bích Khê, hai ngừơi cắt huyết ăn thề, lấy huyết hai đầu ngón tay của họ vẽ hai trái tim trên hai tờ giấy lớn, mỗi người giữ một tờ làm tin; đó là kỹ vật thiêng liêng của họ.
Một đêm trăng vằng vặc sáng, tìm Ngọc Kiều không gặp, Bích Khê rủ người chị ra biền hóng mát rồi đặt vào tay chị một bài thơ:
“Chị ơi, trời ráng màu xanh,
Tình trăng sống dậy trên cành hoa tươi 
Nói ra xin chị chớ cười:
Tình nay đẹp lắm hơn mười tình xưa” 
Nổi lòng của ông tràn vào thơ như cánh bướm ngây ngất trong hoa. Thơ ông hướng vào cuộc sống và vực dậy nỗi ước mơ thủơ thiếu thời. Ông đã nhận diện được cuộc đời qua lăng kính mới với hoài bảo lứa đôi. Ông tâm sự với người chị: “Em yêu N đã tám tháng rồi. Chúng em hết lòng yêu nhau và muốn chung sống với nhau chị ạ. Vậy chị viết thư về tin mẹ vào cầu hôn cho em đi. Em nhờ chị tất cả…”.
THỜI CHIA TAY:
Tưởng mối tình với Ngọc Kiều gắn bó keo sơn nhưng đã trở thành nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong ông như bảo tố nhưng không phân định rạch ròi đối tượng nhớ của mình bởi trái tim ông tuy thành thật song rất đam mê, tình nào đến rồi đi ông cũng đều quyến luyến. Thời gian như đang lẫn lộn giữa hiện tại, quá khứ, tương lai trong nổi dằng dặc chia tay:
“Lá vàng rơi
(Tôi khóc anh ơi!)
Đàn rung tiếng
Người yêu đi rồi”
(Bích Khê – “Thi Vị” – Tinh Huyết)
Người yêu đi rồi: một màu mây xám triền miên dần dần lan phủ không gian, không gian còn lại là bóng tối vì Bích Khê muốn khước từ mọi nguồn sáng - những nguồn sáng đầy đau thương không còn gì để chiêm ngưỡng.
Trong bài Thi vị, tác giả lấy sự đau khổ để suy tư về thời gian. Thời gian ở đây không hẳn là tiệm tiến, không hẳn là xô bồ. Nó liên tục nhưng không đồng đều. Lá vàng rơi, trăng vàng rơi, hoa vàng rơi là những khoảng thời gian khác nhau. Ta nhận diện được sự khác biệt đó bởi những biến cố. Từ lá rụng, trăng tàn đến hoa rủa là cả một đường đi dài của thời gian. Nhưng dài như thế mà nó vẫn nối kết. Ta cảm tưởng biến cố này vừa qua thì biến cố kia lại đến. Mỗi biến cố đều có ngưng lại trong một khoảnh khắc hay nhiều khoảnh khắc rồi lùi lại để biến cố khác đến chiếm cứ - lùi lại chứ không biến mất, lùi lại ở trong vô thức để chờ dịp thuận tiện nào đó lại hiện về trong sự hoài niệm của con người.
Do đó, Bích Khê đi tìm thời gian là đi tìm cái gì đã mất:
QUÁ KHỨ ----HIỆN TẠI----TƯƠNG LAI
(Vàng son) --- (U buồn)----(Vùng mộng mơ )
Ông đi tìm thời gian không phải vượt đến một bản chất của thời gian trôi chảy, cũng không phải nghiên cứu về một thứ thời gian thuần túy (durée pur) – như Bergson quan niệm - mà đó chỉ là một sự bắt buộc phải có ở nơi ông để chống lại sự rã rời, sự quên lãng, chìm lắng của cuộc đời, tìm lại để chống với cái chết của những lúc vô vọng và tìm sự liên tục của đời sống - nối kết các khoảng thời gian. Nếu không tìm lại dĩ vãng thì không thể chống chọi với cái chết cám dỗ:
“Có người thi sĩ nhặt hoa rụng,
Những cánh đau thường sắp mặt lầu! ” 
(Bích Khê – “ Mộng ” – Tinh Huyết)
Một chiếc hoa rụng đánh dấu một quá khứ. Nhìn một chiếc hoa rụng là nhìn lại quá khứ – tức quá khứ vẫn còn hiện diện. Do đó, quá khứ không phải là thời đã qua mất, đoạn tuyệt với hiện tại: dĩ vãng chính là thời gian dùng để nhận biết hiện tại. “Hoa vàng rơi” là dĩ vãng, một thời đã qua nhưng chưa chết. Nhìn chiếc hoa rơi, Bích Khê lại nhìn cả bước đi của người yêu – một viễn trình xa ngàn vạn dặm ở ngoài đời nhưng gần gũi trong ký ức. Nhìn bước đi của người yêu bằng tâm thức tức là đã tìm được thời gian. Thời gian tìm được ở đây là những khoảnh khắc, những mảnh đời hiện thực của ông đã và đang tiến bước. Giữa ông và người yêu có một sự liên hệ. Tìm người yêu tức là tìm dĩ vãng ở nơi ông. Cho nên khi lật một trang thơ, đọc một bài thơ, những mảnh đời sẽ xuất hiện tràn đầy sự sống – như ngày nào tác giả đã sống và ngày kia sẽ sống với những khoảnh khắc, những mảnh đời đó.
