Nhớ về những bến sông
Bạn ơi, trong dòng đời có bao giờ bạn đã một lần hay vài ba bận
bạn chợt nhớ về những bến sông?. Riêng tôi thì sông nước ấy biết bao mùa tôi khắc
khoải…Lòng chạnh nghĩ lòng đầy bao thương mến mãi. Bến sông xưa nơi chốn cũ
mãi quay về. Bạn có bao giờ ghé lại bến nước Tân Châu. Dòng nước cuộn màu
phù sa tháng Năm, con nước đổ. Rồi tháng Tám, nước dâng cao làm dòng sông Tân
Châu lại chan hòa rộng mở. Nơi mé sông nay có bờ đá dựng giữ đất chuồi. Đường Bạch
Đằng phố xưa giờ biến mất lâu rồi; bởi nước xoáy, nước cuốn trôi mất dấu. Khi
biết được nước mềm nhưng nước vô cùng mạnh mẽ. Đời mong manh khu chợ quận cũng
đành thôi. Nghĩ phần sông rồi lại nghĩ phận bờ xuôi. Nước sông lớn, nước xoáy
giữa vàm kinh, nước mạnh. Con kinh cũ Vĩnh An Hà với hai người đi trên chiếc xuồng
lênh đênh giữa dòng nước đổ. Họ về đâu và họ sống nơi nào?. Phận bèo dạt, xuồng
trôi đời không bến đậu. Xuồng ơi xuồng sông nước ấy lênh đênh…
Bờ sông Tân Châu (An Giang)
Bạn ơi, sông chảy xuống chiếc ghe cui bò lên vùng ngược nước.
Ghe về đâu giữa mặt sông rộng bời bời phía trước. Ghe có phải chỉ về vùng sông
nước Bắc Nam thôi; hay ghe còn ghé lại khu Bình Di, cánh đồng gần biên giới nữa.
Nước tháng Chín, nước trôi xuôi ra biển lớn. Ghe tháng Mười, ghe rời bến biệt
ngàn khơi. Sông không sóng mà thuyền lắc lư với sóng. Đời vẫn trôi, tôi trôi
mãi theo đời. Bến bờ nào sông nước ấy mãi chơi vơi…
Ghe cui trên sông Tiền vào tháng Chín,
vùng Tân Châu, Hồng Ngự
(An Giang)
Bạn ơi, có bao giờ bạn nhớ bến Châu Giang?. Chiếc phà cũ chở đầy
bao nỗi nhớ? Ngày mới lớn khi chiều về tan lớp, nhớ! Tà áo ai bay phơ phất giữa
đôi bờ. Sông nước này có chút gì làm nhớ lại tuổi ấu thơ. Nay trở lại, bến sông
xưa dường như hơi là-lạ. Nơi bến cũ, hồn tôi nay không có gì thay đổi cả; nhưng
dường như sông nước ấy đã qua rồi. Thôi cũng đành nhìn dòng nước chia đôi. Hai
dòng chảy, trước và sau, hai lối rẽ. Đừng trách nước, trách sông, trách lòng
người, bạn nhé. Hắt hiu nhìn bến cũ đã quên mình! Bạn ơi, có một bận tôi về qua
bến đá màu xanh. Thăm lăng Thoại Ngọc Hầu, tôi theo ngõ hẹp bên lăng Ngài dẫn
ra con đường cái. Con hẻm nhỏ nhưng sao đường dài hun hút mãi. Chìm giữa bờ tường
chân đếm bước chân đi. Sao bỗng dưng tôi nghe lòng xao xuyến buổi phân kỳ; rồi
chợt nhớ những ngày xưa, lần đầu tôi về qua Châu Đốc cũ…
Con đường bên hông lăng
Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc, An Giang)
Bạn ơi, có bao giờ bạn về qua Long Xuyên? Tôi nhớ mãi bến
sông xưa làm tôi lớn dậy. Mái trường cũ qua bao mùa thay đổi quá. Tường rêu
phong, lớp học cũ đâu rồi. Tan trường về lớp lớp học trò vui. Qua Hoàng Diều,
chiếc cầu bắc ngang dòng sông khá rộng. Long Xuyến ấy mấy mươi năm tôi đã sống.
Nhớ bến sông là nhớ lấy phận đời mình. Những ân tình sông nước tưới muôn
phương. Ngôi trường cũ làm nên niềm thương tưởng. Hàng phượng vĩ Thoại Ngọc Hầu,
năm xưa, còn đâu nhỉ?…Tuổi học trò ngày ấy đẹp vô bờ. Thương lớp cũ, nhớ ơi từng
cửa lớp; nhớ ân sư, nhớ lắm những ngày vui…
Bạn ơi, có bao giờ bạn về qua bến phà xưa; bắc Vàm Cống vẫn
hoài trong tôi nỗi niềm lưu luyến thuở giờ. Năm tháng cũ những ngày tôi còn nhỏ.
