Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Trong sương có tiếng kèn lá

Trong sương có tiếng kèn lá
Vậy là tôi đã đánh mất mối tình thứ nhất. Mất thật sự, tôi linh cảm điều đó từ những cơn đau âm thầm dai dẳng không thẻ nói ra.
Chị Hạnh bảo, dù sao mày cũng đã được một lần hụt, còn tao…chưa có lấy một chút hơi hướng nào...
 Người ta bảo, vợ chồng mấy ai lấy được nhau ở người yêu thứ nhất. Điều đó có đáng để tôi coi là một sự an ủi không? Tôi có tiếc cho điều vừa đánh mất không?
Tôi đi tìm nguyên nhân của sự tan vỡ..
Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ sự đụng chạm mạnh mẽ và táo tợn của người con trai Mông đối với tôi hôm ấy. Chẳng là gì cả, cứ nghĩ là như vậy nhưng nó cứ ám ảnh, cứ nhắc cứ lay thức…
Đã mấy hôm…hết u ám rồi trời lại bừng lên một chút nắng trên đỉnh Pà Rinh. Buổi sáng lên lớp, buổi chiều ra suối nhìn mãi về phía rừng mận, tôi không thể quên được phút xao động tận đáy lòng của mình hôm đó. Có một cái gì đó như chuyển động ở nơi sâu kín của người con gái…
Đêm cuối năm, bầu trời miền núi cao u ám và lạnh buốt. Lạnh do nhiệt độ xuống thấp, lạnh do gió thông thống hùn hụt trong những khe núi tuồn ra. Gió mang hơi nước từ những đám sương mờ mịt cuồn cuộn di chuyển trong thung lũng…Tôi trùm chăn kín đầu nằm nghe sương rơi. Đã gần mười giờ đêm, ngoài kia núi rừng lúc này chắc đã mờ mịt cả rồi.
Thung lũng Huội Xay, ngày không có nắng, đứng trên sườn dốc nơi trường đóng nhìn xuống hướng đông, trước mặt là cả một lòng chảo đọng đầy mây trắng bạc. Rải rác trên các sườn núi bao quanh, nhà cửa các bản Mông, bản Khơ Mú cứ như những bao diêm vứt vương vãi lẫn trong màu xanh của cây rừng, của mây trời…Hễ mặt trơi tắt nắng là sương đã buông kín mít huống gì lúc này. Nếu như mọi hôm, khi đã chuẩn bị xong bài vở, tôi sẽ xem thêm sách tham khảo một lúc nữa mới lên giường. Tôi đã đăng ký tham dự kỳ thi dạy giỏi năm nay nên tự nhắc rằng mình phải cố gắng. Cũng như bao nghề khác, ai chẳng muốn mình có tay nghề vững…Nghĩ thế, mong mỏi và tự nhắc nhủ thế nhưng không hiểu sao hôm nay tôi chẳng hào hứng…Phút xao động ấy lại quay về làm tôi chơi vơi và cảm thấy trống vắng khủng khiếp…Các gian đằng kia, phòng mấy cô bạn cũng đã im ắng. Chắc họ đã ngủ. Có lẽ chỉ mình tôi thao thức
Hôm nay anh Tùng còn đi công tác xa. Tôi chợt nhớ như vậy.
Suốt từ đầu hôm cho tới lúc này trong tôi chỉ có bóng dáng Vừ A Chông…Chỉ có Vừ A Chông, bởi lúc này tiếng tróc lưỡi giả tiếng tắc kè xa xa hướng đầu hồi nhà đã lại vọng tới, bồn chồn, khắc khoải.Tắc kè…tắc kè…
Vừ A Chông không gọi tôi bằng tiếng kèn lá như trai Mông thường gọi bạn tình. Tiếng tróc lưỡi có lúc nghe như đã đuối hơi. Vừ A chông đang ngoài đó, nơi ấy có tảng đá to bên cạnh con đường mòn sang bên kia núi. Tảng đá đó nghiêng nghiêng. A Chông đang đứng chờ tôi trong sương rơi gió lạnh. Đã là đêm thứ ba. Gan lì, kiên nhẫn, tình cảm người con trai thẳng băng và bừng bừng như lửa, nồng nàn, dữ dội…
Tôi đang làm cho một người con trai đau khổ?
Chưa ai yêu tôi như vậy. Nó khác xa với lúc ở trường chỉ thoáng qua đôi lời ỡm ờ bóng gió, vài cuộc đi chơi đông đúc gái trai. Chẳng hẹn hò thề thốt. Thời nay có ai thề thốt nữa đâu. Máy nhắn tin cũng chỉ rặt những điều bông phèng, vài lời bậy bạ của mấy đứa bạn trai và cả của những người dấu tên dấu mặt
Trăng đã mọc. Đêm nay trăng mọc muộn hơn. Qua kẽ hở của vách ván, một vầng trăng mảnh như lưỡi liềm le lói lạnh lẽo trên đỉnh rừng Pà Đẻn. Vậy là Vừ A Chông đã từ nhà ra đi sớm hơn. Có lẽ anh ta chỉ chờ mặt trời xuống núi là ra đi. Con đường mòn ấy chạy hết sườn núi bên này, lên gần tới đỉnh, nơi có một rừng mận rồi lượn xuống dốc bên kia, đi qua ba quả núi nữa mới tới bản Phà Lạt của A Chông. Đó là nghe nói vậy chứ tôi chưa tới bản Phà Lạt bao giờ.
Vừ A Chông, người con trai Mông…Người con trai Mông rắn chắc, mạnh mẽ báo hiệu một sức sống quyết liệt và dữ dội mà chắc rằng bất cứ người con gái nào lúc chọn chồng cũng mơ ước. Tôi đã sợ. Chẳng ai tỏ tình như thế cả. Thẳng băng không rào đón úp mở,đi thẳng vào cảm giác giới tính.
Cả tháng nay, đứng trên lớp hàng ngày tôi thấy một người con trai đi lại vẩn vơ dưới đường….Ngôi trường mới xây do tiền “dự án” quét vôi vàng nhạt nổi bật trên sườn núi xám xanh, phía dưới trước mặt là con đường chạy ngược lên biên giới. Trường tôi két nghĩa với đồn biên phòng nên các anh thường qua lại. Có trường đẹp, có con trai đến nên các cô giáo ăn mặc đẹp hơn. Đàn bà con gái ai chẳng vậy. Chúng tôi là “của hiếm” nơi đây, như những bông hoa thu hút bướm ong. Anh chàng kia, cứ đi đi lại lại rồi ngó lên như ngóng đợi ai… Hễ trời mưa thì thôi, trời tạnh ráo là y rằng anh ta đứng đó, kiên nhẫn và bền bỉ. Lúc đầu tôi đâu có để ý. Mấy hôm sau, tan buổi học, cắp cặp xuống đường để xuống ký túc thì tôi giáp mặt anh ta. Mặt vuông, mắt xếch, tóc rễ tre, quần áo Mông…người con trai miền rừng có cái nhìn như thiêu đốt. Anh ta cứ lẽo đẽo đi theo dọc đoạn đường trước lúc tôi rẽ xuống kí túc.. Mấy ngày đầu còn sờ sợ và khó chịu nhưng rồi tôi thấy hay hay. Làm sao mà không thích cho được khi biết có người con trai mê đắm mình…
Hôm đó tan trường, chờ học sinh tản về hết trên các sườn núi tôi mới cắp quần áo xuống suối tắm và để luôn tiện lấy nước về nấu cơm. Tắm táp thay quần áo xong anh ta đột ngột xuất hiện làm tôi hết cả hồn. Tiến sát đến trước tôi, căng thẳng và dư dội, bằng một thứ tiếng kinh ngọng nghịu, anh ta ấp úng:
- Thầy giáo đừng sợ mà. Tôi thích thầy giáo…Anh ta chỉ nói được có thế… Mặt đỏ bừng như quả mận chín, chân tay lóng ngóng rồi thả rơi xuống chân tôi một túi vải.Tôi có cái này cho thầy giáo…
Về ký túc rồi mà tôi vẫn chưa hết run. Chị Hạnh ngạc nhiên hỏi. Sao thế? Nghe kể lại chị kêu to: - A, Vừ A Chông…Lúc này mình vừa gặp hắn mà.. Thế thì nó mê mày thật rồi…Chết nhé, trai Mông đã mê thì…khó mà dẫy ra đấy…Anh Tùng mà biết thì gay to...
Chị Hạnh lên trước năm năm và hơn tôi bốn tuổi. Tôi đứng ngây ra, chị cười. Một nụ cười héo hắt. Chỉ hơn tôi bốn tuổi mà sao chị già dặn và tã tượi đến vậy. Cả lời nói và dáng điệu của chị cũng có điều gì đó rụt rè, tội nghiệp… Tôi nhớ hôm đoàn cán bộ Sở đi công tác lên thăm trường, có một vị gặp chị hỏi thăm. Chị đỏ bừng mặt, lúng túng đứng di di ngón chân, miệng mấp máy lí nhí không nghe ra câu gì, mắt ngân ngấn nước…
Thế rồi tôi hiểu được điều đó ở chị. Dạy học ở đậy, một buổi tiếp xúc với đám học trò từ các làng bản tận trên các sườn núi đến tiếng phổ thông cũng còn bập bẹ, một buổi vô ra nhìn núi, nhìn trời…cứ mong sao cho trời chóng tối chóng sáng để lại được gặp học trò. Tuy mới lên đây hơn hai năm, đợt hè vừa rồi về quê tôi đã thấy lạc lõng giữa đám bạn bè. Người ta nói nhiều đến thao giảng thực tập, nói nhiều đến đổi mới phương pháp, nói đến giáo án điện tử…Trông dáng điệu đầy vẻ tự tin pha chút kiêu hãnh của họ tôi bổng thấy minh như nhỏ bé và lạc lõng. Họ còn bảo trên đó ai kiểm tra thanh tra gì nhỉ. Cứ thế mà dạy, vừa khoẻ, vô lo, lại cao lương…Bọn mình dưới này a, có mà không kịp mở mắt…
Tôi muốn nói với họ rằng các người lên đó mà dạy cho khoẻ, cho được cao lương nhưng lại thôi. Tôi đâu muốn như thế, đâu muốn phải dạy xa nhà, đâu muốn ăn uống sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn đủ bề…Hoàn cảnh gia đình tôi như thế thì phải chịu. Tôi cũng muốn được như mọi người, xe máy mới quần áo đẹp lượn trên đường phố mà đến trường, thỉnh thoảng gọi nhau ngồi quán cà phê giao lưu bạn bè và rôi còn có đối tượng mà lo chuyện chồng con...Người ta hẹn đi nghĩa vụ năm năm xong sẽ được về.
Năm năm nghĩa vụ còn gì tuổi xuân... Mà hết năm năm, nếu có được về xuôi liệu có còn chỗ không. Bao nhiêu cặp chia tay nhau cũng chỉ vì có thế… Chưa đi mà tôi đã nao núng tinh thần. Lên miền núi, đi cắm bản…mới nghe đã thót tim nhưng chưa thể hình dung. Chỉ đến lúc xuống ô tô rồi bắt xe ôm chạy ngược lên trong mây tôi mới phát hoảng và bật khóc. Trường ốc gì tận tít lưng núi vậy…Trời ơi, chẳng lẽ bỏ mà quay về ngay lúc đó?Lên tới nơi, nhìn mấy lớp học vách liếp trống hoác và đám học trò ngơ ngác bập bẹ tiếng phổ thông thì tôi càng nản.
Vừ A Mông chỉ nói được mấy câu rồi chạy biến.. Trong túi ni lon có một xấp tiền và mấy hộp dầu tắm, dầu gội đầu nhãn hiệu Thái Lan…
Tôi trao cái túi chi chị Hạnh. Chị nói:
- AChông là học trò của chị, nó bỏ từ lớp năm…Người ta đang nghi nó buôn “hàng trắng” đấy.
- Chết em rồi, tôi hốt hoảng. Giờ làm sao đây chị ơi. Cái túi này này. Tại sao em lại mang nó về cơ chứ…
- Thì hôm nào tìm nó mà trả lại
Chiều tối hôm sau, cả hôm sau nữa…Mãi đến buổi chiều thứ ba cầm cái túi ra suối chờ tôi mới gặp được Vừ A Chông.
- Thầy giáo chờ tôi à? A Chông kêu lên rồi như vồ lấy tôi. Đôi cánh tay với những ngón gân guốc khỏe mạnh đã kịp tìm đến những nơi nó cần tìm trên thân thể tôi, nhanh mạnh, bạo liệt…
-Thầy giáo yêu tôi chứ? Anh ta nói trong hơi thở dồn dập và hối hả.
- Anh làm gì thế, buông ra. Tôi hét toáng lên.
A Chông giật mình ngơ ngác rồi buông thõng hai tay, mặt tái nhợt và miệng lắp bắp:
- Đừng làm tôi sợ, thầy bảo gì tôi cũng nghe mà…Tôi thích lấy thầy giáo làm vợ lắm mà…
Tôi như chết lặng…Một phút thôi, có lẽ vậy.. Bàng hoàng, sững sờ và run rẩy.
Tôi sợ thật sự. Tôi hoang mang run rẩy, ấy vậy mà như có men say, nó ngọt ngào khiến mỗi lúc nghĩ lại vẫn cảm thấy lâng lâng rạo rực. Cái đụng chạm bạo liệt đầy lạ lẫm đã gây cho tôi sự háo hức thầm kín. Tôi chẳng thể nói ra điều đó với chị Hạnh.
Anh Tùng cũng đã từng ôm tôi, hôn tôi đắm đuổi nhưng cảm xúc chẳng giống như vậy... Đấy, lại có tiếng tắc kè. Tắc kè, tắc kè…
Trả cái túi cho A Chông, tôi nói không nhận đâu…Trong ánh chiều sâm sẫm là cặp mắt con trai ánh lên vẻ đau đớn tuyệt vọng…Thầy giáo đừng làm tôi khổ, tôi yêu thầy giáo mà…Tôi sẽ đợi thầy giáo… A Chông chỉ tay lên lưng chừng dốc. Tôi sẽ đợi thầy giáo ở đó. Ra với tôi nhé…Tôi sẽ đợi..Đêm nào tôi cũng đợi…Nắng mưa gì tôi cũng đến…
Tôi lại kéo chăn trùm kín đầu để xua đuổi, để không phải nghe tiếng gọi khắc khoải của người trai Mông ngoài kia. Ôi, tình cảm gái trai là cái gì vậy. Sao anh ta dám làm những điều như vậy với tôi? Anh Tùng sao mãi chưa về. Tôi nhớ rằng anh hẹn chỉ đi ba hôm… Dạo này anh đi luôn, tình hình biên giới phức tạp. Bọn buôn lậu đang lợi dụng mùa này để tuồn ma tuý vào… Sao không nghĩ đến anh, không mong anh mà lúc này tôi chỉ chăm chăm lắng nghe cho bằng rõ tiếng tắc kè…
Tắc kè, tắc kè...
Tôi trẻ nhất trong đám giáo viên nữ ở đây. Con gái trẻ bao giờ cũng đồng nghĩa với đẹp. Tôi biết mình cũng ưa nhìn. Về trường mới chưa đầy một tuần các anh biên phòng đã tìm đến chơi.
-Trẻ đẹp, lại là cô giáo như mày… ở đây có mà thành… tôm tươi. Đúng vậy, đến tuần thứ hai thì tôi nhận lời yêu anh Tùng.
Chị Hạnh nói với tôi giọng ghen tỵ. Các chị khác cũng nhìn tôi săm soi.
- Hồi mới lên bọn tao cũng như mày, cũng bụng thon ngực nở mông săn. Bây giờ thì… May cho mày đấy, ở thêm ít năm nữa mà không có đàn ông, không chửa đẻ thì mày cũng sẽ biết tay. Rồi cũng sẽ như bọn tao bây giờ,, đứa nào không bèo nhèo bệ sệ thì cũng khô đét tong teo hết cả thôi..Chả ai thèm ngó ngàng đâu, thật chán cho bọn đàn ông. Chị Hạnh nói, chẳng biết có phải để chọc tôi hay không:
- Có khi rồi cũng phải vớ lấy một ông Mông thôi…
- Mông mà họ lấy cho cũng tốt... Chị Xuân cười cười. Chị Xuân lên cùng đợt với chị Hạnh, vẫn chưa có gì...
- Khiếp, các chị nói gì mà… bi lụy thế?
- Không a? Mày nhìn coi. Được đứa nào sạch sạch mắt như mày là họ rước cả rồi,
Trường tôi có hai cô lấy được bộ đội biên phòng, một làm nhà về dưới thị trấn một đã chuyển về xuôi. Những người còn lại đã quá đát. Họ đang ngao ngán than thở… Tôi chạnh lòng thương bạn... Đời tôi thế mà gặp may. Anh Tùng của tôi là một người tốt...
Thêm hai đêm nữa tôi phải thao thức trằn trọc và dùng dằng trong tiếng tróc lưỡi giả tắc kè trên lưng núi thì anh Tùng đến. Từ lớp học trở về tôi đã thấy anh mở cửa vào nhà ngồi từ lúc nào.
- Anh về bao giờ thế?
- Tôi cũng mới về…Lạnh lùng, xa lạ…
Không hiểu sao tôi không bất ngờ trước thái độ và lời nói như thế của anh.
-Anh uống nước… tôi đặt xuống trước mặt anh một ca nước nguội.
Anh Tùng ngước nhìn tôi bằng ánh mắt đẫy vẻ hờn ghen trách móc và thù hận. Chưa bao giờ tôi chạm phải một ánh mắt như thế. Trong tia sáng dữ dội kia chứa đựng một sự tàn nhẫn đến lạnh lùng khiến tôi ớn lạnh. Tôi phải lùi lại góc phòng rồi tựa luôn lưng vào vách ván.
- Tôi không khát…Nói xong anh hầm hầm bỏ ra về. Tôi trùm chăn khóc. Chị Hạnh mở cửa bước sang:
- Tao biết rồi, anh Tùng ghen mày đấy mà...
- Em làm gì đâu..Nằm trong chăn tôi nói vọng ra, vừa nói vừa khóc.
- Thế mới là yêu.
- Thôi, chị về phòng đi, để em một mình.
Chị Hạnh về một lúc thì anh Tùng lại đến. Lúc này trời đã tối và tôi vẫn chưa dậy. Vừa xô cửa bước vào anh đã nói bằng một giọng rin rít như tiếng nghiến răng:
- Cô yêu thằng khác rồi phải không?
Tôi vẫn nằm im trong chăn. Điều anh gây ra từ lúc nửa chiều vẫn đang làm tôi đau đớn và tê liệt.
-Tôi nói không sai, đúng không? Người ta nói im lặng là công nhận…
Tôi tung chăn bật dậy:
- Anh bảo sao, công nhận cái gì…Tôi nói như quát lên bằng một giọng như không phải của mình.
- Nó đang là đối tượng của tôi đấy, cô hiểu không?
- Anh bảo ai?
- Cô lại còn vờ vịt nữa.
- Anh muốn nói đó là…
- Thằng Vừ A Chông… Nghe rõ chưa… Một tiếng cười lạnh lẽo và mỉa mai thốc vào mặt tôi.
- Cô đã nhận của nó những gì?
Bầu không khí căng thẳng bao trùm cả mấy gian nhà kí túc. Nghe anh to tiếng cả mấy gian nhà im bặt. Và tôi cũng muốn lúc này đừng ai có mặt, đừng ai nghe thấy. Hãy để riêng mình tôi với anh. Hãy để tôi chịu đau một mình.
-Thế anh có định bắt người ta không? Giọng nói của tôi lại thêm một lần lạ hẳn.
- Cô lo cho nó rồi à? Vậy chắc cô đã cho nó…
- Anh im đi…Tôi giận run người và đột ngột cứng cỏi. Anh không có quyền…Anh biết không…Tôi định nói rằng đưa một người vào vòng tù tội thì dể, muốn người ta tốt lên mới khó nhưng không sao thốt ra được thành lời. Cả vùng này người ta tiếp xúc với cái thứ đó như cơm ăn nước uống, đời sống lại khó khăn, các anh có bắt được cả bản không??
- A…Anh ta đứng bật dậy. Cô giỏi lắm. Cô giáo có khác…
Hình như cơn giận bột phát quá mạnh khiến anh ta không kịp kiềm chế. Cũng như lúc nửa chiều Tùng lại hầm hầm bước nhanh ra ngoài, ném lại một câu giận dữ, tôi thật không ngờ…
Anh ta ra khỏi nhà một hồi lâu thì tôi mới bừng tỉnh. Rét, rét quá, buổi tối nay tôi chưa ăn gì. Gió đang rít lên như ngựa lồng sau vách ván. Từng luồng gió hun hút thổi qua cánh cửa mở rộng thốc vào phòng khiến tôi run lên cầm cập. Tôi bật khóc và không sao ghìm lại được. Nỗi tức tưởi theo từng tiếng khóc bùng ra mỗi lúc một to hơn. Sao lại như thế được? Làm sao lại như thế? Mới hôm trước anh ấy còn dẫn tôi về đồn giới thiệu với mọi người khiến tôi vừa sung sướng vừa ngượng ngùng. Anh còn vẽ lên một viễn cảnh huy hoàng ấm áp trước mặt tôi. Một ngôi nhà nhỏ ven đường. Một cặp vợ chồng trẻ với đứa con trai đầu lòng bụ bẫm nữa…. Tôi đã làm gì? Tôi có tội gì ngoài việc nghĩ rằng sẽ khuyên AChông đừng đi buôn thứ đó nữa. Tôi tin rằng Achông sẽ nghe tôi như lời anh ta nói. Rồi tôi sẽ bảo anh Tùng xin cho AChông đi biên phòng. Người như AChông làm bộ đội biên phòng ở đây sẽ làm được nhiều việc. Vậy là tôi không kịp nói với anh Tùng điều đó. Không kịp nữa…
Buổi sáng tôi lên lớp với đôi mắt sưng húp. Cả lớp, nhất là con bé Mùa cứ trân trân nhìn cô giáo. Con bé mặc chiếc váy chàm mới do tôi mua cho tuần trước, ánh mắt nó cũng ngân ngấn nước. Bố nó là Sùng Chẻo Sua cũng bị đi tù vì dính đến hàng trắng. Nghe đâu anh ta bị bọn xấu thuê. Hình như bé Mùa cũng hiểu được câu chuyện của tôi….Mãi đến tiết thứ tư, tiết tập viết tôi mới nguôi nguôi bước xuống đứng cạnh nó. Con bé ngước lên nhìn nhoẻn miệng cười làm tôi lại muốn khóc.
Bẵng đi mấy hôm, đêm nay mới tối một lúc bổng có tiếng kèn lá ngoài đường cái. Tiếng kèn lá của người Mông nghe như là tiếng rủ rỉ thầm thì trong gió trong sương. Người ta nói tiếng kèn lá là tiếng lòng của những Mông đang yêu. Chỉ những người yêu nhau mới hiểu, mới nghe ra những điều gửi gắm qua âm thanh được phát ra từ chiếc lá rừng đơn sơ… Tiếng kèn lá lúc này nghe sao khắc khoải buồn và đau đớn đến vậy. Lúc này tôi bổng nhận ra nỗi buồn da diết và đầy vẻ giận hờn trách móc trong những tiếng tí tẹ ngoài kia. Hoá ra cái giai điệu lạ lẫm lúc ban đầu nhưng âm hưởng của nó lại lay thức tận đáy sâu của con tim với những ai có buộc ràng vương vấn. Nhưng tôi đâu đã yêu A Chông. Sự dữ dội của người con trai chỉ mới làm tôi ngỡ ngàng đôi chút thôi. Tôi bổng cảm thấy thương A Chông vô cùng. Tôi chỉ thương thôi. Chẳng phải ai cũng có được một tâm hồn mộc mạc và chân thành đến vậy.
Ông hiệu trưởng già thấy tôi buồn phiền liền động viên bằng một vẻ chân thành nhưng quá đỗi thật thà:
- Cô yên tâm, giận hờn ít bữa rồi lại đến ngay ấy mà. Bỏ qua đi, tôi không muốn trường mình có thêm một người ế ẩm…
- Cảm ơn thầy. Thầy thật tốt, nhưng…
Tôi định nói thêm với ông rằng bát nước đã đổ đi thì làm sao lấy lại, nhưng thôi. Nói nữa rồi tôi lại khóc mất.
Cuối mùa Xuân 2009
Nguyễn Ngọc Lợi
 Theo http://voque.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...