Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Lời tự sự của rừng già nhân ngày trái đất

Lời tự sự của rừng già nhân ngày trái đất
Đầm lầy trong rừng nguyên sinh Aboretum, thành phố Houston 
Bạn ơi, chúng tôi là thông, là dây cổ rùa, là bông súng, là rau ngổ, là cá, là rùa, là bươm bướm cùng nhiều loài cây cỏ sinh vật khác hiện đang có mặt tại vùng rừng bách thảo này từ nhiều đời nhiều kiếp lâu lắm rồi, nhiều lúc không còn nhớ nổi tổ tiên mình có mặt tại đây từ hồi nào! Chúng tôi là cháu chắt nhiều đời mà có đứa nay có màu da trên trăm tuổi, nhất là những thân cây cổ thụ đang sừng sững giữa trời dường như không còn biết tuổi của mình là mấy trăm năm nữa, thưa bạn!
Cây cao trong rừng nguyên sinh
Bạn có bao giờ nghe ai nói về khu rừng nguyên sinh Aboretum mà tên gọi trọn vẹn của nơi chúng tôi đang ở là “Houston Arboretum & Nature Center” lần nào chưa?
Nếu bạn đang đi trên xa lộ 610 về hướng bắc trước khi đi ngang qua thành phố Houston, còn vài chục cây số nữa, bạn nhìn qua tay mặt của bạn, bạn sẽ thấy những rừng cây bạt ngàn đang đứng im lìm bên dòng xe cộ rì rầm chạy qua vùn vụt suốt ngày đêm. Rừng cây ấy chính là khu rừng nguyên sinh mà chúng tôi đã ngụ cư từ nhiều đời cho mãi tận đến ngày trái đất hôm nay vậy!
Bạn ơi, khu rừng này nằm về hướng tây công viên Memorial và dường như nó rộng nhứt so với nhiều công viên trong thành phố. Vào khoảng những năm 1917-1923, nơi đây là trại binh Logan, nơi để huấn luyện các chiến binh thời kỳ đệ nhất thế chiến. Do vậy, mà khu rừng này nằm liền với công viên Memorial cũng là để tưởng nhớ đến các chiến binh của trận đại thế chiến ấy.
Việc bảo vệ cái nét nguyên sinh của khu rừng này là do nhà kinh tế kiêm nhà giáo dục Robert A.Vines nghĩ ra, và gia đình ông muốn hiến tặng khu đất rừng 265 mẫu tây này cho thành phố thay vì bán cho cư dân hoặc các nhà địa ốc thì họ sẽ phá cây rừng và xây cất nhà cửa, lúc bấy giờ còn gì là nét xanh tươi trầm mặc của rừng già nữa.Do vậy mà dáng vẻ thiên nhiên nguyên thủy ở đây còn khá đậm dù ngày nay có thêm vài công trình xây cất khác nhằm mời gọi du khách đến thăm, nhưng cái nét đẹp bẩm sinh của rừng vẫn là nét hấp dẫn vô cùng của khu rừng này.
Nếu bạn thích ngắm nhìn những thân cây rừng già cỗi, và để đặt chân lên biết bao lá rụng chồng chất dày lên qua những năm dài, bạn phải đi bộ khoảng chừng hơn 10 cây số đường mòn mới giáp một vòng khu rừng. Qua những bước chân ấy, bạn sẽ bắt gặp biết bao đời sống của cỏ cây hoa lá chim muông đang có một đời sống rất bình yên giữa đất trời làm xanh mát thêm dáng vẻ vốn đã xanh mát của thiên nhiên. Ở đây, không ai dặn ai nhưng tuyệt nhiên con người khi bước chân vào khu rừng này, là người ta rất trân trọng đời sống của mọi sinh vật của rừng. Không ai dám bắt một con bướm đang bay, không ai dám nhổ một cọng cỏ hoang đang sống nơi bờ bụi nào đó và dĩ nhiên rồi, không ai muốn làm bất cứ cử chỉ nào mang tính khiếm nhã đối với cỏ cây trong rừng nguyên sinh này…
Nơi đó không thiếu thứ cây gì, từ các loại cây danh mộc như gõ, trắc, tùng, bách, thông và nhiều loài cây đại mộc khác có hơn cả trăm năm đang sống nơi này.
Mặt cắt của một trong những 
loại danh mộc trên mấy trăm năm nơi rừng này
Rồi nào là dây cổ rùa, cùng những loài dây leo khác lớp lớp sống cùng nhau trong cảnh rừng già. Theo quan niệm xưa của người Trung Hoa về cái đẹp của thiên nhiên là phải thích hợp. Chẳng hạn như: “Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây lớn không thể không có dây leo, và ngưới không thể không nghiền một thứ gì.” (1). Ở đây, bạn sẽ thấy dây cổ rùa leo quanh những thân cây già làm xanh tươi thêm đời sống của các loài đại mộc và quan niệm ấy ngày nay vẫn còn đúng lắm!
Cây rừng và những dây leo
Bạn thử nhìn ngắm bất cứ chòm cây cổ thụ nào nơi đây, dường như các thân cây cao vút lên trời xanh ấy cũng đều bao quanh bởi những chùm dây leo uốn lượn như những con rồng xanh đang bay bay trong gió giữa mây trời. Hình ảnh ấy làm rừng già thêm xanh và quyến rũ biết bao! Nhưng có lẽ khi bạn thấy thân cây rừng lâu năm với lớp da cây sần sùi và nứt nẻ thành những vảy con rùa, chắc bạn cũng đoán biết được chúng tôi già nua đến bực nào rối ! Sở dĩ da chúng tôi sần sùi và nứt nẻ ấy, một phần vì mình già, vì tuổi tác cao đã đành nhưng phần khác cũng vì do thiên nhiên thay đổi nữa.
Nhìn da cây nổi những vảy rùa, 
bạn chắc biết cây nay cũng đã già lắm rồi!
Hồi tưởng lại những năm chúng tôi còn bé nhỏ, trái đất đâu có nóng dữ dội như ngày nay. Hồi đó con người còn rất ít, đất hoang vu nhiều, mọi sinh vật cỏ cây trong vũ trụ này sống là sống tự nhiên theo từng căn gốc của mình, nên không ai biết thế nào là ô nhiểm, là khói độc bay lù lù trong không khí như ngày nay trên trái đất này mà bạn đang sống. Hồi đó chúng tôi lớn lên trong môi trường mát lành ấy nên cũng ung dung lớn lên dần mà it lo nghĩ gì nhiều. Dĩ nhiên rồi, tuổi trẻ mà gặp thời thái bình của không khí sạch nữa thì cây cối nào mà chẳng mừng. Còn ngày nay, như bạn thấy trên thân chúng tôi rải rác trong rừng nguyên sinh này có đứa dính vết sơn gạch chéo màu vàng vàng như hình chụp bên cạnh là coi như đời mình cũng sắp kết liễu rồi vậy!
Vệt sơn màu vàng gạch chéo, là dấu hiệu 
của một bản án tử hình đối với loại cây rừng trăm năm
Bạn ơi, khi mấy người có bổn phận chăm lo cho rừng họ chờ nhiều mùa mà da chúng tôi không xanh tươi lại, lá chúng tôi rụng đã lâu quá rồi mà không thấy đâm ra những chồi non mới là họ bắt đầu đem nước sơn vàng làm dấu để chờ một ngày đinh mệnh nào đó tới nơi họ sẽ dùng cưa hạ chúng tôi nằm xuống đất như tấm hình những khúc gỗ cắt lìa từng đoạn, từng đoạn nằm bên gốc chết.
Hết rồi, một đời cây!
Tuy vậy, chúng tôi, trong lớp lớp rừng cây trăm năm này cũng có rất nhiều đứa lại được chết già, rồi như bạn thấy những mảng rêu màu xanh đọt chuối non hơi lợt bám đầy lên thân gỗ mục làm thành màu thời gian đằng đẵng biết bao mùa!
May mắn thay, hôm nay là ngày trái đất, có một ông già nhà quê, khi đi ngang tôi, ông tách khỏi đoàn người cùng đi với ông và rồi ông ngồi xuống mân mê những thân rêu màu xanh đọt chuối bám đầy trên tấm thân bị quên lãng ấy, và rồi dường như ông muốn nhắc cùng bạn nơi đây đang có chúng tôi, đứa đang sống, đứa đang chết khô giữa rừng và đứa đang nằm sát đất từ nhiều đời kiếp nào rồi mà ít có người để ý bước lại gần. Nhìn gốc cây già cỗi nằm giữa rừng phủ lớp rêu xanh với bao nghĩ ngợi về sự biến hoá của trời đất, dường như, trên gương mặt xương xương ấy ông già nhà quê rất bất bình về câu thơ mà ông đã nghe ai đó đọc một đôi lần bên tai ông:“Những thân củi mục, thuyền không đáy …”
Không, thưa nhà nhà thi sĩ, nếu nhà thi sĩ được làm thân gỗ mục bám đầy những lớp rêu xanh như chúng tôi , thì đó cũng chưa hẳn là những gì vô dụng! Nếu bạn là người chìm nổi giữa dòng đời tang thương dâu biền nhiều phen rồi, bạn sẽ nhận ra từ những thân cây nứt nẻ ấy với những thớ gỗ vặn vẹo và nằm từ năm này qua năm khác với bao mùa nắng mưa dông bão giữa rừng già, bạn sẽ không dám xem nhẹ những thân gỗ mục như câu thơ mà ông già nhà quê vừa nhớ lại. Cây trăm năm đã hiếm, cây chết trong rừng trăm năm mà vẫn còn ghi lại dấu vết màu thời gian càng hiếm biết bao! Bạn có thấy thân gỗ mục ấy có nói gì đâu, nhưng những bài học từ những thân gỗ im lìm ấy đã nói với bạn biết bao điều ! Cái giá trị của một đời cây chết lâu năm trên rừng già lúc bấy giờ không phài chúng tôi thuộc là loại gỗ gì mà chính là rêu xanh nói với bạn về điều ấy!
Màu thời gian qua lớp rêu phủ đầy 
lên thân một cây cổ thụ nằm giữa rừng
Chúng tôi nghe nói các nhà khoa học đã tìm được một cây thông có tên Methuselah thuộc vùng núi White Mountains có tuổi thọ gần năm ngàn năm tuổi mà nay vẫn còn sống…
Cây thông có tên Methuselah có tuổi 
khoảng 4.841năm (Ảnh:sina.com.cn)(2)
Thưa bạn,
Điều đó rất mừng cho một đời cây giữa vùng núi khô cằn ít nước ấy, nhưng nơi đây, nơi khu rừng nguyên sinh mà chúng tôi đang sống, thiệt tình mà nói, chúng tôi thấy tuổi già cỡ trăm năm là đã thấy mình già dữ lắm rồi. So với các bậc tiền bối ấy, có lẽ ít ai trong chúng tôi dám khoe mình là có thể sống tới ngàn năm….Bởi trong lớp lớp cây già nơi đây nhiều đứa trong chúng tôi cũng gặp nhiều gian truân của thời kỳ trái đất dường như mỗi lúc một nóng bức nhiều hơn, trong lòng đất những mạch nước ngầm cũng cạn kiệt lắm rồi nên cây chết giữa rừng mà bạn thấy hình bên cạnh, cây đâu đã già lão gì cho lắm!.
Cây chết bị trốc da
Cây non chết giữa rừng
Bạn ơi, bạn có biết nơi đây có một loại cây vừa là cây mọc vừa là dây leo, mà các nhà thực vật học gọi các bạn ấy là Dalbergia Cadenatensis (dây cẩm lai một hột), hoặc có loại cũng được gọi là Dalbergia Multiflora (dây cẩm lai nhiều hoa) (3), nhưng hôm nay sao chúng tôi thấy các loại dây này được ông già nhà quê gọi chúng là dây cổ rùa và ông còn kể với những người cùng đi với ông là loại dây leo này dân quê thường dùng làm vành lọp, vảnh thúng, vành rổ thông dụng trong nhà vào những năm mới khai hoang đất lâm làm ruộng nơi vùng tây Nam nước Việt. Chúng tôi thấy các bạn ấy dù nay đã khá già, thân dây như cằn cỗi qua biết bao năm tháng nắng mưa giữa trời mà chừng như vui lên và đang mỉm miệng cười với cụ già nhà quê từ phương nào mới tới khu rừng này. Niềm vui của các bạn dây leo già ấy có lẽ nhờ có người gọi đúng tên của chúng. Chúng tôi cũng cảm thấy vui vui khi các bạn ấy vui vì từ bấy lâu nay các bạn ấy dường như giấu kín một nỗi buồn là không ai gọi trúng tên mình trên mặt đất này như tự thân mình có cái tên quê mùa ấy!
Dây cổ rùa già khắng khít với cây cổ thụ 
qua biết bao mùa nắng mưa giông bão
Điều đó cho chúng tôi hiểu rõ việc gọi trúng tên một vật là điều tối quan trọng. Nếu không phải thế thì làm sao có một vị Thiền sư làm bài thơ “Please Call Me By My True Names” (4)
Thưa bạn, đó là nói về cách gọi tên dù là bình thường như việc xảy ra mỗi ngày như mọi ngày nhưng gọi trên trúng thi bao giờ cũng hợp với lẽ tự nhiên của trời đất hơn. Phải thế không bạn ?
Tiện đây cũng xin kể bạn nghe vài loài thú rừng khác có trong khu rừng nguyên sinh này. Như bạn thấy hình chụp một chú chó sói đang rình bắt cặp chim rằn, rồi còn có biết bao rắn rít khác kể cả loài rắn mái gầm khoan đen khoan vàng; rồi còn có trăn, rùa, cá sấu, kỳ đà cùng chim chóc đủ loại, không thiếu thứ gì.
Chó sói và chim trong rừng
Nhiều lớp da thú rừng có mặt nơi rừng này được phơi khô và trưng bày nơi phòng sưu tập nhằm giới thiệu với du khách. Bạn vào đó bạn sẽ thấy đủ loại, từ da beo, da chồn, da nai và nhiều, nhiều lắm các loài thú hoang có mặt nơi này từ thời kỳ nguyên sơ tới giờ không kể xiết.
Còn các loại cỏ thủy sinh và các loài nê thực vật thì hàng hàng lớp lớp sống quanh năm nơi các đầm lầy và ao hồ thiên nhiên nơi đây và các bạn ấy đã phần nào góp phần làm dịu bớt cái nóng của rừng già giữa mùa nắng nóng phần nào!
Ao thiên nhiên với bông súng 
và rau chàng (một loại cỏ thủy sinh)
Dĩ nhiên rồi, nét đẹp nào cũng có cái dáng vẻ riêng của nó và cũng tùy theo cách nhìn của mỗi người nữa. Nhưng chắc chắn một điều là dù cây rừng cổ thụ già cỗi bao nhiêu trăm năm đi nữa lại đứng một mình thì chưa thể gọi là đẹp, giống như hồ nước trong leo lẻo mà thiếu những loài cá, loài rùa cùng các giống cỏ thủy sinh hay các loại cỏ sống trong bùn, hồ mới chỉ đẹp một phần nào thôi chứ chưa là đẹp trọn vẹn được! Điều đó, cho thấy nét đẹp thiên nhiên của rừng không chỉ là những loài cây cổ thụ già nua vươn cao lên nền trời xanh biếc mà còn là nhờ vào mọi loài cây cỏ và các chim chóc cùng nhiều loài thú hoang khác nữa; ở đây không có sự phân biệt loài cây này danh giá hơn loài cây khác, loài thú này đẹp hơn loài thú kia mà chỉ có sự cọng sinh trong một toàn khối của thiên nhiên mới thực sự làm nên vẻ đẹp của thiên nhiên…
Rùa bơi trong hồ giữa rừng
Rau chàng, một loại cỏ đa niên sống trong hồ 
với cuống hoa nở ngay trên nách lá 
Đi giữa rừng, bạn sẽ nghe tiếng chim hót trên cây, bạn sẽ nhìn ngắm những loài chim gõ kiến đang chuyền từ nhánh cây này qua cành cây khác kiếm mồi với những bước chân nhảy nhót rất nhà nghề… Và bạn sẽ bắt gặp những ổ chim giữa rừng, như dấu tích của một mái nhà ấm cúng của những loài chim chóc giữa rừng già này.
Ổ chim trên ngọn cây cao

Cò đang nghỉ cánh
Thấp thoáng nơi những đầm lầy xa xa bạn sẽ thấy cò, diệc và nhiều giống chim lớn khác nữa đang lặng lẽ tìm mồi, hoặc nghỉ chân nhìn khoảng trời xa xăm với những đám mây bay xa xa màu xanh lợt hay chúng đang từ những khoảng trời xa nào lũ lượt bay về rừng…Mỗi mỗi sinh vật trong khu rừng này chúng đang sống một đời sống rất ý nghĩa của chúng.
Các loài chim đang tìm mồi trên hồ nằm giữa rừng
Chim bay về rừng
Có một điều nữa cũng xin thưa cùng bạn là ở rừng này có nhiều cây đang sống và có cây đã chết lâu rồi nhưng không có bất cứ loài cây cỏ nào tự nhận mình đẹp hơn những loài cây cỏ nào khác cả. Nhớ thuở xưa, ở đây chúng tôi rất ngại mùa thu và mùa đông, những ngày mùa làm cây rừng mau thay lá và mau già; nhưng ngày nay chúng tôi lại thêm ngại cả mùa hè vì thời tiết bây giờ trên mặt trái đất này dường như có những thay đổi bất thường làm trời đất nóng gay gắt hơn, nhưng chúng tôi vẫn lặng thinh, không muốn kêu ca gì. Tất cả dường như âm thầm sống giữa thiên nhiên và tự mình làm cho thiên nhiên xanh mát hài hòa hầu mang lại cho chính mình cũng như cho loài người sự êm đềm thơ thới trong lòng mỗi khi họ có dịp ghé lại thăm rừng!
Có lẽ nhờ sự im lặng của tất cả các loài cây cỏ ấy mà rừng mới thực sự là một thiên nhiên có ích cho con người giữa thời buổi văn minh thời này, và chính sự trầm mặc của rừng tự nó đã nói với bạn về những gì mà bạn đang đi tìm dưới những tàn cây cao vút trên cao…
Bướm đang nghỉ cánh trên lá cỏ giữa rừng già (6)
Bạn ơi, ngày xưa Trương Trào, một thi sĩ ở giữa thế kỷ XVII, bên Trung Hoa, có nói: “Phải có duyên mới được du ngoạn thắng cảnh; nếu duyên chưa tới thì dù ở cách thắng cảnh chỉ vài chục dặm cũng không nhàn nhã mà đi được.”(5) Do vậy, nếu bạn chưa đến rừng này lần nào không phải vì bạn ở xa rừng mà vì bạn chưa có duyên với rừng đó thôi! Phải thế không bạn?.
Ghi chú:
1/”Một quan niệm về sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch, Sài Gòn 1964, trang 236.
2/ Theo VnExpress và Khoahoc.com.vn.
3/ “Cây Cỏ Miền Nam Việt Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu xuất bản, Sài Gòn, năm 1970, trang 852.
4/ Bài thơ “Please Call Me By My True Names” trong cuốn Being Peace của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do Parallax Press xuất bản, Berkeley, California (Hoa kỳ), năm 1987, trang 63.
5/ “Một Quan Niệm Sống Đẹp”, Sđd, trang 239.
6/ Ngoài ra, ngoài hình đầm lầy trong rừng nguyên sinh của The Garden Tourist và hình gốc cây thông Methuselah 4.841 năm tuổi, tất cả các hình còn lại trong bài do tác giả chụp ngày 14-04-2012.
Lương Thư Trung
Nguồn: The Garden Tourist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cội Mai Già Tháng chạp về, khoảng thời gian những người con xa quê nôn nao, vội vã trên đường đi làm với từng cơn gió se lạnh cuối đôn...