Những năm ấy đôi lần tôi qua bắc tối. Quê tôi xa, xa tuốt mãi cầu ngang. Chiều
nắng xuống mặt sông buồn, sông ngủ sớm. Xuôi về biển, dòng nước trôi, trôi mải
miết. Qua Cần Thơ, sông nước ấy kéo tôi về. Nhớ những ngày nằm chờ nước trên
ghe. Tôi nhớ lắm những cù lao chạy dài theo lòng sông trôi, trôi mãi. Những năm
xưa nơi Cái Côn, Trà Ôn cùng biết bao nhiêu bờ bãi. Những gốc bần phơi rễ giỡn
nước vờn. Sông nước ơi, nay sông nước có phai tàn. Tôi vẫn nhớ Mương Khai, Mái
Dằm, Cầu Quang và nhiều bờ bến nữa. Nếu bạn hỏi, những năm xưa tôi làm gì nơi
chốn ấy. Cũng đành thôi, tôi vác gạch những mùa. Nhớ những ngày mưa bão gió te
tua. Thân ốm yếu, rồi cũng qua những tháng ngày cơ cực ấy….
Bạn ơi, tôi làm sao quên nước chảy bến Kinh Năm. Nơi chốn ấy
qua nhiều năm tôi làm nghề phá rừng, đốn củi. Tôi trồng khóm, dỡ chà, đào kinh,
cấy lúa với bảy năm trường trong lao đao khốn đốn. Một đoạn đời, ghi nhớ mãi
không thôi. Bến sông nay dù chỉ còn trong trí nhớ bồi hồi; nhưng sao tôi cứ mãi
nhớ về như không dứt được. Để làm gì, tôi chỉ biết hỏi mình thôi; dù tôi biết
có nhiều khi đêm về nằm mơ, giật mình, tôi rất sợ. Những năm tháng gió giao mùa
luôn buốt giá, đã qua rồi cơn ác mộng của một thời…Biết làm sao khi trời đất đổi
dời. Buồn lặng lẽ mình tôi, tôi rất hiểu…
Bắc chợ Vàm trên sông
Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang)
Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang)
Bạn ơi, có bao giờ bạn qua bắc Vàm Nao. Con sông lớn chở đầy
xuồng trên chiếc xe lôi bé nhỏ. Sông bao la, bắc cồng kềnh, lao xao sóng vỗ. Bến
sông này giao lộ khắp bốn phương. Bạn có thể theo phà về ngang qua nhiều
vùng quen biết chốn cố hương. Xuôi về tây, bạn về hướng Long Sơn, rạch Cái Vừng,
xứ nhãn. Bạn cũng có thể về qua Năng Gù, Chợ Mới, Mỹ Luông, Cù lao Giêng, Chợ
Thủ… Sông nước ấy cũng dắt bạn về Bình Phước Xuân, Kiến Phong, Cao Lãnh nữa.
Dòng nước xiết, phà cố gồng lên nhưng sông cứ chảy miết. Giữa dòng đời nước ngược
vẫn thường nghe. Tôi chợt nhớ bắc chợ Vàm, lúc tôi qua, dường như đang vào mùa
mưa bão nổi…
Bạn ơi, có bao giờ bạn về qua Long Sơn. Bạn có nghe ai nhắc về
ngôi chùa Giồng nơi vùng nhiều vườn nhãn ấy. Tôi đến đấy vào buổi sáng tinh sương
năm ấy. Nơi cổng chùa tôi bắt gặp những mảnh đời. Tấm thân trần gánh lấy những
phần đời. Bao gánh nặng giữa đường lo cơm áo; khác biết mấy, trong kia, tôi vừa
thấy. Nơi sân chùa, dù chùa cổ, vẫn se sua. Màu sơn mới ai sơn làm lòng tôi
chùng lại; bởi đời tu đâu cần gì sơn phết mãi. Chánh pháp nào khuyến khích những
tranh đua. Hơn với thiệt, tu hành, nào mấy ai bận bịu…
Sân chùa Giồng Thành,
xã Long Sơn, Tân Châu (An Giang)
xã Long Sơn, Tân Châu (An Giang)
Bạn ơi, có bao giờ bạn qua Bình Thành, Tân Bình, Lấp Vò, vùng
chợ quận xa xăm. Con sông cái dẫn nước đi về ba bề bốn hướng. Một về xuôi, theo
Xáng Lớn cặp đường xe. Còn ngả kia nước chảy qua Cái Tàu, Tùng Sơn, đất Phật
phía xa mờ…Xưa chạy giặc, tản cư, Tía má tôi thường bơi xuồng qua hướng
đó. Hình bạn thấy, vàm Tân Bình nơi làng quê tôi bé nhỏ. Nơi đầu doi chòi
cũ “ông lái đò.” Con sáo sậu biết nói ngày xưa đâu còn từ độ bão tràn qua.
Hoang phế lắm những năm dài quê tôi thời ly loạn. Nơi chợ quận, bến đò xưa qua
về mỗi bận. Lòng nao nao nay chợt nhớ lại ông Tú Thường. Những mái chèo khua nước
giữa nắng trưa buông. Thân nghèo khó, ông gánh gồng đời khốn khó. Nay chẳng còn
ông, bến đò xưa nay cũng đâu rồi con đò nhỏ; hồn lao xao tiếng ếch giữa đêm
mưa…
Nhà cửa nơi ngã ba sông chợ Lấp Vò (Sa Đéc)
Bạn ơi, có bao giờ bạn ghé lại xóm làng tôi. Nơi chốn ấy có một
thời chuối trổ buồng gió làm te tua tàu lá. Đời sóng gió, cỏ cây cùng nỗi
khó. Lúc quay về tôi trồng được bụi chuối già xanh. Chuối lớn trái, lá xanh màu
lá mới. Bạn có biết chuối dễ trồng; nhưng khó diệt. Chuối không mùa, chuối cứ
ra trái mãn mùa. Thế mới hiểu gió mưa nào ướt mãi. Sông nước nào sóng gió mãi
đâu sông?
Chuối lá ta với những tàu lá bị gió đưa gió đẩy làm rách
nát tả tơi
|
Bạn ơi, có bao giờ bạn về qua những vườn tre. Tre với trúc bến
sông xưa dường như không có gì xa lạ. Mùa mưa nào tre trúc cũng mọc đầy măng.
Nơi chốn ấy vườn địa đàng cho những cánh chim trời không cần những căn nhà ngói
đỏ. Hót reo vui, chim hót gọi mời nhau. Bạn cũng thấy hàng dừa cao vòi vọi trên
cao…Dừa hút nước từ đất sâu làm nước ngọt. Mùa hạ tới chim muông về làm ổ. Nối
đời nhau chim chóc dắt dìu nhau.
Dừa cao vút dọc hai bên bờ sông
Bạn ơi, có bao giờ bạn trở lại mảnh vườn xưa. Xoài trổ sớm những
mùa xoài khác trước. Cây với lá xanh màu xanh của lá. Bông cùng bông chen chúc
nhánh đầy bông. Lời của gió mang hương đi khắp chốn. Trái đầy cây thơm ngát những
vườn quê. Bạn ơi, bạn có bao giờ nhớ về những vườn xoài chín rộ năm xưa.
Chim chuyền nhánh kiếm tìm xoài đang chín.
Xoài cát trúng mùa
Bạn ơi, có bao giờ bạn tiễn bạn nơi bến sông. “Lâm
giang tống hữu” câu thơ cũ. Đỗ Phủ thương người thấm ướt khăn. Ý
thơ cổ làm tôi buồn khôn xiết. Người tóc bạc giữa trùng khơi sóng biếc. Nghe
não lòng cho kẻ ở người đi… Nước mắt người xưa làm mình muốn khóc. Cảm thương
người lữ khách, khóc tri âm.
“Sầu kiến châu hành phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.”(*)
Bạn ơi, ngồi buồn nhớ những bến sông, dòng đời đâu
khác dòng sông chút nào. Nay già càng thấy thấm đau; xưa nay, đưa tiễn,
vui đâu, bao giờ!.
Phụ chú:
(*) Lâm giang tống hữu
“Bi quân lão biệt lệ triêm cân
Thất thập vô gia vạn lý thân
Sầu kiến châu hành, phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân.”
Đỗ Phủ
Đến bến sông tiễn bạn
Thương ông (đã) già, khi chia tay, nước mắt thắm ướt khăn.
Đã 70 tuổi mà không nhà, tấm thân muôn dặm biết về đâu.
Buồn khi thấy ghe đi mà gió nổi lên.
Trong lớp sóng bạc đầu có người đầu bạc…
Lưu Khôn dịch
(Theo Tự Học Chữ Hán của giáo sư Lưu Khôn, nhà xuất
bản Khai Trí, Sài Gòn, 1965, trang 459).
Lấp Vò, ngày 18-8-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét