Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Lão Mai trong vườn cũ

Lão Mai trong vườn cũ
Ngôi nhà lầu ấy hiện ra trước mắt tôi giống như trong truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh. Màu ngói cũ phủ rêu xanh mốc trắng nằm lặng dưới nền trời chiều, cái mái rêu phủ cả sức nặng thời gian ấy, ở những chỗ ngói bể không hiểu sao lại nhô lên mấy bụi cỏ gió trơ gầy, phất phơ như điểm xuyết thêm cho bức tranh gam màu lạnh, làm toát lên cho người ngắm không gian u hoài một cảm xúc nao lòng.
Những khoảng tường trống ngày xưa chúng tôi chơi trốn tìm, những bậc cầu thang uốn lượn dẫn lên vuông sân hoang phế với màu gạch của buổi phai tàn ngày xưa chúng tôi tắm mưa đùa giỡn để tiếng cười đi xuyên qua các căn phòng trống của ngôi nhà không còn ai, chỉ trơ những cái bóng lừng lững của mấy hàng cột cháy đen.
Dưới chân khoảng bao lơn ôm lấy vuông sân xưa cũ vẫn chi chít những hàng cây lách tách lá xanh, bông tím, nhô ra những chùm trái khô đen có hình dạng như những cây tăm xỉa răng, bên trong có rất nhiều hạt giống như hột é.
Chúng tôi vẫn thích trò chơi nghe âm thanh lách tách bằng cách ngắt những chùm trái khô đen này ngâm vào chén nước mưa, lập tức những trái lách tách sẽ nứt ra làm đôi và những cái hạt bên trong sẽ nổ “lách tách” giòn tan giữa ánh mắt tròn xoe của đám trẻ con lên chín, lên mười vì đã phát hiện ra một loại trái nghộ nghĩnh.
Tất nhiên những hàng cây hoang dại hoa tím, trái khô cong ấy không phải tên “lách tách”. Chúng có một cái tên khác nhưng tôi không còn nhớ, chỉ nhớ rằng, ngày xưa chúng tôi gọi cây này là cây “lách tách”. Cũng còn tên gọi khác là “lụp bụp”.
Ngôi nhà lầu cổ này có lẽ xây dựng trên 100 năm, nhưng những viên gạch nền còn sót lại sau những năm tháng thăng trầm của ngôi nhà và nhiều thế hệ chủ nhân vẫn còn như mới tinh khôi, màu xanh da trời, độ bóng láng như gương và hoa văn in chìm rất sắc sảo.
Loại gạch này không chỉ lót nền mà còn gắn trên bệ cửa rộng đủ một người nằm, ngày ấy, vào những buổi trưa gay gắt nắng, chúng tôi vẫn nằm ở đây ngắm mây trời bay qua khu vườn rộng mênh mông phía trước ngôi nhà lầu và lắng nghe cảm giác mát lạnh sảng khoái dưới lưng áo.
Tôi đã có những buổi trưa tuyệt vời, nằm ngủ miên man trong tiếng chim sẻ kêu ríu rít trên mái ngói hay những hốc tường bể, lỗ hổng của những thanh đòn tay, vì kèo mục ruỗng mà lũ chim sẻ thích chọn làm tổ.
Trong khu vườn mênh mông trồng vú sữa trắng, vú sữa tím mà vào dịp Tết cành nhánh lủng lẳng trái chín rất đẹp, những bụi bông trang vàng, đỏ, bùm sụm, dạ lý thủy bông trắng từng chùm rũ xuống, rất thơm. Rồi những bụi chuối Tây, cau kiểng, thiên tuế giương những tàu lá hình răng lược mà ngày đó bọn trẻ con chúng tôi không biết chúng quý hiếm thế nào, chỉ thấy sờ sợ những chiếc răng nhỏ, sắc bén như gai tre này.
Đặc biệt nhất trong khu vườn là những cây mai vàng trồng trong chậu xoay to lớn xếp thành hàng dài làm một thứ hàng rào tự nhiên ngăn khu vườn với con đường chạy ngang phía trước ngôi nhà lầu. Những cây mai vàng rất cao, cành nhánh bung ra tự nhiên, đẹp hoang sơ sẽ được tuốt hết lá già từ chiều 20 tháng Chạp để đơm nụ và kịp nở đúng hôm 30 Tết.
Tôi là một thành viên luôn có mặt để phụ tuốt lá mai với với ba chị em con của chủ nhân ngôi nhà lầu ấy mà không hiểu sao tôi lại gọi bằng bà ngoại ba, và gọi ba chị em con bà, tuổi liền kề nhau bằng dì: dì Mười Điểm, dì Mười Bé và dì Mười Út.
