Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Mùa thu Hà Nội - Những dấu hương trong nhạc Trịnh

Mùa thu Hà Nội - Những dấu hương 
trong nhạc Trịnh
Vẻ đẹp mùa thu Hà Nội mãi vẫn là những nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao thi sỹ , nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo. Đã có biết bao ca khúc lay động hồn người khi viết về mùa thu Hà Nội mà chúng ta từng nghe và đã trở nên quen thuộc như Hà Nội mùa thu, Hà Nội đêm trở gió, Có phải em là mùa thu Hà Nội, Hà nội mùa lá bay, Im lặng đêm Hà Nội…nhưng với tôi, mùa thu Hà Nội dường như vẫn cứ mãi đẹp và những dấu hương ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa trong ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người nghệ sỹ lãng tử và tài hoa.
Mùa thu Hà Nội
Trịnh Công Sơn đã có biết bao ca khúc làm say lòng người với những giai điệu  và ca từ vừa như  mơ hồ, vừa lãng đãng lại vừa thật đặc biệt và chắc chắn không giống một ai. Không chỉ là những ca khúc lãng mạn, say đắm về tình yêu, mà ca từ và âm nhạc của ông còn là những trăn trở, suy tư, những triết lý về thân phận con ngừời một cách nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc.Ông đã có hai bài hát rất hay được lấy cảm hứng từ mùa thu lãng mạn của Hà Nội, đó là Đoản khúc thu Hà Nội  và Nhớ mùa thu Hà Nội với hai phong cách âm nhạc khác nhau nhưng đều được bao người say mê cùng những sắc thái khi âm thầm, khi da diết của mùa thu đầy phiêu lãng. 
Cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đổ
Dù ở bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể nghĩ hay nhớ về Thủ đô Hà Nội, nơi có “cây Cơm Nguội vàng, cây Bàng  lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Bài hát này chắc hẳn gắn bó với những kỷ niệm sâu lắng, ngọt ngào của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Hà Nội với  những người yêu dấu và gợi cho ta những hoài niệm lãng mạn về Hà Nội.
Phố xưa nhà cổ mái ngói thẫm nâu
Ấy là cảm xúc của một sớm mùa thu trong không gian nhè nhẹ, dường như  có một chút mơ hồ nào đó khi bạn bắt gặp những cây bàng lá đỏ khi bước chân ra phố. Đó là những khoảnh khắc thật đẹp khi Hà Nội đã vào  cuối thu. Màu lá bàng đỏ trông thật lạ và điểm thêm một chút sắc màu của những chiếc lá bàng tròn trịa,  cái nâu, cái vàng phấp phới trên cành cây cuối thu làm ta liên tưởng tới những sắc màu trong những bức vẽ  “Mùa thu vàng” nổi tiếng của họa sỹ Lê ViTan .
Ca khúc hay và những ca từ đẹp của Nhạc Trịnh đã từng thôi thúc tôi cất công lên tận Quảng An, Quảng Bá vùng Tây Hồ để đi tìm và đã chụp bằng được vài bức ảnh về những cây cơm nguội vàng rất đặc trưng của Hà Nội. Đúng là một loài cây đã đi vào thi ca và hồn người với sắc vàng  mê mải và lung linh.
Khi bạn có dịp đi dạo trên phố cổ, những con phố ngoằn ngoèo và đông đúc sẽ cuốn theo bước chân, bạn sẽ khó tìm được lối ra nếu chưa quen những con phố này. Tuy nhiên bạn vẫn có thể cảm nhận được vẻ cổ kính phôi pha đã bạc màu thời gian và chút u trầm của nó ngay giữa phố phường đông đúc qua những lời ca “ phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”.
Ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” ra đời và đã  đi vào lòng bao người từ lâu, dường như vẫn luôn còn lay động tận sâu thẳm trái tim của cả những người xa xứ. Mùa thu Hà Nội luôn gắn liền với Hoa Sữa và Cốm Non, những hương thơm  luôn lưu dấu trong tâm hồn và  là nét đặc trưng rất Hà Nội. Đó là  nơi:
“Mùa hoa sữa về/Thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về/Thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè/Thơm bước chân qua”

Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân ai
Những câu thơ gợi nhớ không gian Tây Hồ lảng bảng sương sớm với hương sen thơm ngát, những chiếc lá sen xanh gói chặt tình yêu  của cốm non nơi lúa đồng đang thì ngậm sữa.Tôi lại nhớ tới những câu thơ của mình về mùa thu Hà Nội với biếc xanh mắt cốm ngày nào trong bài Thu Vàng khi trao tặng cho những người yêu mến:
“Gói thu trong hương gió
Để sắc  cốm nồng nàn
Mắt cốm xanh lấp ló
Thơm dẻo tình chứa chan” bởi có lẽ mùa thu Hà Nội với tôi cũng không thể thiếu được cái say lòng người từ nơi  hương cốm và hoa sữa thơm nồng ấy.
Nhiều người bạn ở nơi xa vẫn từng nói rằng họ không thể quên được mùi hương nồng nàn của Hoa Sữa Hà Nội, loài hoa có màu xanh nhàn nhạt mà sức lan tỏa phiêu lãng khắp không gian. Tôi nói thế vì trong  những dịp đi công tác ở các tỉnh xa, mùa thu với hương thơm suốt đêm của hoa sữa vẫn lan tỏa và thơm nồng trên từng con đường, góc phố và làm ta luôn nhớ đến Hà Nội. Ngay cả khi ở nước ngoài, khi được ngồi trên xe tắc xi do những người tài xế gốc Việt lái , tôi lại được nghe những bản nhạc yêu thích và ca khúc này của Trịnh Công Sơn. Lúc ấy tôi thấy nhớ Hà Nội vô cùng với hương hoa sữa và nhớ cả  những hình ảnh các chị bán cốm rong trên vỉa hè với tất cả sự thảo thơm rất đặc trưng Hà Nội.
Mùa thu Hà Nội còn trở nên phóng khoáng và lãng mạn hơn nữa khi bạn có dịp  được đứng trước Hồ Tây mông mênh và lộng gió trong một sớm  thu khi mà  “Bầy Sâm Cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời”. Và khi “màu sương thương nhớ” được phủ trắng mờ, mặt hồ đang dần tan trong nắng sớm, bạn hãy lắng nghe trong không gian những búp gió xôn xao rượt đuổi nhau và như chợt vỡ òa trên vai áo người qua.
“ Chiều thu Hồ Tây/Mặt nước vàng lay/Bờ xa mời gọi”…

Chiều thu hồ Tây mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi
Biết bao con người và những bước chân còn ghi dấu kỷ niệm nơi đây, bao nhiêu những niềm vui, nỗi buồn hay có thể là những cuộc chia ly đầy nước mắt:
          “Hà Nội mùa thu /Đi giữa mọi người/
Lòng như thầm hỏi/Tôi đang nhớ ai?
Và để  rồi:
Sẽ có một ngày/Trời thu Hà Nội/Trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày/Từng con đường nhỏ/Trả lời cho tôi”…

Đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai
 Ta những mong tìm lại một Hà Nội xưa thơ mộng và cổ kính trong từng nét thu quyến rũ và những hồn cốt Hà Nội trong từng mái ngói thâm nâu. Ta cũng mong tìm lại một Hà Nội xưa, nơi tha thướt những gánh hàng hoa và  những gánh cốm  thơm chở mùa thu vào phố. Có lẽ chỉ còn lại hình ảnh thanh tao của Hà Nội xưa qua những kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái đã từng làm lay thức hồn người.
Tôi chợt nhớ tới cả những kỷ niệm khi theo chân những bạn yêu thơ, chúng tôi từng lang thang đi tìm nơi “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ” để hiểu về “Hà Nội đêm trở gió”, vẫn còn biết bao con người cũng có tình yêu Hà Nội  như Trịnh, để “Đêm thấy ta là thác đổ” và đêm trở nên trắng xóa và ào ạt không nguôi:
“Hà Nội ơi,  xanh xanh liễu rủ mặt Hồ Gươm
Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng
Con sóng nào vẫn vỗ về vào yêu thương
Hà Nội ơi, Hà Nội ơi”…

Liễu rủ mặt hồ Gươm
Đáng tiếc khi mùa thu Hà Nội đầy lãng mạn ấy đang mất dần đi những dấu hương nồng nàn cùng vẻ thanh bình vốn có của nó. Cuộc sống đô thị hóa ồn ào và những mưu sinh hàng ngày của con người làm Thủ đô mất dần sự lãng mạn và mất cả sự xao xác của mùa thu. Giao thông bức bối và môi trường ngột ngạt đã làm mai một dần vẻ cổ kính và u hoài, thanh lịch của Hà Nội xưa. Có lẽ chỉ còn ít người hay suy tư về Hà Nội với việc lưu giữ những hoài niệm cùng sự tiếc nuối như trong những lời thơ xưa của Bà Huyện Thanh Quan ngày nào:“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”…
Dù không sống ở Thủ đô, Trịnh Công Sơn cũng đã nói hộ nhiều người về tình yêu Hà Nội và tình yêu ấy vẫn luôn dịu dàng và tỏa sáng ngay cả khi cuộc sống trở nên ngột ngạt nhất:
“Hà Nội mùa thu/Mùa thu Hà Nội
Nhớ đến một người/ Để nhớ mọi người”…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Mùa thu Hà Nội gắn với tình yêu và kỷ niệm của nhiều người cùng với bao sự ngọt ngào và quyến rũ. Mùa thu Hà Nội cũng gắn với nỗi buồn và sự  cô đơn cùng những trải nghiệm đớn đau của nhiều người khác. Có lẽ với bất cứ ai, thu Hà Nội cũng dễ làm họ mềm lòng hơn với những niềm vui, nỗi buồn và đều được mùa thu hào phóng và chia sẻ.
Hy vọng rằng Hà Nội với mùa thu lãng mạn qua những ca từ độc đáo của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sẽ vẫn mãi ngào ngạt tỏa hương qua mùa mùa bất tận…
                                             Hà Nội 2010
 Phạm Thị Phương Thảo



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...