Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Tuổi thơ Hiếu Hạnh

Tuổi thơ Hiếu Hạnh
Chiều chủ nhật 6- 4- 2014. Hoa gạo đỏ đầu thôn, mời gọi chúng tôi về chùa Quan Âm- làng Xuân Canh- Đông Anh- Hà Nội, dự lễ kỷ niệm 5 năm Câu Lạc bộ Hiếu Hạnh do sư thầy Thích Minh Đăng, trụ trì chùa, sáng lập.
Bạn Thúy Nga, trẻ hơn chúng tôi dăm, bảy tuổi “tay lái lụa” tâm hồn đầy chất thơ. Ô- tô vượt sông Hồng, sang đê sông Đuống. Một bên là cánh đồng, thôn làng êm ả màu xanh ngọc của lúa đang thì con gái, được tắm nước mưa. Một bên là dòng sông Đuống. Sóng gợn nghiêng chiều.
    Gần đến chùa Quan Âm, bỗng Thúy Nga dừng xe trên đê, cho chúng tôi xuống ngắm cụ Gạo khổng lồ, sững sững tung ngàn hoa đỏ, tưng bừng giữa ngã ba sông. Nơi sông Hồng chia dòng nước mẹ, thành sông Đuống. Đứng một mình vươn Trời cao, ôm Đất rộng, cụ Gạo thân gốc xù xì, tỏa nghìn cánh tay, cành lá, cánh hoa đỏ rực, lộng lẫy mây trời, chào mùa Hạ.
    Cụ bảo chúng tôi nhìn Trời Đất, sông, nước, đồng ruộng bao la, nghĩ về đồng bào một bọc mà hát.
Hát rằng:
Cỏ Cây Linh Diệu
    Cụ Gạo sừng sững ngã ba sông/ Rễ bám đất, trông đồng, non nước/ Vô lượng mắt tay, vươn Trời cao/
Hoa lửa năm cánh trao màu đỏ/ Tiếp máu đào, thơm lúa, ngô, khoai/ Mỗi lá xanh, một linh hồn ngụ/ Đêm sâu hòa tiếng mẹ ru con/ Đất Nước tôi, cỏ cây linh diệu/ Bao nông dân mộ Đạo hiền lành/ Bọt bể bồ hòn đẫm trầm luân/
Người- Hoa- Vạn vật chuyển hóa sinh/ Mầm sống vĩnh hằng Văn minh Việt/ Tổ Tiên thiêng! Bọc Tình Đất Nước/ Giặc trong/ ngoài Nhân quả đếm đong/ Chuông thu không vang vọng đầu sông/ Linh hồn trôi, tan sầu cửu kiếp/ Quán Thế Âm giải thoát cô hồn/ Hương sen bát ngát độ thôn trang/ Ác tham không dính bẩn nhụy vàng/ Đời người mỏng hẹp chớp ngang bay”.
Năng lượng cụ Gạo hút hồn chúng tôi bay bổng.
Thúy Nga say sưa chụp ảnh cụ Gạo dáng kiêu hùng ba bề, bốn bên, giữa mây trời, sông nước.
Nhà báo Khúc Nga lặng lẽ đứng trên đê đọc Chú Đại Bi, cầu các vong hồn siêu thăng.
    Tôi men lối nhỏ xuống chân đê, chiêm ngưỡng gốc cụ Gạo, mố cục xù xì, hóa đá như cụ Gạo Hồ Gươm, nghìn mắt linh thiêng.
Thần cây đa, Ma cây Gạo
    Nhặt bông hoa Gạo to bằng bàn tay, đỏ tươi, vừa rụng trên nền cỏ xanh biêng biếc triền sông. Hòa tình yêu cỏ cây, hoa lá, bên bờ sông Đuống, tôi thầm thì đọc thơ Hoàng Cầm:
”Em ơi! Buồn làm chi. Anh đưa em về Bên kia sông Đuống. Sông Đuống trôi đi. Một dòng lấp lánh”.
    Bên gốc cụ Gạo, một cặp vợ chồng đang xây viền nền đất, bao quanh cây hương thờ bằng đá xanh. Tôi khấn vái cô hồn, niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát trước cây hương và trò chuyện với đôi vợ chồng dân quê mộ Đạo, hiền lành.
    Chị Nguyễn Thị Thanh, cùng chồng là Đào Hữu Minh, thợ nề thôn Xuân Trạch, ra đây làm công đức theo lời sư thầy Thích Thanh Hải trụ trì chùa Xuân Trạch, bên trong khúc đê này. Anh chị có ba cháu ngoại, gia cảnh an vui, luôn công đức việc chùa. Chị bảo cây Gạo cổ thụ thiêng lắm. Tôi tò mò hỏi: - Thiêng như thế nào?
Anh bảo: - Đây là ngã ba sông. Những người chết đuối thường trôi về gốc cây Gạo này, dạt vào bờ. Cây Gạo của làng quê Việt Nam là nơi trú ngụ của cô hồn. Xa xưa, dân làng xây miếu thờ ở đây. Miếu đổ nát, chúng tôi muốn xây lại, không được phép. Sư thầy cùng dân xây cây hương thờ.
    Thấy chúng tôi nhặt hoa Gạo chụp ảnh, trên đê, một chiếc ô- tô cũng dừng lại. Mấy mẹ con, bà cháu, cô lớn, cậu nhỏ xíu, cùng xuống chân đê, tíu tít ngắm cây, hoa, cỏ, lẫn phân trâu bò. Một bé gái nhặt hoa Gạo muốn mang về phố. Thúy Nga bảo: - Không nên mang hoa Gạo về nhà, âm hồn đi theo.
Bé thơ yêu! Đấy là bài học trực quan về tình quê hương, đất, nước, thôn, làng, cỏ, cây, hoa lá, linh hồn, thiêng liêng. Thú vị, bổ ích hơn những trò chơi vi- tính rất nhiều.
Câu lạc bộ Hiếu Hạnh 
    Chùa Quan Âm từ khi nhà sư trẻ Thích Minh Đăng về trụ trì dăm năm nay, trở nên ngôi chùa làng ấm áp của chúng tôi. Tôi không quên. Một chiều cuối năm 2009. Nhà văn Vân Hạc dẫn tôi về chùa viết bài kêu cứu (vanhac.org) cũ nát, sắp sập. Tôi mê những pho tượng cổ. Hồi đó, tôi chưa biết Tòa Cửu Long thờ chín dòng họ Bách Việt đầu tiên, bà sư trọc đầu mặc váy đứng giữa là Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát- Mẹ Phật và Tổ Tiên của chúng ta... Hôm ấy thầy Thích Minh Đăng chỉ dẫn hệ thống tượng cổ quý hiếm của chùa và nhanh chóng giúp tôi rời Tam bảo, sợ cột gỗ mục đổ bất kỳ.
    Thầy Thích Minh Đăng được mời trụ trì chùa Quan Âm như tiền định. Thầy mảnh mai sắc nâu sồng, đôi mắt thẳm buồn như công chúa con vua Lý, vừa lo dựng cột chống chèo mưa lũ đổ chùa, vừa lo truyền dạy Phật Pháp cho dân.
    Đặc biệt sư trẻ chú ý đến việc dạy bé thơ học Đạo, nên người, mà các chùa làng quanh vùng chưa để ý làm việc này. Trái tim từ bi, mến người, yêu trẻ, sư thầy cảm hóa mươi em đầu tiên trong làng ra chùa dạy hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, thương mến anh chị em ruột, bạn bè, kinh thầy cô giáo, lễ độ chắp tay cung kính niệm Phật, nghe thầy thỉnh chuông, tụng Nam Mô A Di Đà Phật dịu dàng. Thầy lập Câu lạc bộ Hiếu Hạnh cho bé thơ vui Đạo. Dạy các em cùng Phật tử của làng những khóa lễ, tu nhẹ nhàng, thanh thoát, tự tổ chức những Đại lễ Phật đản, kết đèn hoa, thắp nến ao làng, trồng rau quả sạch vườn nhà, nấu cơm chay đãi khách đường xa...
    Câu lạc bộ ngày càng thu hút sự tham gia của các em và những nhà sư, nhà giáo, văn nghệ sĩ, trí thức tham dự và cung hiến trí tuệ, tinh thần, vật chất, nhỏ bé của mỗi người. Có nhà cả mấy anh chị em cùng tham dự. Nhà chị Nguyễn Thị Ngà ba con gái, một trai đều vào CLB, cháu lớn học đại học vẫn dành ngày chủ nhật tu học cùng các bạn bé. Nhà ông Nguyễn Đức Quý, bảy cháu nội, ngoại cùng vào chùa tu học... Ngôi chùa Quan Âm làng Việt cổ giờ đây thực sự là ngôi nhà chung của dân làng. Ngôi chùa là trường học dạy Đạo Làm Người. May phúc, cho những ai sớm được dạy Đạo.
    Tiếng lành vang xa. Phật tử khắp nơi mến mộ, về chùa Quan Âm cùng thầy vui Đạo và lo Phật sự. Bọn trẻ trong làng trở nên ngoan, học giỏi, kính già, yêu bạn, yêu mái chùa thiêng, vang tiếng hát, tiếng thơ ca ngợi tình cha, nghĩa mẹ, tiếng niệm Phật an lành... làm cho người lớn hoan hỷ, nhất tâm cùng thầy xây dựng lại chùa Quan Âm.
Pho tượng Quan Âm uy linh
    Năm năm qua (2009- 2014). Câu lạc bộ Hiếu Hạnh trưởng thành, lan tỏa màu áo đồng phục Hoa Sen Đỏ, in dòng chữ Nói Lời Từ Bi- Sống Đời Hỷ Xả. Những gương mặt trẻ thơ Thánh Thiện, thắp lửa ba ngôi làng ngã ba sông Hồng, sông Đuống. Sinh nhật Câu lạc bộ Hiếu Hạnh tròn năm tuổi, cũng là lúc ngôi chùa Quan Âm được tôn tạo, đàng hoàng, to đẹp, uy linh.
    Trước sân chùa. Cây Bồ đề bén rễ. Một pho tượng Quan Âm tọa Thiền trên trụ tòa sen khổng lồ, uy linh, hoành tráng. Tượng cao, to, nặng 30 tấn bằng đá trắng tạc từ Đà Nẵng chở ra. Gương mặt Quan Âm tròn trong sáng, xinh tươi thiếu nữ, Thiền định, nội lực thâm sâu, trị tà ma, cứu khổ, cứu nạn, trấn yểm một vùng trời đất, sông nước Thăng Long- Hà Nội- Kinh đô cổ Phong Châu (Thanh Oai- Hà Nội). Mặt trước tượng Quan Âm khắc Chú Đại Bi. Mặt sau khắc Kinh Bát Nhã. Tượng Quan Âm Thiền định trong tư thế kiết già, ngự trên một trụ sóng Sen. Ao Sen, Biển Sen. Mây Sen. Trời Sen. Cây Sen được tạc đủ cành, hoa, búp, lá già, lá non, đài Sen, gương Sen, rễ Sen và bùn ao, sóng nước, mây trời.
    Kinh Diệu- Pháp Liên- Hoa hay Kinh Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát dạy:
    ”Nhờ sức niệm Quán Âm/ Hầm lửa biến thành ao/ Quán Âm sức trí diệu/ Hay cứu đời thoát khổ/ Nhờ sức niệm Quán Âm/ Oán thù tiêu tan hết/ Thường nguyện thường chiêm ngưỡng/ Sáng thanh tịnh không nhơ/ Tuệ nhật phá tăm tối...”
    Tôi khám phá ngôi Tam bảo mới xây lại, được nâng thành mười lăm bậc, cao, mát. Phật đường rộng, thoáng. Hai pho tượng đất cổ, ông Thiện và Ông Ác sáng ánh đất nâu, tạc màu thời gian. Trên ban tượng Phật chính điện, tòa Cửu Long cổ kính bằng đồng, tượng sư bà đầu trọc, mặc váy đứng giữa, dâng linh khí Tổ Tiên, trước những pho tượng Phật. Một pho tượng ngọc thạch Quán Thế Âm Bồ Tát thanh mảnh, cao gần một mét, một tay bắt quyết, tay cầm bình nước Cam lồ cứu độ chúng sinh, đặt linh nghiêm trước bàn tụng kinh của sư thầy.
    Lễ Phật xong, chúng tôi xuống gian thờ Mẫu. Tuy chưa được tôn tạo, nhưng vẹn nguyên linh khí thần Mẫu Phật Việt. Ban thờ Mẫu Đệ nhất, Tam Tòa Thánh Mẫu, ban thờ Đức Chúa Bà, ban Trần triều, ban thờ tượng Phật Mẫu Chuẩn đề... với những pho tượng Tổ Tiên cổ xưa, bộ khí thờ Việt cổ, tượng người Việt cổ bằng đá, đôi nghê đá, bức của võng ba tầng... tất cả được thầy Thích Minh Đăng bảo tồn, cất giữ.
    Đến chùa Quan Âm mới xây lại, chúng tôi vẫn cảm nhận được năng lượng Mẫu Phật Việt diệu linh. Chị Khúc Nga cầu nguyện: ”Xin Mẫu giáng bút cho chúng con”.
    Nhà Tổ được xây mới khang trang. Phòng tiếp khách đàng hoàng. Thanh tịnh.
Vườn chùa vẫn còn đây. Cây bưởi, nhãn, mít, vối, chanh, cây cau, bụi chuối... Hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa mộc, hoa ngâu... Cây thuốc, chậu cảnh, vạt rau lang, rau muống... Chị Khúc Nga tặng giò phong lan quý của mình trên cành nhãn cổ thụ và trồng hai chậu cây Thảo linh chi lấy từ vườn thuốc Bảo Long giúp sư thầy chữa đau dạ dày. Mỗi lần đau, thầy chỉ việc hái mấy cái lá trong chậu nhai là khỏ
Vui cùng trẻ thơ Hiếu Hạnh
    Nhà báo Khúc Nga TBT báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Các báo đoàn thể Hà Nội tự bán báo nuôi mình. Toan lo nghèo khó. Áp lực tứ bề. Nghỉ hưu. Hai đứa chúng tôi chẳng ai bảo ai. Đều vào chùa. Ăn chay. Niệm Phật. Tu giải thoát. Khúc Nga mê chùa hơn tôi. Vợ chồng con, cháu kéo nhau vào chùa. Khúc Nga là Phật tử quý của thầy Thích Thọ Lạc và rất nhiều chùa, nhiều nhà sư thân thiện. Mỗi lần đến chùa, Khúc Nga cầm chổi quét khắp sân chùa, đường đi lối lại. Dọn bếp. Nấu cơm chay. Tưới cây hoa. Lo việc chùa như việc nhà. Thầy Thọ Lạc luôn hoan hỷ: ”Chị Khúc Nga hồi xưa là TBT báo tung hoành sông núi, mà nay, hỷ xả quét chùa”.
    Hôm nay, vui chung cùng trẻ thơ Hiếu Hạnh chùa Quan Âm, chúng tôi như trẻ lại. Sân chùa vang tiếng hát ngây thơ. Những gương mặt chúm chím búp Sen. Bạn trai, gái rộn ràng hoan ca. Tâm hồn tuổi thơ sớm khắc ghi tám chữ vàng Đức Phật trao Nói Lời Từ Bi- Sống Đời Hỷ Xả. Điều giản dị ấy, đi cả cuộc đời chưa đạt được. Mừng bé thơ ngộ Đạo Phật sớm hơn thế hệ cha ông, mẹ bà như chúng tôi. Càng biết Đạo sớm, các em càng khôn ngoan, thực hành lối sống Từ Bi- Hiếu Hạnh- Yêu Thương- Khiêm nhường- An Bình- Dâng hiến. Tâm hồn bay cao. Thánh Thiện hướng về Chân Thiện Mỹ.
    Năm năm qua, Câu lạc bộ Hiếu Hạnh đã rèn tâm, luyện trí, Đạo Sáng Đời cho hàng trăm em tuổi Thiên Thần. Lớp này lớn lên, lớp khác lại vào. Các anh chị lớn, nay có việc làm, có chồng, vợ, sống thẳng ngay, tử tế, vẫn thi thoảng về chùa vui cùng các em, thực hành Phật Pháp.
    Lễ sinh nhật CLB năm tuổi, đầm ấm, thân thương. Hiện đại và cổ xưa. Phật Pháp và Văn minh. Các em lớn, bé không đồng tuổi, mà tự tin, tự trọng, đồng lòng, nhất tâm kính lễ. Biểu diễn đàn YaMaHa. Hát tiếng Anh. Dâng hoa lễ Phật. Niệm Nam Mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chắp tay cung kính Phật. Gương mặt hồng sáng tươi, linh lợi, mềm mại, thanh tao. Thắp nến truyền Phật Pháp. Cắt bánh mừng sinh Nhật. Nấu cơm chay. Ăn chay. Tiếp khách quý...
    Đại đức Thích Minh Thuần, Thích Minh Chân từ Hà Nội sang chứng minh cuộc vui. Trao giải thưởng. Đại đức Thích Minh Thuần hát bài ca Tôn Ngộ Không bằng tiếng Trung, giọng ấm, trong trẻo, mềm mại, âm vang, dào dạt mây trời, sông nước, núi rừng, biển đảo Việt Nam, cuốn hút tất cả mọi người vào cuộc Đi Tìm Đạo dù phải chống chọi, vượt lên 81 cái nạn.
    Đạo Sáng Đời. Đạo là hơi thở của sự Sống & sự Chết của mỗi con người sinh ra trên trái đất này.
    Đêm đầu tháng. Trăng non dịu dàng, thanh tịnh, chênh treo ngã ba sông Hồng, sông Đuống, đón mừng Phật Đản. Chúng tôi về Hà Nội, mang theo tâm nguyện của Câu lạc bộ Hiếu Hạnh Nói Lời Từ Bi- Sống Đời Hỷ Xả.
Thăng Long- Hà Nội Mùa Phật Đản 2558.
    Mai Thục 
Theo  http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xóm Chợ Ngày Giáp Tết Trời se lạnh, nắng như mỏng hơn, màu trong suốt. Khoảng thời gian giao mùa cuối Đông và đầu Xuân thật dễ chịu. C...