Hồi đó, dì Mười Điểm khoảng 16 tuổi, dì Mười Bé 15 và dì Mười Út 14. Dì Mười Điểm đẹp nhất, gương mặt rất thánh thiện, phúc hậu, nước da trắng hồng, mái tóc đen buông dài... Chị em họ học trên Mỹ Tho và trở về buổi trưa theo chiếc đò máy ngược nước thủy triều lên với cuộc hành trình tất bật ngày cuối năm ghé ngang Bến Bạ để kịp vào chiều 20 rủ nhau tuốt lá mai.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in ba gương mặt con gái ấy, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”, nghĩa là cả ba cô gái đều đẹp lộng lẫy, rất “tiểu thư” và hầu như cả ba cô đều rất thương mến tôi, nhưng có lẽ thương và gần gũi với tôi hơn cả là dì Mười Điểm. Mỗi năm nghỉ học về nhà ăn Tết, bao giờ dì Mười điểm cũng có quà cho tôi, khi thì cây viết mực, khi thì quyển sách, khi thì bộ quần áo.
Còn dì Mười Bé và dì Mười Út thường cho tôi những thanh kẹo sôcôla hoặc những trái ổi sẻ, trái lý, trái sabôchê, hoặc trái lựu có rất nhiều trong vườn quanh nhà. Cách tuốt lá mai của ba chị em họ cũng rất lạ, không bao giờ chia ra mỗi người tuốt một cây mà cả ba cùng xúm nhau tuốt với tôi nữa là bốn, tuốt từ gốc lên đến ngọn mai và khi họ vói tay không tới thì dì Mười Điểm lập tức nhìn tôi bằng đôi mắt có hàng mi dài, mở to, đen tròn, với sức hút mãnh liệt và nở nụ cười rất đẹp, giọng rất ngọt ngào: “Cưng, đi lấy cái thang”.
Hơn ba mươi năm chiến tranh trôi qua, trong thời gian ấy ba chị em dì Mười Điểm cũng qua hết thời thiếu nữ, mỗi người chắc đã có gia đình riêng và nổi trôi theo số phận đời mình. Tôi hoàn toàn không gặp lại cả ba chị em họ trong suốt thời gian chiến tranh, và sau ngày giải phóng có dịp trở lại quê nhà, tới thăm ngôi nhà lầu, người chủ mà tôi gọi bằng bà ngoại ba đã chết, ngôi nhà dưới phía sau ngôi nhà lầu rộng thênh thang với bàn ghế xưa, tủ thờ khảm xà cừ và những cây cột gõ mun hai người vòng tay ôm mới hết hoàn toàn biến mất, chỉ còn trơ lại nền đất trống hoang tàn.
Ngôi nhà lầu vẫn còn đứng vững nhưng giờ trông càng hoang phế hơn, ba chị em con bà ngoại ba mà tôi gọi bằng dì cùng thứ mười nghe nói đã ra nước ngoài. Khu vườn nhiều cây trái đã không còn dấu vết của những chậu thiên tuế, đặc biệt là những cây mai trồng trong chậu xoay to lớn cũng biến mất, khu vườn đầy cỏ dại và lá mục. Trong buổi chiều 30 Tết càng toát lên vẻ hoang vắng, thôi thúc lòng tôi một nỗi hoài niệm ngậm ngùi.
Nhưng thật bất ngờ làm sao khi tôi phát hiện ra một gốc mai cổ thụ còn sót lại ở góc trái cuối khu vườn. Đúng là dáng một “Lão Mai”, gốc rất to, sù sì gân guốc, tàn lá cao rộng, rậm rì, chi chít lá là lá. Do không ai chăm sóc và tuốt lá nên cho đến giờ này “Lão Mai” cũng chỉ lác đác vài ba chồi nụ hiếm hoi trong khi ngày Xuân đã chực chờ bên thềm cửa.
Tôi vội trèo lên, làm công việc tuốt lá mai giống như ngày xưa cùng làm với ba chị em dì Mười Điểm. Khi những chiếc lá cuối cùng rơi xuống gốc “Lão Mai”, tôi đã có một thảm lá héo vàng rất dày, bay mùi thơm của nhựa sống vừa tươm ra ở chỗ những “vết thương” còn để lại trên cành nhánh trơ trụi, sần sùi.
Ở chỗ những “vết thương sâu” ấy đã bắt đầu có sự sống mới đang hồi phục, luân chuyển và ngày mai sẽ bung ra chồi nụ xanh tươi để bừng nở một mùa vàng. Tôi ngồi xuống thảm lá mai mới ngắt, tựa lưng vào cái gốc sần sùi vững chắc chứa đựng nhiều năm tháng ấy và ngước lên một khoảng trời chiều còn sót lại những vạt nắng muộn nhạt màu, bàng bạc như cảm xúc xa vời vợi tận đâu đâu chợt kéo ùa về.
Tôi nhắm mắt và thả tâm hồn mình lang thang vào cõi không gian ùn ùn kỷ niệm ấy với hình ảnh của ba chị em dì Mười Điểm trong một chiều cuối năm cùng tuốt lá mai chờ Tết. Chỉ còn “Lão Mai” xưa trong góc vườn ở lại với tôi. Còn chị em dì Mười Điểm đang ở đâu?
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Thơ Vũ Đình Liên)
Từ Kế Tường 
Theo http://www.doanhnhansaigon.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sứ mệnh thời đại và 9 năm rực rỡ của văn học Việt Nam nhìn từ Đề cương Văn hóa Đề cương văn hóa năm 1943 đã soi rọi chủ nghĩa yêu nước, ...