Khi thơ đi vào nhạc
Tranh: Trần Thanh Châu
lá sẽ đỏ từ vàng da mũi lệch
môi là mềm hoa mọc mật cong môi
từ bờ cõi chia xương chua là ngọt
trút lang thang từ nát mộng lên trời
Thật sự tôi không hiểu lắm ý nghĩa của mấy câu thơ trên của
Bùi Giáng nhưng tôi vẫn thích đọc, thích nghe những âm thanh của những
câu chữ ấy. Rồi một cách vô thức, tôi thuộc làu chúng như thuộc một khúc
nhạc không lời.
Rõ ràng, nhạc đã đi vào thơ của Bùi Giáng.
Đi ngược con đường của Bùi Giáng, Lê Thương biến nhạc thành
thơ.
“Ngựa phi ngoài xa hí vang trời
Chuông trống khua trăm hồi,
Ngần ngại bên núi đồi
Rồi vọng ra khắp nơi”
Nếu một đạo diễn làm phim về cảnh người chinh phu ra trận
không hiểu ông thể hiện như thế nào về sự “ngần ngại” của
âm thanh ngựa hí, chuông trống khua ..
Chưa hết. Trong Hòn Vọng Phu 2 Lê Thương viết:
“Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ
Cho đến bây giờ
Đã thành đoàn cổ thụ già…”
Có những bài thơ tự nó biến thành nhạc. Có những ca khúc
chính nó là thơ. Nhưng cũng có nhiều bài thơ hay lại nằm ngủ trong rừng cho đến
một hôm có chàng hoàng tử trao cho nụ hôn hồi sinh và từ đó
nàng trở nên rạng ngời.
Phạm Duy là chàng hoàng tử tài năng nhất trong các
chàng hoàng tử chuyên đi tìm các nàng công chúa mê ngủ.
Ngoại trừ việc làm đẹp cho các nàng “công chúa”
già, đã có danh tiếng như Huy Cận (Ngậm Ngùi), Lưu Trọng Lư (Hoa Rụng Ven
Sông, Người Em Sầu Mộng,..) Xuân Diệu (Mộ Khúc), Phạm Duy còn có công đưa
chàng sinh viên Cung Trầm Tưởng đến với người yêu nhạc.
Một thời, hình ảnh
“người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ”
Bỗng trở thành nàng thơ của mấy anh chàng thanh
niên Việt Nam da vàng mũi tẹt và:
“Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay nhau muốn khóc..”
Đã trở nên rất gần gủi với người Việt còn hơn ga Hòa
Hưng!
“Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời”
Ôi chao, đàn ông mà cũng “hờn” ư. “Như thế là yêu quá đi mất
rồi” ( nhại thơ Nguyễn Bính).
Cứ tưởng Phạm Duy chỉ tìm đến với các bậc thi
nhân danh tiếng, thật đáng khâm phục khi ông phát hiện “Còn Một
Chút Gì Để NHớ” của Vũ Hữu Định và từ đó người yêu nhạc tạm quên
người em xóm học tóc vàng sợi nhỏ ở tận Paris để trở về với:
“Em Pleiku má đỏ môi hồng”
Và con phố Pleiku “Đi dăm phút trở về chốn cũ”, “ở đây buổi
chiều quanh năm mùa đông” bổng chốc trở nên gần gủi đáng yêu hơn
bao giờ.
Dường như Phạm Duy cứ càng ngày càng trẻ ra. Sau Vũ Hữu Định,
Linh Phương (Kỷ Vật Cho Em), Phạm Thiên Thư (Ngày Xưa Hoàng Thị,Đưa Em
Tìm Động Hoa Vàng ) Phạm Duy bỗng vô cùng say đắm bước vào tình yêu
khùng điên, dại khờ của tuổi học trò với Nguyễn Tất Nhiên, một nhà thơ
nhí học trò lớp đệ nhị một trường nhỏ ở Biên Hòa, chưa có
danh tiếng gì.