Tiếng khóc cũng là ý niệm của thời gian sống. “Khóc” để chứng tỏ ta còn hoài niệm. Dĩ vãng không tìm được ở ngoài đời thì nuối tiếc, nhớ thương, rơi lệ… “Khóc” để cho thời gian một tiếng nói, bởi thời gian vốn im lặng. Không ai thấy được thời gian và nghe được thời gian. Các giác quan của ta chỉ cảm nhận được công năng dưới hình thức ánh sáng, chuyển động của vật thể mà thôi. Ý thức được thời gian qua trung gian sự cảm nhận, hay nói cách khác, những cảm nhận tạo cho chúng ta những ý niệm về thời gian…
“ Hoa vàng rơi
(Tôi khóc anh ơi!)
Đàn rung tiếng
Người yêu đi rồi…”
(Bích Khê - “Thi vị”- Tinh Huyết)
Đây là sự tìm lại quá khứ của một quá khứ. Đàn không còn được gãy lên nữa. Nhưng dư âm buổi chia tay với Ngọc Kiều vẫn còn vọng về, vọng về mãi. Cho nên thời gian ở đây đi theo những chu kỳ như sau:
QUÁ KHỨ XA (Tiễn chân người yêu) - QUÁ KHỨ GẦN (Buồn nhớ)
- HIỆN TẠI (sự xuất hiện của thơ) - TƯƠNG LAI (Thăng hoa bằng mơ mộng).
Ta có thể nhận rõ: Tác giả đang nhìn lại lúc chia tay. Và thời gian đã hiện diện ở nơi ông bởi sự cô đơn và vô vọng. Ông đang chiêm ngưỡng vô biên và mọi cái vô biên đang tràn ngập trong hiện tại. Biết chiêm ngưỡng vô biên của không gian tức là đếm được bước đi của thời gian. Biết chiêm ngưỡng vô biên tức cũng là biết thưởng thức - nói theo ngôn từ của Shaupenhauer là biết chiêm ngưỡng ý người. Nhưng muốn chiêm ngưỡng, trước hết cần phải có khả năng siêu việt mà Shaupenhauer gọi là thiên tài ( génie ). Phải chăng Bích Khê cũng là một thiên tài trong làng thơ Việt nam?. Trong Thi nhân Việt nam, Hoài Thanh nhận định về Bích Khê như sau: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt nam:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” (9)
(1) Kim Định, Chữ Thời (nxb Sáng, 1967), tr.30-31.
(2),(3),(4) Bích Khê, “Cùng một cô đào hát bộ”, Tinh Huyết (Trọng Miên xuất bản, 1939). 
(5) Hàn Mặc Tử, trong bài tựa Tinh Huyết.
(6) Tên một nhân vật trong tác phẩm Chùa Đàn, của Nguyễn Tuân. 
(7) Quách Tấn, Đời Bích Khê (nxb Lửa Thiêng, 1971),tr.10.
(8) Huỳnh Phan Anh, “Hành Trình Của Tác Phẩm”, Tạp chí Văn
(Tháng11,1969), tr51. 
(9) Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam.
Phạm Hòa Việt
Nguồn: Bài đã đăng trên trang Yahoo Bog 
Theo http://www.bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...