Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Phạm Thiên Thư - Vị tu sĩ lãng mạn

Phạm Thiên Thư - Vị tu sĩ lãng mạn
Nhạc sĩ Phạm Duy có tài phổ nhiều bài thơ thành những tình ca nổi tiếng. Nhưng cũng phải nói ngược lại, nhiều nhà thơ đã có những câu thơ gợi được cảm hứng cho nhạc sĩ, không ít câu ám ảnh người nghe nhiều năm không dứt, trong số này có Phạm Thiên Thư. Điều thú vị ở chỗ Phạm Thiên Thư vốn là một tu sĩ, nhưng như cách gọi của nhiều người: vị tu sĩ lãng mạn. 
Tình yêu như duyên cớ 
Trong bài hát Ngày xưa Hoàng Thị có những câu: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ... anh theo Ngọ về”. Tại sao bài thơ lại có họ và chữ lót của một người con gái? Thì như nhà thơ Phạm Thiên Thư tiết lộ: tên họ đầy đủ của nhân vật là Hoàng Thị Ngọ nên trong bài thơ mới có câu “anh theo Ngọ về”. Nhiều người hiểu lầm “ngọ” là buổi trưa cũng là giờ “em tan trường về”. Bà Hoàng Thị Ngọ hiện sống ở Mỹ, là nguyên mẫu trữ tình của hơn 40 năm trước để Phạm Thiên Thư sáng tác nên bài thơ này. Thế nhưng không như nội dung bài thơ miêu tả một chuyện tình đắm đuối, tất cả với nhà thơ Phạm Thiên Thư, hình ảnh nhân vật nguyên mẫu chỉ thoáng qua như sương khói và là duyên cớ để trái tim nhạy cảm của ông cất nên thành lời. Ông bảo: “Tôi thấu hiểu giáo lý nhà Phật và mỗi ngày tu tập đều đặn thì không thể có chuyện lụy ái tình đến mức đau khổ. Nhưng nhà thơ thì phải sáng tác và trong sáng tác cần tưởng tượng và hư cấu chứ không thể chỉ bê nguyên hiện thực vào thơ". Với ông, những sự “hiểu lầm” của độc giả giống như sáng tác thêm cho bài thơ sinh động, nhân vật Hoàng Thị có thể là bất kỳ cô gái nào nhận thấy mình trong đó và Ngọ không nhất thiết là tên riêng tùy theo cách cảm của từng người đọc.
Như đã nói, tình yêu chỉ là duyên cớ để trái tim nhà thơ rung lên những nhịp đập thành tác phẩm. Trong đêm nhạc Phạm Duy - Con đường tình ta đi vừa qua, lần đầu tiên bài hát Em lễ chùa này được biểu diễn sau nhiều năm vắng bóng. Ca khúc được Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Thoáng hương qua của Phạm Thiên Thư. Đây cũng là một tác phẩm thơ - nhạc về chuyện tình yêu đôi lứa. Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể: “Tôi sáng tác bài này khi đang là một tu sĩ Phật giáo chứng kiến tình yêu của một chú tiểu dành cho một Phật tử viếng chùa. Tôi nhớ chú tiểu năm đó khoảng 16 tuổi và nữ Phật tử kia cũng chừng tuổi đó. Do loạn lạc chiến chinh, người nữ kia chết và được gia đình mang vào vườn chùa an táng. Tôi chứng kiến, xúc động và sáng tác nên bài thơ mà sau này anh Phạm Duy phổ nhạc: “...Vườn chùa đây - vào nằm trong đất/ Nép bên hoa - ôi những hoa vàng/ Vườn đào tơ chập chờn cánh bướm/ Bướm khua râu - ngơ ngác bay ngang/ Mộ của em - mộ vừa mới lấp/ Có con chim - nào hót trên cây/ Lời của chim - chìm vào tiếng suối/ Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài”. 
Tu trong chùa và tu trong đời 
Nhà thơ Phạm Thiên Thư chính thức “phủi tóc” vào chùa từ năm 1964 đến năm 1973 với pháp danh Thích Tuệ Không. Ông sinh năm 1940 trong một gia đình hành nghề Đông y tại huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, sau di cư vào Nam. Nhà thơ chân thành tiết lộ việc xuống tóc vào chùa của ông là nhờ duyên với đạo Phật. Nhờ ở chùa, ông được tiếp xúc sâu sắc với giáo lý nhà Phật. Và cũng nhờ ở chùa, ông đã không phải cầm súng bắn vào đồng bào mình do việc bắt lính gắt gao của chế độ Sài Gòn.
Năm 1973, nhà thơ Phạm Thiên Thư hoàn tục. Dân gian ta có câu: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Hoàn tục để tiếp tục tu tại gia, ông vẫn là một tu sĩ ngay chính trong ngôi nhà của mình. Nhưng đã mang cái nghiệp thơ ca, Phạm Thiên Thư không chỉ là một tu sĩ đơn thuần. Trong người ông chia ra hai thái cực nhưng lại hòa quyện vào nhau: tu sĩ - thi sĩ mà nhiều người gọi vui thành “vị tu sĩ lãng mạn”. Và thực sự những gì nhà thơ đã sống, đã làm đúng như cách gọi của nhiều người. Ông đã “lãng mạn hóa” những tư tưởng nhà Phật thành thơ ca. Đến nay Phạm Thiên Thư đã chuyển các bộ kinh Phật thành thơ như: Kinh hiếu, Kinh ngọc - Qua suối mây hồng (Kinh Kim Cương), Hội hoa đàm (Kinh Hiền Ngu), Suối nguồn vi diệu (Kinh Pháp cú)... đã được nhà sách Cảo Thơm (Đà Nẵng) phối hợp với NXB Văn nghệ tái bản sau hơn 30 năm. Trong số những tác phẩm của Phạm Thiên Thư khởi nguồn từ kinh Phật có 10 bài Đạo ca được Phạm Duy phổ nhạc. Nhà thơ cho biết: 10 bài Đạo ca này ông viết trong 2 ngày và dường như tất cả các tác phẩm ông viết rất nhanh. Còn khi không viết gì thì ông nhà thơ nhẩn nhơ, ngơ ngác, hồn nhiên giữa hai cõi đạo và đời của riêng mình. 
Những kỷ lục… 
Ngày 15/8/2007, Trung tâm sách Kỷ lục VN công nhận ông Phạm Thiên Thư là người VN đầu tiên sáng tác Từ điển cười bằng thơ. Tác phẩm Từ điển cười bằng thơ này của Phạm Thiên Thư có hơn 5.000 “lý do” để cười, cười để vui sống và đẩy tâm bệnh. Song song với Từ điển cười, nhà thơ cũng biên soạn, sáng tác quyển Từ điển châm ngôn với hơn 50.000 lời hay ý đẹp. Ông cũng là “hậu thế” đầu tiên dám viết tiếp Truyện Kiều của Nguyễn Du với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh. Tác phẩm “hậu Kiều” của thi sĩ họ Phạm với số câu lục bát còn dài hơn của cụ Tiên Điền, đã được giải Nhất Văn học (miền Nam) vào năm 1973. Tác phẩm “hậu Kiều” của Phạm Thiên Thư được đánh giá là “Kiều VN 100%”. Ông tả nhân vật Từ Hải: “Những khi cờ cuộn mây vương/Thành cao ném một ngọn thương sang bằng” hay “Trơ trơ lưng thẳng nghênh đầu/ Rằng tà chính để mai sau hẳn bàn”. 
Nhà thơ Phạm Thiên Thư có một kỷ lục của riêng đời ông mà ông gìn giữ được đến tận hôm nay, đó là ít vướng mùi tục lụy. Sở dĩ ông giữ gìn được như vậy vì ông là người biết cười và thích cười. Trước khi hoàn tục để tu tại gia, nhà thơ “tự cười” chính mình: “...Hỏi con vạc đậu bờ kinh/ Cớ sao lận đận cái hình không hư/ Vạc rằng: thưa bác Thiên Thư/ Mặc chi cái áo Thiền sư ỡm ờ...” (Động hoa vàng).
 Trần Hoàng Nhân
Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...