Ca khúc “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy dựa vào
thơ Nguyễn Tất Nhiên là ca khúc làm cho mọi người bàng hoàng khám
phá sự bí ẩn của những trái tim si tình 17 tuổi:
“Người từ trăm năm về như dao nhọn
Người từ trăm năm về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm
Ta chết trầm ngâm,
Dòng máu chưa kịp tràn…”
Những câu chữ như “Ta chết trầm ngâm”(*) , “Ta ngoắc mòn
tay” của Nguyễn Tất Nhiên nếu không đi vào nhạc Phạm Duy chắc chắn không ngân
nga mãi trên cõi đời này, trong niềm tiếc thương vô hạn khi “hoàng tử bé”
sầu muộn của chúng ta bay trở về tinh cầu nhỏ bé của chàng vào năm
chàng 40 tuổi.
Nhưng không phải lúc nào phép thuật của phù thủy Phạm Duy cũng thiêng. Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của người bạn thân thiết Hữu
Loan, theo tôi đã không thành công khi được Phạm Duy viết nhạc.
Tội nghiệp Hữu Loan. Bài thơ lừng lẫy khóc người vợ trẻ của
ông không hiểu sao lại bị Phạm Duy viết lại theo nhịp
quân hành hùng tráng? Bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm
Duy thua xa bài Những Đồi Hoa Sim do Dũng Chinh viết nhạc theo điệu Bolero rất
bình dân và giản dị đã ra đời và rất được yêu thích trước đó..
Tôi cũng hết sức buồn ở trường hợp bài Đi Chùa Hương của
Nguyễn Nhược Pháp khi đi vào ca khúc do Trung Đức soạn nhạc.
Nguyễn Nhược Pháp, nhà thơ có trái tim trong trẻo, đầy ắp
tình yêu thương dành cho cỏi đời này lại chỉ được hưởng dương
24 tuổi. Chàng như thiên thần bay về trời gửi lại
chúng ta những lời chúc tốt đẹp nhất cho tình yêu đôi lứa mà nhân vật
chính của những chuyện tình là những cô gái “Ngày Xưa”.
Cô gái Việt của “Ngày Xưa” sao mà trong sáng quá.
Trong bài Đi Chùa Hương, cố gái ấy chỉ mới mười lăm tuổi.
Theo phong tục ngày trước, mười lăm tuổi đã là tuổi các
cô đã được nhiều gia đình ngấm nghé, xin dạm hỏi cho
con trai mình.
“Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm”
Cô được mẹ dạy cho “học ăn, học nói, học gói, học mở”, dạy
cho cách đi đứng, nói cười, chuẩn bị cho một ngày rất gần: làm vợ , làm mẹ, làm
dâu nhà người.
Tuy nhiên, cái ngày rất gần sẽ biến cô thành một người
đàn bà với biết bao thay đổi, bao khó khăn ấy không làm
mất đi nét hồn nhiên ngây thơ của cô bé mới bắt đầu biết rung
động vì người khác phái.
“Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu”
Cô gái 15 tuổi của “Ngày Xưa” ấy đã khác đi rất
nhiều trong ca khúc của Trung Đức.
Từ một cố bé “Em không dám đi mau” trong bài thơ của
Nguyễn Nhược Pháp, Trung Đức đã cho nhân vật của mình “Đi Chùa Hương” theo điệu Chachacha vô cùng nhí nhảnh.
“Me cười thầy nó trông
Chân đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng?”
Thời đó các cô mang hài có mũi cong nhưng Trung Đức đã
mua guốc mới cho cô bé :
“quần lĩnh áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao
Chân em đi đôi guốc CAO CAO”.
Mang guốc cao, đi theo điệu chachacha, cô bé Chùa Hương của
Trung Đức đã không còn là nhân vật e ấp dễ thương như trong bài thơ của Nguyễn
Nhược Pháp, mà trở thành cô gái tuổi teen bạo dạn, biết làm duyên, biết mình
trẻ, biết mình đẹp trong khi lại rất “kịch” khi nói:
“Em còn bé lắm mấy anh ơi”
Trong trường hợp này, theo tôi nhạc đã phản thơ.
Biết bao giờ mới lại có những vần thơ đi vào nhạc buồn nhưng đẹp như sự kết hợp tuyệt vời giữa Phạm Duy và Hàn Mặc Tử:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước luôn trôi đi…
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dẫu ai trên bờ liễu
Dẫu ai dưới cành lê…
Với ngày xanh hờ hững
Cố quên tình phu- thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề…
(Tình Quê)
(*)Nguyên văn trong bài thơ ”Khúc Tình Buồn” của Nguyễn Tất
Nhiên: Ta chết âm thầm.
Huyền Chiêu
Theo t-van.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét