Có những ngày sau một cơn mưa, trên bậc thềm ngoài hiên nhà có những chiếc
lá thu phong đẵm ướt, nằm dán trên mặt đá xám như những chiếc lá hoá thạch đầy
màu sắc. Tôi thường ra sân khi trời còn sớm, lắng nghe sự thinh lặng của một buổi
sáng mờ sương. Rừng cây mùa thu cạnh nhà từ từ chuyển sang rừng cây mùa đông,
lúc nào không hay. Mùa thu đi ngang qua, thật im lặng, theo nhịp quay của đất
trời không cần ngày tháng. Và mùa đông đến rất bất chợt, bắt đầu bằng một ngày
tuyết. Một buổi sáng thức dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy vũ trụ trắng tinh.
Những
ngày ở Trung Tâm, có những buổi sáng khi ngoài trời vẫn còn tối, chúng tôi ngồi
với nhau thật yên trong thiền đường trên hai hàng toạ cụ. Nhất là vào những sớm
mùa đông. Dưới ngọn nến sáng trên bàn thờ Phật, những dáng ngồi thật ngay in rõ
bóng trên vách. Trong một ngày tuyết đang rơi, bạn có bao giờ đi ra ngoài và lắng
nghe sự thinh lặng chưa? Một sự im lặng rất kỳ diệu. Trong những khóa tu, chúng
tôi cũng thường tập giữ cho mình một không gian thinh lặng. Như một ngọn nến
không chao động. Và dường như trong sự thinh lặng ấy có mặt một hiện hữu rất
nhiệm mầu.
Tôi thấy một sự thinh lặng trong một khu vườn thiền, zen garden,
ngay gọn không tì vết. Tôi thấy sự thinh lặng nơi một kệ sách với những quyển
sách thẳng hàng. Một ánh trăng qua cửa sổ nằm bên trang kinh trên bàn viết là một
sự thinh lặng. Mỗi khi cầm một chuỗi niệm phật trong tay tôi cảm thấy một sự
thinh lặng sâu xa. Nhưng tôi nghĩ thinh lặng không có nghĩa là bất động. Trong
những ngày tháng tu học tôi khám phá ra rằng, chúng ta có thể tạo nên sự thinh
lặng bằng những lời kinh tụng, bằng tiếng chuông, bằng những dãy toạ cụ sắp
ngay hàng, bằng những ngọn nến lung linh trong buổi sáng sớm, bằng mỗi bước
chân và hơi thở của tăng thân. Chúng tạo nên một khoảng không gian ôm ấp và gìn
giữ sự thinh lặng.
Tôi nghĩ thinh lặng không phải là một sự lặng câm, nó không
phải là một sự vắng mặt của âm thanh! Có người cảm thấy lặng yên khi đi dạo
trên bãi biển nghe sóng vỗ, hay ngồi bên bờ suối với tiếng nước chảy, hoặc khi
đứng nhìn lá thu đổi màu trên núi, hay ngắm những bông tuyết bay bay ngoài cửa
sổ. Bạn có cảm nhận được sự thinh lặng trên một chuyến xe về quê nghe câu ca
dao hát vào một buổi chiều trên đồng ruộng vắng! Không còn gì mang lại cho ta một
cảm giác tĩnh lặng sâu xa cho bằng lời kinh tụng vang vọng núi rừng vào những
sáng mờ sương…
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Trong những ngày tháng sống một
mình ở hồ Walden, ông Thoreau kể rằng ông có thể nghe được tiếng những cây bắp
đang dần lớn lên trong đêm, nghe được âm thanh của bốn mùa tiếp nối nhau đi
ngang qua…Trong những khoá tu, trong thinh lặng, chúng tôi cũng có thể lắng
nghe được tiếng sỏi dưới mỗi bước chân thiền hành, âm thanh của những hạnh phúc
lẫn muộn phiền, hay tiếng của những bông tuyết bồng bềnh rơi trên áo.
Và
tôi cũng thấy sự thinh lặng có mặt trong những câu thơ hay bài ca thiền. Tôi
nghe sự thinh lặng trãi trên phím đàn, lắng yên giữa những nốt nhạc. Sự thinh lặng
cũng hiển lộ từ những bức tranh thêu, trong những tờ thư pháp treo trên vách.
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng
Ta đi còn gởi đôi
giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù!
Bạn có thấy sự thinh lặng trong bốn câu
thơ ấy không? Trong khoá tu vừa rồi, vào một buổi sáng sớm chúng tôi cùng đi
thiền hành với nhau lên đỉnh núi, chỗ có hai chiếc băng ngồi. Các bác ngồi trên
những chiếc băng gỗ, một vài anh chị ngồi trên những tảng đá, nhìn qua dãy núi
mùa thu phía bên kia trong nắng sớm. Chúng tôi cùng ngồi với nhau thật yên
trong không gian lạnh mướt duới nắng ấm. Chúng tôi lắng nghe tiếng lá bay trên
không trung, âm thanh của trời thu sắc màu, lắng nghe tiếng của mây, của từng sợi
nắng... "Lá rơi có dội ở trong sương mù?" Tôi thấy câu ấy cũng giống
như một công án trong nhà thiền, "Nếu như một cây ngã trong rừng vắng, và
không có ai nghe, cây ngã ấy có tạo nên một âm thanh nào không?" Chắc có lẽ
ta không cần một câu trả lời, vì trong những công án chính câu hỏi mới là quan
trọng! Hãy ôm ấp câu hỏi ấy trong ta, ươm nó bằng một sự thinh lặng.
"Lá
rơi có dội ở trong sương mù?"
Tôi thử lắng nghe, và thấy có tiếng chim
hót, có tiếng gió bay, có tiếng lá đổi màu, có tiếng mây trôi, có tiếng của những
sợi nắng chiều còn vướng trên không gian... Trong thinh lặng, có một tiếng
khánh thỉnh lên, vũ trụ này dường như thấy bao la hơn.
Hạnh phúc và cây hồng sai trái
Trong giây phút này, với sự thinh lặng, chúng ta có thể tiếp xúc được
một hiện hữu nhiệm mầu. Nhưng tôi nghĩ sự nhiệm mầu ấy không nhất thiết chỉ giới
hạn trong một hạnh phúc! Mấy tuần trước tôi có đọc một bài viết có tựa
"What's So Great About Now?" Giây phút hiện tại này có gì là nhiệm mầu?
Tôi nghĩ tác giả, bà Cynthia Thatcher, nói rất đúng. Hiện tại nhiệm mầu! Nhưng
không phải nhiệm mầu chỉ vì trong giây phút này ta có thể tiếp xúc được với cái
đẹp của một bình minh sớm, hay mặt trời đỏ hoàng hôn. Cũng không phải chỉ vì ta
có thể nhìn những chiếc lá thu bay, lắng nghe tiếng nhạc chopin, hoặc ngồi dưới
ánh trăng...Thật ra thì những cái ấy rất đẹp, nhưng không phải vì thế mà hiện
tại này trở nên nhiệm mầu.
Có lần tôi đến thăm một người bạn, chúng tôi
ra vườn ngồi nói chuyện với nhau bên cạnh một cây hồng sai trái chín. Tôi hỏi
chị những trái này có ngọt không! Chị bảo rằng chị không bao giờ hái chúng ăn,
và cũng không muốn cho ai hái. Chị trồng chỉ để có một niềm vui nhìn cây sai
trái, để mỗi khi ra ngồi đây, nó giúp chị tiếp xúc được với một hạnh phúc trong
giây phút hiện tại! Nhìn chị ngồi trong niềm vui với sự có mặt của cây hồng của
mình, tôi không hiểu hạnh phúc ấy có chân thật như ta nghĩ, hay chỉ là một sự tạo
dựng mà thôi!.
Tôi thì nghĩ như bà Cynthia. Giây phút hiện tại này đẹp là vì
trong ta có một đối tượng đẹp, chứ không phải chỉ vì chung quanh ta có những
cái hay và đẹp. Nó nhiệm mầu khi ta ướt mưa và nhiệm mầu khi trời nắng ấm, nhiệm
mầu trong những lúc ta bước chân thảnh thơi, và nhiệm mầu khi trong ta đang có
mặt một cơn đau. Hiện tại vẫn nhiệm mầu dù cây hồng vườn sau nhà có sai trái
hay không! Tôi nghĩ, có lẽ ta chỉ cần tìm lại cho mình một sự thinh lặng sâu sắc
mà thôi. Sự tu tập nhờ vậy mà cũng được nhẹ nhàng hơn bạn nhỉ, vì biết rằng dẫu
trong cuộc đời có những khi ta không có một cây hồng sai trái, hay những ngày nắng
đẹp, hay cho dù ta không có một sự dễ chịu hay một hạnh phúc...hiện tạ này vẫn
là nhiệm mầu, khi trong ta có được một sự thinh lặng và thảnh thơi.
Mây trắng
ngàn năm giữa trời bay
Tình cờ tôi có dịp làm quen với một tác giả ở bên nhà,
anh có viết một số sách về Phật học. Anh có gửi cho tôi xem một bản thảo về quyển
sách mới nhất mà anh dự định sẽ xuất bản vào cuối năm nay. Trong đó, anh có
trích dẫn một câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà anh rất thích từ
thời còn ở trung học, "Bạch Vân Thiên Tải Không Du Du," anh dịch là
Mây trắng ngàn năm giữa trời bay. Tôi đọc những chia sẻ của anh và có đề nghị
anh nên lấy đó làm tựa quyển sách mới của mình. Đó là một hình ảnh rất đẹp,
ngàn năm mây trắng vẫn bay, nhưng không gian và bầu trời ấy vẫn chưa từng xao động
bao giờ!.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Thôi Hiệu
đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn khói sóng trên sông và tự hỏi:
Quê hương khuất
bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Tôi thấy
trong hình ảnh ấy có một sự thinh lặng rất sâu xa, như mây trắng thong dong
trôi giữa bầu trời bao la vô cùng tận. Và chỉ trong sự thinh lặng ấy ta mới có
thể nghe được cái sầu của sử nhân phải không bạn! Có lẽ đức bồ tát Quán Thế Âm
cũng nhờ lắng thật yên mà ngài có thể nghe được hết nỗi khổ của mọi loài. Tôi
nghĩ thinh lặng không phải là sự vắng mặt của âm thanh mà là ở nơi sự lắng nghe
của mình. Trong những lo âu và phiền muộn, bạn hãy dừng lại và lắng nghe đi, giữa
những lao đao ấy bao giờ cũng có những khoảng trống rất yên lắng. Tôi chợt nhớ
đến một bài thơ của Pablo Neruda.
Giữ Im Lặng
Bây giờ tôi sẽ đếm đến mười
hai
Và chúng ta sẽ cùng giữ cho thật yên
Để một lần trên mặt đất này
đừng nói với
nhau bằng bất cứ một thứ ngôn ngữ nào
hãy dừng lại trong một giây lát
ta không
cần phải lao xao nhiều như thế
Nó sẽ là một giây phút rất nhiệm mầu
không vội
vã cũng không còn máy móc
chúng ta sẽ thật sự có mặt với nhau
trong kỳ lạ và
trong chút ngỡ ngàng
Người đánh cá trên vùng biển lạnh
sẽ dừng lại thôi giết hại
loài cá voi
và người nông dân trên vùng ruộng muối
sẽ nhìn lại đôi bàn tay mình
nứt nẻ
Những ai đang chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh xanh, chiến tranh với
khí và chiến tranh với lửa
cuộc chiến thắng mà không còn ai sống sót nữa
sẽ
thay áo mới toanh
dưới bóng cây xanh và không làm gì hết
Bạn
có hiểu lầm tôi không,
điều tôi muốn đâu phải là một sự bất động
Vì sự sống bao
giờ cũng có mặt
Cái chết, tôi nào đâu có ham thích gì mà mong
Chúng ta nếu đừng
quá chủ quan
Cứ muốn cho một cuộc sống phải rỡ ràng
phải chi ta đừng làm gì hết,
dầu chỉ một lần thôi
có lẽ một sự thinh lặng lớn mênh mang
sẽ phá tan đi mọi sầu
khổ ngỡ ngàng
vì không hiểu được mình
vì nỗi sợ về cái chết.
Trái đất này
đang dạy cho ta
khi mọi vật dường như đã điêu tàn
rồi ngày mai chúng sẽ sống lại
huy hoàng
Và bây giờ tôi sẽ đếm đến mười hai
bạn hãy giữ cho thật yên, và tôi sẽ
ra đi.
Thinh lặng không phải là một sự lặng câm. Giữ cho thật yên không có
nghĩa là không làm gì hết, mà tôi nghĩ có nghĩa là ta thôi cho rằng lúc nào
mình cũng cần phải làm một cái gì đó.
Trưa nay tôi ra ngoài đi dạo quanh bờ hồ
có mặt nước in hình trời mây những khi im gió. Rừng cây cuối thu phía bên kia
đã vàng đỏ và rụng gần hết lá. Cuối tuần này trời sẽ mưa và rất lạnh, nhưng hôm
nay trời thật xanh và nắng thật trong. Có một đàn vịt trời từ xa bay về đây,
chúng kêu vang trời và xà đáp xuống gây nên một vùng náo nhiệt trên mặt hồ. Và
rồi mặt nước trở lại yên lắng phản chiếu trời mây như chưa từng xao động bao giờ.
Đàn vịt trời lặng yên trôi.
Tôi tập theo dõi hơi thở và bước chân mình đi trên
con đường nhỏ phủ đầy lá, trong nắng và gió. Không có một nơi nào để đến và tôi
cũng sẽ không về đến một nơi nào. Ở đây có bước chân và hơi thở, có gió và lá,
có trời trong và mây trắng, có tiếng chim hót và nắng ấm. Chúng ta có cần phải
về, phải tới một nơi nào không bạn nhỉ! Trong mỗi bước chân đi, tôi sẽ tập giữ
cho mình vẫn đang dừng lại cho rất yên.
Nguyễn Duy Nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét