Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Mùa xuân chín - Một nốt thăng trong bản nhạc lòng thi sĩ

Mùa xuân chín - Một nốt thăng 
trong bản nhạc lòng thi sĩ 
Sinh năm 1984, là giáo viên văn THPT ở tận vùng Đồng Tháp, cô giáo Cẩm Nhung đang vươn lên bằng chính năng lực của mình qua những cảm nhận văn chương. Hiện cô đang là học viên Cao học của Đại học Huế. "Mùa xuân chín" qua cảm nhận của Nhung ta nhận ra những nét mới mẻ trong phép đối sánh liên tục. Viết tiểu luận mà giữ được cảm xúc và thể hiện bằng giọng văn tươi tắn của một ngòi bút trẻ là điều đáng quý ở Nhung. Bichkhe.org xin giới thiệu bài viết này cùng bạn đọc trong và ngoài nước (Mai Bá Ấn).

Nghĩ về thơ, đột nhiên tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử với những vần thơ rướm máu. Đọc thơ Hàn, ta rùng rợn, ta xót thương, ta lặng đi theo lời thơ rên xiết:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
(Rướm máu)
Chàng thi sĩ mệnh bạc đã cuốn linh hồn mình vào cõi hư ảo đau thương, cõi đớn đau oằn oại:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
(Trút linh hồn)
Bệnh tật hay nợ văn chương đã đưa hình ảnh vầng trăng đến tìm thi sĩ mà ta luôn thấy trăng như là bạn, như là thơ, như là ám ảnh chạy vòng quanh thi sĩ. Chàng mơ trăng, giỡn trăng, chờ trăng, đuổi theo trăng, giận sững sờ trăng và đem cả trăng đi bán,…Réo rắt, cuồng quay, đau thương, điên loạn,…Hàn Mặc Tử và trăng, và rướm máu, và đau thương, điên loạn,…Ta đâu biết rằng, tâm hồn rướm máu đau thươngấy vẫn luôn cảm nhận được cuộc sống trong trẻo, nên thơ và căng mọng…Không phải Đây thôn Vĩ Dạ – bài thơ có thể nói đã làm nên tên tuổi của Hàn Mặc Tử, cuốn hút và da diết trong lòng tôi là Mùa xuân chín.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biéc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
(Trích tập Đau thương)
Mùa xuân không phải là đề tài lạ lẫm nữa, “Thơ mới” viết nhiều về mùa xuân.
Một sự chối từ, chạy trốn, muốn chắn nẻo xuân sang:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
(Xuân –Chế Lan Viên)
Một sự khao khát, thèm thuồng, cuống quýt trước hương sắc mùa xuân:
Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng– Xuân Diệu)
Một chiều xuân êm đềm với bức tranh quê có cô nàng yếm thắm “Cúi cuốc cào ruộng cỏ sắp ra hoa”(Chiều xuân– Anh Thơ)
Còn nhiều lắm, xuân về với rất nhiều vẻ trong “Thơ Mới”…
Không chạy trốn, không cuống quýt, cũng không lặng lẽ ngắm nhìn, không trầm tư suy nghĩ, chàng hồn nhiên gọi vào: Mùa xuân chín– Mùa xuân nảy nở, căng mọng, ngọt ngào, tưởng chừng như ta có thể nếm được, cắn được. Hẳn Xuân Diệu phải ghen tị vì dường như càng vội vàng thì xuân lại càng nhanh qua và nhà thơ hốt hoảng. Xuân chín đang ở đâu đó trong thơ, trong hồn thi sĩ, những lúc cao hứng, nhà thơ hồn nhiên thưởng thức:
Xuân trên má nường thơ
Ngon như tình mới cắn
(Cao hứng)
Thoáng đâu đó tháng giêng ngon như cặp môi gần, Xuân Diệu sung sướng biết rằng vị xuân thật ngon và ngọt như tình yêu cháy bỏng. Đó là sự gặp gỡ của nhưng tâm hồn yêu đời tha thiết. Và với Hàn Mặc Tử, xuân không chỉ là tình, xuân còn là thơ…
Mở đầu bài thơ là màu nắng ửng:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Màu nắng nhẹ nhàng, thanh khiết của buổi sáng. Ta cảm nhận được bước đi nhẹ nhàng của mùa xuân làn nắng ấy dần làm nhạt đi khói sương từ tối đêm qua…Ánh nắng ban mai ngọt ngào, tươi tắn ấy vẫn thường đến trong thơ Hàn Mặc Tử.
Ánh nắng tươi dịu dàng nũng nịu tắm trời xuân, khẽ liếm tô màu cho phút thăng hoa của tình yêu:
Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi
(Nắng tươi)
Anh nắng một sáng nào từng làm bừng sáng hồi ức nhà thơ về thôn Vĩ Dạ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc…
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Mùa xuân chín và nắng đà chín ửng. Xuân trời chín ửng hay xuân thì con gái mà nhà thơ cũng đã từng miêu tả:
Xuân em hơ hớ như đào non
Chàng đã thương thương muốn kết hôn
Từ ấy xuân em càng chín ửng
Ngày ngày giặt lụa bến sông con
(Mất duyên)
Mùa xuân chín, nắng ửng hương nồng, xuân thì con gái cũng đương chín ửng,…Liên tưởng làm cho ta thấy cuộc đời tươi hồng đáng yêu biết mấy!
Bức tranh xuân chín hiện lên thât nên thơ, tình tứ với những gam màu lấp lánh:
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Màu lấm tấm vàng, màu ánh biếc, cùng màu xanh mơ hoa thiên lý làm thành một bức tranh hòa điệu. Lấm tấm vàng gợi lên một sự lung linh, mờ ảo. Đâu đó trong thơ chàng ta cũng gặp:
Em tôi thì hổn hển
Ao xiêm lấm tấm vàng
(Sng trăng)
Nắng soi cũng lấm tấm vàng, trăng rọi cũng lấm tấm vàng, thật mông lung, huyền ảo. Đó là cảm xúc thường gặp khi ta đọc thơ Hàn Mặc Tử, mộng và thơ, thơ và mộng…cái màu xa xăm, lấp lánh từng mảng ánh lên, hẳn nhà thơ phải nhìn bằng cả tâm tưởng và cả sự tinh tế của mình…
Tự lúc nào mà áo xiêm cô thôn nữ như cuốn hút tâm hồn nhà thơ, làm nhà thơ ngẩn ngơ, bỡ ngỡ:
Lá xuân sột soạt trong làn nắng
Ta ngỡ, em ơi, vạt áo hường
Thứ áo ngày xuân em mới mặc
Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương
(Nắng tươi)
Đến xuân này chàng không khỏi xao lòng, rộn rã khi gió xuân tình tứ trêu tà áo biếc…
Trên giàn thiên lý, nhẹ nhàng, chầm chậm, bình dị, hồi hộp, bóng xuân sang. Nàng xuân như đang uyển chuyển mềm mại đến với nhà thơ
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Nhà thơ táo bạo khi miêu tả màu xanh ngút ngàn của hoa cỏ mùa xuân, hình ảnh sóng cỏ gợn thổi vào xuân một sức sống căng tràn, làm bức tranh xuân càng thêm sống động. Xuân không tưng bừng, náo nhiệt mà điềm đạm tươi vui với tiếng hát của người thôn nữ. Say lòng người!...
Giọng thơ chùng lại, thổn thức:
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Đó là quy luật ít ai cưỡng lại được. Thi sĩ biết vậy và tiếc thầm cho họ. Và dường như cũng thầm tiếc cho tuổi xuân của mình. Một cách thể hiện kín đáo rất riêng của Hàn Mặc Tử.
Thi nhân muôn đời vẫn thường hay chạnh lòng! Yêu đời quá, say người lắm nên mới sợ đời qua mau và người xa khuất…
Tiếng ca của người thôn nữ như đưa sắc xuân, hương xuân dập dìu, lơi lả,…một âm thanh vắt vẻo lưng chừng, hổn hển không biết cao sâu đến dường nào, như huyền hoặc mà cũng rất gần gũi…

Tiếng ca đã đến những cung bậc hết mình, vắt vẻo, hổn hển, thầm thĩ, thật ý vị, thật thơ ngây. Tiếng ca trong trẻo như lời tình tự, như gởi vào mây núi những rộn rã, những mộng mơ, những tâm tình, cả sự thẹn thùng, cả nhựa sống tràn trề của thì con gái, của tuổi xuân xanh. Đó là mộng đẹp, đó là thơ, là máu thịt, là đắm say của hồn Mặc Tử…Làm sao mà chẳng day dứt khi dầnbỏ cuộc chơi!
Cái day dứt, xốn xang ấy không dừng lại:
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Mơ hồ lắm rồi! Khách xa là ai? Phải chăng là tác giả? Đi đâu mà xa? Ta chẳng đã từng biết nhà thơ xưng mình là khách đường xa (Đây thôn Vĩ Dạ) đấy hay sao: xa thôn Vĩ hay xa cuộc đời xuân mộng? Cái phiếm định, mông lung đầy ý nhị làm nên một chất thơ rất riêng của Hàn Mặc Tử…
Khách xa đứng giữa mùa xuân chín hôm nao? Trong quá khứ hay hiện tại? Chị ấylà ai? Người bạn cùng làng hay người con gái giữa đám xuân xanh trên đồi xuân nọ? Mênh mông xa vời, khó lý giải, mà cũng chẳng cần lý giải làm gì, dường như nhà thơ muốn thế. Thơ không cần lý giải mà cần cảm nhận và rung động. Hãy cảm nhận, hãy day dứt, hãy rung động cùng nhà thơ khi nắng xuân, trái xuân đã làm bừng sáng tâm tưởng nhà thơ bằng hình ảnh rất đỗi giản dị, thân quen và thanh thoát:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Da diết, đượm buồn nhưng không bi quan, điên loạn. Đó là một hình ảnh lao động rất đỗi thân quen của làng quê, vất vả mà đẹp đẽ. Thương lắm người con gái vẫn gánh thóc đi dọc cái nắng chang chang gay gắt làm trắng cả dòng sông…Nhà thơ vẫn thường được ánh nắng đánh thức, làm bừng sáng những hồi tưởng, những cảm nhận đẹp đẽ, say sưa với cuộc sống, thiên nhiên, con người,…
Giọng điệu thơ giãi bài từ điềm đạm đến thổn thức day dứt, từ rộn rã đến sâu xa, ngưng đọng…Những điều ấy làm ta rung cảm trước khi tìm hiểu bài thơ…
Quả thật, Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử làm ta rung cảm từ nhạc điệu, tài năng của thi nhân là tạo được sợi dây rung cảm ấy – say đắm, day dứt, thương mãi không thôi….
Bùi Thị Cẩm Nhung
Theo http://www.bichkhe.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...